Đến độ tuổi dậy thì, cơ thể trải qua nhiều thay đổi, dễ nhận thấy nhất là rối loạn giọng nói. Sự thay đổi giọng nói tuổi dậy thì là kết quả của sự thay đổi nội tiết tố, dẫn đến giọng nói trầm hơn ở nam giới, tăng nhẹ cao độ ở nữ giới. Tuy nhiên, một số trường hợp không như mong đợi, bị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì. Thạc sĩ bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về tình trạng này qua bài viết dưới đây.

rối loạn giọng nói tuổi dậy thì

Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì là gì?

Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì là tình trạng giọng nói bị rối loạn, ví dụ vẫn còn duy trì giọng nói trẻ em khi đã dậy thì, dù thanh quản đã phát triển hoàn toàn.

Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì thường gặp ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ. Trong đó, cao độ giọng nói duy trì ở mức cao hơn so với bình thường, dù thanh quản phát triển bình thường, đầy đủ, không có điểm bất thường ở đặc tính sinh dục phụ. Người bị rối loạn giọng nói sẽ có chất giọng cao, giọng yếu, hụt hơi, nói mệt,…

Nếu không được phát hiện, điều trị đúng cách, kịp thời có thể dẫn đến trạng thái rối loạn giọng nói hoàn toàn, vĩnh viễn không thể hồi phục.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, khiến người bệnh mặc cảm, ngại giao tiếp xã hội. (1)

rối loạn giọng tuổi dậy thì
Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì thường gặp ở trẻ nam nhiều hơn.

Nguyên nhân gây rối loạn giọng nói tuổi dậy thì

Về cấu tạo, đến tuổi dậy thì, thanh quản sẽ có những thay đổi như: thanh quản di chuyển xuống thấp, to hơn, dây thanh quản cũng dày và dài thêm 10mm với bé trai và 4mm với bé gái. Chính vì thế, bé trai thường thay đổi giọng nói nhiều hơn, trở nên trầm hẳn. Cùng với đó, các cơ và dây chằng quanh thanh quản cũng phát triển, niêm mạc dây thanh quản phân chia thành nhiều lớp mới.

Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn giọng nói tuổi dậy thì, có thể kể đến những nguyên nhân chính như sau:

  • Do tâm lý: Nhiều trẻ nam đang nói giọng trẻ con bỗng đột ngột chuyển sang giọng trầm khiến trẻ e ngại, dẫn đến tình trạng cố níu kéo, trở về giọng cũ của mình, dẫn đến mất khả năng phát âm chính xác về cao độ, dẫn đến tiếng nói “mai mái”, yếu ớt.
  • Do tổn thương, gặp phải các vấn đề trên cơ thể: Bệnh về sinh dục, nội tiết, tuyến yên, thượng thận, rãnh dây thanh bẩm sinh,…
  • Do môi trường sống: Trẻ nam sống trong môi trường, gia đình có nhiều chị em gái hoặc thiếu hụt các chất dinh dưỡng, mắc bệnh viêm nhiễm đường hô hấp,… đến tuổi dậy thì rất dễ rối loạn giọng nói.

Dấu hiệu rối loạn giọng nói tuổi dậy thì

Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì là bệnh về rối loạn chuyển đổi cao độ của giọng nói từ cao xuống trầm. Hậu quả, trẻ nam sẽ có dấu hiệu giọng cao, thanh mảnh, giọng yếu. Ngược lại, trẻ nữ có giọng trầm khàn.

Cao độ là một trong những dấu hiệu đặc trưng của giọng nói con người, chúng được thể hiện qua các tần số cơ bản F0. Thông thường, nữ giới và trẻ nhỏ có tần số cơ bản F0 dao động từ 200-300 Hz, nên giọng của những đối tượng này có tính chất cao, thanh, trong.

Mặc khác, ở nam giới, đến tuổi trưởng thành, tần số cơ bản F0 chỉ khoảng 100 Hz nên giọng trầm ấm. Khi bước vào giai đoạn dậy thì, bé trai trải qua quá trình phát triển sinh lý, chuyển F0 từ tần số cao xuống F0 tần số thấp.

dấu hiệu rối loạn giọng tuổi dậy thì
Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.

Ai dễ bị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì?

Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới, tỷ lệ mắc bệnh là 1/900.000 dân.

Thông thường, vào tuổi dậy thì, nồng độ testosterone ở nam tăng cao hơn nữ, thanh quản của nam cũng có những biến đổi như góc sụn giáp thu hẹp, nhô ra trước thành “trái cổ”. Dây thanh quản cũng dài, dày hơn khiến giọng nói trầm xuống.

Sự thay đổi này ở nam giới kéo dài khoảng 3-6 tháng, sau đó ổn định, hình thành giọng đàn ông. Tuy vậy, không ít trường hợp bị rối loạn, giọng vẫn thanh, rè, cao, thường xuyên “the thé” như giọng nữ giới. (2)

Không chỉ nam giới, nữ giới cũng có thể mắc rối loạn này. Bệnh khiến giọng bé gái trở nên khàn, trầm, đặc, khó khăn khi nói, hát những nốt cao. Tuy nhiên, rối loạn giọng nói tuổi dậy thì ở nữ sẽ chậm hơn, không dễ thấy, rõ ràng như ở nam.

Chẩn đoán rối loạn giọng nói tuổi dậy thì

Khi trẻ có dấu hiệu rối loạn giọng nói tuổi dậy thì, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ khám, kiểm tra, đánh giá các đặc điểm ảnh hưởng đến giọng nói:

  • Tiền sử bệnh, diễn biến của tình trạng rối loạn giọng nói.
  • Khám lâm sàng các cơ vùng cổ có vai trò, tham gia vào quá trình phát âm.
  • Chỉ định nội soi hoạt nghiệm thanh quản.
  • Đo thời gian phát âm tối đa.
  • Đánh giá mức độ rối loạn giọng bằng các thang điểm GRBAS và VHI-10.
  • Ghi âm giọng nói và phân tích giọng nói qua phần mềm DIVAS.

Với những phương pháp cụ thể trên, bác sĩ sẽ phát hiện, chẩn đoán mức độ rối loạn giọng nói tuổi dậy thì để đưa ra biện pháp điều trị cụ thể, phù hợp, hiệu quả cho từng người bệnh.

Cách điều trị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì

  • Điều trị bằng tâm lý: Người bệnh được bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng giải thích về cơ chế phát âm và tình trạng cụ thể của bản thân cũng như phương pháp điều trị và tiên lượng.
  • Luyện giọng bằng các bài tập: Mỗi lần tập thường diễn ra khoảng 45 phút với tần suất 1 buổi/tuần. Sau đó, người bệnh tự tập tại nhà mỗi lần 30 phút với tần suất 2 buổi/ngày.

Số buổi tập cải thiện giọng nói thay đổi tùy thuộc vào mức độ giọng và sự tiến triển khi điều trị. Sau thời gian điều trị, người bệnh sẽ được ghi âm, đánh giá giọng nói và nội soi hoạt nghiệm để kiểm tra.

Thông thường, điều trị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì sẽ có các bài tập sau:

  • Bài tập cộng hưởng hạ thấp âm vực, rung môi,…
  • Bài tập thở, tập ngáp, massage cơ vùng cổ,…
  • Bài tập hạ thấp thanh quản kết hợp phát âm nguyên âm.
  • Kỹ thuật phát âm “boom” khi nuốt.
  • Kỹ thuật ẩn sụn giáp kết hợp đằng hắng, ho.

Nếu bệnh được phát hiện sớm, điều trị bằng phương pháp luyện giọng kết hợp tư vấn tâm lý thì tỷ lệ thành công sẽ cao.

Tuy nhiên, một số người bệnh nếu không đáp ứng với phương pháp luyện giọng, điều trị tâm lý, bác sĩ có thể tư vấn, chỉ định phẫu thuật chỉnh hình dây thanh.

Bên cạnh đó, nếu rối loạn giọng nói tuổi dậy thì do hormon sinh dục nam. Khi nồng độ testosterone suy giảm cùng tình trạng thiểu năng các đặc tính sinh dục phụ thứ phát, người bệnh được bổ sung hormone nhằm cải thiện tình trạng bệnh.

điều trị rối loạn giọng tuổi dậy thì
Không la hét quá lớn ảnh hưởng đến thanh quản.

Có phòng ngừa rối loạn giọng nói tuổi dậy thì được không?

Phòng ngừa rối loạn giọng nói tuổi dậy thì chủ yếu bằng tâm lý, cha mẹ cần chú ý khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì.

Bên cạnh đó, trong sinh hoạt hàng ngày, cần phòng ngừa bằng các cách sau đây:

  • Uống nhiều nước lọc, 1,5-2 lít/ngày.
  • Chế độ ăn uống khoa học, điều độ, cấm tuyệt đối trẻ em ở tuổi dậy thì sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…
  • Không được thực hiện các thói quen gây tổn thương đến thanh quản trong độ tuổi dậy thì như la hét, nói chuyện trong môi trường ồn ào, đằng hắng giọng,…
  • Làm công tác tư tưởng cho trẻ khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì.

Thắc mắc thường gặp

1. Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì có nguy hiểm không?

Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì tuy không nguy hiểm, không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng khiến người bệnh rơi vào tự ti, mặc cảm, ngại giao tiếp vì giọng nói của mình.

2. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có các dấu hiệu cho thấy giọng nói của trẻ có vấn đề, có thể gặp phải rối loạn giọng nói tuổi dậy thì, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa Tai Mũi Họng.

Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa, giàu kinh nghiệm, kiến thức sâu, giúp khám, tư vấn và điều trị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì.

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì, bạn có thể liên hệ:

Điều trị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì thường dùng phương pháp tư vấn tâm lý kết hợp các bài tập luyện giọng. Nếu được chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời thì khả năng thành công, khôi phục giọng nói “nguyên bản” sẽ cao. Tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra phác đồ điều trị tương ứng.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *