Mất hay suy giảm thính lực là tình trạng bình thường khi cơ thể dần lão hóa. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở một số người thính giác kém bẩm sinh hoặc có bệnh lý kèm theo. Phương pháp kiểm tra độ thính của tai phổ biến nhất hiện nay là khám thính lực đơn âm để phân biệt loại và mức độ suy giảm của thính giác. Vậy ngoài kiểm tra thính lực đơn âm còn những phương pháp khám thính lực nào khác không? Khi nào một người cần khám thính lực? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

khám thính lực

Khám thính lực là gì?

Khám thính lực là phương pháp đo lường mức độ nhạy cảm về khả năng nghe của bệnh nhân với âm thanh, nhằm xác định bệnh nhân có bị mất hay suy giảm thính lực hay không.

Có nhiều phương pháp khám thính lực khác nhau, trong đó phương pháp phổ biến nhất hiện nay là đo thính lực đơn âm. Các phương pháp kiểm tra thính lực thường diễn ra nhanh chóng, không đau và người được khám không cần chuẩn bị gì trước khi khám.

Vì sao cần phải khám thính lực?

Mục đích của việc kiểm tra thính lực là để tầm soát, phát hiện sớm các vấn đề và tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng mất hay suy giảm thính giác. Ngoài mục đích đơn thuần là kiểm tra độ nhạy của thính giác, kết quả kiểm tra thính lực của bệnh nhân còn có thể biểu hiện rất nhiều về tình trạng của cơ thể.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

Việc bị mất thính lực có thể liên quan đến các bệnh như suy tim, suy giảm nhận thức, Alzheimer, cao huyết áp…, việc khám thính lực thường xuyên có thể giúp mọi người nhận ra các dấu hiệu cảnh báo về tình trạng bệnh lý của bản thân và được chăm sóc, điều trị kịp thời.

Vì sao cần phải khám thính lực?
Khám thính lực giúp xác định khả năng nghe cũng như dự báo những dấu hiệu bất thường của cơ thể

Khi nào cần khám thính lực?

Đối tượng cần khám thính lực rất đa dạng. Nếu là người bình thường, không có tiền sử bản thân và gia đình mắc các bệnh liên quan đến thính lực, thì ở độ tuổi từ 40 đến 50, khả năng nghe mới bắt đầu suy giảm và cần làm các bài kiểm tra thính lực. Người lớn (từ 18 tuổi trở lên) không có dấu hiệu suy giảm thính lực và không có nguy cơ được khuyến nghị kiểm tra thính lực 10 năm 1 lần cho đến 50 tuổi. Sau 50 tuổi, nên khám thính lực định kỳ với chu kỳ 3 năm một lần.

Ngoài việc bệnh nhân khám thính lực khi có các triệu chứng suy giảm thính lực, thì các trường hợp khác nên kiểm tra thính lực như:

  • Trẻ em (sàng lọc điếc bẩm sinh)
  • Người làm việc trong môi trường ồn ào, ô nhiễm.
  • Người mắc các bệnh lý về tai hoặc có thể gây suy giảm thính lực.

1. Người có triệu chứng biểu hiện suy giảm thính lực

Các triệu chứng báo hiệu suy giảm thính lực phổ biến bao gồm:

  • Cảm nhận tiếng nói và các âm thanh khác đều nhỏ lại.
  • Khó hiểu lời nói của người khác, đặc biệt ở nơi đông đúc, ồn ào.
  • Nghe thông tin lẫn lộn, khó phân biệt âm thanh.
  • Tai có tiếng “ù ù”, “è è” hoặc những âm thanh không có thực.
  • Thường xuyên yêu cầu người khác nói lại, nói chậm hơn, nói rõ hơn.
  • Tăng âm lượng điện thoại, tivi, loa đài khiến người khác khó chịu vì quá to.
  • Không thể bắt kịp cuộc đàm thoại vì không hiểu người khác nói gì.

2. Trẻ em nghe kém

Trẻ em nếu có một số dấu hiệu như sau có thể đang gặp vấn đề về nghe và cần được thực hiện các bài kiểm tra thính lực:

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Không phản ứng, không giật mình với các tiếng động lớn bất ngờ; không quay đầu theo hướng có giọng nói; không bị đánh thức dậy bởi âm thanh lớn. (1)
  • Trẻ từ 6 tới 12 tháng tuổi: không có phản ứng gì trước tiếng nói của người thân; không bập bẹ hay ậm ừ; không hiểu một số từ đơn giản như “chào” hay “vỗ tay” ở 12 tháng; không có phản ứng như quay đầu về phía phát ra âm thanh; không có phản ứng khi nghe gọi tên mình.
  • Trong độ tuổi tập đi: Không đáp lại khi được gọi tên; không thể định hướng được nơi phát ra âm thanh; không nhận ra cha, mẹ đang nói chuyện với mình; không tập nói được, không bắt chước lời nói của cha, mẹ
  • Trong độ tuổi đi học: Thiếu tập trung, hay lơ là, học lực giảm sút; không nghe được lời giáo viên dạy; gặp khó khăn trong giao tiếp và lắng nghe; không trả lời khi được gọi; nói chuyện quá lớn; thường xuyên bật âm lượng to khi sử dụng các thiết bị âm thanh; thường xuyên nghe âm thanh lạ trong tai…

Đây là các dấu hiệu cho thấy trẻ em cần được kiểm tra thính lực càng sớm càng tốt để phát hiện và kịp thời điều trị, không để vấn đề thính lực làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sự phát triển của trẻ em.

3. Người có nghề nghiệp dễ gây ảnh hưởng đến thính lực

Đối với người trưởng thành, đối tượng cần đi kiểm tra thính lực rất đa dạng, có thể do lão hóa, môi trường sống hay bệnh lý đang mắc phải.

Độ tuổi thường bắt đầu mất thính giác bởi nguyên nhân lão hóa là 50 – 60 tuổi. Hầu hết mọi người đều không để ý đến vì sự suy giảm thính giác diễn ra rất chậm trong thời gian dài. (2)

Những người thường xuyên làm việc, sinh hoạt trong các môi trường quá ồn ào, ô nhiễm cũng nên đi khám thính lực định kỳ. Một số đối tượng có thể kể đến như:

  • Công nhân, người lao động trong các nhà máy, công xưởng, công trường, tài xế đường dài,…
  • Người sống trong môi trường đô thị, ồn ào, thường xuyên tiếp xúc với âm thanh lớn.
  • Những người thường xuyên làm việc dưới nước như vận động viên bơi lội, thủy thủ, thợ lặn,…
  • Những người thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm như hầm mỏ, đường cống, nhà máy…

Dù độ tuổi mất thính giác tự nhiên là 50 – 60 tuổi nhưng theo thống kê từ cuộc Khảo sát sức khỏe quốc gia năm 2007 của Viện Quốc gia về Chứng điếc và rối loạn giao tiếp khác Hoa Kỳ (NIDCD), có 20% nữ giới và 32% nam giới từ độ tuổi 30 – 39 đã bắt đầu suy giảm thính lực.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay thế giới có khoảng 5% dân số đang bị suy giảm thính lực, tức là khoảng 430 triệu người, trong đó có 34 triệu trẻ em. Bên cạnh đó, độ tuổi bị suy giảm thính lực cũng đang bị trẻ hóa theo thời gian. Có thể thấy, môi trường sống và làm việc ảnh hưởng rất lớn đến việc ngày càng nhiều người bị ảnh hưởng, suy giảm thính giác sớm hơn.

Khi nào cần khám thính lực?
Môi trường sống và làm việc khiến người trẻ suy giảm thính lực ngày càng nhiều hơn

4. Người mắc các các bệnh lý có thể gây ra suy giảm thính lực

Việc suy giảm thính giác có thể bắt nguồn từ các bệnh lý mà bệnh nhân đã hoặc đang mắc phải. Một số bệnh lý phổ biến có thể gây ảnh hưởng đến thính giác bao gồm:

  • Các bệnh lý viêm, nhiễm trùng ở tai như viêm tai giữa, viêm màng não, bệnh Ménière…
  • Người mắc các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường,…
  • Bị chấn thương ở vùng tai, đầu gây thủng màng nhĩ, nứt xương sọ,…

Thế nên, những người đã hoặc đang mắc các bệnh lý này nên kiểm tra thính lực định kỳ để theo dõi sức khỏe thính lực cũng như phát hiện các dấu hiệu bệnh lý khác.

Bảng hỏi kiểm tra khuyết tật thính giác

Bảng kiểm tra khuyết tật thính giác cho người lớn (The Hearing Handicap Inventory for Adults – HHIA) là một công cụ giúp bạn xác định xem mình có đang gặp các vấn đề về thính giác và cần khám thính lực với bác sĩ hay không. Bảng câu hỏi này được sử dụng cho những người từ 18 – 65 tuổi. (5)

Bạn có thể sử dụng bảng hỏi này để xác định mình có cần đi khám thính lực hay không, bởi đây là bảng hỏi đã được xác nhận về tính nhất quán, độ tin cậy trong việc đánh giá sơ bộ các vấn đề về suy giảm thính giác.

Đây là một bảng hỏi gồm 10 câu hỏi “Có – Không”, nếu có từ 3 đáp án “Có” trở lên, bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ. 10 câu hỏi bao gồm:

  1. Bạn có cảm thấy ngại khi gặp người lạ vì không thể nghe rõ lời họ hay không?
  2. Bạn có thường cảm thấy khó chịu khi nói chuyện với thành viên trong gia đình mà không thể nghe rõ lời họ không?
  3. Bạn có gặp khó khăn trong việc nghe, hiểu đồng nghiệp và khách hàng của mình không?
  4. Bạn có cảm thấy mình gặp hạn chế trong giao tiếp bởi các vấn đề về nghe không?
  5. Bạn có gặp khó khăn trong việc nghe mỗi khi đến nhà người thân, bạn bè hoặc hàng xóm không?
  6. Bạn có gặp khó khăn khi nghe âm thanh tại rạp chiếu phim hay rạp hát không?
  7. Khó khăn trong việc nghe có từng khiến bạn tranh cãi với các thành viên trong gia đình không?
  8. Bạn có thấy mình gặp khó khăn khi xem ti vi hoặc nghe radio ở mức âm lượng mà mọi người đang nghe không?
  9. Bạn có cảm thấy vấn đề thính giác của mình đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống không?
  10. Bạn có khó khăn khi nghe tiếng nói của thành viên gia đình hoặc bạn bè ở nơi đông đúc không?

Các phương pháp khám thính lực

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp đo thính lực dành cho đa dạng mục đích và đối tượng khác nhau:

1. Nghiệm pháp kiểm tra thính lực chủ quan

1.1. Đo thính lực tăng cường hình ảnh (Visual Reinforcement Audiometry – VRA)

Đây là phương pháp đo thính lực cho trẻ em chưa biết hợp tác hoặc chậm phát triển. Trẻ sẽ được ngồi trong lòng người lớn với trước mặt là đồ chơi. Loa sẽ được bố trí cùng một chiếc màn hình tại bên trái và phải của trẻ. Khi bác sĩ bật loa, nếu trẻ quay về hướng chiếc loa, màn hình sẽ sáng lên với hình ảnh vui nhộn như một “phần thưởng” để giúp trẻ tiếp tục thí nghiệm.

1.2. Đo thính lực bằng giọng nói (Speech Audiometry)

Bệnh nhân sẽ ngồi trong một buồng kín và đeo tai nghe. Những từ đơn giản sẽ được phát trong tai nghe với âm lượng khác nhau và bệnh nhân cần lặp lại. Kết quả sẽ được ghi nhận để xác định điểm tiếp nhận giọng nói hoặc âm lượng thấp nhất mà bệnh nhân có thể nghe giọng nói. (6)

1.3. Đo thính lực đơn âm (Pure-tone Audiometry Testing)

Đây là bài kiểm tra lâu đời và phổ biến nhất dùng để xác định loại và mức độ suy giảm thính lực. Bệnh nhân sẽ ngồi trong một phòng cách âm, đeo thiết bị và cầm một chiếc remote. Âm thanh ở nhiều tần số sẽ được phát lên lần lượt, mỗi khi bệnh nhân nghe được âm thanh sẽ bấm remote, máy sẽ ghi nhận lại và tổng hợp thành kết quả.

Kết quả cuối cùng sẽ được biểu hiện trên thính lực đồ đơn âm (pure-tone diagram). Đo thính lực đơn âm được thực hiện qua 2 đường là đường khí (air condition) và đường xương (bone condition). Âm thanh nghe qua đường khí sẽ được phát qua tai nghe. Âm thanh nghe qua đường xương sẽ được phát qua thiết bị gắn sát xương nằm phía sau vành tai.

kết quả khám thính lực bình thường
Thính lực đồ được dùng trong đo thính lực đơn âm

2. Các nghiệm pháp đo thính lực khách quan

2.1. Đo nhĩ lượng (Tympanometry)

Được thực hiện bằng cách đưa đầu dò vào tai, bịt kín ống tai lại. Áp suất không khí được thay đổi trong ống tai từ dương sang âm làm cho màng nhĩ chuyển động và sự chuyển động của màng nhĩ được ghi lại. Sự chuyển động của màng nhĩ sẽ được ghi lại để dự đoán các bệnh lý của tai giữa.

2.2. Đo phản xạ cơ bàn đạp (Stapedius Reflex)

Cơ bàn đạp bám vào chỏm xương bàn đạp ở tai giữa, cơ chế phản xạ cơ bàn đạp sẽ làm hạn chế ảnh hưởng của những âm thanh lớn đến tai. Khi có âm thanh lớn, cơ bàn đạp sẽ co lại, đậy xương bàn đạp vào cửa sổ bầu dục để hạn chế âm thanh vào tai. Sự hiện diện của phản xạ âm thanh có thể dùng làm chẩn đoán loại trừ bệnh lý thần kinh thính giác.

2.3. Đo âm ốc tai (Otoacoustic Emissions – OAE)

Là phương pháp thăm dò khách quan nhằm đánh giá những tổn thương tại ốc tai. Phương pháp này sử dụng một đầu dò nhỏ có chứa một micro và loa vào tai của bệnh nhân. Âm thanh được tạo ra trong đầu dò, các phản ứng trở lại của ốc tai sẽ được đầu dò ghi lại.

Sau khi ốc tai xử lý âm thanh, kích thích điện được gửi đến cầu não, nhưng có một âm thanh phụ và riêng biệt gọi là âm ốc tai không đi đến dây thần kinh mà đi trở lại vào ống tai của bệnh nhân. Âm ốc tai sau đó được micro của đầu dò thu lại và hiển thị trên màn hình máy tính.

Nếu âm ốc tai hiện diện ở những âm quan trọng cho việc hiểu lời nói, thì bệnh nhân “qua được” (PASS) thử nghiệm tầm soát, tức là bệnh nhân có phản xạ âm ốc tai, có phản ứng với âm thanh. Nếu đo ra kết quả REFER, bệnh nhân không có phản xạ âm ốc tai, không phản ứng với âm thanh, cần đo kiểm tra lại OAE và kết hợp đo ABR để chẩn đoán tình trạng nghe kém.

2.4. Đo điện thính giác thân não (Auditory Brainstem Response – ABR)

ABR là một nghiệm pháp sinh lý để kiểm tra sự đáp ứng của não với âm thanh, từ đó giúp kiểm tra tính toàn vẹn của hệ thống nghe từ tai đến cầu não. Phương pháp này được coi là tiêu chuẩn vàng để tầm soát thính lực ở trẻ sơ sin Phương pháp ABR đặt các điện cực lên đầu người được đo để ghi lại các phản ứng của sóng não đối với âm thanh người này nghe được. Trong thí nghiệm này, bệnh nhân cần nằm yên, không nói chuyện.

2.5. Đo điện thính giác thân não ổn định (Auditory Steady State Response – ASSR)

Một trong những nghiệm pháp mới đang được sử dụng là đo điện thính giác thân não ổn định (hay đánh giá đáp ứng trạng thái ổn định thính giác). Đây là nghiệm pháp đo thính lực của nhũ nhi thường sử dụng kết hợp với ABR. ASSR được thực hiện trong khi trẻ đang ngủ nhằm ghi lại các đáp ứng của dây thần kinh thính giác đến cầu não. Lợi thế của ASSR là các kích thích được chuẩn hóa về mặt biên độ, tuần suất và tần số cụ thể hơn, nhờ đó có thể giúp bác sĩ dự đoán khả năng nghe với độ chính xác cao hơn so với ABR. (7)

Các nghiệm pháp đo thính lực khách quan
Đo điện thính giác thân não là phương pháp rất hiệu quả để tầm soát thính lực của trẻ sơ sinh

Quy trình khám thính lực

Các phương pháp khám thính lực đều phải ở trong điều kiện im lặng, không tạp âm, để bệnh nhân không phân tâm cũng như đạt được kết quả đo chính xác nhất.

Với các phương pháp đo khách quan bằng đầu dò và máy móc như OAE, đo nhĩ lượng, đo phản xạ cơ bàn đạp, ABR, ASSR thì bệnh nhân cần ngồi hoặc nằm yên, không nói chuyện, nếu là trẻ em có thể cần được gây ngủ trước khi đo.

Với các phương pháp đo cần tương tác như đo thính lực đơn âm, đo thính lực bằng giọng nói hay VRA, người được đo cần tương tác, phản hồi đúng theo các hướng dẫn của bác sĩ để cho ra kết quả chính xác nhất.

Nên kiểm tra độ thính của tai bằng phương pháp nào?

Mỗi độ tuổi sẽ có các phương pháp kiểm tra thính lực khác nhau để phù hợp với khả năng nhận thức và hoạt động của từng đối tượng cụ thể.

1. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ chưa biết hợp tác, trẻ chậm phát triển

Dưới đây là các phương pháp đo thính giác cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và trẻ chậm phát triển:

  • Mới sinh đến 5 tháng tuổi: thử phản xạ mi mắt ốc tai, OAE, ABR, ASSR.
  • 5 tháng đến 2 tuổi rưỡi: đo nhĩ lượng, phản xạ âm, VRA, OAE, ABR, ASSR.
  • Trẻ chậm phát triển: đo nhĩ lượng, phản xạ âm, VRA, OAE, ABR, ASSR.

2. Trẻ biết hợp tác (thường từ 3 tuổi trở lên) và người lớn

Phương pháp đo thính lực phổ biến cho trẻ từ 3 – 5 tuổi gồm đo VRA, đo thính lực bằng lời nói, đo nhĩ lượng, phản xạ âm, OAE, ABR, ASSR.

Đối với trẻ từ 6, 7 tuổi trở lên hợp tác tốt và người lớn có thể thực hiện thêm nghiệm pháp đo thính lực đơn âm.

Nhìn chung, các phương pháp đo thính lực hiện tại đều không tốn quá nhiều thời gian, thường dưới 1 giờ cho cả quy trình và phụ hợp cho nhiều đối tượng.

Ý nghĩa của kết quả khám thính lực

Khám thính lực đơn âm là phương pháp phổ biến nhất hiện nay, để xác định mức độ suy giảm thính giác. Biểu đồ thính lực sẽ bao gồm 2 trục ngang và dọc, dọc là cường độ (dB) và ngang là tần số (Hz). Cường độ được tính từ 0 – 120dB, tần số từ 125 – 8000Hz. Thính lực giảm khi ngưỡng nghe dẫn truyền khí và xương cao hơn 25dB.

Ý nghĩa của kết quả khám thính lực
Cường độ âm thanh mà một người bình thường nghe được tính bằng dB

Ngưỡng thính lực đơn âm nghe được (decibels hearing level – dBHL) sẽ ghi lại âm lượng nhỏ nhất mà bệnh nhân có thể nghe, từ đó phân chia ra các mức độ mất thính lực như sau:

  • 0 – 25 dBHL: Đây là kết quả khám thính lực bình thường.
  • 25 – 40 dBHL: Nghe kém mức độ nhẹ.
  • 41 – 55 dBHL: Nghe kém trung bình nhẹ.
  • 56 – 70 dBHL: Nghe kém trung bình nặng.
  • 71 – 90 dBHL: Nghe kém nặng.
  • Trên 90 dBHL: Điếc sâu.

Dựa vào kết quả đo thính lực đơn âm, có 3 loại mất thính lực chính là:

  • Nghe kém dẫn truyền xảy ra khi các âm thanh không thể truyền qua tai. Thường xảy ra sau tổn thương tai ngoài và tai giữa mà không có tổn thương tai trong. Một số nguyên nhân như: viêm tai giữa, thủng màng nhĩ, dị vật trong tai. Việc can thiệp y tế kịp thời có thể chữa lành hoặc cải thiện tình trạng này.
  • Nghe kém thần kinh thường là mất thính lực vĩnh viễn, xảy ra do tổn thương tai trong và thần kinh. Một số nguyên nhân như bệnh lý thần kinh tai trong, bệnh lý thần kinh tiền đình, tiếp xúc với tiếng ồn, nhiễm trùng, bệnh Ménière hoặc u dây thần kinh số 8… đây thường là tình trạng vĩnh viễn, khó có thể điều trị hoàn toàn mà chủ yếu sử dụng các phương pháp hỗ trợ như máy trợ thính.
  • Nghe kém hỗn hợp là kết hợp cả hai loại trên.

Thính lực đồ đơn âm không phải là phương pháp kiểm tra toàn diện về thính giác, vì vậy bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán tình trạng gây ra suy giảm thính lực cụ thể. Các xét nghiệm bổ sung có thể bao gồm: soi tai, đo nhĩ lượng, đo âm ốc tai, đo thính lực giọng nói, ABR, đo màng não…

Từ kết quả thính lực đồ cùng bệnh cảnh lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp chăm sóc, điều trị phù hợp cho từng trường hợp để cải thiện khả năng nghe và chất lượng cuộc sống người bệnh.

Ý nghĩa của kết quả khám thính lực
Phương pháp đo thính lực phổ biến nhất cho người lớn (trên 18 tuổi) hiện nay là đo thính lực đơn âm

Đối với trẻ em, việc mất thính lực có thể ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nếu không được phát hiện sớm. Nhờ khám thính lực, bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp điều trị, hỗ trợ phù hợp như máy trợ thính, cấy ghép ốc tai, điều trị bằng phẫu thuật,…

Khám thính lực tại BVĐK Tâm Anh

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có thể thực hiện nhiều phương thức khám thính lực như thính lực đồ, nhĩ lượng đồ, phản xạ cơ bàn đạp,… giúp xác định mức mức độ, nguyên nhân gây suy giảm thính giác cũng như các bệnh lý liên quan một cách tối ưu.

Khám thính lực tại BVĐK Tâm Anh
Khám thính lực tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tập trung đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực. Cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, kết quả khám thính lực của khách hàng có thể được đảm bảo đạt độ chính xác cao nhất.

Như vậy, bài viết đã tổng hợp các phương pháp khám thính lực phổ biến hiện nay, triệu chứng và đối tượng thường gặp suy giảm thính lực. Đo thính lực ngoài kiểm tra thính giác còn có thể giúp phát hiện nhiều bệnh lý khác trong cơ thể. Nếu bạn cần một địa chỉ thực hiện khám thính lực uy tín tại TP.HCM thì Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là nơi có thể cung cấp cho bạn dịch vụ khám thính lực tốt, chính xác.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *