Điếc đột ngột nếu được điều trị đúng cách trong 72 giờ đầu, thính lực có thể hồi phục hoàn toàn. Nếu được điều trị ngay trong tuần đầu thì khả năng phục hồi sẽ trên 85%, nhưng nếu điều trị sau một tuần thì tỷ lệ này chỉ còn khoảng 25%. Trường hợp điều trị chậm trễ sau 3 tuần có thể gây điếc vĩnh viễn. Vậy có cách nào điều trị điếc đột ngột hiệu quả nhất? Có cách điều trị điếc đột ngột tại nhà không?
Điếc đột ngột, hay mất thính lực thần kinh cảm giác đột ngột, là tình trạng mất thính lực không rõ nguyên nhân. Điếc đột ngột xảy ra do các cơ quan cảm giác của tai trong gặp vấn đề, thường chỉ ảnh hưởng đến một bên tai.
Những người bị điếc đột ngột thường phát hiện ra tình trạng mất thính lực khi thức dậy vào buổi sáng hoặc khi cố gắng sử dụng bên tai bị điếc, chẳng hạn như khi nghe điện thoại. Những người khác lại nhận thấy tiếng nổ lớn ngay trước khi mất thính lực. Người bị điếc đột ngột cũng có thể nhận thấy một hoặc nhiều triệu chứng sau: cảm giác đầy tai, chóng mặt hoặc ù tai.
Điếc đột ngột có chữa được không?
Điếc đột ngột là một tình trạng cấp cứu trong chuyên khoa Tai Mũi Họng, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tăng khả năng phục hồi thính lực. Khả năng phục hồi thính lực phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguyên nhân gây điếc, thời gian phát hiện và điều trị, mức độ tổn thương, và sức khỏe tổng thể của người bệnh. (1)
Một số trường hợp điếc đột ngột có thể tự phục hồi một phần hoặc hoàn toàn trong vòng vài tuần, nhưng việc này rất khó dự đoán. Nếu được phát hiện và điều trị sớm (trong vòng 1-3 ngày) khả năng phục hồi thính lực sẽ cao hơn.

Đôi khi người bị điếc đột ngột trì hoãn việc đi khám bác sĩ vì nghĩ rằng tình trạng mất thính lực của mình là do dị ứng, nhiễm trùng xoang, ráy tai làm tắc ống tai hoặc các tình trạng bệnh phổ biến khác. Tuy nhiên, bạn nên coi các triệu chứng điếc đột ngột là trường hợp cấp bách và nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Mặc dù khoảng một nửa số người bị điếc đột ngột tự phục hồi một phần hoặc toàn bộ thính lực, thường là trong vòng 1 – 2 tuần kể từ khi phát bệnh, việc trì hoãn chẩn đoán và điều trị điếc đột ngột có thể làm giảm hiệu quả điều trị. Việc điều trị kịp thời làm tăng đáng kể khả năng người bệnh sẽ phục hồi ít nhất một phần thính lực của mình. Bệnh có thể xảy ra với mọi người ở mọi độ tuổi, nhưng ảnh hưởng lớn nhất đến người ở độ tuổi cuối 40 và đầu 50.
Tìm hiểu thêm:
3 phương pháp điều trị điếc đột ngột
Có nhiều phương pháp điều trị điếc đột ngột, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến:
1. Thuốc kháng viêm
Phương pháp điều trị điếc đột ngột phổ biến nhất, đặc biệt là khi không rõ nguyên nhân, là sử dụng corticosteroid. Steroid có thể điều trị nhiều chứng rối loạn và thường có tác dụng giảm viêm, giảm sưng. Trước đây, steroid được dùng dưới dạng viên. Năm 2011, một thử nghiệm lâm sàng do NIDCD hỗ trợ đã chỉ ra rằng tiêm steroid vào màng nhĩ (tiêm xuyên nhĩ) có hiệu quả tương đương với steroid dạng uống. Sau nghiên cứu này, các bác sĩ bắt đầu kê đơn tiêm steroid trực tiếp vào tai giữa; sau đó thuốc sẽ thấm vào tai trong.
Nên sử dụng steroid càng sớm càng tốt để có hiệu quả tốt nhất và thậm chí có thể được khuyến nghị trước khi có kết quả xét nghiệm. Việc điều trị bị trì hoãn hơn 2 – 4 tuần ít có khả năng đảo ngược hoặc giảm tình trạng mất thính lực vĩnh viễn. (2)
Có thể cần điều trị bổ sung nếu bác sĩ phát hiện ra nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng điếc đột ngột. Ví dụ, nếu người bệnh đang dùng thuốc gây độc cho tai sẽ được bác sĩ khuyến cáo chuyển sang dùng thuốc khác. Nếu tình trạng tự miễn khiến hệ thống miễn dịch tấn công tai trong, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.
2. Dùng máy trợ thính có thể tháo rời
Nếu tình trạng mất thính lực nghiêm trọng, không đáp ứng với phương pháp điều trị điếc đột ngột và/hoặc xảy ra ở cả 2 tai, bác sĩ có thể khuyên bạn sử dụng máy trợ thính (để khuếch đại âm thanh) hoặc thậm chí cấy ghép ốc tai điện tử (để kích thích trực tiếp các tế bào thính giác trong tai đi đến não).

3. Cấy điện cực ốc tai
Khi theo đúng phác đồ trong 7 – 10 ngày nhưng thính lực không cải thiện, đồng thời sức nghe giảm nặng, người bệnh sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc uống và theo dõi thêm tại nhà. Sau 1 tháng và 3 tháng là những mốc để đánh giá lại sức nghe. Nếu tình trạng vẫn ko cải thiện thì bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh đeo máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai.
Cấy ốc tai điện tử là phẫu thuật thường quy, sau khi phẫu thuật người bệnh sẽ mất một thời gian đến khi vết thương lành lại mới có thể đeo bộ xử lý âm thanh.
Sau khi phẫu thuật, vị trí đường rạch sẽ có thể bị sưng trong vài ngày, tuy nhiên nếu các triệu chứng sau phẫu thuật nghiêm trọng hoặc kéo dài thì người bệnh cần thông báo đến bác sĩ ngay để có hướng xử lý kịp thời. Một số người sẽ có biểu hiện chóng mặt nhẹ nếu phẫu thuật diễn ra gần cơ quan giữ thăng bằng cho cơ thể.
Điều trị và chăm sóc người bệnh sau điều trị điếc đột ngột tại nhà
Dưới đây là các cách chăm sóc người bệnh tại nhà sau phẫu thuật cấy ốc tai điều trị điếc đột ngột:
- Tai có biểu hiện sưng tấy thường sẽ hết trong vòng 2 – 4 tuần sau mổ.
- Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau cho người bệnh, người bệnh dùng thuốc theo đúng liều lượng và chỉ định của bác sĩ.
- Người bệnh có thể rửa mặt nhưng sẽ cần giữ băng tai khô. Băng tai phải được giữ nguyên cho đến ngày tái khám (khoảng 7 ngày sau khi phẫu thuật).
- Sau khi tháo băng, giữ vệ sinh vết thương bằng cách bôi dung dịch sát trùng đều đặn mỗi ngày 1 lần trong vòng 1 tuần.
- Sau khi tháo băng, người bệnh có thể gội đầu nhưng cẩn thận không được uốn cong vành tai.
- Kê gối cao để giảm thiểu sưng nề.
- Người bệnh có thể đeo kính nhưng kính cần được dán băng keo để không đè lên vết mổ.
- Cẩn thận khi chải hoặc tạo kiểu tóc, lưu ý không để tay hoặc vật dụng đập vào tai.
- Người bệnh sẽ bị giảm cảm giác hoặc bị tê bì ở một số khu vực. Sau từ 1-6 tháng, cảm giác sẽ trở lại bình thường.
- Đeo băng đô qua tai liên tục trong 1 tuần, sau đó đeo vào ban đêm 1 tuần kế tiếp.
- Trẻ em có thể đi học trong một tuần sau phẫu thuật, tuy nhiên phải luôn đeo băng đô và không để trẻ luyện tập thể dục gắng sức.
- Tránh vận động thể chất gắng sức và cẩn trọng trong quan hệ tình dục. Sau khi phẫu thuật 3 ngày người bệnh có thể đi bộ nhẹ nhàng. Tập tạ, tập thể dục nhịp điệu, nâng vật nặng có thể thực hiện 3 tuần sau đó.
- Không bơi lội 4 – 6 tuần sau phẫu thuật.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng vào chế độ ăn uống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá,…
- Người mắc các bệnh nội khoa như tiểu đường, huyết áp, tim mạch,… hoặc các bệnh viêm nhiễm siêu vi không nên làm việc nhiều, nên dành thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc sức khỏe cả về tinh thần lẫn thể chất, kết hợp với chỉ định điều trị của bác sĩ để mang lại kết quả tốt nhất.

Khám và điều trị tai lãng tại BVĐK Tâm Anh
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 là đơn vị khám và điều trị các bệnh lý về tai mũi họng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Không chỉ có đội ngũ chuyên gia, bác sĩ Tai Mũi Họng giỏi nghề, giàu kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị nội khoa và giải phẫu, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM còn được trang bị hệ thống máy móc hiện đại.
Ngoài ra, với sự liên kết chặt chẽ, kịp thời giữa các chuyên khoa sâu trong cùng bệnh viện giúp chẩn đoán chính xác, từ đó đưa ra phương pháp điều trị tối ưu nhất cho người bệnh.
Điếc đột ngột có thể xảy ra đột ngột hoặc xảy ra trong vòng vài giờ. Ảnh hưởng của bệnh tùy thuộc vào các yếu tố sức khỏe khác, nếu không được điều trị người bệnh có khả năng điếc vĩnh viễn. Vì vậy nếu xuất hiện những triệu chứng bất thường ở tai, bạn nên đến khám bác sĩ ngay để được tư vấn, phát hiện vá điều trị điếc đột ngột kịp thời.