Viêm thanh quản xảy ra khi thanh quản tổn thương, viêm sưng do virus, dị ứng, vi khuẩn… Vậy bị viêm thanh quản có nguy hiểm không? Biến chứng thường gặp của bệnh là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua chia sẻ của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Như Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

viêm thanh quản có nguy hiểm không

Dấu hiệu nhận biết bị viêm thanh quản

Viêm thanh quản (laryngitis) là tình trạng thanh quản sưng viêm do nhiễm trùng. Thanh quản là vùng có nhiều cơ quan ở giữa cổ, dài và rộng khoảng 5cm, nối liền khí quản với cổ họng. Viêm thanh quản được chia thành cấp tính và mạn tính, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây viêm thanh quản bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên do các loại virus như cúm, rhinovirus, parainfluenza…
  • Viêm thanh quản do các bệnh khác như ho gà, cúm, viêm phổi, viêm phế quản, sởi, bạch hầu…
  • Sử dụng thanh quản nhiều (la hét, hát, nói thường xuyên).
  • Phản ứng dị ứng.
  • Trào ngược dạ dày thực quản.
  • Hít phải các chất gây kích thích như khói thuốc lá, muội than, không khí ô nhiễm.
  • Hiếm khi người bệnh bị viêm thanh quản do vi khuẩn.

Viêm thanh quản và viêm họng dễ bị lầm lẫn vì triệu chứng bệnh và vị trí gần giống nhau. Viêm thanh quản chỉ có thể lây lan nếu nguyên nhân gây viêm do nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, nấm). Dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh viêm thanh quản bao gồm: (1)

  • Khàn giọng, âm lượng nhỏ, thậm chí mất tiếng.
  • Đau rát cổ họng, ho khan.
  • Cổ họng có cảm giác vướng, nghẹn, đặc biệt khi ăn uống.
  • Thường xuyên cảm giác muốn hắng giọng để làm sạch cổ.
  • Đôi khi người bệnh sốt nhẹ.
  • Tuy hiếm gặp nhưng tình trạng viêm có thể dẫn đến phù thanh quản, gây khó thở.

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, có thể xác định một số trường hợp dễ bị viêm thanh quản như: (2)

banner khai trương tâm anh quận 8 mb
  • Người thường sử dụng giọng nói như giáo viên, phát thanh viên, ca sĩ…
  • Người thường xuyên hút hoặc hít phải khói thuốc lá.
  • Người đang mắc nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản, viêm xoang.
  • Người đang gặp tình trạng suy giảm miễn dịch.
  • Người thường xuyên uống rượu bia.
biến chứng viêm thanh quản
Thanh quản bình thường và thanh quản bị viêm.

Bệnh viêm thanh quản có nguy hiểm không?

Bệnh viêm thanh quản có nguy hiểm không phụ thuộc vào mức độ viêm nhiễm tại thanh quản. Bệnh thường không gây nguy hiểm, tuy nhiên, một số trường hợp viêm thanh quản do vi khuẩn bạch hầu, người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ở giai đoạn đầu, vùng thanh quản viêm sẽ xuất hiện các nốt ban đỏ, phù nề, có thể lan sang dây thanh âm. Tình trạng sẽ dần nặng hơn, dẫn đến xuất huyết niêm mạc, chấn thương thanh quản. Nếu không được điều trị, bệnh có thể ảnh hưởng đến giọng nói vĩnh viễn. Một số dạng viêm thanh quản phổ biến bao gồm:

  • Viêm thanh quản co thắt: viêm gây phù nề vùng hạ họng, khi thanh quản co thắt có thể khiến người bệnh khó thở.
  • Viêm thanh thiệt: nắp thanh quản bị viêm, gây khó khăn khi nuốt, thở, đặc biệt khi nằm ngửa.
  • Bạch hầu thanh quản: bệnh gây bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae, khiến thanh quản viêm loét, phù nề, có giả mạc (lớp viêm màu trắng đục). Bệnh thường xuất hiện ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi, có thể dẫn đến tử vong.
viêm thanh quản ảnh hưởng gì
Viêm thanh quản có nguy hiểm không phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ viêm và sức khỏe của người mắc bệnh.

Biến chứng của viêm thanh quản

1. Biến chứng của viêm thanh quản ở trẻ em

Viêm thanh quản có thể trở nên nghiêm trọng ở trẻ em. Bệnh gây hẹp đường thở, đặc biệt khi viêm ở nắp thanh môn. Tình trạng hẹp đường thở có thể gây nguy hiểm cho trẻ, thế nên người thân cần đưa trẻ khám khi nếu trẻ có các dấu hiệu như:

  • Trẻ dưới 3 tháng, bị sốt trên 38 độ C.
  • Trẻ trên 3 tháng, sốt trên 38,5 độ C.
  • Tiếng thở của trẻ phát ra âm thanh bất thường.
  • Trẻ chảy nước dãi nhiều hơn bình thường.

2. Biến chứng của viêm thanh quản ở người lớn

Ở người lớn, viêm thanh quản thường không gây biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, những triệu chứng của viêm thanh quản có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống và công việc của người bệnh. Bạn nên đi khám nếu bệnh kéo dài hơn 2 tuần hoặc có các triệu chứng như ho ra máu, đau dữ dội hoặc khó thở. (3)

Bị viêm thanh quản nên làm gì?

Mỗi nguyên nhân gây viêm thanh quản sẽ có những cách điều trị riêng. Viêm thanh quản cấp tính thường hết sau vài tuần, bạn có thể cải thiện tình trạng bệnh bằng một số cách đơn giản tại nhà. Đối với người bị viêm thanh quản mạn tính, nên được can thiệp điều trị y tế nhằm giải quyết nguyên nhân viêm thanh quản (như trào ngược dạ dày, hút thuốc, uống rượu).

Trong trường hợp bạn cần điều trị y tế, dưới đây là một số loại thuốc bác sĩ có thể kê:

  • Corticosteroid: nhóm thuốc kháng viêm, giúp giảm nhanh các triệu chứng viêm thanh quản trong trường hợp khẩn cấp hoặc triệu chứng nghiêm trọng.
  • Thuốc kháng sinh: nếu viêm do vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh. Tuy nhiên, hiếm khi vi khuẩn gây viêm thanh quản.
  • Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau như acetaminophen hay ibuprofen có thể được chỉ định, giúp giảm đau vùng thanh quản.

Cần lưu ý, nguyên nhân gây viêm thanh quản phổ biến nhất là virus. Tuy nhiên, không có loại thuốc đặc hiệu nào dùng để điều trị virus, thế nên, bác sĩ thường chỉ kê một số loại thuốc để làm dịu triệu chứng viêm. Nếu xác định được nguyên nhân bệnh do nhiễm trùng, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với người khác và đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.

thuốc điều trị viêm thanh quản
Điều trị nội khoa là phương pháp phổ biến nhất dùng để điều trị viêm thanh quản.

Ngoài sử dụng thuốc, dưới đây là một số cách đơn giản để chữa viêm thanh quản tại nhà:

  • Hạn chế nói chuyện: giúp thanh quản có thời gian hồi phục, đặc biệt khi thanh quản viêm do hoạt động quá mức. Nếu buộc phải nói chuyện, nên sử dụng micro, hạn chế ca hát, nói chuyện lớn tiếng.
  • Uống nhiều nước: giúp làm dịu tình trạng viêm thanh quản. Tuy nhiên, không uống rượu bia hay cà phê.
  • Quản lý độ ẩm trong nhà: Nên sử dụng máy tạo độ ẩm để giữ độ ẩm trong phòng trong mức 40%-60%, tránh ở lâu trong phòng máy lạnh, không khí khô.
  • Tinh dầu: sử dụng thêm một số loại tinh dầu (như bạc hà, tràm) có thể mang lại cảm giác thư giãn, làm dịu triệu chứng viêm.
  • Xông họng: giúp thanh quản dễ chịu hơn, giảm các triệu chứng như ho, rát họng.
  • Súc miệng: nên dùng nước muối ấm pha loãng hoặc nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) để súc miệng, giúp giảm sưng, khám viêm trong vùng họng và thanh quản.
  • Thuốc ngậm: bạn có thể sử dụng thêm một số loại thuốc ngậm giúp sát trùng, làm dịu triệu chứng như đau họng, ho.
  • Không nói chuyện thì thầm: một số người lầm tưởng nói chuyện thì thầm sẽ ít gây ảnh hưởng đến thanh quản hơn, nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược. Thì thầm gây áp lực lên thanh quản nhiều hơn so với nói chuyện bình thường.
chẩn đoán viêm thanh quản
Nội soi họng giúp bác sĩ phát hiện và đánh giá tổn thương viêm thanh quản tốt hơn.

Dù viêm thanh quản cấp tính hay mạn tính, bạn vẫn có thể áp dụng những phương pháp này để làm thuyên giảm triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, viêm thanh quản mạn tính có thể tái phát nhiều lần trong năm. Ngoài điều trị, bạn có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa viêm thanh quản mạn tính như:

  • Không hút thuốc.
  • Không uống nhiều rượu, bia.
  • Giữ độ ẩm trong nhà vừa phải.
  • Không sử dụng thanh quản quá mức.
  • Tránh tiếp xúc, hít các hóa chất, bụi mịn hay không khí ô nhiễm.

Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là địa chỉ chẩn đoán và điều trị viêm thanh quản uy tín, chất lượng. Với đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, khách hàng sẽ được chẩn đoán và điều trị chính xác nguyên nhân gây viêm thanh quản. Bệnh viện cũng nhiều năm đứng trong top 10 bệnh viện chất lượng nhất TP.HCM do sở Y tế TP.HCM đánh giá. Chất lượng y tế đã được kiểm chứng sẽ giúp khách hàng hài lòng và an tâm khi sử dụng dịch vụ tại bệnh viện.

Trên đây là bài viết giải đáp thắc mắc “viêm thanh quản có nguy hiểm không?”. Bệnh thường không gây nguy hiểm với người trưởng thành, có thể tự thuyên giảm và hết sau vài tuần, tuy nhiên, bệnh vẫn gây nguy hiểm đối với trẻ em. Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm thanh quản là virus và sử dụng thanh quản quá nhiều. Không có thuốc đặc trị cho viêm gây ra bởi virus, thay vào đó, người bệnh nên nghỉ ngơi, làm dịu triệu chứng và chờ bệnh tự qua đi.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *