Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, hiện có hơn 1,5 tỷ người (tương đương gần 20% dân số toàn cầu) bị suy giảm thính lực. Dự kiến ​​đến năm 2050, có thể có hơn 700 triệu người bị suy giảm thính lực. Vậy dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, cách điều trị cải thiện tình trạng suy giảm thính lực như thế nào? Bài viết này, thạc sĩ, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thục Như, Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn.

suy giảm thính lực

Suy giảm thính lực là gì?

Suy giảm thính lực là thuật ngữ y khoa chỉ tình trạng suy giảm chức năng nghe của tai, xảy ra khi tai chỉ nghe thấy những âm thanh từ 20 dB (decibel) trở lên. Có nghĩa là 1 người bị suy giảm thính lực vẫn có thể nghe được âm thanh, nhưng không tốt như người bình thường, vì một số âm thanh nhỏ hoặc trung bình có thể không nghe được.

Suy giảm thính lực có thể ảnh hưởng đến 1 hoặc cả 2 tai, mức độ có thể nhẹ, vừa, nặng vừa, nặng hoặc sâu (điếc sâu). Các nguyên nhân chính gây suy giảm thính lực bao gồm bẩm sinh hoặc khởi phát sớm ở trẻ em, nhiễm trùng tai giữa mạn tính, suy giảm thính lực do tiếng ồn, do tuổi tác và do tổn thương tai trong.

giảm thính giác
Suy giảm thính lực là tình trạng suy giảm chức năng nghe của tai, có thể do tuổi tác, bẩm sinh và nhiều nguyên nhân khác nhau

Các dạng suy giảm thính lực

Dựa trên mức độ biểu hiệu của các triệu chứng, suy giảm thính lực chia thành 4 cấp bậc, gồm:

  • Suy giảm thính lực nhẹ.
  • Suy giảm thính lực trung bình.
  • Suy giảm thính lực nặng.
  • Mất thính lực.

Dựa trên cấu tạo giải phẫu và chức năng của tai, các dạng suy giảm thính lực có thể chia làm 3 loại:

banner khai trương tâm anh quận 8 mb
  • Suy giảm thính lực dẫn truyền (hay mất thính giác dẫn truyền).
  • Suy giảm thính lực tiếp nhận (hay mất thính lực tiếp nhận).
  • Suy giảm thính lực hỗn hợp (hay mất thính lực hỗn hợp).

1. Dẫn truyền

Suy giảm thính lực dẫn truyền xảy ra khi âm thanh khó dẫn truyền đến tai người bệnh hơn bình thường. Tình trạng này có thể khắc phục bằng các phương pháp điều trị khác nhau, tùy mức độ.

Tai của được tạo thành từ 3 phần, gồm: tai ngoài, tai giữa và tai trong. Suy giảm thính lực dẫn truyền xảy ra khi âm thanh không thể truyền qua tai ngoài và tai giữa do tắc nghẽn, khiến người bệnh khó nghe được âm thanh nhỏ, có tần số thấp. Âm thanh lớn hơn có thể bị bóp nghẹt, không thể truyền hoàn toàn đến tai trong.

Các dạng suy giảm thính lực
Cấu trúc tai rất phức tạp và bất kỳ tổn thương nào bên trong tai cũng có thể ảnh hưởng xấu đến tính lực, gây suy giảm hoặc mất thính lực

2. Tiếp nhận

Suy giảm thính lực tiếp nhận là tình trạng suy giảm thính lực có liên quan đến thần kinh (SNHL), có thể do tổn thương ở các tế bào lông ở tai trong, dây thần kinh tiền đình ốc tai hoặc cơ quan xử lý trung tâm của não. Khi các bộ phận này bị tổn thương gây suy giảm chức năng tiến nhận và dẫn truyền âm thanh đến não. Suy giảm thính lực tiếp nhận có thể liên quan đến tình trạng điếc bẩm sinh.

3. Hỗn hợp

Đôi khi, suy giảm thính lực dẫn truyền xảy ra cùng lúc với suy giảm thính lực thần kinh giác quan, hay suy giảm thính lực tiếp nhận. Tình trạng này xảy ra khi người bệnh bị tổn thương tai ngoài hoặc tai giữa, xảy ra cùng lúc với tổn thương ở tai trong hoặc đường dẫn truyền thần kinh não. Tình trạng được gọi chúng là mất thính lực hỗn hợp.

Ai dễ mắc bị giảm thính lực?

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành người dễ mắc suy giảm thính lực. Tỷ lệ suy giảm thính lực tăng dần theo độ tuổi, trong số những người trên 60 tuổi, có trên 25% mắc chứng suy giảm thính lực.

Người trưởng thành có nguy cơ cao bị suy giảm thính lực, mức độ suy giảm thính lực lớn nhất ở nhóm 60 – 69 tuổi. Nam giới có nguy cơ bị suy giảm thính lực cao gần gấp đôi so với nữ giới.

Người thường xuyên tiếp xúc hoặc sống trong môi có nhiều tiếng ồn cũng dễ mắc suy giảm thính lực. Việc tiếp xúc với âm thanh lớn, cường độ cao, trong thời gian dài có thể làm tổn thương cấu trúc tai, dẫn đến suy giảm thính lực. (2)

Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân suy giảm thính lực là gì?

Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây suy giảm thính lực phụ thuộc nhiều vào loại suy giảm thính lực mắc phải.

Suy giảm thính lực dẫn truyền có nguyên nhân do:

  • Có chất lỏng trong tai giữa do cảm lạnh hoặc dị ứng.
  • Nhiễm trùng tai hoặc viêm tai giữa.
  • Suy giảm chức năng ống Eustachian (nối tai giữa và mũi): tình trạng này làm cho chất lỏng trong tai giữa có thể chảy ra ngoài hoặc đọng lại trong tai giữa.
  • Thủng/rách màng nhĩ (xuất hiện lỗ trên màng nhĩ).
  • Các khối u lành tính có thể chặn tai ngoài hoặc tai giữa.
  • Ráy tai bịt kín tai ngoài hoặc ráy tai bị mắc kẹt trong ống tai.
  • Nhiễm trùng ống tai hay viêm tai ngoài.
  • Dị vật mắc kẹt trong ống tai ngoài.
  • Bất thường trong giải phẫu cấu trúc tai ngoài hoặc tai giữa. Một số người sinh ra đã không có tai ngoài. Một số có thể có ống tai bị biến dạng hoặc có vấn đề về xương ở tai giữa.

Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây suy giảm thính lực tiếp nhận được xác định do:

  • Bệnh tật.
  • Thuốc gây độc thính giác.
  • Bẩm sinh.
  • Lão hóa.
  • Chấn thương vùng đầu.
  • Bất thường trong giải phẫu tai trong.
  • Ảnh hưởng tiêu cực từ tiếng động lớn hoặc tiếng nổ lớn.

Tất cả các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân gây mất thính lực dẫn truyền hay tiếp nhận, đều có thể gây mất thính lực hỗn hợp. Ví dụ, 1 người có thể bị suy giảm thính lực do phải làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn và có chất lỏng trong tai giữa. Cả 2 yếu tố kết hợp cùng nhau khiến thính lực suy giảm nhanh hơn so với việc chỉ xuất hiện 1 tình trạng hoặc là môi trường ồn hoặc là có chất lỏng trong tai giữa.

Dấu hiệu giảm thính lực

Các dấu hiệu suy giảm thính lực bao gồm:

  • Suy giảm khả năng nghe.
  • Thường không nghe rõ những âm thanh xung quanh.
  • Khi xem tivi, nghe điện thoại cần mở âm lượng lớn mới có thể nghe được.
  • Xuất hiện dấu hiệu lẫn lộn thông tin do không nghe hết được (câu được, câu mất).
  • Ù tai.
Dấu hiệu giảm thính lực
Chấn thương ở tai có thể là nguyên nhân gây suy giảm thính lực

Thính lực giảm ảnh hưởng như thế nào?

Thính lực giảm ảnh hưởng tiêu cực và sâu sắc đến cuộc sống người bệnh. Vì khiến người bệnh mất khả năng giao tiếp với người khác, chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em, dẫn đến sự cô lập với xã hội, cô đơn và thất vọng, đặc biệt ở những người lớn tuổi, suy giảm thính lực dễ dẫn đến mất thính lực.

Chẩn đoán chứng suy giảm thính lực

Các phương pháp chẩn đoán suy giảm thính lực hiện nay bao gồm:

  • Khám lâm sàng: bác sĩ sẽ kiểm tra tai của người bệnh để tìm nguyên nhân có thể gây suy giảm thính giác như ráy tai hoặc nhiễm trùng, kiểm tra xem người bệnh có bất thường gì về cấu trúc tai không.
  • Xét nghiệm sàng lọc: người bệnh thường được che từng tai 1, trong khi nghe các từ được nói ở nhiều âm lượng, xét nghiệm này cho thấy tai của người bệnh phản ứng như thế nào với các âm thanh có cường độ khác.
  • Kiểm tra thính giác bằng ứng dụng: bác sĩ có thể dùng một số ứng dụng trên di động hoặc máy tính để kiểm tra tình trạng suy giảm thính lực ở người bệnh.
  • Thử nghiệm âm thoa: bác sĩ sẽ sử dụng nĩa điều chỉnh, là dụng cụ kim loại có 2 mũi nhọn tạo ra âm thanh khi đánh. Các bài kiểm tra đơn giản với âm thoa khác nhau giúp phát hiện tình trạng mất hoặc suy giảm thính lực, xác định vị trí tổn thương ở tai.
  • Kiểm tra bằng máy đo thính lực: bác sĩ sẽ thực hiện những bài kiểm tra chuyên sâu hơn bằng máy đo thính lực. Âm thanh và lời nói được truyền đến từng tai. Mỗi âm được lặp lại ở mức thấp để tìm ra âm thanh yên tĩnh nhất mà người bệnh có thể nghe thấy.

Suy giảm thính giác có thể hồi phục không?

Suy giảm thính giác có thể hồi phục được. Nhưng không phải trường hợp nào cũng có thể hồi phục thính giác sau điều trị, khả năng hồi phục phụ thuộc vào loại mất thính giác mà người bệnh mắc phải, nguyên nhân gây ra tình trạng này, thời gian tái khám sớm hay muộn. Một số trường hợp suy giảm hoặc thậm chí mất thính lực có thể được điều trị phục hồi ngay lập tức. Song song đó, vẫn có những trường hợp cần được điều trị lâu dài để khắc phục hoàn toàn các nguyên nhân gây suy giảm thính lực.

Một số trường hợp còn lại, suy giảm thính lực không thể phục hồi do những tổn thương không thể sửa chữa. Đối với trường hợp này, máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử có thể sẽ được khuyến nghị để cải thiện phần nào thính lực bị suy giảm.

Phương pháp điều trị suy giảm thính lực

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây suy giảm thính lực và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp điều trị, gồm:

  • Loại bỏ ráy tai: nếu người bệnh bị suy giảm thính lực do ráy tai tắc nghẽn, bác sĩ sẽ nhanh chóng loại bỏ ráy tai bằng máy hút hoặc 1 dụng cụ nhỏ y khoa chuyên dụng.
  • Phẫu thuật: một số loại suy giảm thính giác có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Đối với các bệnh nhiễm trùng lặp đi lặp lại gây chảy dịch trong tai, bác sĩ có thể đặt các ống nhỏ giúp tai thoát nước.
  • Kháng sinh: các trường hợp suy giảm thính lực có nguyên nhân do nhiễm trùng, viêm tai, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Trợ thính: mất thính lực do tổn thương ở tai trong, máy trợ thính có thể hữu ích. Bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh sử dụng hoặc hỗ trợ lắp máy trợ thính.
  • Cấy ghép ốc tai điện tử: khi máy trợ thính thông thường không có khả năng giúp cải thiện thính lực, cấy ốc tai điện tử có thể là một lựa chọn. Ốc tai điện tử được lắp vào các phần của tai trong, có tác dụng kích thích dây thần kinh thính giác.
Phương pháp điều trị suy giảm thính lực
Máy trợ thính có thể giúp khắc phục hoặc cải thiện tình trạng mất thính lực

Cách phòng ngừa và cải thiện suy giảm thính lực tại nhà

WHO ước tính, trên toàn cầu có 34.000.000 trẻ em bị điếc hoặc giảm thính lực, trong đó có 60% trường hợp do những nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Một số cách phòng ngừa và cải thiện suy giảm thính lực bao gồm:

  • Kiểm soát tốt sức khỏe huyết áp và tim mạch: mắc bệnh huyết áp cao và bệnh tim có thể ảnh hưởng đến cơ chế tiếp nhận âm thanh bên trong tai vì làm mất cân bằng chất lỏng.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường: người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị mất thính lực cao gấp đôi người bình thường. Cũng giống như bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương các tế bào ở tai trong.
  • Ngừng hút thuốc, hạn chế uống rượu: khói thuốc lá ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thính giác, còn sử dụng nhiều rượu bia, sẽ tạo ra môi trường độc hại trong tai.
  • Ăn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: một số vitamin và khoáng chất, đặc biệt là B12, kali và magiê rất quan trọng đối với sức khỏe thính giác. Thiếu máu do thiếu sắt có liên quan đến việc suy giảm thính giác, vì vậy hãy cố gắng xây dựng chế độ ăn giàu chất sắt, đủ chất.
  • Bảo vệ thính giác khỏi tiếng ồn: bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị tổn thương thính giác nếu tai không được bảo vệ trong môi trường ồn ào. Bất kể tuổi tác hay tình trạng sức khỏe thính giác, việc bảo vệ thính giác luôn là điều nên làm khi tiếp xúc với âm thanh lớn.
  • Rèn luyện thể dục, thể thao, tránh căng thẳng kéo dài.
  • Cảnh giác với các loại thuốc gây mất hoặc suy giảm thính lực.

Khám và điều trị suy giảm thính lực tại BVĐK Tâm Anh

Khám và điều trị suy giảm thính lực tại Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM và Đơn vị Tai Mũi Họng, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7, người bệnh có thể yên tâm với đội ngũ bác sĩ là những chuyên gia hàng đầu trong việc chẩn đoán và điều trị các tình trạng về sức khỏe thính giác. Cùng với đó là hệ thống trang thiết bị, vật tư y tế hiện đại, giúp chẩn đoán nhanh chóng, chính xác tình trạng và nguyên nhân gây suy giảm thính giác. Từ đó giúp người bệnh lựa chọn đúng phác đồ điều trị, nhanh chóng phục hồi thính lực.

Hy vọng với những thông tin mà bài viết vừa chia sẻ đã giúp bạn hiểu hơn về chứng suy giảm thính lực, nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị cải thiện cũng như phòng ngừa thính lực giảm.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *