Polyp dây thanh thường gặp ở nhiều lứa tuổi, phổ biến nhất đối với người trưởng thành trong tuổi lao động. Nếu người bệnh không điều trị dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống, rối loạn giọng nói ảnh hưởng đến giao tiếp hàng ngày. Cắt polyp thanh quản là chỉ định điều trị hiệu quả giúp cải thiện giọng nói. BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chia sẻ về phương pháp phẫu thuật cắt polyp dây thanh qua bài viết dưới đây.
Cắt polyp thanh quản là gì?
Cắt polyp thanh quản là một tiểu phẫu nhằm loại bỏ các polyp hay còn gọi là u lành tính trên thanh quản. Polyp dây thanh thường phát triển do nhiều nguyên nhân kéo dài như sử dụng giọng nói to, nói nhiều trong thời gian dài, hút nhiều thuốc lá, uống rượu bia,… Polyp dây thanh ảnh hưởng nhiều đến chức năng phát âm của người bệnh khiến họ có vấn đề về giọng nói như khàn tiếng, mất giọng,…
Mổ polyp dây thanh thường được bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng thực hiện bằng phương pháp nội soi, bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi nhỏ có gắn camera ở đầu kết hợp cùng các dụng cụ phẫu thuật khác để loại bỏ polyp mà không cần xâm lấn quá nhiều. Phẫu thuật cắt polyp dây thanh giúp người bệnh loại bỏ các triệu chứng khó chịu, giúp cải thiện giọng nói hiệu quả.
Khi nào cần phẫu thuật cắt polyp dây thanh?
Người bệnh được bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt polyp dây thanh trong những trường hợp sau:
- Khàn tiếng kéo dài: Trong một số trường hợp, polyp gây khàn tiếng, thay đổi giọng nói kéo dài mà không thuyên giảm dù áp dụng nhiều biện pháp như để thanh quản nghỉ ngơi, thay đổi chế độ ăn uống.
- Gặp khó khăn trong giao tiếp: Nếu polyp ảnh hưởng nhiều đến khả năng giao tiếp, chất lượng cuộc sống, cắt polyp dây thanh giúp cải thiện tình trạng này.
- Polyp có kích thước lớn hoặc đang phát triển: Trong trường hợp này, phẫu thuật cắt polyp dây thanh giúp cải thiện tình trạng đang gặp phải, tránh những biến chứng khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Không đáp ứng điều trị nội khoa: Các phương pháp dùng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống không mang lại kết quả như mong đợi hoặc không giảm thiểu các triệu chứng đang mắc phải.
Trước khi chỉ định phẫu thuật, bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng tình trạng của người bệnh thông qua thăm khám, nội soi thanh quản và có thể chỉ định các xét nghiệm bổ sung để xác định phương pháp điều trị tốt nhất.
Đối tượng cần mổ polyp dây thanh
- Người khàn tiếng kéo dài, không cải thiện.
- Người bị rối loạn giọng gây khó khăn trong việc giao tiếp.
- Người có polyp to đang tiến triển.
- Người không đáp ứng điều trị nội khoa bảo tồn.
- Người có khối polyp chưa phân biệt được với khối u ác tính.

Phương pháp cắt polyp dây thanh
1. Cắt polyp thanh quản bằng dụng cụ vi phẫu thanh quản
Phương pháp được áp dụng nhiều nhất để cắt polyp dây thanh là dùng dụng cụ vi phẫu thanh quản nhằm loại bỏ polyp một cách chính xác, hiệu quả.
Bác sĩ tiến hành gây mê, giúp người bệnh thoải mái, không đau trong suốt quá trình phẫu thuật. Sau đó, bác sĩ dùng ống nội soi thanh quản có gắn camera chuyên dụng giúp nhìn thấy bên trong thanh quản, quan sát rõ ràng các polyp và vị trí của chúng. Và tiến hành tiếp cận, loại bỏ polyp. Dụng cụ vi phẫu thuật giúp bác sĩ thực hiện với độ chính xác cao, giảm tình trạng tổn thương cho các mô xung quanh, phục hồi nhanh, hạn chế biến chứng. Mổ polyp dây thanh bằng dụng cụ vi phẫu thuật ít đau đớn, người bệnh mau chóng trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường.
2. Cắt polyp dây thanh bằng máy bào mô microdebrider
Cắt polyp dây thanh bằng công nghệ máy bào mô microdebrider là một trong những phương pháp hiệu quả, hiện đại. Bác sĩ tiến hành dùng ống nội soi thanh quản giúp quan sát khu vực polyp cần loại bỏ. Sau đó dùng máy bào mô cắt polyp một cách chính xác. Máy bào mô microdebrider có công dụng cắt chính xác, tỉ mỉ và ít tổn thương đến các mô xung quanh. Công nghệ này ít xâm lấn so với các phương pháp khác, thời gian phục hồi nhanh và có khả năng cầm máu hiệu quả trong suốt quá trình phẫu thuật.
Quy trình cắt polyp dây thanh
1. Chuẩn bị gì?
Bác sĩ tiến hành khám tổng quát, đánh giá tình trạng sức khỏe người bệnh. Cụ thể, người bệnh được thăm khám, nội soi thanh quản, làm các xét nghiệm bổ sung. Người bệnh cần chuẩn bị tinh thần thật tốt, phẫu thuật trong tâm thế thoải mái, tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Quá trình chuẩn bị là bước quan trọng giúp việc phẫu thuật suôn sẻ, an toàn, tối ưu hóa việc phẫu thuật.
2. Thực hiện
Người bệnh được bác sĩ tiến hành gây mê để không đau trong suốt quá trình phẫu thuật. Để thực hiện cắt polyp dây thanh, bác sĩ đưa ống nội soi thanh quản vào họng người bệnh, có camera quan sát chi tiết bên trong. Dựa trên màn hình hiển thị hình ảnh nội soi, bác sĩ tiếp cận polyp và tiến hành phẫu thuật bằng dụng cụ vi phẫu, máy bào mô microdebrider để cắt chính xác, ít xâm lấn. Sau khi loại bỏ polyp, bác sĩ tiến hành kiểm tra, đảm bảo không còn polyp hay mô bất thường. Cuối cùng, bác sĩ rút ống nội soi và dụng cụ phẫu thuật ra khỏi cơ thể người bệnh. (1)
3. Sau khi cắt polyp dây thanh
Sau khi cắt polyp dây thanh, người bệnh được theo dõi để đảm bảo không có phản ứng bất thường với thuốc mê. Người bệnh cần tuân thủ chế độ chăm sóc với sự tư vấn của bác sĩ giúp đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng như hạn chế nói chuyện, chăm sóc thanh quản và theo dõi các triệu chứng bất thường.

Biến chứng sau khi cắt polyp dây thanh
Sau khi cắt polyp dây thanh, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng nhưng không phổ biến: (2)
- Khàn tiếng dẫn đến khó khăn trong việc nói chuyện.
- Khó thở do phù nề thanh quản.
- Khó nuốt do bị sưng hoặc đau.
- Chảy máu do không cầm máu tốt.
- Nhiễm trùng thanh quản do vùng phẫu thuật không được chăm sóc đúng cách hoặc lây nhiễm từ môi trường bên ngoài.
- Đau họng sau phẫu thuật do bị tổn thương mô mềm.
- Tái phát polyp nếu không được chăm sóc đúng cách.
- Thông thường, các biến chứng hiếm khi xảy ra và có thể được kiểm soát, điều trị hiệu quả khi phát hiện sớm, chăm sóc đúng cách. Để quá trình phẫu thuật cắt polyp dây thanh diễn ra an toàn, hiệu quả, người bệnh cần lựa chọn cơ sở uy tín có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao.

Thắc mắc hay gặp
1. Cắt polyp thanh quản có nguy hiểm không?
Cắt polyp dây thanh có nguy hiểm không? Câu trả lời là không nguy hiểm, đây là thủ thuật an toàn. Tuy nhiên, bất kỳ phẫu thuật nào cũng có những rủi ro và biến chứng. Cắt polyp dây thanh có nhiều lợi ích hơn là rủi ro. Người bệnh cần lựa chọn cơ sở uy tín, bác sĩ giàu kinh nghiệm để cắt polyp dây thanh không gây nguy hiểm.
2. Cắt polyp dây thanh phải kiêng nói bao lâu?
Tùy trường hợp cụ thể của người bệnh mà cắt polyp dây thanh phải kiêng nói bao lâu. Sau 1-2 tuần, kiêng nói, hạn chế nói nhiều, nói to, chỉ nói câu ngắn, nói nhẹ nhàng. Việc này giúp thanh quản có thời gian hồi phục, giảm nguy cơ tái phát. Sau 3-4 tuần, có thể nói được nhiều hơn nhưng hạn chế nói lâu, nói lớn tiếng.
3. Thời gian phục hồi sau khi cắt polyp dây thanh là bao lâu?
Thời gian hồi phục sau khi cắt polyp dây thanh tùy vào tình trạng cụ thể. Khoảng 1-2 tuần đầu, người bệnh có thể đau họng, nuốt vướng. Sau 3-4 tuần, triệu chứng sẽ được cải thiện, có thể hoạt động, sinh hoạt bình thường nhưng cần hạn chế nói quá nhiều.
4. Phẫu thuật polyp dây thanh quản có an toàn không?
Nếu được thực hiện tại cơ sở uy tín, chuyên sâu, bác sĩ vững chuyên môn, môi trường phẫu thuật vô trùng, vô khuẩn thì phẫu thuật polyp dây thanh quản rất an toàn.
5. Chi phí cắt polyp thanh quản là bao nhiêu?
Chi phí cắt polyp không quá cao, dao động từ 15 đến 25 triệu đồng tùy vào cơ sở mà người bệnh lựa chọn thực hiện.
6. Nên phẫu thuật cắt polyp dây thanh ở đâu?
Bạn có thể thực hiện phẫu thuật cắt polyp dây thanh tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Với máy móc hiện đại, cơ sở vật chất sang trọng cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, bạn sẽ yên tâm khi khám, điều trị và thực hiện cắt polyp dây thanh.
Polyp dây thanh ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giao tiếp, gây khó khăn trong công việc và cuộc sống. Khi có dấu hiệu bất thường, bạn cần khám để được chỉ định cắt polyp dây thanh quản nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.