Điều trị nhiễm trùng tai là một vấn đề được quan tâm hiện nay, đặc biệt khi thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, trời lạnh khiến cơ thể suy giảm miễn dịch, chưa kịp thích nghi với các yếu tố môi trường. Dưới đây là top 5 phương pháp điều trị nhiễm trùng tai an toàn, hiệu quả cao.

điều trị nhiễm trùng tai

Làm sao biết tai bị nhiễm trùng?

Nhiễm trùng tai là một khái niệm chỉ tình trạng tai bị viêm nhiễm, dẫn đến sưng nề, chảy dịch và đau tai. Có nhiều loại nhiễm trùng tai khác nhau, tùy thuộc vào phần nào của tai bị nhiễm trùng. Hai loại phổ biến nhất là nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa) và nhiễm trùng tai ngoài (viêm tai ngoài).

Bệnh có thể do vi khuẩn, virus hay nấm gây ra, đặc biệt phổ biến ở trẻ nhỏ (6 tháng – 2 tuổi) và phổ biến đến khi trẻ 8 tuổi. Bên cạnh hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, trẻ nhỏ có cấu trúc vòi Eustache (một cấu trúc của hệ thống tai mũi họng) ngắn, hẹp hơn so với người lớn, khiến vi khuẩn, virus hay các dịch viêm ở họng trào ngược lên vùng tai giữa, gây viêm tai giữa.

Người lớn có thể chủ động nhận biết tai bị nhiễm hay không, nhưng đa phần trẻ nhỏ khó có thể trình bày với ba mẹ về các triệu chứng mình gặp phải là gì. Dưới đây là một số dấu hiệu giúp ba mẹ và mọi người trả lời cho câu hỏi “làm sao biết tai bị nhiễm trùng”:

banner khai trương tâm anh quận 8 mb
  • Tai sưng, nóng, đỏ, đau: Trong đó đau tai là triệu chứng rõ ràng nhất, có thể gặp ở trẻ em và người lớn.
  • Có dịch chảy ra từ tai: Dịch chảy ra từ tai có thể màu trắng, vàng, xanh và có thể có lẫn máu mủ. Trường hợp kèm theo tình trạng thủng màng nhĩ, dịch có thể chảy ra nhiều hơn và kèm theo các cơn đau nặng.
  • Ứ dịch trong tai: Khi có nhiễm trùng ở tai (hầu hết các trường hợp nhiễm trùng cấp tính), hoạt động của vòi Eustache trở nên hạn chế, không thể dẫn lưu dịch từ tai giữa xuống họng, gây ra tình trạng ứ dịch.
  • Suy giảm thính lực, mất thính lực: Đây là tình trạng phổ biến khi người bệnh có tình trạng ứ dịch trong tai và thủng màng nhĩ. Tuy nhiên, người bệnh không cần quá lo lắng, sau khi điều trị khỏi nhiễm trùng, tình trạng này có thể hồi phục.
  • Ù tai, cảm giác đầy tai hoặc có thể có tiếng chuông, tiếng động lạ trong tai.
  • Mệt mỏi
  • Sốt, đau đầu
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Sưng hạch ở gần các khu vực tai bị nhiễm trùng
  • Chóng mặt, mất thăng bằng: Khi có dấu hiệu chóng mặt, mất thăng bằng, nhiễm trùng có thể đã lan tới tai trong. Tai trong là một phần của hệ thống tiền đình ngoại biên, có chức năng điều chỉnh sự cân bằng của cơ thể.

Trẻ nhỏ dễ sốt cao và có các triệu chứng tăng nặng hơn so với người lớn. Một số hành vi bất thường như tự véo tai mình, quấy khóc, bỏ ăn, thở bằng miệng và không phản ứng với các âm thanh hàng ngày cũng có thể xảy ra.

chữa nhiễm trùng tai
Trẻ có các hành động bất thường như tự kéo tai mình, quấy khóc, bỏ ăn,… có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tai.

Bác sĩ Phát cho biết, cử động nhai nuốt có khiến tình trạng đau tai nặng hơn, nên trẻ thường bỏ ăn. Một số trường hợp trẻ mắc viêm họng, viêm VA và bị biến chứng nhiễm trùng lên tai, khối VA sưng to khiến trẻ có xu hướng thở bằng miệng.

Phương pháp điều trị nhiễm trùng tai như thế nào?

Điều trị nhiễm trùng tai có nhiều cách, từ điều trị ở nhà (vệ sinh tai bằng nước muối sinh lý, uống thuốc giảm đau,..) cho đến các phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa tại bệnh viện.

Bác sĩ Phát khuyến cáo, khi các triệu chứng nhiễm trùng tai không thuyên giảm sau 2-3 ngày điều trị tại nhà, người bệnh nên đến các cơ sở y tế thăm khám. Bác sĩ sẽ dựa vào tuổi, mức độ bệnh, tần suất tái phát của bệnh và tình trạng hiện tại (có chảy dịch, ứ dịch hay không) để đưa ra phác đồ điều trị an toàn, hiệu quả.

trị nhiễm trùng tai
Bác sĩ nội soi kiểm tra tai cho bệnh nhi tại Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

1. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa (uống thuốc) thường là biện pháp đầu tay khi chữa trị nhiễm trùng tai.

1.1 Kiểm soát cơn đau

  • Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau thường được áp dụng trong mọi trường hợp, có thể kèm theo yếu tố kháng viêm, giúp người bệnh hạ sốt, giảm viêm, giảm đau đớn. Có các loại thuốc từ không cần kê đơn cho người bệnh sử dụng tại nhà đến các loại thuốc kê đơn, được chỉ định trong các trường hợp nhiễm trùng nặng hơn. Tuy nhiên, hãy hỏi ý kiến các nhân viên y tế trước khi sử dụng thuốc giảm đau cho trẻ nhỏ.
  • Thuốc gây tê tại chỗ (dạng thuốc nhỏ tai): Có thể được sử dụng trong các trường hợp màng nhĩ không bị thủng hoặc rách.

1.2 Liệu pháp kháng sinh

Các trường hợp nhiễm trùng tai nhẹ thường có thể điều trị khỏi mà không cần liệu pháp kháng sinh kèm theo. Hoặc các trường hợp nhiễm trùng tai do virus gây ra, liệu pháp kháng sinh không có ích cho việc điều trị.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên đợi từ 1-3 ngày trước khi lựa chọn kháng sinh để quan sát diễn tiến bệnh. Mặt khác, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh khi có các dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nhiễm trùng tăng nặng như:(1)

  • Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên bị đau tai trung bình đến nặng, ở một hoặc cả hai tai trong ít nhất 48 giờ; hoặc trẻ sốt từ 39 độ C trở lên.
  • Trẻ từ 6 – 23 tháng tuổi bị đau tai giữa nhẹ ở một hoặc cả hai tai trong thời gian dưới 48 giờ và nhiệt độ dưới 39 độ C.
  • Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên bị đau tai giữa nhẹ ở một hoặc cả hai tai trong thời gian dưới 48 giờ và nhiệt độ dưới 39 độ C.
  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi được chẩn đoán viêm tai giữa cấp có thể điều trị kháng sinh mà không cần thời gian quan sát diễn tiến ban đầu.

Kháng sinh chủ yếu sử dụng đường uống hoặc dưới dạng nhỏ tai. Trường hợp sử dụng thuốc nhỏ tai, người bệnh cần phải có cách nhỏ tai đúng cách theo chỉ định của bác sĩ để thuốc đảm bảo tác dụng tối đa:

Bước 1: Rửa tay sạch với xà phòng và nước.
Bước 2: Làm ấm lọ thuốc nhỏ tai bằng cách nắm chặt trong lòng bàn bàn tay trong vài phút. Có thể đắp một khăn ấm lên tai bị bệnh trong vài phút, điều này sẽ khiến người bệnh dễ chịu hơn khi nhỏ thuốc.
Bước 3: Lắc nhẹ lọ thuốc trong 10 giây (nếu có khuyến cáo của chuyên gia).
Bước 4: Mở nắp (đầu nhỏ) và đảm bảo không đụng vô đầu nhỏ.
Bước 5: Nghiêng đầu sang một bên, để tai cần nhỏ ngửa lên. Người lớn và trẻ trên 3 tuổi, kéo phần trên của tai lên trên và hướng ra sau. Trẻ dưới 3 tuổi kéo nhẹ dái tai xuống dưới và ra sau. Thao tác này sẽ đảm bảo ống tai được thẳng.
Bước 6: Nhỏ đúng số giọt theo hướng dẫn sử dụng và kê đơn của bác sĩ. Đảm bảo đầu nhỏ không chạm vào tai hay bề mặt nào khác, để tránh nhiễm khuẩn lọ thuốc.
Bước 7: Giữ nguyên tư thế trong 3 – 5 phút.
Bước 8: Đóng nắp vặn, không chạm vào và đảm bảo giữ sạch đầu nhỏ.
Bước 9: Rửa tay để loại bỏ thuốc dính trên tay.
Bước 10: Nếu phải nhỏ 2 tai thì nên đợi 5 -10 phút giữa 2 tai, để đảm bảo giọt nhỏ hoàn toàn được chảy vào ống tai.

Sử dụng kháng sinh phải tuân thủ chặt chẽ về liều lượng và thời gian sử dụng, ngay cả khi triệu chứng nhiễm trùng tai đã hết, vẫn phải sử dụng đến khi bác sĩ chỉ định dừng. Việc dùng không đúng liều lượng, hay không đủ thời gian yêu cầu có thể khiến nhiễm trùng tái phát và vi khuẩn đề kháng kháng sinh. Người bệnh nên hỏi ý kiến chuyên gia y tế khi bỏ lỡ một liều thuốc.

Tác dụng phụ của kháng sinh có thể bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, và ba mẹ nên báo cáo với bác sĩ nếu trẻ có dị ứng với một loại kháng sinh nào đó.

2. Điều trị ngoại khoa

Nếu điều trị nội khoa không cải thiện, hoặc tình trạng nhiễm trùng nặng, tái đi tái lại kèm thủng màng nhĩ,… điều trị ngoại khoa có thể được áp dụng. (2)

Các trường hợp có thể chỉ định can thiệp cho trẻ nhỏ khi:

  • Trẻ trên 6 tháng tuổi bị nhiễm trùng tai từ 3 lần trở lên trong vòng 6 tháng hoặc 4 lần trở lên trong vòng 12 tháng.
  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi bị nhiễm trùng tai 2 lần trong khoảng thời gian 6 đến 12 tháng hoặc 3 đợt trong 24 tháng

Ống thông màng nhĩ (ear tubes)

Triệu chứng ứ dịch tai giữa thường gặp ở bệnh nhân viêm tai giữa ứ dịch hoặc bệnh nhân nhiễm trùng tái đi tái lại, biểu biện bởi cảm giác đầy tai, ù tai.

Bác sĩ tạo một lỗ nhỏ trên màng nhĩ và đặt một ống nhỏ (ống thông nhĩ) để dẫn lưu dịch từ tai giữa ra ngoài, giúp giảm tình trạng ứ dịch. Bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày và ống thông nhĩ được thiết kế giữ nguyên vị trí từ 4 – 18 tháng, sau đó tự rơi ra ngoài. Màng nhĩ có thể liền lại sau khi ống rơi ra.

3. Điều trị các bệnh lý mạn tính

Nhiễm trùng tai mạn tính thường dẫn tới thủng màng nhĩ, gọi là viêm tai giữa thủng nhĩ mạn tính, tình trạng này rất khó điều trị. Bác sĩ có thể điều trị bằng kháng sinh nhỏ tai để ổn định tình trạng nhiễm trùng, sau đó kết hợp phẫu thuật vá màng nhĩ để ngừa nhiễm trùng tái phát.

Câu hỏi hay gặp khi điều trị nhiễm trùng tai

1. Nhiễm trùng tai có tự hết không?

Nhiễm trùng tai có thể tự hết sau 3 ngày điều trị tại nhà, một số trường kéo dài tới 5 ngày. Tuy nhiên, trẻ nhỏ hay người bệnh cần theo dõi sát sao các triệu chứng và không tự ý sử dụng các loại thuốc kê đơn mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau 3 ngày, hoặc có biểu hiện tăng nặng, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ thăm khám và đưa ra hướng điều trị thích hợp.

  • Sốt cao, trên 38 độ C; đặc biệt lưu ý ở trẻ nhỏ;
  • Đau tai dữ dội;
  • Co giật;
  • Các cơn đau đầu dữ dội, chóng mặt xuất hiện.

2. Bị nhiễm trùng tai có chữa khỏi được không?

Nhiễm trùng tai có thể chữa khỏi và tiên lượng điều trị thường rất khả quan. Tuy nhiên, việc chần chừ điều trị hoặc tự ý điều trị sai cách có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém và mất thời gian hơn. Một số trường nặng gây ra các biến chứng không thể hồi phục dù tình trạng nhiễm trùng tai đã được điều trị khỏi.

3. Nhiễm trùng tai có tái phát không?

Nhiễm trùng tai có thể tái phát, thậm chí tái phát nhiều lần nếu người bệnh không điều trị triệt để đợt nhiễm trùng tai trước đó, hoặc vẫn duy trì thói quen, lối sống vệ sinh tai không sạch sẽ.

Nhiễm trùng tái đi tái lại sẽ khiến điều trị khó khăn hơn, và thường đi kèm với các biến chứng như thủng màng nhĩ, chảy dịch và suy giảm thính lực, thậm chí điếc tai.

Dưới đây là một số biện pháp để phòng ngừa nhiễm trùng tai tái phát:

  • Vệ sinh tai đúng cách bằng cách dùng tăm bông, bông gòn, khăn mềm lau nhẹ nhàng ở vùng ống tai. Tai có khả năng tự làm sạch, nên tuyệt đối không dùng tăm bông chọc sâu vào bên trong để lấy ráy tai, tăng nguy cơ chấn thương, nhiễm trùng.
  • Vệ sinh tai khô ráo sau khi đi bơi và chọn hồ bơi sạch sẽ. Không đi bơi khi tình trạng nhiễm trùng tai vẫn còn.
cách vệ sinh tai
Vệ sinh tai đúng cách bằng cách dùng tăm bông, bông gòn, khăn mềm lau nhẹ nhàng ở vùng ống tai.
  • Tiêm phòng đầy đủ, bao gồm cả các vắc xin phòng bệnh cúm. Vắc xin phế cầu khuẩn ngăn ngừa nhiễm trùng từ vi khuẩn thường gây nhiễm trùng tai cấp tính và nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Nếu là trẻ nhũ nhi, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu sau sinh. Nếu trẻ bú bình, không nên cho trẻ bú ở tư thế nằm.
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh tiếp xúc với khói thuốc là và rửa tay trước khi ăn.

Để đặt lịch khám, điều trị nhiễm trùng tai và các bệnh lý tai – mũi – họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ:

Điều trị nhiễm trùng tai đa phần đều có tiên lượng tốt và có thể khỏi hoàn toàn. Quan trọng là người bệnh được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Bác sĩ Phát khuyến nghị, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để điều trị nhiễm trùng tai, đặc biệt khi có các biến chứng như thủng màng nhĩ, suy giảm thính lực,… Bác sĩ sẽ nội soi, đo thính lực và làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh học cần thiết để đưa ra phương án điều trị phù hợp. Người bệnh không tự ý điều trị khiến biến chứng không thể hồi phục…



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *