Viêm thanh quản được chia thành 2 dạng: cấp tính và mạn tính. Viêm thanh quản cấp tính diễn ra trong thời gian ngắn, thường do nhiễm trùng đường hô hấp, gây khàn tiếng và đau họng. Viêm thanh quản mạn tính kéo dài hơn, gây khàn giọng và thay đổi giọng nói. Vậy viêm thanh quản mạn tính là gì? Nguyên nhân và triệu chứng ra sao? Chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Viêm thanh quản mạn tính là gì?
Viêm thanh quản mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản kéo dài trên 3 tháng. Quá trình viêm có thể dẫn đến loạn sản (sự phát triển bất thường của các tế bào trong các mô hoặc cơ quan), quá sản hoặc teo niêm mạc thanh quản.

Ai có nguy cơ bị viêm thanh quản mạn tính?
Viêm thanh quản mạn tính ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và giới tính nhưng phổ biến hơn ở nam giới độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, ngày càng nhiều phụ nữ làm việc trong môi trường công nghiệp và/hoặc hút thuốc lá, do đó nguy cơ bị viêm thanh quản mạn tính ở phụ nữ ngày càng tăng.
Nguyên nhân viêm thanh quản mạn tính
Một số nguyên nhân phổ biến gây viêm thanh quản mạn tính như:
1. Sử dụng giọng nói quá mức
Nhiều người sử dụng giọng nói để làm việc như: giáo viên, nhân viên tổng đài, ca sĩ và luật sư, có nguy cơ lạm dụng dây thanh quản và bị viêm thanh quản. Sử dụng giọng nói quá mức kéo dài dẫn đến hình thành các nốt sần và khối u. Từ đó gây khàn giọng hoặc mất giọng.
2. Rượu, hút thuốc, ô nhiễm không khí và dị ứng
Đồ uống có cồn không chỉ chứa ethanol mà còn nhiều hợp chất khác gây kích ứng cổ họng. Khói từ thuốc lá, vật liệu đốt, cháy rừng, sản xuất công nghiệp, hóa chất và động cơ; ô nhiễm không khí cũng gây kích ứng thanh quản và dẫn đến viêm.
3. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
GERD là nguyên nhân phổ biến gây viêm thanh quản mạn tính. Axit dạ dày trào lên thực quản gây kích ứng cũng như tạo cảm giác nóng rát ở cổ họng và ngực. Từ đó gây khàn giọng và đau họng (viêm họng). Nếu lo lắng về tình trạng trào ngược dạ dày thực quản của bản thân, người bệnh nên đến Trung tâm Tai Mũi Họng và khoa Nội Tiêu Hoá để được khám và điều trị sớm. (1)
4. Vi khuẩn, virus và nấm gây viêm thanh quản mạn tính
Viêm thanh quản mạn tính do vi khuẩn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong nhóm này, bao gồm:
- Tụ cầu vàng kháng methicillin (Methicillin-Resistant Staphylococcus aureus – MRSA)
Bệnh do vi khuẩn tụ cầu vàng gây ra, xâm nhập sâu vào cơ thể, làm người bệnh bị nhiễm trùng xương khớp, nhiễm trùng máu, phổi hay van tim.
- Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa)
Nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau như: nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, viêm tai giữa, viêm màng não, viêm màng trong tim…
- Vi khuẩn Serratia marcescens
Loại vi khuẩn này gây các bệnh khác như: viêm phổi; nhiễm trùng đường hô hấp dưới, đường tiết niệu, máu…

Viêm thanh quản mạn tính do MRSA và trực khuẩn mủ xanh được xác định qua khám lâm sàng và dùng kháng sinh điều trị. Bên cạnh đó, một số bệnh do nhiễm khuẩn, như giang mai, cũng gây viêm thanh quản mạn tính.
Mặc dù nhiễm nấm có thể gây viêm thanh quản mạn tính nhưng ít gặp ở những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tuy nhiên, những người bị ảnh hưởng bởi thuốc ức chế miễn dịch hoặc có tình trạng sức khỏe kém, hệ thống miễn dịch suy yếu dễ bị viêm thanh quản mạn tính do nhiễm nấm.
5. Bệnh tự miễn
Một số rối loạn tự miễn dịch cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm thanh quản mạn tính, bao gồm:
- Bệnh u hạt Wegener hay u hạt viêm đa khớp, một rối loạn hiếm gặp, xảy ra khi các mạch máu ở mũi, cổ họng, phổi, xoang và thận bị viêm.
- Bệnh amyloidosis hay bệnh thận bột là bệnh hiếm gặp, xảy ra khi một loại protein như amyloid tích tụ trong thận.
- Viêm đa sụn tái phát: bệnh hiếm gặp, gây viêm, diễn biến từng đợt và phá hủy sụn ban đầu ở tai, mũi nhưng cũng ảnh hưởng đến mắt, van tim, thận, cây khí phế quản, khớp, da và mạch máu.
- Lupus ban đỏ hệ thống: bệnh mạn tính kéo dài, biểu hiện ở bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể. Đa phần người bệnh cảm thấy mệt mỏi và xuất hiện vết hồng ban hình cánh bướm, sưng khớp, đau và sốt.
- Viêm khớp dạng thấp: bệnh do tổn thương xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp, phổ biến ở nữ giới độ tuổi trung niên, gây viêm bao hoạt dịch, khiến cho các khớp trở nên nóng, sưng, đỏ và đau. Người bệnh có nguy cơ tàn phế và tổn thương nhiều cơ quan khác như: mắt, phổi, da, tim, mạch máu…
Triệu chứng viêm thanh quản mạn tính
Triệu chứng chính của viêm thanh quản mãn tính là khàn giọng, xảy ra do dây thanh quản bị viêm trong cổ họng. Khi dây thanh quản bị viêm, âm thanh phát ra bị biến dạng, dẫn đến khàn giọng.
Các triệu chứng điển hình của viêm thanh quản mãn tính bao gồm:
- Giọng nói trầm và khàn.
- Giọng nói mệt mỏi.
- Cảm giác có cục u trong cổ họng hoặc cổ họng bị khô.
- Liên tục muốn hắng giọng.
- Chất nhầy trong cổ họng.
- Ho mạn tính hoặc chảy nước mũi.
- Khó chịu khi nuốt.

Chẩn đoán viêm thanh quản mạn tính
Chẩn đoán viêm thanh quản mạn tính bằng các bước sau: (2)
1. Khám lâm sàng
Sau khi xem xét các triệu chứng, bác sĩ sẽ hỏi một số thông tin về lối sống của người bệnh, bao gồm:
- Có hút thuốc không?
- Có uống rượu không và uống bao nhiêu?
- Tính chất công việc có đòi hỏi phải nói lớn hay nói liên tục không?
- Có thường xuyên tiếp xúc với hóa chất hay bụi bẩn trong công việc không?
- Đã từng phẫu thuật hoặc chấn thương cổ họng chưa?
Bên cạnh đó, người bệnh nên nói với bác sĩ các loại thuốc kê đơn và không kê đơn vì nhiều loại thuốc có tác dụng phụ giống triệu chứng của viêm thanh quản mạn tính.
Ví dụ, khàn giọng do cổ họng khô quá mức là tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng histamine, thuốc giảm ho, thuốc lợi tiểu, thuốc tâm thần, thuốc thông mũi, thuốc điều trị huyết áp cao (tăng huyết áp).
Chẩn đoán viêm thanh quản dai dẳng thường được thực hiện bằng cách đánh giá các triệu chứng và kiểm tra cổ họng. Khi người bệnh có triệu chứng khó thở, khó nuốt hoặc đau tai, bác sĩ sẽ kiểm tra cổ họng của người bệnh bằng ống soi thanh quản. Có 2 loại nội soi thanh quản:
- Nội soi thanh quản gián tiếp.
- Nội soi thanh quản trực tiếp.

Khi nội soi thanh quản gián tiếp, bác sĩ dùng đèn và gương để quan sát phía sau họng và khí quản. Thủ tục này không gây đau, bác sĩ có thể gây tê cổ họng bằng cách sử dụng thuốc xịt gây tê. Nội soi thanh quản gián tiếp thường được chỉ định trong các trường hợp bệnh đơn giản, được chẩn đoán nhanh bằng mắt thường.
Nội soi thanh quản trực tiếp được thực hiện bằng cách đẩy lưỡi xuống và nâng nắp thanh quản lên, thường kéo dài khoảng 45 phút và gây mê toàn thân. Nội soi thanh quản trực tiếp được áp dụng khi bác sĩ cần lấy mẫu mô hoặc loại bỏ khối u nhỏ.
2. Chẩn đoán xác định
- Khàn tiếng trên 3 tuần, ho khan.
- Niêm mạc họng thanh quản tiết nhầy.
- Dây thanh dày mất bóng đôi khi có bờ răng cưa, sung huyết, mạch máu nổi, có thể có hạt xơ…
3. Chẩn đoán phân biệt
Để loại trừ các tình trạng nghiêm trọng hơn, ví dụ như ung thư thanh quản, bác sĩ thường chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng hoặc chẩn đoán hình ảnh như:
- Sinh thiết, bao gồm lấy 1 mẫu mô nhỏ ở cổ họng trong quá trình nội soi thanh quản và được giải phẫu bệnh trong phòng thí nghiệm.
- Chụp X-quang, CT hoặc MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong cổ họng.
- Xét nghiệm máu giúp kiểm tra các dấu hiệu của các tình trạng khác.

Bệnh cạnh đó, cần phân biệt viêm thanh quản mạn tính với tình trạng liệt thần kinh hồi quy. Tình trạng này thường xuất hiện đột ngột hoặc chậm rãi, gây sặc chất lỏng vào phổi. Mức độ khàn tiếng nặng và mất tiếng.
Biến chứng của viêm thanh quản mạn tính
Viêm thanh quản mạn tính kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng khác nhau nếu không được điều trị hoặc chăm sóc không đúng cách. Những biến chứng này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể của người bệnh, bao gồm:
1. Thay đổi giọng nói
- Khàn tiếng dai dẳng.
- Giọng nói yếu hoặc mất giọng.
- Khó nói chuyện trong thời gian dài.
2. Vấn đề về đường thở
- Thở khò khè.
- Khó thở trong trường hợp nặng do hẹp đường thở.
3. Ho mạn tính làm gián đoạn hoạt động thường ngày cũng như giấc ngủ.
4. Đau họng và khó chịu
- Cổ họng rát và đau nhức liên tục.
- Cảm giác có khối u trong cổ họng.
5. Ảnh hưởng dây thanh
- Các nốt, polyp hoặc u nang trên dây thanh quản.
- Sẹo (xơ hóa dây thanh quản) có thể dẫn đến thay đổi giọng nói vĩnh viễn.
6. Ung thư thanh quản
Viêm thanh quản mạn tính tuy hiếm gặp nhưng kéo dài, đặc biệt ở người hút thuốc hoặc có tiền sử nghiện rượu nặng, làm tăng nguy cơ tiến triển thành ung thư thanh quản.

7. Biến chứng hô hấp khác
Viêm xoang, viêm phế quản tái phát hoặc mạn tính, do kích ứng thanh quản liên tục có thể ảnh hưởng đến toàn bộ đường hô hấp.
Kiểm soát viêm thanh quản mạn tính bằng cách điều trị các nguyên nhân cơ bản, bao gồm: cai thuốc lá, điều trị trào ngược, chế độ nghỉ ngơi hợp lý, bù nước, can thiệp phẫu thuật khi tổn thương dây thanh quản. Điều quan trọng là người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Trung tâm Tai – Mũi – Họng để có hướng điều trị và phòng ngừa hợp lý.
Điều trị viêm thanh quản mạn tính
Điều trị viêm thanh quản mạn tính phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu tình trạng viêm do nhiễm vi khuẩn, thuốc kháng sinh thường được sử dụng. Nếu người bệnh bị viêm thanh quản mạn tính do trào ngược dạ dày thực quản, bác sĩ thường khuyến nghị người bệnh thực hiện theo những cách sau:
- Tránh ăn đồ béo, cay nóng và có hàm lượng axit cao (cà phê, nước cam, nước ép cà chua hoặc nước sốt). Nhất là thời điểm trước khi đi ngủ.
- Đợi 2-3 giờ sau khi ăn rồi mới nằm xuống.
- Nâng đầu giường lên 6 inch để nâng thanh quản lên trên mức dạ dày khi nằm xuống, ngăn trào ngược dạ dày thực quản.
- Sử dụng thuốc kháng axit theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu những cách này không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giảm sản xuất axit dạ dày.
Phòng ngừa viêm thanh quản mạn tính
Ngoài việc điều trị các nguyên nhân gây viêm thanh quản mạn tính bằng các thuốc và các phương pháp khác, việc nghỉ ngơi và làm dịu cổ họng để thanh quản hồi phục cũng đóng vai trò quan trọng, bao gồm:
- Không hút thuốc lá để tránh làm khô cổ họng.
- Lựa chọn đồ uống không chứa caffein, không chứa cồn để không làm cơ thể mất nước và các triệu chứng ở thanh quản thêm nghiêm trọng.
- Uống nhiều nước để làm loãng chất nhầy trong cổ họng, dễ đào thải ra ngoài.

- Sử dụng các sản phẩm từ gừng và nghệ để chống nhiễm trùng, kết hợp đồ uống nóng để giảm ho.
- Giữ vệ sinh chung, dùng nước rửa tay, đặc biệt sau khi ho. Từ đó giảm nguy cơ lây bệnh viêm thanh quản cho người khác.
- Tránh hít phải khói thuốc hoặc hóa chất để không kích ứng dây thanh quản.
Thắc mắc thường gặp
1. Viêm thanh quản mạn tính có nguy hiểm không?
Viêm thanh quản mạn tính có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Khàn giọng kéo dài, từ 3 tuần trở lên có thể là dấu hiệu của ung thư thanh quản nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác: chảy nước mũi sau, dị ứng, GERD… Tuy nhiên, nếu khàn giọng kéo dài kèm các triệu chứng sau, người bệnh nên đến bệnh viện để khám và điều trị sớm:
- Đau họng không khỏi.
- Ho liên tục.
- Hụt hơi.
- Khó khăn hoặc đau khi nuốt.
- Đau tai.
- Hơi thở khó khăn hoặc khò khè.
- Cảm giác như có khối u trong cổ họng.
- Chứng hôi miệng hoặc hơi thở có mùi trong thời gian dài.
2. Viêm thanh quản mạn tính có chữa khỏi được không?
Viêm thanh quản mạn tính có thể chữa khỏi nếu người bệnh thay đổi lối sống. Nhất là các trường hợp liên quan đến hút thuốc, uống rượu, tiếp xúc hóa chất hoặc lạm dụng giọng nói. Với người bệnh bị trào ngược dạ dày thực quản, sự kết hợp giữa thay đổi chế độ ăn uống và dùng thuốc để giảm sản xuất axit có thể chữa khỏi bệnh viêm thanh quản mạn tính ở 2/3 trường hợp.
Mặt khác, nếu người bệnh bị viêm thanh quản mạn tính và tiếp tục tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng thanh quản, nguy cơ hình thành các nốt hoặc polyp nhỏ trên thanh quản rất cao, cần phẫu thuật cắt bỏ để cải thiện tình trạng bệnh cũng như tiếng nói. Thời gian bệnh viêm thanh quản mạn tính kéo dài phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản và hiệu quả điều trị.
3. Viêm thanh quản mạn tính có làm mất giọng nói không?
Triệu chứng chủ yếu của viêm thanh quản mạn tính là thay đổi giọng nói (trầm, khàn hoặc mất giọng). Tình trạng mất giọng nói có thể được cải thiện bằng cách làm dịu và cho dây thanh nghỉ ngơi, cụ thể:
- Uống đủ nước.
- Không hút thuốc và tránh khói thuốc lá thụ động.
- Không uống rượu, bia.
- Tránh dùng thuốc làm khô màng nhầy.
- Sử dụng máy tạo ẩm khi thời tiết hoặc khí hậu khô hanh.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.
Nếu không điều trị và chăm sóc tốt, dây thanh quản sẽ bị xơ hóa, có thể dẫn đến mất giọng nói vĩnh viễn.
4. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khàn giọng kéo dài không khỏi hoặc tái phát có thể là triệu chứng của một số bệnh ung thư đầu cổ. Những người uống rượu hoặc hút thuốc nhiều có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao. Vì vậy, nếu tình trạng khàn giọng kéo dài hơn 3 tuần, người bệnh nên đến gặp bác sĩ Tai – Mũi – Họng để khám và điều trị.
Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh đáp ứng mọi nhu cầu khám chữa bệnh viêm thanh quản mạn tính bằng kỹ thuật cao. Trung tâm phát triển chuyên sâu về mảng Thanh học, Thính học, Tiền đình, giúp điều trị, phục hồi các chức năng giọng nói, nghe, giữ thăng bằng… cho người bệnh.
Với hệ thống thiết bị máy móc hiện đại, nhập khẩu chính hãng từ các nước u Mỹ, cùng đội ngũ bác sĩ đầu ngành, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, phác đồ điều trị tiên tiến, giúp người bệnh đạt hiệu quả cao trong điều trị.
Duy trì lối sống lành mạnh; rửa tay và tránh tiếp xúc với người bị cúm hoặc cảm lạnh; tránh sử dụng giọng nói quá mức; không uống rượu bia… để không kích thích thanh quản thường xuyên. Từ đó giảm nguy cơ mắc viêm thanh quản mạn tính, bảo vệ cổ họng, nâng cao chất lượng cuộc sống.