Ung thư vòm họng rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu về các phương pháp chẩn đoán ung thư vòm họng hiện đại đang có tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cũng như một số lưu ý về việc tự kiểm tra ung thư vòm họng tại nhà qua chia sẻ của Thạc sĩ bác sĩ Chuyên khoa II Phan Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.
Ung thư vòm họng là gì?
Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính do sự phát triển bất thường của các tế bào vùng vòm họng. Họng là khoảng trống gồm vòm họng (họng mũi), họng miệng và hạ họng. Ung thư vòm họng xuất hiện từ các mô ở vòm họng, phần cao nhất của họng phía sau mũi.
Theo GLOBOCAN, năm 2022 có hơn 120.000 ca mắc ung thư vòm họng trên thế giới. Tuy số lượng không nhiều bằng các bệnh ung thư phổ biến như phổi, đại trực tràng… nhưng bệnh rất nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị sớm. Tỷ lệ sống hơn 5 năm trung bình của người mắc ung thư vòm họng khoảng 63%. (1)

Đối tượng nào nguy cơ bị ung thư vòm họng?
Hiện, nguyên nhân trực tiếp gây ung thư vòm họng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng gồm: (2)
- Thói quen ăn mặn, ăn nhiều thịt hoặc cá ướp muối.
- Virus Epstein-Barr (hay EBV) là virus phổ biến gây nhiều bệnh như viêm họng, bạch hầu.
- Thường xuyên tiếp xúc với mạt gỗ, bụi bẩn hoặc formaldehyde.
- Tiền sử gia đình có thành viên mắc ung thư vòm họng.
- Virus HPV cũng được cho rằng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng.
- Hút thuốc lá, uống rượu, bia.
- Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư vòm họng cao hơn.
- Tỷ lệ mắc cũng cao hơn ở người Bắc Phi và châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, Nam Trung Quốc.

Tự kiểm tra ung thư vòm họng có chính xác không?
Tự kiểm tra ung thư vòm họng tại nhà không thể chính xác như được bác sĩ chẩn đoán. Việc tự kiểm tra ung thư vòm họng chỉ giúp người bệnh phát hiện ra triệu chứng bệnh để đến các cơ sở y tế chẩn đoán và điều trị.
Nếu không có sự hỗ trợ của các phương pháp chẩn đoán chuyên khoa (như nội soi vòm họng, sinh thiết), gần như không thể phát hiện ung thư vòm họng giai đoạn sớm.
Ung thư vòm họng không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn sớm, những biểu hiện ban đầu thường mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác. Do đó, rất khó phát hiện bệnh khi không có thiết bị y tế chuyên dụng và được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu người bệnh có thể tự kiểm tra ung thư vòm họng và phát hiện triệu chứng lâm sàng, thường ung thư đã phát triển đến giai đoạn trễ.
Các phương pháp chẩn đoán chính xác ung thư vòm họng như nội soi, sinh thiết, các kỹ thuật hình ảnh hiện đại (CT, MRI, PET) đều cần thiết bị y tế hiện đại, kỹ năng chuyên môn của bác sĩ và không thể tự thực hiện tại nhà. Việc tự kiểm tra ung thư vòm họng tại nhà dựa trên kiến thức hạn chế và không có thiết bị chuyên dụng có thể gây sai sót nghiêm trọng. Từ đó, dẫn đến chẩn đoán sai, người bệnh tự ý mua thuốc hoặc áp dụng các phương pháp điều trị không phù hợp, gây hại cho sức khỏe hoặc bỏ sót bệnh, bỏ qua giai đoạn vàng để điều trị.
Việc tự kiểm tra không thể thay thế cho quy trình tầm soát ung thư bài bản tại các cơ sở y tế. Việc chẩn đoán và điều trị sớm có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện tỷ lệ và chất lượng sống của người bệnh. Vì vậy, cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có các triệu chứng bất thường.
Các chuyên gia y tế không chỉ có khả năng xác định các dấu hiệu ung thư một cách chính xác, mà còn có thể đưa ra các phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả đồng thời theo dõi chặt chẽ để phát hiện và điều trị các biến chứng có thể xảy ra.
Hướng dẫn cách kiểm tra tổn thương vùng họng tại nhà
Dưới đây là hướng dẫn kiểm tra để phát hiện tổn thương bất thường trên khuôn mặt và vùng họng. Nếu quan sát thấy những dấu hiệu bất thường, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị. Lưu ý, không có cách kiểm tra ung thư vòm họng nào có thể thay thế quá trình khám, chẩn đoán tại cơ sở y tế.
1. Bước 1: Chuẩn bị
Bạn nên chuẩn bị như sau:
- Làm sạch khoang miệng và tay kỹ lưỡng.
- Chuẩn bị gương, đèn hoặc ở nơi có đầy đủ ánh sáng.
- Nhờ hỗ trợ từ người khác nếu cần.
2. Bước 2: Kiểm tra tổng thể khuôn mặt
Quan sát khuôn mặt, kiểm tra xem trên mặt có xuất hiện những dấu hiệu như:
- Gương mặt xuất hiện vết u, sưng không rõ nguyên do.
- Một bên mặt to lớn hay thay đổi bất thường.
- Nốt ruồi lớn bất thường, ngứa ngáy, chảy máu.
3. Bước 3: Kiểm tra bên trong khoang miệng
Mở miệng rộng, để người khác quan sát khu vực miệng. Tuy không thể nhìn sau vào vòm họng, tuy nhiên, bạn vẫn có thể quan sát một số vị trí như amidan, gốc lưỡi. Một số dấu hiệu bất thường cần lưu ý:
- Khối u, vết sưng bất thường.
- Vết lở loét.
- Khu vực miệng và họng có màu sắc bất thường (ví dụ đỏ đậm, trắng đục).
Đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh như viêm họng, viêm amidan, bạch hầu, ung thư…
4. Bước 4: Kiểm tra cổ
Khi cơ thể bị viêm nhiễm (như viêm họng) hoặc ung thư, các hạch bạch huyết gần đó thường sẽ sưng to. Dùng tay ấn nhẹ vào khu vực quanh cổ để xem có khối u bất thường hay không. Hạch bạch huyết khi sưng thường to khoảng hạt đậu, gây đau khi chạm vào và không cứng. Sưng hạch bạch huyết vùng cổ có thể gây ra tình trạng nghẹn cổ, nuốt vướng.

5. Bước 5: Kiểm tra môi
Kéo môi lên trên và xuống dưới để quan sát xem có xuất hiện khối u hay vết lở loét bất thường không.
6. Bước 6: Kiểm tra răng nướu
Ngoài quan sát, bạn có thể dùng ngón trỏ và ngón cái kẹp nhẹ 2 mặt trong – ngoài của nướu và di chuyển xung quanh để kiểm tra dấu hiệu bất thường.
7. Bước 7: Kiểm tra má
Mở rộng miệng, dùng tay kéo căng má để quan sát. Có thể sờ vào những vùng khuất để cảm nhận vết sưng, u, loét. Đơn giản hơn, bạn có thể dùng lưỡi để thăm dò các khu vực trong khoang miệng và má.
8. Bước 8: Kiểm tra lưỡi
Có thể đưa lưỡi ra để người khác quan sát hoặc nhìn qua gương. Không bỏ qua các vị trí khuất như phía dưới và hai bên bờ lưỡi.
9. Bước 9: Kiểm tra sàn miệng
Đẩy lưỡi lên cao, quan sát sàn miệng, kết hợp với ấn ngón tay vào bên dưới lưỡi để cảm nhận cục u, sưng tấy hoặc vết loét.
Dấu hiệu ung thư vòm họng cần đến bệnh viện khám ngay
Các triệu chứng của ung thư vòm họng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh vùng tai mũi họng khác. Một số triệu chứng thường gặp ở người mắc ung thư vòm họng gồm: (3)
- Khối u ở vùng cổ tồn tại lâu hơn 3 tuần.
- Mất thính lực (thường chỉ ở một bên tai).
- Ù tai.
- Thường xuyên tắc, nghẹt mũi.
- Chảy máu cam.
- Đau đầu.
- Cảm giác tê ở phần dưới khuôn mặt.
- Cảm giác vướng, đau khi nuốt.
- Thay đổi giọng nói, thường giọng sẽ trở nên khàn hơn.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Nếu các triệu chứng này xuất hiện và kéo dài, bạn nên tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán. Không chỉ vòm họng, các triệu chứng này cũng báo hiệu cho ung thư hạ họng, hầu họng hay ung thư miệng nói chung. Đây cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh tai mũi họng khác mà bạn không nên bỏ qua như viêm họng, viêm amidan, bạch hầu…

Khám chẩn đoán ung thư vòm họng tại BVĐK Tâm Anh
Tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có đầy đủ các phương tiện để thực hiện chẩn đoán ung thư, dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán ung thư vòm họng tại bệnh viện:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ khai thác bệnh sử, triệu chứng, tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng đánh giá, quan sát các dấu hiệu ở vòm họng, miệng và xung quanh cổ người bệnh như u, viêm, sưng hạch bạch huyết…
- Nội soi: Sau khi khám lâm sàng, bác sĩ thực hiện nội soi vòm họng để đánh giá chi tiết tổn thương. Bác sĩ có thể nội soi qua đường mũi nếu nghi ngờ ung thư vòm họng. Nội soi đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm, kỹ năng quan sát để phát hiện, đánh giá được tổn thương ung thư, đặc biệt khi ung thư ở giai đoạn sớm.
- Sinh thiết: Khi nội soi, bác sĩ sẽ thông qua thiết bị nội soi để lấy mẫu sinh thiết vùng tổn thương. Sinh thiết giúp phát hiện tế bào ung thư và thường dùng chung với nội soi để đảm bảo tính chính xác khi chẩn đoán.
Tìm hiểu thêm: Tầm soát ung thư vòm họng: Các phương pháp và quy trình khám.

Nếu đã xác nhận sự tồn tại của ung thư, bác sĩ có thể thực hiện các chẩn đoán hình ảnh để đánh giá giai đoạn ung thư như: (4)
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Chụp CT giúp cung cấp thông tin về kích thước, hình dạng, vị trí của khối u cũng như đánh giá sự xâm lấn của khối u đến các mô lân cận. Ung thư vòm họng có thể lây lan sang các hạch bạch huyết ở vùng cổ và đáy hộp sọ. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định CT scan ở bất cứ vị trí nào nghi ngờ có di căn. Đặc biệt, tại bệnh viện Tâm Anh TP.HCM có máy chụp CT 1975 lát cắt, hiện đại hàng đầu khu vực. Máy có thể phát hiện những tổn thương chỉ từ 0,33mm, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác nhất.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI có ưu thế hơn CT scan trong việc hiển thị các mô mềm. Chụp MRI thường được dùng để đánh giá ung thư có phát triển đến các mô mềm, dây thần kinh gần vòm họng hay chưa. Khi chụp MRI, bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang là gadolinium, giúp hình ảnh được hiển thị rõ nét hơn.
- Chụp cắt lớp phóng xạ (PET): Trước khi chụp PET, bác sĩ sẽ nạp vào cơ thể người bệnh một loại đường phóng xạ đặc biệt được hấp thụ bởi tế bào ung thư. Khi chụp, phóng xạ sẽ hiển thị lên hình ảnh, cho thấy vị trí ung thư đã trong cơ thể.
- Chụp PET/CT: Sử dụng trên máy có khả năng chụp PET và CT cùng lúc. Hình ảnh sẽ có cả hai phiên bản chụp phóng xạ PET và chụp CT.

Tự kiểm tra ung thư vòm họng tại nhà không thể chẩn đoán bệnh hiệu quả. Ngoài ra, các triệu chứng của ung thư vòm họng có thể bị lầm lẫn với nhiều bệnh khác nếu không có sự chẩn đoán, xét nghiệm và đánh giá bởi bác sĩ. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là địa chỉ uy tín, chất lượng, đội ngũ y bác sĩ là những chuyên gia đầu ngành trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Bên cạnh đó, bệnh viện còn sở hữu hệ thống thiết bị y tế hiện đại, có thể phục vụ tốt công tác chẩn đoán và điều trị ung thư vòm họng.