Khoảng 10% dân số thế giới mắc viêm tai ngoài ít nhất một lần trong đời. Đa phần trường hợp viêm ống tai ngoài cấp tính không để lại biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển thành viêm tai ngoài ác tính rất nguy hiểm. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng thường gặp cũng như cách chẩn đoán, điều trị bệnh viêm ống tai ngoài qua chia sẻ của thạc sĩ bác sĩ CKI Nguyễn Minh Tú, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

viêm ống tai ngoài

Viêm ống tai ngoài là gì?

Cấu tạo của tai từ ngoài vào trong bao gồm vành tai; ống tai ngoài; màng nhĩ; tai giữa và tai trong.

Viêm ống tai ngoài (otitis externa) là tình trạng viêm do vi khuẩn, nấm, dị ứng da ở vùng ống tai ngoài. Tùy theo thời gian mắc và triệu chứng, bệnh được chia thành viêm ống tai ngoài cấp tính, mạn tính và ác tính.

Ống tai ngoài là khu vực nối liền từ vành tai đến màng nhĩ, thường được bao phủ bởi một lớp ráy tai mỏng. Lớp ráy tai này có tính axit, đóng vai trò kiềm hãm sự phát triển của vi khuẩn và nấm trong tai. Khi sức đề kháng suy yếu và độ pH trong tai không ổn định (mất đi tính axit), sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn và nấm, gây viêm ống tai.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb
vi khuẩn gây viêm ống tai
Vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là tác nhân phổ biến hàng đầu gây viêm tai giữa và tai ngoài.

Phân loại viêm ống tai ngoài

1. Viêm ống tai ngoài cấp tính

Khoảng 95% số ca mắc viêm ống tai ngoài là cấp tính. Bệnh được đánh giá cấp tính khi tình trạng viêm kéo dài dưới 3 tuần. Viêm ống tai cấp tính thường xảy ra do độ ẩm trong tai cao hoặc hệ miễn dịch suy yếu, tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn phát triển. (1)

Triệu chứng viêm ống tai ngoài cấp tính thường không nghiêm trọng, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng viêm cấp tính có thể tiến triển thành mạn tính hoặc ác tính, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

2. Viêm ống tai ngoài mạn tính

Viêm ống tai ngoài được đánh giá mạn tính khi tình trạng viêm kéo dài hơn 3 tháng, hoặc người bệnh tái phát ít nhất 4 đợt viêm trong 1 năm. Viêm tai ngoài mạn tính thường xảy ra do các bệnh da liễu (như vảy nến, dị ứng da) hoặc viêm cấp tính tiến triển thành. Hơn 50% người bệnh viêm tai ngoài mạn tính gặp tình trạng này ở cả hai bên tai. Bệnh có thể gây ngứa, đau tai, giảm thính lực, hẹp ống tai ngoài nếu không được điều trị kịp thời.

3. Viêm ống tai ngoài ác tính (hoại tử)

Viêm ống tai ngoài ác tính là tình trạng nhiễm trùng nặng tại khu vực tai như xương chũm, khớp thái dương hàm, tuyến mang tai… Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh thường gặp ở những người sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch…

Đối tượng nào dễ bị viêm ống tai ngoài?

Viêm ống tai ngoài có thể xuất hiện ở mọi nhóm tuổi, nhưng ít gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi. Những đối tượng dễ mắc viêm ống tai ngoài bao gồm:

  • Trẻ nhỏ, đặc biệt từ 7-14 tuổi.
  • Người cao tuổi.
  • Người bị suy giảm miễn dịch do tiểu đường, HIV, người đang hóa trị – xạ trị,…
  • Người mắc các bệnh dị ứng, da liễu như vảy nến, viêm da tiết bã, chàm,…
  • Người thường xuyên bơi lội hoặc ở lâu dưới nước.
  • Người thường xuyên đeo tai nghe, nút tai, máy trợ thính.
  • Những đối tượng mắc suy giảm miễn dịch có nguy cơ viêm ống tai ngoài ác tính cao hơn, dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Triệu chứng viêm ống tai ngoài

Triệu chứng thường gặp ở viêm ống tai ngoài bao gồm:(2)

  • Đau tai, cơn đau có thể dữ dội hơn về đêm hoặc khi chạm vào tai
  • Sưng nề ống tai, có thể gây hẹp hoặc bít lấp hoàn toàn ống tai
  • Tai có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
  • Tai chảy dịch, mủ, kèm theo mùi hôi.
  • Giảm thính lực.
  • Ống tai nổi mẩn đỏ, sưng tấy, tróc da.
  • Sưng tấy vùng da quanh tai, có thể xuất hiện sốt khi bệnh ở mức độ nặng.

Một số trường hợp nghiêm trọng, khó đánh giá, bác sĩ có thể chụp CT scan để chẩn đoán chính xác mức độ bệnh.

Nguyên nhân viêm ống tai ngoài

Vi khuẩn và nấm là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm ống tai ngoài. Các loại vi khuẩn gây viêm ống tai phổ biến gồm Pseudomonas aeruginosa, Proteus vulgaris, Staphylococcus aureus và Escherichia coli. Viêm ống tai ngoài do nấm (otomycosis) thường gây ra bởi nấm Aspergillus niger hoặc Candida albicans.

trực khuẩn mủ xanh
Trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) là nguyên nhân hàng đầu gây viêm ống tai ngoài ác tính.

Những tác nhân làm gia tăng nguy cơ mắc viêm ống tai ngoài bao gồm:

  • Chấn thương ống tai bởi ngoáy tai nhiều hoặc các chấn thương khác.
  • Dị ứng.
  • Giảm độ axit trong ống tai (có thể do nước vào ống tai thường xuyên). Người thường xuyên bơi lội có nguy cơ mắc viêm ống tai ngoài cao hơn gấp 5 lần người không bơi.
  • Các bệnh da liễu như chàm, vảy nến, dị ứng.
  • Chất gây kích ứng như thuốc xịt tóc, nhuộm tóc.
  • Thường xuyên đeo nút tai, tai nghe, máy trợ thính.
  • Ống tai ngoài hẹp bẩm sinh hoặc do chấn thương.
  • Tai bị tắc nghẽn do ráy tai, dị vật.
  • Suy giảm miễn dịch.
  • Căng thẳng kéo dài.
nguyên nhân viêm ống tai ngoài
Người thường xuyên bơi lội có nguy cơ mắc viêm ống tai ngoài rất cao, thế nên bệnh còn được gọi là swimmer’s ear – tai của người bơi lội.

Chẩn đoán viêm ống tai ngoài

Viêm ống tai ngoài có thể được chẩn đoán qua khai thác bệnh sử và khám lâm sàng.

Khám lâm sàng bao gồm quan sát, đánh giá vành tai, vùng da và hạch bạch huyết quanh tai. Ngoài khám lâm sàng, bác sĩ sẽ nội soi tai để quan sát tình trạng viêm bên trong ống tai. Đôi khi, ống tai bị hẹp, sưng phù do viêm gây khó khăn cho việc nội soi.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, biểu hiện lâm sàng có thể rất khác nhau. Mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể được phân loại theo các triệu chứng:

  • Nhẹ: Ngứa, khó chịu và phù nề ống tai.
  • Trung bình: Ống tai bị bít tắc một phần.
  • Nặng: Ống tai ngoài bị tắc hoàn toàn. Người bệnh đau tai dữ dội, nổi hạch quanh tai, có thể kèm theo sốt trên 38,5 độ.
chẩn đoán viêm ống tai ngoài
Bác sĩ Nguyễn Minh Tú đang thực hiện nội soi tai tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Biến chứng của viêm ống tai ngoài

25% bệnh nhân viêm ống tai ngoài cấp tính bị ảnh hưởng chất lượng sống. Bệnh viêm ống tai ngoài có thể tiến triển thành mạn tính gây mất thính lực, hẹp ống tai. Với viêm ống tai ác tính, các biến chứng thường gặp gồm:

  • Viêm màng nhĩ.
  • Viêm sụn vành tai.
  • Viêm mô tế bào lan tỏa vùng hàm mặt.
  • Viêm tủy xương thái dương.

Khi nhiễm trùng lan đến xương thái dương, vi khuẩn có thể tấn công vào dây thần kinh ở vùng mặt. Những biến chứng có thể xảy ra gồm viêm màng não, huyết khối xoang và áp xe sọ.

Khoảng 90% biến chứng nguy hiểm của viêm ống tai ngoài ác tính do trực khuẩn mủ xanh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong. Người lớn tuổi, người mắc tiểu đường cần đặc biệt chú ý, vì đây là nhóm đối tượng dễ mắc viêm ống tai ngoài ác tính.

Điều trị viêm ống tai ngoài

Tùy thuộc vào dạng bệnh cụ thể, bác sĩ có những phương pháp riêng để điều trị.

Với viêm ống tai ngoài cấp tính, bác sĩ có thể dùng thuốc nhỏ làm sạch tai kết hợp với kháng sinh đường uống. Người bệnh có thể được kê thêm kháng sinh đường bôi nếu cần thiết. Triệu chứng viêm cấp tính thường thuyên giảm trong vòng 48 giờ kể từ khi điều trị. Trong nhiều trường hợp, viêm ống tai ngoài cấp tính có thể tự khỏi mà không cần can thiệp y tế.

Với viêm ống tai ngoài mạn tính, bác sĩ có thể kết hợp nhiều phương pháp điều trị gồm:

  • Kháng sinh đường uống và đường bôi.
  • Làm sạch vùng viêm nhiễm hay mô nấm trong tai.
  • Kết hợp điều trị các bệnh gây suy giảm miễn dịch như tiểu đường hoặc bệnh da liễu.
  • Phẫu thuật mở rộng ống tai nếu tình trạng viêm gây hẹp ống tai.

Với viêm ống ngoài ác tính, người bệnh cần được điều trị lâu dài bằng nhiều phương pháp nội – ngoại khoa như:

  • Kháng sinh liều cao ở dạng uống hoặc tiêm qua tĩnh mạch trong vòng 4-6 tuần.
  • Thuốc bôi/nhỏ kết hợp vệ sinh tai đều đặn. Bác sĩ có thể đặt gạc meche trong tai để dẫn thuốc đến vùng viêm hiệu quả hơn.
  • Phẫu thuật vùng tai và xương chũm nếu mô hoại tử quá nhiều, gây khó khăn cho việc điều trị.
  • Kết hợp điều trị các bệnh có liên quan đến tình trạng viêm ống tai ngoài.
chữa viêm tai ngoài
Điều trị viêm ống tai ngoài ác tính thường được điều trị bằng kháng sinh liều cao kết hợp với thủ thuật ngoại khoa nếu cần.

Phương pháp phòng ngừa viêm ống tai ngoài

Để phòng ngừa viêm ống tai ngoài, cần hạn chế các nguy cơ gây bệnh như:

  • Nên đeo bịt tai khi đi bơi, khi tắm. Nếu không bịt tai, sau khi bơi, tắm nên nghiêng đầu sang một bên và kéo dái tai xuống để nước chảy ra ngoài.
  • Nên lau khô bên ngoài lỗ tai sau khi tắm bằng bông ngoáy tai.
  • Không sử dụng những loại dầu gội đầu, dầu xả, sữa tắm,… có thể gây dị ứng cho da.
  • Không dùng chung dụng cụ vệ sinh tai.
  • Không đưa dị vật vào trong tai.
  • Thường xuyên vệ sinh tai nghe, nút tai, máy trợ thính và hạn chế dùng tai nghe thời gian dài.
  • Không bơi, tắm trong nguồn nước ô nhiễm.
  • Không nên lấy ráy tai quá thường xuyên, tránh đưa dị vật vào ống tai.
  • Tránh rửa tai bằng xà phòng.

Thắc mắc thường gặp

1. Viêm ống tai ngoài có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của viêm ống tai ngoài phụ thuộc vào dạng bệnh. Viêm ống tai ngoài cấp tính thường không gây biến chứng nguy hiểm, trong khi mạn tính có thể gây giảm thính lực, hẹp ống tai nếu không được điều trị. Đặc biệt, viêm ống tai ngoài ác tính là bệnh nguy hiểm, cần được phát hiện kịp thời, điều trị tích cực để phòng tránh biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

2. Viêm ống tai ngoài kiêng ăn gì?

Người mắc viêm ống tai ngoài không phải kiêng cữ loại thực phẩm cụ thể nào. Tuy nhiên, những người có tiền sử dị ứng, bệnh da liễu hoặc tiểu đường nên hạn chế các loại thực phẩm dễ gây dị ứng hoặc đường huyết cao… khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Người mắc viêm ống tai ngoài có thể bổ sung nhiều vitamin C, E, B9 và magie giúp tăng sức đề kháng, ngăn tình trạng giảm thính lực, bảo vệ tai khỏi các tổn thương. Những loại thực phẩm được gợi ý gồm trái cây họ cam quýt, rau xanh và các loại hạt. Ngoài ra, omega-3 cũng giúp giảm viêm, cải thiện tình trạng mất thính lực do tuổi tác. (3)

3. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người mắc viêm ống tai ngoài cần nhanh chóng tìm gặp bác sĩ khi:

  • Tình trạng đau tai kéo dài, đau hơn khi chạm vào tai.
  • Tai chảy dịch, mủ, có mùi hôi.
  • Sốt trên 38,5 độ.
  • Suy giảm thính lực đột ngột.
  • Tình trạng viêm tái phát sau khi điều trị.

Ngoài ra, khi điều trị viêm tai ngoài cấp tính hơn 72 giờ mà triệu chứng chưa thuyên giảm, người bệnh cần nhanh chóng tái khám để bác sĩ theo dõi và điều chỉnh lại thuốc phù hợp với diễn tiến bệnh.

Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách chẩn đoán và điều trị viêm ống tai ngoài. Nếu để bệnh tiến triển thành mạn tính hoặc ác tính có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng sống của người mắc. Thế nên, khi có dấu hiệu viêm ống tai ngoài, người bệnh nên đi khám tại cơ sở y tế để được điều trị sớm, phòng ngừa bệnh chuyển biến xấu.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *