Sau khi thực hiện đo thính lực, bạn sẽ nhận được báo cáo về thính lực đồ. Tuy nhiên, nhiều người còn mơ hồ vì không biết cách đọc kết quả trên thính lực đồ để có cái nhìn tổng quan về vấn đề mà mình đang gặp phải như thế nào. THS.BS.CKI Trương Trí Tường – Trung tâm Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ cách đọc kết quả thính lực đồ, đâu là kết quả bình thường.
Thính lực đồ là gì?
Thính lực đồ được định nghĩa là một báo cáo đưa ra các chỉ số thính lực, được hiển thị dưới dạng một biểu đồ với trục ngang là tần số (Hz) cùng trục dọc là cường độ (dB).
Bên cạnh đó, thính lực đồ được hiểu là biểu đồ minh họa nhằm phát hiện và báo cáo tình trạng thính lực của một người. Trong quá trình kiểm tra, thính giác được đánh giá qua các tần số khác nhau. Thông thường, ngưỡng nghe trung bình của một người có khả năng nghe bình thường là 0-25 dB. Nếu kết quả đo thính lực đồ vượt quá ngưỡng này, cho thấy khả năng nghe có dấu hiệu bất thường, ảnh hưởng đến sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.

Đo thính lực đồ nói chung và biểu đồ thính lực nói riêng giúp xác định được mức độ mất thính giác nặng hay nhẹ, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả, thích hợp nhất bằng các biện pháp như sử dụng thiết bị trợ thính hoặc có thể can thiệp y khoa để cải thiện khả năng thính giác.
Thính lực đồ dùng để làm gì?
Đo thính lực hay thính lực đồ là phương pháp giúp đánh giá rõ nét, chuẩn xác tình trạng thính lực của người bệnh. Có thể nói, kết quả từ phương pháp đo thính lực rất quan trọng, qua đó, bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề về thính giác của người bệnh và đưa ra những giải pháp giúp khắc phục, chữa lành những khiếm khuyết mà người bệnh đang gặp phải.
Nếu bạn đang có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan vấn đề thính giác, việc thực hiện đo thính lực sẽ giúp kiểm tra, đánh giá và xác định những dấu hiệu bất thường của thính giác. Thính lực đồ như là một bài kiểm tra giúp bạn yên tâm hơn về khả năng nghe của mình.
Ai cần đo thính lực đồ?
Đối tượng cần đo thính lực đồ là những người nghi ngờ khả năng nghe của mình, có dấu hiệu suy giảm thính lực (1). Và phương pháp đo thính lực cũng có thể được chỉ định cho những trường hợp có triệu chứng sau đây:
- Trẻ em có dấu hiệu bất thường về khả năng nghe, không phản xạ lại với tiếng động phía sau.
- Trẻ em không giật mình với tiếng động lớn cho thấy trẻ có thể có vấn đề về khả năng nghe.
- Người làm việc trong môi trường quá nhiều tiếng ồn.
- Người mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến tai như viêm tai giữa, viêm tai trong, viêm màng não,…
- Người thường xuyên dùng thuốc điều trị các bệnh lý như tim mạch, ung thư, lao có thể dẫn đến ù tai và ảnh hưởng đến chức năng nghe của tai.
- Người cao tuổi cảm thấy nghe kém.
- Người có các dấu hiệu như điếc đột ngột, lãng tai, ù tai, nghe kém.
Quy trình kiểm tra thính lực đồ
Quy trình kiểm tra thính lực đồ cần tuân theo một số nguyên tắc cụ thể và lưu ý phương pháp này chỉ được thực hiện trong môi trường cách âm chuẩn y khoa để đảm bảo kết quả đánh giá được chính xác nhất.
Trong quá trình kiểm tra thính lực đồ, bạn sẽ nghe được các loại âm thanh khác nhau được truyền trực tiếp qua tai nghe, bắt đầu từ âm lượng thấp và tăng dần. Việc này được thực hiện riêng lẻ cho từng bên tai. Kỹ thuật viên thính học được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp sẽ xác định được chính xác các tần số và cường độ âm thanh mà bạn có thể cảm nhận được.
Khi đó, kết quả thính lực đồ sẽ thể hiện được khả năng nghe của người bệnh qua biểu đồ thính lực và báo cáo kết quả cho người bệnh khi có sự thay đổi bất thường nào so với trạng thái nghe của người bình thường. Khi đo thính lực, sẽ có sự khác biệt được quan sát dưới hình thức, mức độ nghiêm trọng khác nhau, tùy thuộc vào vùng tai bị ảnh hưởng.
Tiếp theo sau quá trình đo thính lực âm đơn, kỹ thuật viên sẽ tiến hành kiểm tra độ rõ lời nói khi thực hiện đo thính lực lời nói. Với bước này, bác sĩ chuyên khoa kiểm tra được mức độ hiểu lời nói của người bệnh.
Bài kiểm tra thính lực lời nói đánh giá được sự suy giảm, khả năng nghe kém, bước kiểm tra này yêu cầu người bệnh lặp đi lặp lại các từ, cụm từ hoặc âm thanh truyền qua tai nghe. Kỹ thuật viên sẽ đánh giá khả năng hiểu lời nói trong hai môi trường khác nhau bao gồm môi trường yên tĩnh và môi trường ồn ào. Phương pháp này giúp kiểm tra được mức độ giới hạn khả năng nghe thông qua việc đánh giá mức độ nghe khó khăn hay dễ dàng trong các môi trường khác nhau.
Kết quả của bài kiểm tra được biểu hiện trên thính lực đồ dưới dạng một đường cong thể hiện sức nghe ở từng tần số. Nếu thính giác bình thường thì ngưỡng nghe đạt được ở cường độ 20 dB hoặc thấp hơn.
Bên cạnh đó, bài kiểm tra ngưỡng khó chịu của thính giác cũng giúp xác định, kiểm tra xem ngưỡng nghe của người bệnh có bình thường hay không. Với âm thanh ở mức độ lớn, kỹ thuật viên sẽ đánh giá cường độ âm thanh ở mức nào sẽ khiến người nghe cảm thấy khó chịu.
Những ký hiệu của thính lực đồ
Hiện nay, có nhiều ký hiệu được sử dụng trên thính lực đồ, nhưng nhìn chung, hầu hết các bộ ký hiệu đều theo tiêu chuẩn ASHA năm 1990. Những ký hiệu này nhằm mô tả, đánh dấu chi tiết những thông tin về khả năng nghe của người bệnh. Để hiểu hơn về các ký hiệu của thính lực đồ, bạn có thể tìm hiểu dưới phần ý nghĩa các ký hiệu trên thính lực đồ.
Ý nghĩa các ký hiệu trên thính lực đồ
Trên thính lực đồ có thể hiển thị nhiều con số khác nhau nhằm biểu thị tần số (Hz) và cường độ (dB). Trong đó, các tần số sắp xếp theo chiều ngang từ trái sang phải lần lượt từ tần số thấp (125 Hz) đến tần số cao (8000 Hz). Còn âm lượng thì được sắp xếp theo chiều dọc từ trên xuống dưới, âm lượng dao động từ rất nhỏ (0 dB) cho đến rất to (120 dB).
Dưới đây là bảng mô tả các ký hiệu có thể nhìn thấy trên thính lực đồ cùng ý nghĩa:
Ngưỡng dẫn truyền khí | Ngưỡng dẫn truyền xương không làm ù | Ngưỡng dẫn truyền xương có làm ù | |
Tai trái | X | > | ] |
Tai phải | O | < | [ |
Thông thường, các biểu tượng tai trái sẽ có màu xanh và tay phải sẽ có màu đỏ. Thuật ngữ “làm ù” và “không làm ù” ám chỉ việc tiếng ồn phát vào tai không đo nhằm hỗ trợ đo thính lực.
Hướng dẫn cách đọc thính lực đồ
Dựa theo hướng dẫn cách đọc thính lực đồ, người bệnh có thể tự kiểm tra kết quả đo thính lực của mình để biết rằng liệu mình có bị mất thính giác hay suy giảm thính giác không. Từ đó, phân loại được mức độ của thính giác. Theo như biểu đồ, kết quả đo thính lực càng xa phạm vi thính lực của người bình thường thì khả năng nghe càng kém.
Thông thường, tiêu chuẩn để đo thính giác giúp người bệnh nhận thức được tầm quan trọng, sự ảnh hưởng của việc suy giảm thính lực đối với bản thân. Tiêu chuẩn để đo thính lực thường được sử dụng là của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). (3, 4)
Dưới đây là bảng tổng quan về mức độ nghe của một người dựa trên ngưỡng âm lượng. Từ đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn, giải thích cặn kẽ, chi tiết về mức độ mất thính giác và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho từng người bệnh.
Mức độ mất thính lực | Ngưỡng nghe | Ghi chú |
Bình thường | 0-25 dB | Nghe hoàn toàn bình thường ở môi trường yên tĩnh và môi trường ồn ào. |
Nhẹ | 26-40 dB | Nghe môi trường yên tĩnh nhưng khó nghe trong môi trường ồn ào. |
Trung bình | 41-55 dB | Nghe hiểu được trong không gian yên tĩnh khi đối thoại trực tiếp nhưng bỏ lỡ 70% thông tin. |
Trung bình – nặng | 56-70 dB | Cố gắng nghe trong không gian yên tĩnh nhưng bỏ lỡ hầu hết thông tin. |
Nặng | 71-90 dB | Chỉ nghe được thông tin khi người khác nói to hoặc có thể không nghe thấy mọi âm thanh. |
Điếc sâu | 90 dB trở lên | Không nghe được hoàn toàn ngay cả với âm thanh lớn, chỉ có thể cảm nhận lời nói dưới dạng rung động. |
Minh họa đọc kết quả thính lực đồ
1. Thính lực đồ của người có thính giác bình thường
Ngưỡng của người có thính giác bình thường là 0-25 dB, decibel càng lớn thì chứng tỏ âm thanh càng to và thính giác càng tệ.
2. Thính lực đồ của người mất thính lực dẫn truyền
Với thính lực đồ của người mất thính lực dẫn truyền sẽ có kết quả ngưỡng nghe đường khí mất thính lực nhưng ngưỡng nghe đường xương lại hoàn toàn bình thường. Kết quả cho thấy người bệnh có vấn đề ở tai ngoài hoặc tai giữa khiến sự dẫn truyền âm thanh bị gián đoạn.

3. Thính lực đồ của người mất thính lực tiếp nhận thần kinh
Với thính lực đồ của người mất thính lực tiếp nhận thần kinh sẽ cho ra kết quả ngưỡng nghe theo đường xương và ngưỡng nghe theo đường khí khi đều chỉ ra mất thính lực cùng một mức độ. Kết quả cho thấy người bệnh đang gặp vấn đề ở tai trong, có thể do tiếng ồn trong thời gian dài gây ra.

4. Thính lực đồ của người mất thính lực hỗn hợp
Thính lực đồ của người mất thính lực hỗn hợp chỉ ra kết quả ngưỡng nghe của cả đường xương và đường khí đều mất thính lực nhưng đường khí ở mức độ nặng hơn. Khi người bệnh gặp phải trường hợp này, nguyên nhân có thể xuất phát từ tai ngoài, tai giữa và cả tai trong.

Đo thính lực đồ tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM
Tại Trung tâm Tai Mũi Họng – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, các phương pháp đo thính lực được các bác sĩ chuyên khoa và kỹ thuật viên thính lực giàu kinh nghiệm trực tiếp thực hiện. Mỗi độ tuổi, mỗi đối tượng sẽ có phương pháp đo thính lực khác nhau tùy theo nhu cầu và tình trạng của người bệnh.
Đo thính lực đồ sớm giúp phát hiện trường hợp giảm thính lực sớm, từ đó điều trị bằng các phương pháp nhẹ nhàng như đeo máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai. Tuy nhiên, nếu phát hiện vấn đề suy giảm khả năng nghe ở trường hợp muộn, phương pháp điều trị có thể sẽ phức tạp hơn. Khi có các dấu hiệu bất thường ở tai, người bệnh nên đến chuyên khoa Tai Mũi Họng để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch đo thính lực đồ, bạn có thể liên hệ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM theo thông tin sau:
Bài viết đã cung cấp thông tin quan trọng về thính lực đồ nhằm giúp bạn có thêm thông tin tổng quan về việc đo và khám thính lực. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho bạn trong việc bảo vệ sức khỏe tai mũi họng của mình.