Thủng màng nhĩ có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thủng màng nhĩ như nhiễm trùng, dị vật, chấn thương vật lý, chấn thương do áp suất, âm thanh,… Vậy thủng màng nhĩ có chữa được không? Có đau không?
Nhận biết bị thủng màng nhĩ thế nào?
Màng nhĩ là lớp màng mỏng hình bầu dục, bán trong suốt, có độ dày trung bình khoảng 0.1 mm. Màng nhĩ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con người cảm nhận âm thanh và ngăn ngừa các tác nhân có hại như bụi bẩn, vi khuẩn, virus xâm nhập vào các tổ chức tai giữa. Do đó, khi màng nhĩ bị thủng, người bệnh có thể gặp một số vấn đề như:
- Suy giảm chức năng nghe: Màng nhĩ có vai trò khuếch đại tín hiệu âm thanh. Do đó, một lỗ thủng to có thể gây giảm thính lực ở mức độ nhất định, thường không quá 20 – 30dB.
- Nhiễm trùng tai giữa: Lỗ thủng màng nhĩ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nước, chất bẩn, vi trùng… có thể xâm nhập vào tai giữa gây nhiễm trùng.
- Tai chảy dịch: Các dịch tiết, dịch viêm có thể chảy ra ngoài ống tai theo lỗ thủng.
- Chóng mặt, buồn nôn, nôn: nhiễm trùng nặng từ tai giữa có thể ảnh hưởng đến hệ tiền đình ở tai trong từ đó gây viêm mê nhĩ hoặc viêm thần kinh tiền đình khiến người bệnh vừa có các triệu chứng về thính lực vừa có các biểu hiện mất thăng bằng, chóng mặt do suy giảm chức năng tiền đình.

ThS.BS.CKI Phạm Thái Duy cho biết, sau khi thăm khám, khai thác triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh, người bệnh thủng nhĩ có thể được chỉ định kiểm tra cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị như:
- Khám bằng đèn soi tai: Trước khi có nội soi, đây là phương tiện phổ biến và đơn giản nhất để khám và đánh giá tình trạng của ống tai và màng nhĩ. Do khả năng khảo sát và chất lượng hình ảnh không cao nên dần được thay thế bằng nội soi.
- Nội soi: Nội soi là phương tiện phổ biến và dễ thực hiện nhằm xác định tình trạng của màng nhĩ và hòm nhĩ. Hình ảnh được phóng to và có độ phân giải rõ nét giúp bác sĩ quan sát được các bất thường có kích thước nhỏ một cách chính xác và nhanh chóng. Thao tác nội soi tai khá đơn giản bằng cách đưa ống soi vào trong tai và quan sát, có thể thực hiện ở người lớn và trẻ em. Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM trang bị hệ thống nội soi với các ống nội soi nhỏ nên an toàn cho cả trẻ nhỏ. Quá trình nội soi diễn ra nhẹ nhàng, nhanh chóng trong khoảng 15 phút, rút ngắn thời gian thăm khám cho bệnh nhân.
- Đo thính lực đồ và nhĩ lượng đồ: Đây là phương pháp để khảo sát chức năng nghe và hoạt động phản xạ của tai với âm thanh. Chỉ định này có thể thực hiện trước hoặc sau khi can thiệp điều trị và hỗ trợ đánh giá nguyên nhân gây bệnh.
- CT-scan: Đây cũng là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh quan trọng để khảo sát tai – xương đá. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật không được chỉ định thường quy ở mọi bệnh nhân. Tùy thuộc vào bệnh sử và kết quả thăm khám – nội soi, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định chụp CT thêm nhằm khảo sát chính xác hơn các bất thường ở tai. (1)
- MRI: Tương tự như CT, MRI cũng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh học không được chỉ định thường quy. Trong một số trường hợp có tổn thương lan rộng vào trong xương hoặc nghi ngờ u hoặc viêm tai có cholesteatoma theo dõi tái phát, bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI.
Tai bị thủng màng nhĩ có chữa được không?
Nhiều bệnh nhân thắc mắc tai bị thủng màng nhĩ có chữa được không? Câu trả lời còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây thủng nhĩ và tình trạng thủng nhĩ ở tai người bệnh.
Với các trường hợp thủng màng nhĩ đơn thuần, ví dụ do chấn thương vật lý, lỗ thủng nhỏ, không biến chứng, không nhiễm trùng, được điều trị và theo dõi tốt, lỗ thủng có thể tự lành mà không cần phẫu thuật.
Trường hợp lỗ thủng không lành sau một thời gian chăm sóc, hoặc sau khi viêm tai giữa thủng nhĩ, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật vá lỗ thủng màng nhĩ.
Các trường hợp đang nhiễm trùng nặng, nghi biến chứng hoặc u xâm lấn hoặc viêm tai giữa có cholesteatoma lan rộng nhiều. Việc điều trị chính là giải quyết bệnh tích chính ở tai của người bệnh bằng nội khoa hoặc phẫu thuật cắt rộng mà không thể vá lại màng nhĩ như ban đầu.
Chữa thủng màng nhĩ bằng cách nào?
1. Điều trị nguyên nhân gây thủng nhĩ
Dị vật, chấn thương vật lý, nhiễm trùng… là những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm tai và thủng nhĩ. Người bệnh sẽ được bác sĩ chăm sóc tai, loại bỏ dị vật và uống thuốc để làm lành vết thương và hết nhiễm trùng. Một số trường hợp màng nhĩ có thể lành lặn lại hoàn toàn mà không cần can thiệp phẫu thuật.
Sau khi đã điều trị nội khoa ổn định mà màng nhĩ vẫn không lành hoàn toàn, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật vá màng nhĩ.
2. Phẫu thuật vá màng nhĩ
Khi tai bị thủng màng nhĩ có chữa được không? Đầu tiên, bác sĩ sẽ xử lý lỗ thủng bằng cách cắt bỏ phần rìa lỗ thủng. Sau đó lấy một mảnh cân cơ sau tai (lớp vỏ bao của cơ) hoặc một phần sụn trước tai làm mảnh vá và đặt sát bên dưới lỗ thủng. Cố định bằng thuốc tự tan trong hòm nhĩ và ống tai. Người bệnh có thể hồi phục nhanh chóng, xuất viện sau 2-3 ngày và màng nhĩ mới có thể lành hẳn sau khoảng 3-4 tuần.
Phẫu thuật vá màng nhĩ có thể áp dụng cho người lớn và trẻ lớn trong các trường hợp như:(2)
- Thủng màng nhĩ không lành trong 3 tháng;
- Viêm tai mạn tính hoặc tái phát;
- Suy giảm thính lực do thủng màng nhĩ;
- Chấn thương dẫn đến thủng màng nhĩ.
Tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, phẫu thuật vá nhĩ được tiến hành dưới nội soi, cho tầm nhìn rộng hơn, tăng độ phóng đại phẫu trường, giúp bác sĩ thao tác chính xác, ít xâm lấn và hạn chế tổn thương so với phương pháp mổ mở.

3. Thính lực của người bệnh
Thủng màng nhĩ có chữa được không? Như đã đề cập ở trên, màng nhĩ góp phần khuếch đại tín hiệu âm thanh. Tín hiệu này được chuyển đổi sang tín hiệu điện ở thần kinh và tiếp nhận ở vỏ não thính giác, giúp con người nghe được. Nếu trục trặc ở bất kỳ khâu nào cũng có thể gây ảnh hưởng đến thính giác một cách tạm thời hoặc vĩnh viễn. Một lỗ thủng nhỏ gần như không ảnh hưởng đến sức nghe. Tuy nhiên, một lỗ thủng to có thể khiến sức nghe giảm khoảng 20 – 30dB.
Mục tiêu chính khi vá màng nhĩ là ngăn chặn hòm nhĩ tai giữa tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài như khói bụi, vi trùng có thể dẫn đến viêm tai giữa kéo dài và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng về sau.
Sự phục hồi thính lực của người bệnh sau vá nhĩ tùy thuộc vào cơ địa của người bệnh.
4. Chăm sóc tai thủng màng nhĩ tại nhà
Tai bị thủng màng nhĩ có chữa được không? Người bệnh lưu ý giữ tai khô ráo khi tắm, không đi bơi trong lúc đang điều trị bệnh. (3)
- Tuyệt đối không dùng tăm bông chọc sâu vào ống tai, có thể khiến nhiễm trùng tiến triển nặng dẫn đến thủng nhĩ, tổn thương các cơ quan tai giữa.
- Dùng khăn ấm, ẩm, lau nhẹ nhàng vành tai, loại bỏ các dịch tiết, dịch mủ nếu có. Không cần cố ấn sâu vào lỗ tai vì sẽ làm bệnh nhân đau đớn.
- Tránh xì mũi mạnh: hạn chế xì mũi mạnh và nhiều lần sau khi vá nhĩ, điều này có thể khiến màng nhĩ mới vá bị bung. Nếu bị viêm mũi dị ứng, sổ mũi, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp hơn.

Người bệnh cần sử dụng thuốc nhỏ tai đúng cách theo các bước sau:
- Bước 1: Rửa tay sạch với xà phòng và nước.
- Bước 2: Làm ấm lọ thuốc nhỏ tai bằng cách nắm chặt trong lòng bàn tay khoảng vài phút. Điều này giúp người bệnh dễ chịu hơn khi nhỏ thuốc.
- Bước 3: Lắc nhẹ lọ thuốc trong 10s (nếu có khuyến cáo của nhân viên y tế).
- Bước 4: Mở nắp (đầu nhỏ thuốc) và đảm bảo không đụng vô đầu nhỏ.
- Bước 5: Nghiêng đầu sang một bên, để tai cần nhỏ ngửa lên, kéo vành tai lên trên và hướng ra sau. Thao tác này sẽ đảm bảo ống tai được thẳng.
- Bước 6: Nhỏ tai đủ liều lượng theo hướng dẫn sử dụng hoặc kê đơn của bác sĩ. Đảm bảo đầu nhỏ thuốc không chạm vào tai hay bề mặt nào khác, để tránh nhiễm khuẩn lọ thuốc.
- Bước 7: Giữ nguyên tư thế trong 3 – 5 phút. Sau đó xoay đầu theo hướng ngược lại cho thuốc dư chảy ra ngoài, dùng bông gòn lau sạch phía ngoài ống tai.
- Bước 8: Đóng nắp vặn, không chạm vào và đảm bảo giữ sạch đầu nhỏ thuốc.
- Bước 9: Rửa tay để loại bỏ thuốc dính trên tay.
- Bước 10: Nếu nhỏ thuốc 2 tai thì thời gian chờ khoảng 5 -10 phút mỗi bên tai, để đảm bảo thuốc chảy vào ống tai hoàn toàn.
Các thắc mắc về chữa thủng màng nhĩ
1. Màng nhĩ bị thủng có tự khỏi được không?
Màng nhĩ bị thủng có thể tự lành trong khoảng 3 – 6 tuần. Tuy nhiên, các trường hợp nặng hơn có thể cần thăm khám với bác sĩ để điều trị khỏi bệnh.
2. Thủng màng nhĩ có vá được không?
Tùy thuộc vào nguyên nhân, màng nhĩ bị thủng có thể vá được hay không. Phẫu thuật vá màng nhĩ tuy ít biến chứng nhưng vẫn có thể xảy ra, người bệnh cần phải lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa tai mũi họng, chuyên gia giàu kinh nghiệm và máy móc hiện đại, tránh các biến chứng về thính lực, tổn thương thần kinh không đáng có.

3. Thủng màng nhĩ có nên nhập viện cấp cứu không?
Màng nhĩ thủng đơn thuần, không có các dấu hiệu như nhiễm trùng nặng hoặc biến chứng áp xe ảnh hưởng đến não hoặc gây triệu chứng chóng mặt nhiều, buồn nôn thì có thể đăng ký khám ở phòng khám mà không cần vào cấp cứu.
Trường hợp thủng nhĩ do chấn thương, người bệnh có thể nhập cấp cứu. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ ưu tiên xử lý các tổn thương sọ não, chảy dịch não tủy… trước. Khi các vấn đề cấp cứu khác đã ổn định hoàn toàn, bác sĩ sẽ cân nhắc xử trí thủng nhĩ.
4. Màng nhĩ bị thủng có thể phục hồi trong bao lâu?
Màng nhĩ có thể tự lành sau khoảng 3 – 6 tuần. Người bệnh phẫu thuật vá nhĩ thường cần vài tuần đến 2 tháng để màng nhĩ lành hoàn toàn.
Để đặt lịch khám, điều trị thủng màng nhĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ:
Bài viết đã giải đáp thắc mắc thủng màng nhĩ có chữa được không. Nếu phát hiện sớm, chăm sóc tại nhà đúng cách và tuân thủ điều trị, thính lực của người bệnh có thể phục hồi gần như hoàn toàn, cải thiện chất lượng cuộc sống.