Viêm VA là bệnh phổ biến ở trẻ từ 1-6 tuổi, có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đặc biệt chức năng hô hấp của trẻ. Nạo VA bằng coblator hiện đang là phương pháp điều trị tình trạng viêm VA với nhiều ưu điểm vượt trội. Hãy cùng tìm hiểu phương pháp nạo VA bằng coblator qua chia sẻ của thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa I Trương Minh Thịnh, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Nạo VA bằng coblator là gì?
Nạo VA bằng coblator là phương pháp dùng sóng radio tần số thấp để cắt vùng VA viêm với ưu điểm an toàn, nhanh chóng và ít chảy máu.
VA (viết tắt của từ tiếng Pháp végétations adénoïdes) chỉ vùng mô bạch huyết ở vòm mũi họng. VA cùng hệ thống amidan (amidan vòi, khẩu cái, đáy lưỡi) có nhiệm vụ phát hiện và sản xuất kháng thể chống vi khuẩn xâm nhập qua đường mũi họng. VA bắt đầu hoạt động từ khoảng 6 tháng sau khi sinh, tiếp tục phát triển đến năm 6 tuổi và sẽ dần teo nhỏ khi trẻ đạt 9-10 tuổi.
Viêm VA là bệnh phổ biến ở trẻ từ 1-6 tuổi, chiếm 20%-30% số ca mắc nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở trẻ em. VA bị viêm do nhiễm trùng sẽ sưng to (gọi là sùi vòm họng) gây nhiều triệu chứng, trong đó có bít tắc đường hô hấp của trẻ, khiến trẻ hô hấp khó khăn. Điều trị viêm VA bao gồm nội khoa và phẫu thuật khi cần.
Bác sĩ thường chỉ định điều trị phẫu thuật khi viêm VA tái phát nhiều lần gây các triệu chứng như nghẹt mũi kéo dài, ngủ ngáy, khó nuốt, khó nói… hoặc các trường hợp nhiễm trùng tai, nhiễm trùng mũi xoang kéo dài liên quan đến viêm VA.

Hệ thống máy coblator và nguyên lý điều trị
Hệ thống máy coblator bao gồm các bộ phận:
- Bộ tạo sóng radio tạo ra trường plasma nhiệt độ thấp ở đầu thiết bị cắt (dao coblator).
- Bàn đạp điều khiển giúp bác sĩ điều chỉnh và kích hoạt coblator trong lúc phẫu thuật.
- Hệ thống tưới nước dùng để làm mát và rửa sạch vùng mô phẫu thuật.
- Dao coblator dùng trường plasma tạo ra từ sóng radio để cắt mô cần loại bỏ.
Máy coblator sử dụng phương pháp coblation (controlled ablation – cắt có kiểm soát), dùng trường plasma nhiệt độ thấp (60-70℃) cắt vùng VA bị viêm. Ngoài nạo VA, coblator còn được dùng điều trị một số bệnh khác như phì đại cuốn mũi, viêm amidan, u thanh quản… (1)

Ưu và nhược điểm nạo VA bằng coblator
Dưới đây là một số ưu và nhược điểm của phương pháp nạo VA bằng coblator:
1. Ưu điểm nạo VA bằng coblator
Cắt VA bằng coblator có nhiều ưu điểm như: (2)
- Vùng mô bị cắt chảy máu rất ít.
- Không sử dụng nhiệt độ cao.
- Hạn chế gây đau cho người bệnh sau khi phẫu thuật.
- Ít ảnh hưởng đến vùng mô xung quanh.
- Thời gian phẫu thuật ngắn (thường dưới 30 phút).
- Thời gian hồi phục nhanh.
2. Nhược điểm nạo VA bằng coblator
So với một các phương pháp nạo/cắt VA khác hiện nay, nạo VA bằng coblator gần như không có khuyết điểm. Tuy nhiên, giống với các phương pháp phẫu thuật khác, nạo VA bằng dao coblator có thể gây một số biến chứng như:
- Chảy máu (hiếm gặp).
- Tổn thương vùng họng miệng.
- Thay đổi giọng nói sau khi vết thương đã lành (rất hiếm gặp).
- Nhiễm trùng vết mổ.
Sau khi phẫu thuật, nếu trẻ có một số triệu chứng sau, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện:
- Trẻ bị sốt từ 38,5℃ trở lên.
- Thường xuyên nôn ói.
- Trẻ chán ăn, bỏ ăn.
- Trẻ bị chảy máu từ vùng mũi họng.
Đối tượng chỉ định nạo VA bằng coblator
Nạo VA bằng coblator được chỉ định cho trẻ em từ 1 tuổi trở lên với các triệu chứng như:
- Viêm VA tái phát từ 6 lần/năm.
- Khối viêm VA gây bít tắc đường thở, ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ.
- Vòi nhĩ (vòi eustache) nối mũi với tai giữa bị tắc, gây nhiễm trùng tai giữa, ảnh hưởng đến khả năng nghe.
- Điều trị kháng sinh không hiệu quả.
Trong trường hợp viêm tai giữa do viêm VA, bác sĩ có thể đặt ống thông vòi nhĩ. Ngoài ra, nạo VA bằng phương pháp coblator không gây nguy hiểm hay suy giảm khả năng miễn dịch của trẻ.

Quy trình nạo VA bằng phương pháp coblator
1. Chuẩn bị gì?
1.1 Thăm khám và đánh giá
Trước khi chỉ định nạo VA, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng bao gồm khai thác bệnh sử và đánh giá triệu chứng viêm VA của trẻ. Nếu trẻ bị viêm VA nặng hoặc đã tái phát nhiều lần, bác sĩ có thể chỉ định nạo VA bằng coblator.
1.2 Kiểm tra cận lâm sàng
Trước khi phẫu thuật, bác sẽ thường tiến hành một số xét nghiệm cận lâm sàng để đảm bảo trẻ an toàn khi gây mê và phẫu thuật.
2. Tiến hành nạo VA
Trước khi nạo VA, bác sĩ sẽ gây mê, giúp trẻ không cảm thấy đau, khó chịu hay sợ hãi trong lúc phẫu thuật.
Sau khi trẻ được gây mê, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật, dùng dao coblator cắt bỏ phần VA bị viêm dưới sự trợ giúp của hệ thống nội soi.

3. Sau khi nạo VA
Sau khi nạo VA, trẻ sẽ được chuyển đến phòng hồi sức để chờ tỉnh dậy, một số lưu ý sau khi trẻ phẫu thuật nạo VA bằng coblator bao gồm:
- Sau phẫu thuật từ 3-4 giờ, trẻ có thể bắt đầu ăn uống.
- Trẻ có thể được chỉ định dùng thuốc giảm đau nếu cần thiết.
- Bác sĩ và điều dưỡng sẽ theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ sau khi phẫu thuật (nhiệt độ, hơi thở, nhịp tim, cảm giác đau…).
- Trẻ thường có thể xuất viện ngay trong ngày hoặc sáng hôm sau nếu tình trạng sức khỏe ổn định.
4. Chăm sóc sau phẫu thuật nội soi nạo va bằng coblator
Cha mẹ nên chăm sóc trẻ vừa thực hiện nạo VA theo cách sau:
- Cha mẹ cho trẻ dùng đúng liều lượng thuốc được bác sẽ kê trong toa.
- Cho trẻ uống nhiều nước, vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng, kỹ lưỡng sau phẫu thuật. Nên hướng dẫn trẻ súc miệng với nước muối ấm.
- Sau khi phẫu thuật, nên cho trẻ ăn những thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt như cháo, súp. Khi hết đau bé có thể bắt đầu ăn uống như bình thường.
- Không cho trẻ ăn thức ăn khô cứng, cay nóng hoặc chứa nhiều axit (cam, quýt, táo,…) vì có thể gây tổn thương, kích ứng niêm mạc, khiến trẻ khó chịu.
- Trẻ không nên xì mũi mạnh ít nhất một tuần sau phẫu thuật, chỉ nên dùng khăn lau nhẹ nhàng nếu trẻ bị sổ mũi và hướng dẫn trẻ luôn mở miệng khi hắt xì.
- Sau khi phẫu thuật, trẻ nên hạn chế vận động mạnh hay đến trường trong 5-7 ngày. Ngoài ra, cha mẹ hạn chế đưa trẻ đến nơi đông đúc vì có nguy cơ khiến trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp.
Thắc mắc hay gặp
1. Tại sao lại chọn nạo VA bằng coblator?
Nạo VA bằng coblator có nhiều ưu điểm vượt trội, như: gần như không chảy máu, mau hồi phục, ít xâm lấn và thực hiện được tốt ở nhiều vị trí khó trong vùng mũi họng. Đã có một số nghiên cứu cho thấy người bệnh được phẫu thuật bằng kỹ thuật coblation ít chảy máu và đau hơn rõ rệt so với các phương pháp như phẫu thuật truyền thống hay dao laser CO2.
2. Nạo VA bằng coblator có đau không?
Nạo VA dù bằng bất cứ phương pháp nào đều có thể gây đau, tuy nhiên, nạo VA bằng coblator được đánh giá ít đau hơn các phương pháp khác sau phẫu thuật. Thời gian hồi phục cũng nhanh hơn, giúp trẻ mau trở lại cuộc sống bình thường sau phẫu thuật.
3. Nạo VA bằng coblator có nguy hiểm không?
Nạo VA bằng coblator không gây nguy hiểm hay ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau khi phẫu thuật. Trẻ có thể đau một thời gian ngắn sau phẫu thuật và hiếm khi gặp biến chứng. Nếu có, các biến chứng có thể được bác sĩ can thiệp điều trị hiệu quả. Nhìn chung, đây vẫn là phương pháp điều trị ít xâm lấn, mau lành và không gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
4. Phẫu thuật nội soi nạo va bằng coblator có gây mê?
Phẫu thuật nội soi nạo va bằng coblator gây mê gần như luôn được dùng vì đối tượng điều trị là thường trẻ em, dễ sợ hãi, hoảng loạn khi phẫu thuật. Khi được gây mê, trẻ em sẽ không phải chịu cảm giác đau, khó chịu khi bác sĩ phẫu thuật cho trẻ.
5. So sánh phương pháp nạo VA bằng dao coblator và dao Plasma
Nạo VA bằng dao coblator và dao plasma là những kỹ thuật mới được áp dụng rộng rãi và đã được chứng minh tính an toàn và hiệu quả, nhưng chúng cũng có thể gây ra các biến chứng. Dùng dao plasma có khả năng gây cháy, tạo vết bỏng trong khi phẫu thuật cao hơn so với việc dùng dao coblator. (3)
6. Chi phí nạo VA bằng coblator là bao nhiêu?
Chi phí nạo VA phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như chi phí thăm khám, xét nghiệm tiền phẫu, gây mê,… Để biết được chi phí chính xác, bạn có thể liên hệ trực tiếp đến bệnh viện để được tư vấn cụ thể.
7. Nên nạo VA bằng coblator ở đâu?
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là đơn vị khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh tai mũi họng. Các bác sĩ tại Trung tâm Tai Mũi Họng là những chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm trong khám, chữa bệnh tai mũi họng. Bên cạnh đó, các bác sĩ còn được hỗ trợ bởi máy móc, cơ sở vật chất hiện đại, giúp việc khám và điều trị hiệu quả, an toàn hơn.
Từ khi thành lập, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã luôn giữ vững vị trí trong danh sách 10 bệnh viện chất lượng nhất TP.HCM. Với đội ngũ y bác sĩ trình độ chuyên môn cao, cơ sở vật chất hiện đại cùng dịch vụ y tế tối ưu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là đơn vị khám chữa bệnh uy tín, chất lượng hàng đầu tại TP.HCM.
Viêm VA là bệnh phổ biến ở trẻ từ 1-6 tuổi, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Nạo VA bằng coblator là phương pháp hiện đại, với nhiều ưu điểm như ít đau, an toàn và giúp trẻ mau hồi phục. Đây được xem là phương pháp tối ưu trong điều trị viêm VA hiện nay.