Một trong những bệnh tai mũi họng ít người biết là viêm mũi teo, đây là tình trạng viêm nhiễm kéo dài xảy ra ở niêm mạc mũi. Khi mắc bệnh này, người bệnh thường có triệu chứng khô mũi, nhiều vảy mũi có mùi tanh, khó chịu, ứ đọng nhiều ở hốc mũi và có thể chảy ra ngoài khiến lỗ mũi có mùi hôi. Thạc sĩ bác sĩ CKI Trương Tấn Phát, Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7 chia sẻ về nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa viêm mũi teo.

viêm mũi teo

Viêm mũi teo là gì?

Viêm mũi teo là tình trạng lớp niêm mạc và xương mũi teo nhỏ lại. Điều này ảnh hưởng và gây ra các vấn đề hô hấp.

Ngoài ra, viêm mũi teo xảy ra khi các mô bên trong mũi mỏng, teo đi, mô sẽ cứng lại. Khi ấy, khoang mũi sẽ bị mở rộng, niêm mạc mũi trở nên khô, bong tróc, hình thành lớp vảy trong mũi có mùi hôi khó chịu.

Viêm mũi teo thường ảnh hưởng đến cả hai bên mũi cùng lúc. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng viêm mũi teo gây khó chịu cho người bệnh. Bạn cần khám, điều trị kịp thời khi có các dấu hiệu bất thường.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

Các loại viêm mũi teo

Viêm mũi teo là bệnh mạn tính xuất hiện ở niêm mạc mũi, biểu hiện bởi sự teo nhỏ và suy giảm chức năng của niêm mạc. Có hai loại viêm mũi teo chính: (1)

1. Viêm mũi teo nguyên phát

Viêm mũi teo nguyên phát thường xảy ra nhưng không có nguyên nhân rõ ràng, thường liên quan đến các yếu tố di truyền hoặc tự miễn. Tình trạng viêm mũi teo nguyên phát thường có các triệu chứng như khó thở qua mũi, khô niêm mạc mũi và cảm giác bị tắc nghẽn ở mũi.

Nguy cơ phát triển viêm mũi teo nguyên phát có thể do một số yếu tố:

  • Dị ứng.
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Sự mất cân bằng hormone estrogen.
  • Tiền sử gia đình bị viêm teo mũi.
  • Thiếu sắt hoặc vitamin A hoặc D.
  • Những thay đổi về cấu trúc của đường mũi xuất hiện ngay từ khi sinh ra (bẩm sinh).

2. Viêm mũi teo thứ phát

Viêm mũi teo thứ phát là kết quả của các bệnh khác hoặc các yếu tố tác động bên ngoài. Nguyên nhân có thể bao gồm: dinh dưỡng kém, di truyền, nhiễm trùng lâu ngày, vấn đề nội tiết, các bệnh tự miễn, tác nhân môi trường,…

  • Nhiễm trùng mạn tính: Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus gây ra.
  • Dùng thuốc: Dùng thuốc xịt mũi lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến niêm mạc mũi.
  • Chấn thương mũi: Do chấn thương hoặc phẫu thuật vùng mũi.
  • Yếu tố môi trường: Do tiếp xúc với không khí ô nhiễm hoặc các chất kích thích trong thời gian dài.

Một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ viêm mũi teo thứ phát:

  • Từng phẫu thuật viêm xoang.
  • Đã, đang thực hiện xạ trị.
  • Chấn thương mũi.
  • Gặp vấn đề sức khỏe như lao, giang mai, lupus,…
triệu chứng viêm mũi teo
Viêm mũi teo khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng công việc, cuộc sống

Trường hợp dễ bị viêm mũi teo

  • Người cao tuổi do quá trình lão hóa làm suy yếu cấu trúc, chức năng của niêm mạc mũi, dẫn đến viêm mũi teo.
  • Người có tiền sử dị ứng, bệnh tự miễn dịch.
  • Người sống trong môi trường ô nhiễm, không khí quá khô dẫn đến tổn thương niêm mạc mũi.
  • Người có tiền sử bệnh vùng tai mũi họng, mắc các bệnh về mũi và xoang mạn tính có nguy cơ cao hơn những người khác.
  • Người có tiền sử chấn thương, phẫu thuật vùng đầu mặt.
  • Người có thói quen hút thuốc, tiếp xúc với khói thuốc lâu dài gây kích ứng, tổn thương niêm mạc mũi.
  • Người có người thân trong gia đình từng mắc viêm mũi teo.
  • Người thiếu hụt vitamin, sức đề kháng không tốt, thay đổi hormone ảnh hưởng sức khỏe niêm mạc mũi.
  • Người tiếp xúc hóa chất công nghiệp trong thời gian dài làm tổn thương niêm mạc mũi.

Triệu chứng viêm mũi teo

Dưới đây là những triệu chứng thường gặp khi người bệnh mắc viêm mũi teo:

  • Khô mũi do niêm mạc mũi bị khô, khiến người bệnh khó chịu, cộm rát trong mũi.
  • Đau họng, nghẹt mũi, khó thở qua mũi dẫn đến teo niêm làm giảm quá trình lưu thông không khí.
  • Chảy máu mũi do niêm mạc mỏng, dễ vỡ, dẫn đến thường xuyên chảy máu mũi.
  • Mùi hôi khó chịu trong mũi do tụ dịch.
  • Đau nhức, khó chịu trong vùng mũi.
  • Nhức đầu do nghẹt mũi, áp lực trong vùng mũi.
  • Khó nuốt, họng bị khô, gặp khó khăn khi nuốt.
  • Suy giảm khứu giác do tổn thương niêm mạc mũi.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Thường xuyên chảy nước mắt.

Nguyên nhân viêm mũi teo

Viêm mũi teo có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, dưới đây là các nguyên nhân phổ biến: (2)

  • Do di truyền làm niêm mạc mũi dễ bị teo theo thời gian.
  • Do quá trình lão hóa làm suy yếu, mỏng đi niêm mạc mũi.
  • Sống, làm việc trong môi trường có độ ẩm thấp khiến niêm mạc mũi bị khô, dẫn đến teo niêm mạc mũi.
  • Bụi bẩn, khói thuốc lá và các chất ô nhiễm gây kích ứng, tổn thương niêm mạc mũi.
  • Dùng thuốc xịt mũi kéo dài chứa corticoid có thể làm mỏng niêm mạc mũi.
  • Các bệnh nội tiết có thể ảnh hưởng niêm mạc mũi.
  • Nhiễm trùng mạn tính hoặc viêm xoang dẫn đến tổn thương lâu dài niêm mạc mũi.
  • Một số bệnh liên quan đến hệ miễn dịch như bệnh lupus làm tăng nguy cơ viêm mũi teo.
  • Chấn thương hoặc phẫu thuật mũi cũng là nguyên nhân viêm mũi teo.
  • Thiếu hụt vitamin và khoáng chất ảnh hưởng niêm mạc mũi.

Chẩn đoán bệnh viêm mũi teo

Để chẩn đoán bệnh viêm mũi teo, bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng hỏi về các triệu chứng mà người bệnh đang mắc phải để đánh giá tình trạng bệnh, hỏi về tiền sử bệnh và các yếu tố nguy cơ. Sau đó, để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ chỉ định một số phương pháp sau: (3)

  • Nội soi vùng tai mũi họng bằng ống soi cứng hoặc soi mềm có gắn camera nhằm quan sát cấu trúc bên trong mũi nhằm xác định các bất thường như polyp mũi, niêm mạc mũi khô teo, u hoặc các vấn đề khác.
  • Xét nghiệm kháng nguyên dị ứng.
  • Chụp CT hình ảnh vùng đầu, các xoang và khoang mũi.
  • Đo luồng không khí khi hít thở.
chẩn đoán viêm mũi teo
Thạc sĩ bác sĩ CKI Trương Tấn Phát, Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7 nội soi cho khách hàng.

Bệnh viêm mũi teo có nguy hiểm không?

Bệnh viêm mũi teo gây một số vấn đề sức khỏe , phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng bệnh và các biến chứng có thể xảy ra, nhưng thường không quá nguy hiểm.

Viêm mũi teo cũng có những vấn đề đáng lo ngại khi làm giảm chất lượng cuộc sống, gây khó chịu cho người bệnh. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.

Điều trị bệnh viêm mũi teo

Điều trị bệnh viêm mũi teo thường tập trung vào việc giảm triệu chứng, duy trì độ ẩm cho niêm mạc mũi, loại bỏ chất nhầy tồn đọng trong mũi và ngăn ngừa các biến chứng.

Điều trị bệnh viêm mũi teo được chia thành hai nhóm:

1. Điều trị không phẫu thuật

  • Rửa mũi nhằm làm sạch hỗn hợp chất bẩn cùng dịch nhầy kẹt bên trong mũi, giúp khoang mũi thông thoáng hơn. Tùy vào mức độ nghiêm trọng, tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định những loại dung dịch rửa mũi như: nước muối sinh lý, dung dịch kháng sinh,…
  • Dùng thuốc nhỏ mũi giúp ngăn ngừa khô mũi.
  • Dùng thuốc xịt kháng viêm để giải quyết các triệu chứng viêm mũi teo, loại bỏ mùi hôi khó chịu cũng như dịch nhầy trong khoang mũi.

2. Điều trị phẫu thuật

Phương pháp điều trị viêm mũi teo bằng cách phẫu thuật thường được chỉ định trong các trường hợp:

  • Thu hẹp lại khoang mũi.
  • Tăng cường lưu lượng máu trong mũi.
  • Kích thích tái tạo các mô trong mũi.
  • Tăng cường độ ẩm cho lớp niêm mạc mũi.

Điều trị viêm mũi teo cần dựa vào từng trường hợp cụ thể của người bệnh. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định phương pháp điều trị phù hợp, an toàn và hiệu quả nhất.

dùng thuốc trị viêm mũi teo
Dùng thuốc nhỏ mũi giúp ngăn ngừa khô mũi khi điều trị viêm mũi teo.

Phòng ngừa viêm mũi teo

  • Tăng cường sức đề kháng, chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, giảm thiểu tình trạng stress.
  • Vệ sinh mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước ấm, tránh nước quá lạnh hoặc quá nóng, không nên dùng bông gòn, đồ vật cứng để lấy vảy mũi.
  • Hạn chế các tác nhân gây dị ứng, kích thích mũi như khói bụi, hóa chất, nước hoa, thuốc lá,…
  • Tránh lạm dụng các loại thuốc: xịt mũi, giảm đau, xịt mũi, chống trầm cảm, chống đông máu, chống viêm,…
  • Điều trị kịp thời các bệnh như viêm xoang, viêm mũi, lệch vách ngăn mũi, polyp mũi,…

Thắc mắc thường gặp

1. Viêm mũi teo có thể hồi phục được không?

Viêm mũi teo là tình trạng mạn tính, không thể hồi phục hoàn toàn như một số bệnh khác. Tuy nhiên, người bệnh cần điều trị để kiểm soát, giảm thiểu triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, bệnh tiến triển nặng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc tái khám đúng lịch, tuân thủ phác đồ điều trị rất quan trọng để đạt được hiệu quả tốt nhất.

2. Sự khác biệt giữa viêm mũi teo và viêm mũi vận mạch

Viêm mũi teo là tình trạng mạn tính với niêm mạc mũi bị teo dẫn đến nghẹt mũi, khô và chảy máu mũi. Nguyên nhân do môi trường quá khô, do lão hóa hoặc nhiễm trùng mạn tính. Điều trị chủ yếu vào việc duy trì độ ẩm, giảm triệu chứng khô mũi.

Ngược lại thì viêm mũi vận mạch không phải do dị ứng mà do dị ứng phản ứng niêm mạc mũi với các yếu tố kích thích như mùi hương quá mạnh quá nồng hoặc thay đổi thời tiết. Triệu chứng gồm: nghẹt mũi, chảy nước mũi, xảy ra tái đi tái lại theo đợt. Điều này nhằm tránh các yếu tố kích thích và dùng thuốc kháng histamin, thuốc kháng viêm,…

3. Khi nào thì gặp bác sĩ?

Bạn cần gặp bác sĩ trong trường hợp xuất hiện những triệu chứng của viêm mũi teo. Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Đơn vị Tai Mũi Họng, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7 là cơ sở uy tín với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm cùng máy móc, trang thiết bị hiện đại giúp khám, chẩn đoán và điều trị viêm mũi teo hiệu quả.

Viêm mũi teo khiến nhiều người bệnh gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần khám ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *