Ung thư vòm họng không thường gặp nhưng gây biến chứng nghiêm trọng trong việc ăn uống và nghe nói. Vậy, ung thư vòm họng có lây không? Bệnh có thể lây qua đường nào? Bài viết dưới đây, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trần Anh Thư, khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ lưu ý người bệnh một số thông tin về ung thư vòm họng.
Ung thư vòm họng có lây không?
Ung thư vòm họng không lây nhiễm từ người mắc bệnh sang người khỏe mạnh qua con đường tiếp xúc thông thường. Ngoài ra, để giải đáp thắc mắc “ung thư vòm họng có lây không?”, cần giải thích rõ theo 2 trường hợp như sau:
1. Bệnh ung thư vòm họng có lây qua đường nước bọt không?
Bệnh ung thư vòm họng không có nguy cơ lây qua đường nước bọt. Thực tế, ung thư không lây từ người này sang người khác khi hít thở chung bầu không khí, sinh hoạt và ăn uống chung. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân gây ung thư vòm họng là nhiễm Epstein-Barr virus (EBV) – virus có thể lây truyền qua đường nước bọt. Mặc dù, 90%-95% số người nhiễm EBV trên toàn cầu nhưng chỉ có khoảng 1% người phát triển thành ung thư. (1)
2. Quan hệ tình dục bằng miệng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng không?
Quan hệ tình dục bằng miệng có thể tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng nếu người bệnh nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus). Virus HPV thường lây truyền qua đường tình dục. Người nhiễm HPV có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng cao gấp 1,8 lần so với người không nhiễm HPV.
Bệnh ung thư vòm họng lây qua đường nào?
Ung thư vòm họng và các bệnh ung thư nói chung không thể lây từ người sang người, chỉ ghi nhận rất ít trường hợp mắc ung thư do ghép tạng của người từng mắc ung thư. Bệnh ung thư vòm họng xâm lấn và di căn qua 3 đường, bao gồm: (2)
- Tại vùng: Ung thư lan truyền từ nơi bắt đầu sang cơ quan lân cận.
- Hệ thống bạch huyết: Ung thư xâm nhập vào hệ thống bạch huyết, di chuyển qua mạch bạch huyết đến cơ quan khác của cơ thể.
- Máu: Ung thư xâm nhập vào máu, di chuyển qua mạch máu và hình thành khối u ở cơ quan khác trong cơ thể.

Ung thư vòm họng có di truyền không?
Hiện, các nghiên cứu trên thế giới vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn về vấn đề này. Tuy nhiên, bạn vẫn có nguy cơ cao mắc ung thư vòm họng nếu trong gia đình có người thân như ba, mẹ,… đã hoặc đang bệnh. Thực tế, bác sĩ chưa chắc chắn ung thư vòm họng do gen di truyền hay các yếu tố môi trường sinh hoạt chung như: cùng chế độ ăn, môi trường sống hoặc sự kết hợp các yếu tố này. Người ta chỉ thấy rằng ung thư vòm họng thường gặp ở khu vực phía Nam Trung Quốc (chiếm tỷ lệ 18%). (3)
Nguyên nhân ung thư vòm họng
Nguyên nhân chính xác gây ung thư vòm họng vẫn chưa được xác định rõ. Hiện, y văn nhận thấy có một số yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng, bao gồm:
1. Nhiễm virus Epstein-Barr
Virus Epstein-Barr (EBV) được biết đến gây bệnh tăng bạch cầu đơn nhân và nhiều bệnh ung thư khác lymphoma, ung thư dạ dày và ung thư vòm họng.
Nhiễm virus epstein-barr (EBV) rất phổ biến trên toàn thế giới, đặc biệt ở trẻ em. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nhiễm virus Epstein-Barr thôi không có nghĩa chắc chắn dẫn đến ung thư vòm họng, vì nhiễm virus này rất phổ biến và loại ung thư này không thường gặp. Mặc dù, 90%-95% số người nhiễm EBV trên toàn cầu nhưng chỉ có khoảng 1% người sẽ phát triển thành ung thư.
Điều này có thể do sự tác động của yếu tố khác như gen hoặc do thói quen sinh hoạt làm ảnh hưởng đến việc cơ thể phản ứng với virus Epstein-Barr góp phần gây ung thư vòm họng.
Ngoài ra, DNA của virus Epstein-Barr có thể được tìm thấy trong tế bào ung thư và cả tiền ung thư vòm họng ở máu người bệnh. Vì vậy, mối quan hệ giữa virus Epstein-Barr và ung thư vòm họng vẫn đang nghiên cứu và được xem như một trong số yếu tố nguy cơ gây bệnh.
2. Nhiễm Human Papilloma Virus (HPV)
Virus u nhú ở người (HPV) là nhóm gồm hơn 150 loại virus. Người nhiễm một số type HPV có thể gây ra bệnh ung thư, gồm: ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư hốc miệng,…
3. Một số loại thực phẩm
Người có chế độ ăn nhiều thực phẩm muối sẽ tác động virus Epstein-Barr làm tăng nguy cơ gây ung thư vòm họng. Thực phẩm được bảo quản bằng cách ướp muối có thể tạo ra Nitrosamine làm biến đổi DNA. Khi DNA bị biến đổi sẽ thay đổi khả năng kiểm soát sự phát triển và sinh sản của tế bào và tăng nguy cơ ung thư vòm họng. Mặt khác, với chế độ ăn nhiều hạt, đậu, trái cây và rau quả tươi, ít sản phẩm từ sữa và thịt có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vòm họng.
4. Chủng tộc
Ung thư vòm họng phổ biến ở người gốc Châu Á, đặc biệt miền nam Trung Quốc. (4)
5. Giới tính
Nam giới có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn nữ giới.
6. Các yếu tố nguy cơ khác
Một số hóa chất bạn gặp trong môi trường sinh hoạt có tác động làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng, gồm:
- Yếu tố hóa học: thuốc lá, rượu bia
- Chất hóa học gây ung thư trong môi trường làm việc:
- Formaldehyde.
- Amiante.
- Hạt gỗ.
- Hạt kim loại.
- Hạt than.
- Khói.

Phòng ngừa bệnh ung thư vòm họng như thế nào?
Hiện không có cách chắc chắn ngừa ung thư vòm họng. Một số cách giảm nguy cơ gây ung thư vòm họng, bao gồm: (5)
- Tránh thuốc lá và rượu: việc sử dụng thuốc lá và rượu đều liên quan đến nhiều bệnh ung thư và vấn đề sức khỏe khác.
- Tránh lây nhiễm một số virus làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng như:
- Virus Epstein-Barr (EBV): lan truyền qua đường nước bọt, quan hệ tình dục, truyền máu và ghép tạng. Hiện tại chưa có vaccin ngừa nhiễm EBV.
- Virus gây u nhú ở người (HPV): lan truyền qua đường quan hệ tình dục. Hiện đã có vaccin ngừa nhiễm một số type HPV nguy cơ cao gây bệnh ung thư.
- Tránh một số loại thực phẩm muối chua để giữ lâu như: cá muối, thịt muối,…
Tầm soát sàng lọc ung thư vòm họng
Một số xét nghiệm giúp phát hiện sớm ung thư vòm họng, bao gồm:
- Nội soi mũi họng giúp nhìn thấy tổn thương ở vòm họng và tiếp cận sinh thiết u để chẩn đoán mô bệnh học.
- Sinh thiết: quy trình này, bác sĩ sẽ lấy mô ung thư để nghiên cứu dưới kính hiển vi. Sinh thiết là cách duy nhất để chẩn đoán chính xác ung thư vòm họng. Các phương pháp sinh thiết phổ biến cho ung thư vòm họng, gồm:
- Sinh thiết trực tiếp u vòm họng khi nội soi.
- Sinh thiết hạch cổ khi người bệnh có di căn hạch cổ và khó hoặc không sinh thiết được u vòm họng.
- Xét nghiệm hình ảnh:
- Siêu âm cổ tìm hạch di căn.
- Chụp CT scan vùng đầu cổ để kiểm tra kích thước và sự xâm lấn của khối u. CT scan ngực – bụng phát hiện các di căn.
- Chụp MRI giúp đánh giá tình trạng ung thư xâm lấn phần mềm xung quanh hoặc phát hiện tổn thương di căn não.
- Chụp PET để chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh trước điều trị, đánh giá đáp ứng sau điều trị.
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ bác sĩ lâm sàng, nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị ung thư giúp khám, chẩn đoán và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng từng người bệnh. Ngoài ra, bệnh viện liên tục cập nhật trang thiết bị hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài như:
- Hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa – miễn dịch, huyết học, vi sinh, sinh học phân tử tiên tiến;
- Hệ thống máy Siêu âm 3D đàn hồi Real time hiện đại nhất thế giới – SuperSonic Imagine Mach 30;
- Máy chụp cắt lớp vi tính (CT) SOMATOM Drive 2;
- Máy chụp cộng hưởng từ (MRI);
- Hệ thống chụp nhũ ảnh 3D – Mammomat Inspiration (Siemens – Đức);
- Hệ thống X-quang kỹ thuật số treo trần;
- Hệ thống nội soi Fuji 7000;
- Hệ thống nội soi Xion (Đức);
- Hệ thống phẫu thuật nội soi 3D/4K ICG Rubina Karl Storz;
- Phòng pha hóa chất áp suất âm với máy pha chế cách ly vô trùng chuyên dụng theo tiêu chuẩn quốc tế;
- Ghế truyền hóa chất tiêu chuẩn Nhật Bản;
- Tủ cấp cứu di động tại khoa.
Ngoài ra, bệnh viện còn liên tục cập nhật các phương pháp điều trị đa mô thức, cá thể hóa và toàn diện theo phác đồ quốc tế.
Giống tất cả bệnh ung thư khác, ung thư vòm họng cần được chẩn đoán càng sớm và càng chính xác càng tốt. Điều này giúp tăng cơ hội điều trị thành công và vẫn duy trì chất lượng cuộc sống của người bệnh, gồm cả khả năng nói và nuốt. Thông qua bài “Ung thư vòm họng có lây không? Bệnh có thể lây qua đường nào?” hy vọng người bệnh hiểu rõ hơn về sự lan truyền của ung thư. Đồng thời, người bệnh khi xuất hiện triệu chứng nghi ung thư vòm họng hãy đến gặp bác sĩ khoa Ung Bướu, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.