Người bình thường có ngưỡng nghe từ 20dB trở xuống. Ngưỡng nghe càng cao thể hiện tình trạng lãng tai của người đó càng nghiêm trọng. Vậy lãng tai là gì, nguyên nhân và dấu hiệu của tình trạng này như thế nào? Dưới đây là những thông tin được thạc sĩ bác sĩ CKI Hồ Văn Hữu, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chia sẻ.

lãng tai

Lãng tai là gì?

Lãng tai (nghe kém, giảm thính lực) là tình trạng suy giảm khả năng nghe ở 1 hoặc cả 2 bên tai. Người bệnh có thể không nghe thấy âm thanh ở âm lượng bình thường, hoặc chỉ có thể nghe những âm thanh rất lớn. Cường độ sức nghe của người lãng tai được thể hiện trên biểu đồ đo thính lực đơn âm là ≥ 21dB.

Dựa trên thính lực đồ, có 3 loại giảm thính lực, bao gồm:

  • Giảm thính lực dẫn truyền: có thể do tổn thương ở tai ngoài hoặc tai giữa, khiến các bộ phận dẫn truyền âm thanh (như vành tai, ống tai, màng nhĩ và các xương con) mất khả năng dẫn truyền âm thanh.
  • Giảm thính lực tiếp nhận: là tình trạng tổn thương ở tai trong. Âm thanh truyền vào tai không được tiếp nhận, do đó não không nhận được thông tin. Loại giảm thính lực này thường gặp ở người lớn tuổi, người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn, điếc bẩm sinh.
  • Giảm thính lực hỗn hợp: sức nghe của người bệnh giảm do tổn thương nhiều vị trí: tai ngoài, tai giữa, tai trong. (1)

Những ai dễ mắc bệnh lãng tai?

  • Người lớn tuổi: do lão hóa dây thần kinh thính giác. Một số trường hợp dây thần kinh này bị phá hủy hoàn toàn, dẫn đến giảm khả năng tiếp nhận, dẫn truyền thông tin của tai, gây nghe kém.
  • Người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn lớn: như thợ mỏ, thợ mộc, thợ khai thác đá, thợ hàn xì, thợ xây, lái tàu hỏa, người làm việc trong công xưởng sản xuất… Tiếp xúc với âm thanh cường độ lớn trong thời gian dài có thể gây tổn thương cơ quan ốc tai và dây thần kinh thính giác, dẫn tới suy giảm thính lực.
  • Người mắc các bệnh lý ở tai như: nút ráy tai, viêm tai ngoài, viêm tai giữa, bệnh xốp xơ tai gây cố định xương con, rối loạn tai trong…
  • Người đang dùng một số loại thuốc có tác dụng phụ gây độc cho cơ quan ốc tai: thuốc điều trị lao, tim mạch, ung thư…
  • Người bị chấn thương vùng đầu và tai: chấn thương vùng đầu có thể gây thủng màng nhĩ, vỡ xương thái dương và ảnh hưởng đến cấu trúc của tai, có thể dẫn đến nghe kém tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Những ai dễ mắc bệnh lãng tai?
Lãng tai là dấu hiệu thường gặp ở người lớn tuổi, do lão hóa dây thần kinh thính giác.

Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây lãng tai là gì?

Lãng tai ảnh hưởng đến mọi người, ở mọi lứa tuổi và có thể do nhiều yếu tố khác nhau gây ra, phổ biến nhất là do tuổi tác. Hơn 30% người lớn tuổi bị lãng tai và con số này tăng dần theo số tuổi. Ngoài ra, các yếu tố khác dẫn đến lãng tai bao gồm:

  • Dị tật bẩm sinh: Trẻ sinh ra có thể mắc một số dị tật ở tai ngoài, tai giữa, tai trong hoặc không có ống tai, gây điếc bẩm sinh. Nguyên nhân có thể do trong quá trình mang thai, người mẹ mắc những bệnh nhiễm trùng như: Rubella, giang mai… Trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc sinh non cũng có nguy cơ nghe kém.
  • Bệnh lý nhiễm trùng tai hoặc khối u ở tai: Nhiễm trùng tai làm ứ mủ hoặc có khối u ở tai ngoài, tai giữa gây cản trở dẫn truyền âm thanh, dẫn đến suy giảm thính lực.
  • Thủng màng nhĩ: Tiếp xúc với tiếng nổ lớn, thay đổi áp lực đột ngột, viêm tai nhiễm trùng, chọc vật nhọn vào màng nhĩ gây thủng màng nhĩ cũng là nguyên nhân gây lãng tai.
  • Tích tụ nhiều ráy tai: Quá nhiều ráy tai tích tụ ở ống tai cũng có thể hạn chế quá trình dẫn truyền âm thanh, dẫn đến giảm sức nghe.
  • Sử dụng một số loại thuốc: Các loại thuốc kháng sinh như: gentamicin, streptomycin, tobramycin có thể gây tổn thương bộ phận tiền đình và làm chết các tế bào lông ở ốc tai, gây nghe kém.
Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây lãng tai là gì?
Nhiễm trùng tai làm ứ mủ hoặc có khối u ở tai ngoài, tai giữa có thể dẫn đến suy giảm thính lực.

Dấu hiệu bị lãng tai

  • Nghe khó, đặc biệt là trong không gian ồn ào.
  • Không nghe được các âm thanh ở âm vực cao.
  • Nghe nhạc hoặc xem tivi với âm lượng lớn hơn bình thường.
  • Khó khăn khi nghe điện thoại.
  • Khó định hướng tiếng ồn đến từ hướng nào.
  • Thường xuyên mệt mỏi hoặc căng thẳng vì phải tập trung khi nghe.
  • Nói to.
  • Đau tai, ù tai.
  • Cảm thấy có áp lực trong tai.
  • Thăng bằng kém, thường xuyên chóng mặt.
  • Nghe thấy các âm thanh ảo, như tiếng chuông, tiếng vo ve, tiếng rít trong tai… (3)

Những dấu hiệu lãng tai sớm ở trẻ sơ sinh có thể gồm:

banner khai trương tâm anh quận 8 mb
  • Không giật mình khi tiếp xúc tiếng động lớn.
  • Không tìm kiếm nơi phát ra âm thanh (với trẻ dưới 4 tháng tuổi).
  • Không nói chuyện khi được 1 tuổi.
  • Chú ý khi nhìn thấy người/vật, nhưng không chú ý khi được gọi tên.

Ở trẻ lớn hơn, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu nhận thấy các dấu hiệu:

  • Chậm nói hoặc không phát âm rõ ràng.
  • Thường yêu cầu người khác lặp lại điều họ vừa nói, hoặc trả lời không phù hợp với câu hỏi.
  • Không phản ứng khi được gọi.
  • Thường nói rất to.
  • Thường tăng âm lượng của tivi, điện thoại…
  • Không thể làm theo hướng dẫn.
Dấu hiệu bị lãng tai
Trẻ nghe kém thường xem tivi với âm lượng lớn.

Ảnh hưởng khi bị lãng tai

Lãng tai ảnh hưởng nhiều đến khả năng làm việc, giao tiếp và tận hưởng cuộc sống. Những người lãng tai có thể gặp khó khăn khi nghe điện thoại, tham gia vào các cuộc họp, xử lý công việc, trò chuyện với bạn bè và gia đình…, dẫn đến trầm cảm, tự ti, xa lánh người khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lớn tuổi bị lãng tai có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và suy giảm khả năng nhận thức (gồm trí nhớ và khả năng tập trung) cao hơn người lớn tuổi có thính lực bình thường.

Chẩn đoán bệnh lãng tai

Để chẩn đoán bệnh lãng tai, bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ khám lâm sàng, kết hợp khai thác bệnh sử và kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng tai có thể gây suy giảm thính lực. Nếu nghi ngờ có khối u trong tai, người bệnh được chỉ định chụp CT hoặc MRI để xác định chính xác. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ được kiểm tra thính lực với các phương pháp như:

1. Nghiệm pháp kiểm tra thính lực chủ quan

  • Đo thính lực tăng cường hình ảnh: sử dụng cho trẻ em chậm phát triển hoặc chưa thể thực hiện hành động theo yêu cầu.
  • Đo thính lực bằng giọng nói: người bệnh được đeo tai nghe và ngồi trong phòng kín, lắng nghe những từ nghe được với âm lượng khác nhau và lặp lại những gì nghe được.
  • Đo thính lực đơn âm: người bệnh ngồi trong phòng cách âm, đeo thiết bị và cầm remote. Âm thanh ở nhiều tần số khác nhau sẽ được phát qua tai nghe và qua thiết bị gắn sau vành tai, mỗi lần nghe được âm thanh, người bệnh sẽ bấm remote.

2. Nghiệm pháp kiểm tra thính lực khách quan

  • Đo nhĩ lượng: bác sĩ sẽ đưa đầu dò vào tai người bệnh và bịt kín ống tai. Sự chuyển động của màng nhĩ do thay đổi áp suất không khí trong ống tai sẽ được ghi lại, nhằm chẩn đoán các bệnh tai giữa.
  • Đo phản xạ cơ bàn đạp: đây là cơ bám vào chỏm xương bàn đạp của tai giữa, có cơ chế phản xạ giúp bảo vệ tai khỏi ảnh hưởng từ các âm thanh lớn. Bác sĩ sẽ dựa vào phản xạ này để chẩn đoán bệnh lý xốp xơ tai và loại trừ bệnh thần kinh thính giác.
  • Đo âm ốc tai: âm ốc tai là âm thanh phát ra khi có âm thanh truyền vào ốc tai. Phương pháp này sử dụng đầu dò chứa micro và loa đưa vào tai người bệnh, phát âm thanh và ghi nhận phản ứng ốc tai, âm ốc tai, nhằm đánh giá các tổn thương tại ốc tai.
  • Đo điện thính giác thân não: bác sĩ sẽ đặt các điện cực lên đầu người bệnh để ghi lại phản ứng của sóng não đối với các âm thanh nghe được. Phương pháp này nhằm kiểm tra đáp ứng của não với âm thanh.
  • Đo điện thính giác thân não ổn định: được sử dụng cho trẻ nhũ nhi, thực hiện khi trẻ đang ngủ, nhằm ghi lại đáp ứng của dây thần kinh thính giác đến não. Phương pháp này thường được thực hiện kết hợp với đo điện thính giác thân não.

Lãng tai có chữa được không?

Lãng tai có chữa được không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghe kém. Do đó, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu suy giảm thính lực, người bệnh cần nhanh chóng đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa Tai Mũi Họng như Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM; đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7…để được bác sĩ kiểm tra, đánh giá chính xác tình trạng bệnh, từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả, tránh tổn thương hoặc bệnh diễn tiến nặng hơn.

Lãng tai có chữa được không?
Điều dưỡng Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM hỗ trợ đeo tai nghe để đo thính giác cho khách hàng.

Phương pháp điều trị lãng tai

Có nhiều phương pháp điều trị lãng tai, tùy theo nguyên nhân gây nên tình trạng này. Một số trường hợp người bệnh nghe kém do ráy tai bịt kín ống tai thì chỉ cần loại bỏ ráy tai bằng cách hút hoặc dùng thuốc nhỏ tai, sức nghe có thể phục hồi bình thường. Với người bệnh giảm thính lực do nhiễm trùng tai, có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Một số phương pháp điều trị lãng tai khác như:

  • Phẫu thuật: vá màng nhĩ, chỉnh hình chuỗi xương con, loại bỏ khối u…
  • Máy trợ thính: được chỉ định cho người bệnh có tổn thương tai trong.
  • Cấy ghép ốc tai điện tử: thiết bị này có cấu tạo phức tạp, nhằm mang đến cảm giác âm thanh cho người lãng tai nặng. Thường chỉ định cho trẻ bị điếc bẩm sinh và người lớn bị điếc thần kinh.

Phòng ngừa lãng tai bằng cách nào?

  • Dùng nút tai khi đến nơi có tiếng ồn lớn.
  • Nghe nhạc, giải trí với âm lượng vừa phải, hạn chế nghe ở mức âm lượng vượt quá 60% âm lượng tối đa.
  • Tuyệt đối không nhét các đồ vật, đặc biệt là vật sắc nhọn vào tai.
  • Tránh hút thuốc. Thuốc lá có thể làm suy yếu quá trình lưu thông máu và ảnh hưởng đến thính lực.
  • Kiểm soát các bệnh mạn tính để ngăn ngừa tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • Thường xuyên kiểm tra thính giác tại chuyên khoa Tai Mũi Họng để kịp thời phát hiện và điều trị các dấu hiệu bất thường.

Khám và điều trị tai lãng tai BVĐK Tâm Anh

Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là cơ sở y tế chuyên khoa được nhiều người bệnh lựa chọn khi có nhu cầu khám, tầm soát, điều trị các bệnh về tai, mũi và họng. Trung tâm quy tụ đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khám, điều trị các bệnh vùng tai, mũi, họng. Cùng với hệ thống thiết bị hiện đại, với nhiều phương thức khám thính lực chính xác cao như: đo thính lực đồ, nhĩ lượng đồ, phản xạ cơ bàn đạp… giúp xác định chính xác mức mức độ, nguyên nhân gây giảm sức nghe và các bệnh liên quan.

Lãng tai không chỉ là bệnh ở người lớn tuổi, mà có thể là dấu hiệu của các bệnh khác về tai. Người bệnh không chỉ khó khăn trong giao tiếp mà còn ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, lâu dài gây tự ti, xa lánh mọi người. Do đó, ngay khi nhận thấy các bất thường về tai, người bệnh nên khám, kiểm tra thính lực tại các đơn vị chuyên khoa Tai Mũi Họng để có phương pháp điều trị kịp thời.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *