Tình trạng điếc tai hay còn gọi là mất thính lực khiến chức năng nghe bị suy giảm, làm nhiều người sợ hãi, lo lắng, thậm chí trầm cảm vì không biết tại sao gặp phải. Thạc sĩ bác sĩ CKI Trương Tấn Phát, Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7 chia sẻ về dấu hiệu, nguyên nhân và cách cải thiện thính lực khi bị điếc tai.

điếc tai

Điếc tai là gì?

Điếc tai, khiếm thính hay mất thính lực xảy ra khi người bệnh vẫn có khả năng nghe nhưng bị suy giảm, nghe được một số âm thanh nhưng rất kém.

Tình trạng điếc tai là không nghe thấy gì kể cả khi người đối diện nói với tông giọng bình thường, không to không nhỏ. Một số trường hợp điếc tai chỉ nghe được âm thanh với âm lượng lớn.

Có 3 loại điếc tai:

  • Điếc dẫn truyền liên quan đến tai ngoài hoặc tai giữa.
  • Điếc thần kinh hay còn gọi là điếc tiếp nhận liên quan đến tai trong.
  • Điếc hỗn hợp là tình trạng điếc kết hợp cả hai tai.

Quá trình lão hóa và tiếp xúc với môi trường có nhiều tiếng ồn trong thời gian dài có thể gây điếc tai. Ngoài ra, các yếu tố khác như ráy tai, sử dụng tăm bông,… làm giảm khả năng hoạt động của tai.

Phân loại bệnh điếc

Điếc có các mức độ như: điếc nhẹ, điếc trung bình, điếc nặng và điếc sâu. Một số người bệnh có thể điều trị khỏi hoặc cải thiện sức nghe nếu được phát hiện, điều trị kịp thời.

Về mặt cấu tạo giải phẫu và chức năng tai, điếc được phân gồm 3 loại: điếc dẫn truyền, điếc tiếp nhận và điếc hỗn hợp. Cụ thể:

  • Điếc dẫn truyền do hậu quả khi bị viêm tai ngoài và tai giữa. Hệ thống dẫn truyền âm thanh bao gồm: vành tai, ống tai, màng nhĩ và các xương con. Khi bị tổn thương, chúng không làm tròn chức năng dẫn truyền âm thanh từ ngoài tai vào trong. Điếc này thường xảy ra tạm thời, mức độ nhẹ và vừa.
  • Điếc thần kinh hay còn gọi là điếc tiếp nhận khi bộ phận dẫn truyền hoạt động bình thường nhưng khu vực tai trong bị tổn thương, khi ấy, âm thanh truyền đến tai không được tiếp nhận và truyền được tín hiệu lên não. Người bệnh có thể điếc ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, một số trường hợp điếc hoàn toàn. Điếc tiếp nhận thường gặp ở người lớn tuổi hoặc những người thường làm việc trong môi trường ồn ào khiến tế bào của ốc tai tổn thương. Bên cạnh đó, điếc tiếp nhận còn do virus, vi khuẩn hoặc lạm dụng một số thuốc gây hại đến thính lực.
  • Điếc hỗn hợp mang đặc điểm của điếc dẫn truyền và điếc tiếp nhận. Điếc hỗn hợp khiến người bệnh tổn thương cả tai ngoài, tai giữa và tai trong. Ban đầu, điếc hỗn hợp có triệu chứng ù tai, chóng mặt.

Ai dễ mắc bệnh điếc?

  • Người lớn tuổi: Quá trình lão hóa gây mất thính lực, điếc tai do suy giảm chức năng tế bào lông tai trong. Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy có một nửa số người trên 75 tuổi bị điếc tai do tuổi tác.
  • Tiền sử nhiễm trùng tai: Nhiễm trùng tai nhiều lần hoặc những trường hợp nặng gây điếc tai, mất thính lực, gây hại cho tai.
  • Sống và làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn: Tiếp xúc, sinh sống, làm việc với tiếng ồn quá lớn gây điếc tai, mất thính lực. Nhất là những người làm việc trong ngành hàng không, xây dựng, âm nhạc,… có nguy cơ suy giảm thính lực.
  • Dùng thuốc chống ung thư có thể gây hại đến thính giác, nhất là nhóm thuốc chứa Platium gây nên tình trạng ù tai, nghe kém, rối loạn tiền đình. Người bệnh có thể hồi phục nếu nếu nhẹ, nặng có thể điếc vĩnh viễn.
  • Di truyền: Trường hợp dị tật do có vấn đề về cấu trúc tai hoặc di truyền gây điếc tai từ khi sinh ra.
  • Trường hợp chấn thương đầu hoặc ở tai: Tình trạng nghiêm trọng có thể gây điếc tai.
  • Trường hợp dễ mắc bệnh điếc nên đi khám, kiểm tra để được chẩn đoán, điều trị sớm.
Ai dễ mắc bệnh điếc?
Người lớn tuổi điếc tai do suy giảm chức năng tế bào lông tai trong.

Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân điếc tai là gì?

1. Nguyên nhân gây điếc bẩm sinh

Nhiều trẻ sơ sinh bị điếc bẩm sinh do yếu tố di truyền, mẹ gặp biến chứng trong thai kỳ hoặc sinh non.

2. Nguyên nhân gây điếc mắc phải

  • Lão hóa làm tổn thương tai trong là một trong những nguyên nhân gây điếc. (1)
  • Tiếng ồn có thể làm hỏng, suy giảm thính giác dẫn đến điếc tai như tiếng súng, tiếng nổ,… Với những người sinh sống, làm việc môi trường quá nhiều tiếng ồn sẽ bị nghe kém, điếc tai.
  • Thủng màng nhĩ do tiếng nổ lớn, áp lực thay đổi đột ngột, vật nhọn chọc vào màng nhĩ khiến bộ phận này bị rách, dẫn đến điếc tai.
  • Tích tụ ráy tai làm chặn ống tai, ngăn quá trình truyền sóng âm thanh. Tình trạng điếc tai này có thể khôi phục bằng cách loại bỏ ráy tai. Tuy nhiên, bạn cần thực hiện lấy ráy tai tại bệnh viện, tự ý lấy ráy tai có thể gây tổn thương tai.
  • Một số loại thuốc là nguyên nhân gây điếc tai, mất thính giác.
  • Phát triển xương bất thường, nhiễm trùng tai hoặc khối u ở tai ngoài hoặc tai giữa có thể dẫn đến mất thính lực, điếc tai.

Dấu hiệu bị điếc tai

Nhiều trường hợp người bệnh bị suy giảm thính lực nhưng không để ý khám và điều trị sớm. Dấu hiệu bị điếc tai có thể bao gồm:

  • Khi âm thanh ở mức bình thường như bạn cảm thấy khó khăn khi nghe, không nghe rõ.
  • Trong đám đông có nhiều tiếng ồn và bạn khó khăn khi nghe.
  • Bạn khó nghe được các phụ âm.
  • Bạn thường yêu cầu người nghe nói chậm, to và rõ hơn.
  • Khi xem điện thoại, tivi,… cần tăng âm lượng.

Bị điếc có nói được không?

Trong hầu hết trường hợp, người điếc gặp khó khăn trong việc nói, nhưng không phải tất cả đều mất khả năng nói từ lúc lọt lòng.

Trường hợp bị điếc do bẩm sinh thì có thể mất khả năng nói, do trẻ không tiếp nhận được tín hiệu âm thanh, không thể nghe, rèn luyện ngôn ngữ dẫn đến không nói được.

Điếc có nói được hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là sự kiên trì của cha mẹ nếu trẻ điếc bẩm sinh.

Bị điếc có nguy hiểm không?

Bị điếc không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người bệnh, gây khó khăn trong việc giao tiếp.

Nhiều người bị điếc tai thường có các triệu chứng nhầm lẫn với các bệnh khác nên chậm trễ, bỏ lỡ thời gian vàng điều trị. Nguyên nhân chủ quan khi nhiều người cho rằng bản thân nghe kém do viêm nhiễm, lấy ráy tai,…

Thời gian đầu, nghe kém thường đi kèm triệu chứng đau đầu, chóng mặt khiến nhiều người nhầm lẫn với bệnh khác. Người bệnh cần đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường để tránh biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chẩn đoán bệnh điếc

1. Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng sẽ soi tai, kiểm tra những bất thường về cấu trúc, xem tai có khối u hay không. Sau đó, bác sĩ chỉ định kiểm tra cận lâm sàng nhằm đánh giá kỹ càng, chi tiết về thính giác để đưa ra kết luận xem bạn có bị điếc hay không.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

  • Phương pháp đánh giá sức nghe bằng cách nói thì thầm, kiểm tra phản xạ âm thanh, mức độ nhạy nghe.
  • Phương pháp đánh giá sức hoàn chỉnh bằng thính lực độ nhằm xác định mức độ điếc.
  • Đo nhĩ lượng được dùng để kiểm tra áp suất, độ dốc, thể tích ống tai nhằm đánh giá độ nhạy chuỗi xương con, tình trạng màng nhĩ ra sao và độ thông của vòi nhĩ thế nào.
  • Đo OAE hay còn gọi là đo âm phát ốc tai để đánh giá chức năng tế bào lông ngoài, bác sĩ kiểm tra, phát hiện được tắc nghẽn trong ống tai ngoài hoặc sự xuất hiện dịch trong tai giữa. Phương pháp này thường được dùng để sàng lọc khiếm thính cho trẻ sơ sinh.
  • Đo phản xạ cơ bàn đạp được do đồng thời với phương pháp đo nhĩ lượng nhằm kiểm tra phản xạ của xương bàn đạp ở tai giữa khi âm thanh lớn. Có hoặc không có phản xạ cơ bàn đạp sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh điếc.
  • Phương pháp đo thính giác thân não (ABR) nhằm đánh giá tình trạng ốc tai, ước lượng ngưỡng nghe, xác định các bệnh liên quan đến việc dẫn truyền thần kinh thính giác.
  • Đo thính lực đơn âm nhằm giúp xác định người nghe có thể nghe được âm thanh nhỏ nhất là bao nhiêu.
  • Phép đo ASSR giúp đánh giá khả năng nghe với tần số vô cùng nhỏ so với các phương pháp truyền thống.

Ngoài các phương pháp đo thính lực, để chẩn đoán điếc tai, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm liên quan đến bệnh nội khoa như tăng huyết áp, đái tháo đường, tuyến giáp,…

Chẩn đoán bệnh điếc
Kiểm tra thính lực tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Bị điếc tai có chữa được không?

Tùy trường hợp mà bị điếc tai có thể chữa được không. Thông thường, bị điếc tai khó có thể chữa khỏi được, chỉ phục hồi bằng các phương pháp như cấy điện cực ốc tai, máy trợ thính hoặc hệ thống thính giác dẫn truyền qua xương.

Phương pháp điều trị điếc

1. Lấy ráy tai

Trường hợp bạn bị điếc tai do tai không được vệ sinh kỹ, bác sĩ sẽ lấy ráy tai giúp bạn nghe rõ hơn. Tuy nhiên, nên thực hiện loại bỏ ráy tai tại cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để tránh làm rách, chảy máu, nhiễm trùng hoặc thủng màng nhĩ.

2. Điều trị điếc bằng phẫu thuật

Điếc tai có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật trong một số trường hợp nhất định. Bác sĩ chỉ định điều trị điếc bằng phẫu thuật với người bệnh có các vấn đề như điếc tiếp nhận nặng, điếc dẫn truyền do tổn thương tai ngoài và tai giữa.

3. Dùng máy trợ thính

Đây là phương pháp cải thiện tình trạng nghe chứ không hoàn toàn điều trị bệnh tai. Để xác định ngưỡng nghe của bản thân, cần đi đo thính lực để bác sĩ tư vấn máy trợ thính phù hợp nhất.

Phương pháp điều trị điếc
Dùng máy trợ thính cải thiện tình trạng nghe chứ không hoàn toàn điều trị bệnh tai.

4. Cấy ghép ốc tai điện tử

Trong trường hợp mất thính lực nặng, không cải thiện được khả năng nghe bằng các phương pháp thông thường, bác sĩ tư vấn cấy ghép ốc tai điện tử nhằm thay thế chức năng của các bộ phận bị hỏng hoặc tình trạng không hoạt động của tai trong. Phương pháp này trực tiếp kích thích dây thần kinh thính giác.

5. Điều trị điếc tai bằng thuốc

Tùy mức độ điếc tai mà bác sĩ có thể chỉ định dùng một số loại thuốc:

  • Thuốc kháng histamin và chống phù nề để điều trị rối loạn chức năng vòi nhĩ.
  • Thuốc tăng tuần hoàn ốc tai và hệ thần kinh trung ương.
  • Thuốc chứa corticoid tiêm vào tĩnh mạch hoặc trực tiếp vào màng nhĩ để điều trị điếc đột ngột.
  • Thuốc điều trị dựa vào nguyên nhân điếc tai như viêm tai giữa, viêm thần kinh ốc tai,…

Cách phòng ngừa và cải thiện điếc tai, nghe kém tại nhà

1. Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn

Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian dài nhằm phòng ngừa điếc tai, bảo vệ tai hiệu quả. Nếu bất đắc dĩ làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn, hãy dùng nút nhựa để bảo vệ tai.

2. Bỏ thói quen ngoáy tai

Nhiều người có thói quen ngoáy tai nhưng không đúng cách làm ảnh hưởng đến thính lực, có khả năng bị điếc tai. Không nên dùng tăm bông chọc ngoáy có thể khiến ráy tai vào sâu hơn.

3. Bổ sung thực phẩm tốt cho thính lực

Bổ sung các thực phẩm tốt cho thính lực giúp phòng ngừa điếc tai:

  • Thực phẩm giàu Kali như cam, dưa hấu, chuối, rau chân vịt,…
  • Thực phẩm giàu Omega 3 và axit béo.
  • Thực phẩm chứa vitamin C, E, D, B12, và Magie.

Khám và điều trị tai điếc tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Nếu có nhu cầu khám và điều trị điếc tai khi có các triệu chứng, dấu hiệu bất thường, bạn có thể đến Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để được đo thính lực, kiểm tra thính giác một cách kỹ càng qua các phương pháp chuyên sâu.

Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM không chỉ đáp ứng các nhu cầu khám chữa bệnh với kỹ thuật cao mà còn cung cấp các phương pháp điều trị chuyên sâu. Trung tâm tập trung phát triển các lĩnh vực Thanh học, Thính học và Tiền đình, nhằm phục hồi các chức năng giọng nói, thính giác và giữ thăng bằng cho người bệnh.

Cùng với trang thiết bị hiện đại, nhập khẩu chính hãng từ các quốc gia Âu Mỹ, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và phác đồ điều trị tiên tiến nhằm mang đến hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.

Điếc tai ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Khi có dấu hiệu bất thường, bạn cần đi khám ngay với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *