Sổ mũi ra máu hay dịch mũi lẫn máu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc là dấu hiệu của nhiễm trùng, viêm mũi hoặc các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại khác. Vậy nguyên nhân sổ mũi ra máu, cách phòng ngừa thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về hiện tượng sức khỏe này.
Sổ mũi ra máu là gì?
Sổ mũi ra máu hay dịch mũi lẫn máu là hiện tượng máu chảy ra và trộn lẫn với chất nhầy trong mũi. Dịch mũi bình thường có màu trong suốt nên khi khô có màu trắng đục. Khi chất nhầy mũi có màu nâu hoặc đỏ, điều này có thể xuất phát từ sự hiện diện của máu. Niêm mạc mũi rất mỏng manh với nhiều mạch máu, ngay cả một vết xước nhỏ cũng có thể gây chảy máu. Mạch máu trong mũi bị vỡ có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng những nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm ngoáy mũi hoặc hắc xì quá mạnh.
Dịch mũi là chất nhầy đóng vai trò vừa là chất bôi trơn vừa là bộ lọc trong mũi, chúng cung cấp độ ẩm để ngăn các cấu trúc trong mũi không bị khô. Đồng thời, dịch mũi là một bộ lọc, bảo vệ cơ thể. Khi hít vào, dịch mũi sẽ lọc các hạt, bao gồm bụi, chất gây dị ứng và mầm bệnh và giữ chúng trong chất nhầy. Bằng cách này, dịch mũi giúp ngăn chặn mầm bệnh là những sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. Do đó, dịch mũi đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp khỏi nhiễm trùng. (1)

Đối tượng có nguy cơ bị sổ mũi ra máu
Ai cũng có thể bị sổ mũi ra máu, tuy nhiên, một số đối tượng đặc biệt có nguy cơ bị sổ mũi ra máu cao, bao gồm:
- Khi mắc cảm lạnh, cảm cúm.
- Viêm xoang, viêm mũi dị ứng.
- Viêm đường hô hấp.
- Chấn thương mũi.
Nguyên nhân dịch mũi lẫn máu
1. Do thời tiết khô lạnh
Thời tiết khô lạnh, độ ẩm không khí thấp sẽ dễ khiến niêm mạc mũi bị khô, mao mạch bị vỡ ra, rách mạch máu ở mũi, dẫn đến chảy máu, xuất hiện máu lẫn trong dịch mũi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến niêm mạc mũi, mao mạch mũi khó hồi phục, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
2. Thường xuyên ngoáy mũi
Thói quen ngoáy mũi thường xuyên dễ làm vỡ các mao mạch trong hốc mũi, dẫn đến hiện tượng dịch mũi lẫn máu. Bên trong mũi có một hệ thống mao mạch dày đặc, chỉ cần một vài tác động nhỏ cũng dễ khiến các mao mạch này vỡ ra, chảy máu.
3. Bất thường trong cấu trúc mũi
Những bất thường trong cấu trúc mũi như gai xương vách ngăn, lệch vách ngăn mũi, thủng vách ngăn mũi,… cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch mũi lẫn máu. Bất thường trong cấu trúc mũi khiến cho phần cấu trúc bị nhô ra ma sát với không khí nhiều hơn, khiến cho niêm mạc ở khu vực này mỏng và dễ khô lại, làm vỡ các mao mạch.
4. Do trong mũi có dị vật
Dị vật mắc kẹt trong mũi có thể gây chấn thương niêm mạc mũi, gây sổ mũi ra máu. Nguyên nhân này thường gặp ở trẻ nhỏ vì các bé thường hay nô đùa, có thể nhét đồ chơi, dị vật vào trong mũi.
5. Tác dụng phụ của thuốc xịt mũi
Một số loại thuốc xịt mũi có thành phần chứa corticoid, nếu sử dụng không đúng cách có thể khiến người bệnh gặp phải các tác dụng phụ như chảy máu mũi. Một số loại thuốc điều trị có thể gây tác dụng phụ, khiến mao mạch trong mũi dễ bị vỡ.
6. Viêm mũi gây xì mũi ra máu
Viêm mũi, viêm mũi dị ứng, viêm xoang,… gây ra tình trạng sung huyết, phù nề và giãn nở mao mạch. Khi các mao mạch giãn nở, chúng sẽ trở nên rất yếu ớt, dễ bị tổn thương. Khi này, bạn chỉ cần hắt xì hoặc xì mũi mạnh cũng khiến mao mạch vỡ và chảy máu. Khi thời tiết thay đổi hoặc vào mùa lạnh, viêm mũi trở nên nặng hơn, cộng thêm cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng, nhiễm khuẩn, viêm xoang,… sẽ khiến tình trạng dịch mũi lẫn máu trở nên nghiêm trọng hơn.

7. Hít phải hóa chất độc hại hay do chấn thương
Các hóa chất độc hại khiến mũi trở nên nhạy cảm hơn khi hít phải, chẳng hạn: amoniac, cocaine, các loại thuốc bột,… làm tổn thương các mao mạch trong mũi, gây sổ mũi ra máu.
Chấn thương hoặc phẫu thuật ở mũi chưa hồi phục hẳn có thể khiến dịch mũi lẫn máu. Nếu xì mũi hoặc hắt hơi mạnh có thể làm rách hoặc làm hở vết thương, tăng nguy cơ nhiễm trùng và khiến mũi nhạy cảm hơn.
Dấu hiệu hỉ mũi ra máu
Dấu hiệu hỉ mũi ra máu rất dễ nhận biết, dịch mũi bình thường có màu trong suốt. Nếu thấy dịch mũi có màu đỏ hoặc nâu thì đó là máu, nếu có màu đen thì có thể là bụi bẩn. Nếu chỉ lẫn một lượng máu nhỏ trong dịch mũi, điều này không quá nghiêm trọng, bạn không cần quá lo lắng. Nếu bạn thấy có nhiều máu lẫn trong dịch mũi, kèm cảm giác đau nhức ở mũi, khó hít thở thì hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra tình trạng sức khỏe.
Chẩn đoán dịch mũi lẫn máu
Dịch mũi lẫn máu có thể chẩn đoán thông qua khám lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng hiện tại và kiểm tra tiền sử của bạn, nội soi vùng mũi xoang, điều này giúp nhanh chóng tìm ra nguyên gây dịch mũi lẫn máu.
Chẩn đoán hình ảnh qua chụp CT khu vực xoang mũi, siêu âm vùng cổ cũng được áp dụng với các tình trạng dịch mũi lẫn máu nặng hơn. Giúp bác sĩ xác định hoặc loại trừ các nguyên nhân gây bệnh.
Sổ mũi ra máu là bệnh gì?
Sổ mũi ra máu không phải tình trạng nguy hiểm, hiếm gặp. Phần lớn tình trạng dịch mũi lẫn máu có thể tự hồi phục, không cần chữa trị. Nhưng trong một số trường hợp, sổ mũi ra máu có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng, cần được can thiệp và điều trị kịp thời. Khi bị chảy mũi lẫn máu kèm các triệu chứng sau thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. (2)
- Chảy máu mũi số lượng nhiều, khó cầm, tái đi tái lại.
- Chảy máu khó cầm ở các bộ phận khác của cơ thể.
- Đau đầu không rõ nguyên nhân.
- Ù tai.
- Sốt kéo dài.
- Suy giảm thính lực.
- Nổi hạch cổ.
- Khó thở.
- Viêm tai giữa.
Sổ mũi ra máu có gây biến chứng không?
Tình trạng sổ mũi ra máu kéo dài khiến người bệnh có nguy cơ đối mặt với một số biến chứng như viêm xoang, nhiễm trùng khoang mũi. Lâu dần bệnh tiến triển nặng hơn, khó điều trị hơn. Một số trường hợp, dịch mũi lẫn máu là dấu hiệu của các khối u, nếu không kiểm soát tốt, khối u có thể phát triển nhanh chóng, nghiêm trọng hơn là những khối u ác tính, nguy cơ di căn ung thư cao, đe dọa đến sức khỏe.
Cách trị sổ mũi ra máu hiệu quả
Điều trị sổ mũi ra máu chính là cố gắng khắc phục các nguyên nhân gây hiện tượng dịch mũi lẫn máu, tùy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp, bao gồm:
- Hướng dẫn cách vệ sinh mũi đúng cách, cách cầm máu mũi đúng cách.
- Nếu dịch mũi lẫn máu do bị viêm xoang, người bệnh có thể được bác sĩ điều trị viêm mũi xoang.
- Ăn uống nhiều thực phẩm chứa vitamin C hoặc bổ sung thuốc giúp tăng sức bền thành máu, dùng thuốc nhỏ mũi co mạch tại chỗ hoặc thuốc cầm máu.
- Đốt điểm chảy máu tại chỗ hoặc phẫu thuật đốt động mạch bướm khẩu cái trong trường hợp chảy máu khó cầm, hay tái phát.
- Truyền máu hoặc tiểu cầu, các yếu tố đông máu khác với tình trạng rối loạn đông máu.
- Đối với tình trạng khối u ác tính khiến dịch mũi lẫn máu, bác sĩ có thể phải phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.
Cách phòng ngừa sổ mũi có máu
Cách phòng ngừa và điều trị dịch mũi lẫn máu hiệu quả nhất vẫn là loại bỏ các nguyên nhân gây lẫn máu trong dịch mũi, điều trị các bệnh lý có liên quan, dẫn đến triệu chứng này, bao gồm:
- Không ngoáy mũi để tránh làm tổn thương các mao mạch bên trong.
- Không xì mũi quá mạnh.
- Trông coi trẻ em cẩn thận, không để chúng tự ý nhét các dị vật vào mũi.
- Sử dụng nước muối sinh lý để sát khuẩn và giữ ẩm cho mũi mỗi khi thời tiết trở nên hanh khô.
- Thay đổi loại thuốc xịt mũi phù hợp nếu thuốc xịt mũi bạn đang dùng có tác dụng phụ khiến mũi chảy máu.

Thắc mắc hay gặp
1. Sổ mũi ra máu có sao/nguy hiểm không?
Sổ mũi ra máu hay dịch mũi lẫn máu là tình trạng không quá nguy hiểm, hầu hết triệu chứng này đều sẽ tự khỏi sau khi các mao mạch trong mũi được chữa lành. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá chủ quan, vì dịch mũi lẫn máu có thể là dấu hiệu cảnh báo những tình trạng sức khỏe khác như viêm mũi xoang, khối u vùng mũi xoang.
2. Sổ mũi có lẫn máu có tự khỏi không?
Sổ mũi lẫn máu do thời tiết hanh khô hay vỡ mao mạch có thể tự khỏi sau khi bạn cung cấp đủ độ ẩm cho khoan mũi, các mao mạch bị vỡ lành lại. Phần lớn các trường hợp dịch mũi lẫn máu có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên nếu trường hợp này kéo dài, bạn có thể cần can thiệp điều trị, chẩn đoán xác định rõ nguyên nhân.
3. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu tình trạng dịch mũi lẫn máu kéo dài, đi kèm với các triệu chứng khác như đau đầu, sốt cao, đau nhức vùng xoang mũi,… bạn nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ tìm ra nguyên nhân và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, nhanh chóng đẩy lùi triệu chứng này.
Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM là địa chỉ được nhiều người tin tưởng lựa chọn để khám và điều trị các vấn đề liên quan đến sức khỏe Tai – Mũi – Họng, trong đó có dịch mũi lẫn máu. Với đội ngũ bác sĩ giỏi, vững chuyên môn cùng với sự trợ giúp của hệ thống trang thiết bị hiện đại thuộc top đầu Việt Nam sẽ giúp nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, khắc phục hoàn toàn tình trạng sổ mũi ra máu.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu được triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị cũng như phòng ngừa sổ mũi ra máu hay dịch mũi lẫn máu. Nhìn chung, tình trạng dịch mũi lẫn máu khá phổ biến, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cần được chẩn đoán và đề ra phương pháp điều trị phù hợp, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng, khó kiểm soát.