Khả năng nghe của mỗi người đều suy giảm theo tuổi tác và thường có 1 bên tai nghe tốt hơn bên kia. Nhưng nếu tình trạng mất thính lực đột ngột xuất hiện ở 1 bên tai mà không có lý do rõ ràng, bạn có thể đã bị mất thính lực thần kinh cảm giác đột ngột, 1 loại điếc thần kinh. Vậy bị điếc đột ngột có chữa được không? Triệu chứng như thế nào? Bài viết sau của thạc sĩ bác sĩ CKI Trương Trí Tường, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp chi tiết.
Điếc đột ngột là gì?
Điếc đột ngột là mất thính lực thần kinh cảm giác đột ngột (SSNHL), đa phần các trường hợp không xác định được nguyên nhân (vô căn). Triệu chứng là mất thính lực từ 30dB ở ít nhất 3 tần số liền kề, trong khoảng 72 giờ. Điếc đột ngột có thể từ khiếm thính nhẹ đến mất thính lực hoàn toàn và mang tính tạm thời hoặc vĩnh viễn. Bất kể nguyên nhân và mức độ ra sao, việc khám và điều trị sớm rất quan trọng.

Ai dễ mắc bị điếc đột ngột?
Điếc đột ngột có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, mặc dù có xu hướng xảy ra nhiều nhất ở độ tuổi từ 50-60. Bên cạnh đó, triệu chứng này có nguy cơ cao xuất hiện ở những trường hợp sau:
- Bệnh tự miễn.
- Đái tháo đường.
- Bệnh sarcoidosis (u hạt) hoặc bệnh mạch máu.
- Tiếp xúc quá nhiều với tiếng ồn hoặc chấn thương âm thanh, đặc biệt nếu mất thính lực xảy ra tại thời điểm tiếp xúc.
- Có tiền sử dùng thuốc gây độc cho tai (aminoglycosid, frusemide, thuốc chống viêm không steroid – NSAID, thuốc hóa trị (cisplatinum), salicylate ở liều cao…
- Tiền sử gia đình có các bệnh liên quan, chẳng hạn như xốp xơ tai.
Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân điếc đột ngột là gì?
Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân điếc đột ngột thường liên quan đến mất thính lực thần kinh cảm giác, bao gồm:
- Nhiễm trùng: virus/vi khuẩn (virus gây suy giảm miễn dịch ở người – HIV, cytomegalovirus, herpes simplex, quai bị, rubella, giang mai)
- Tiếng ồn
- Chấn thương (gãy xương thái dương)
- Thuốc gây độc cho tai
- Bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, u hạt có viêm đa mạch, hội chứng Cogan, viêm đa sụn tái phát, viêm loét đại tràng)
- Khối u (u thần kinh tiền đình, bệnh bạch cầu, u tủy)
- Mạch máu (bệnh mạch máu não, bệnh hồng cầu hình liềm)
- Lỗ rò ngoại dịch: có 1 lỗ hoặc vết rách nhỏ giữa màng ngăn của tai trong và tai giữa, dẫn đến sự rò rỉ của ngoại dịch (perilymph) từ tai trong vào tai giữa.
- Tổn thương do thay đổi áp suất đột ngột
- Thần kinh (bệnh đa xơ cứng, tai biến mạch máu não, đau nửa đầu)
- Các yếu tố khác (đái tháo đường, u hạt)
Ngoài ra còn một số nguyên nhân không do tổn thương thực thể hoặc bệnh ở tai hoặc hệ thống thính giác, cũng có thể điếc đột ngột vô căng (không tìm ra nguyên nhân).

Triệu chứng điếc đột ngột 2 bên
Triệu chứng điếc đột ngột 2 bên bao gồm:
- Gặp khó khăn khi theo dõi các cuộc trò chuyện nhóm.
- Âm thanh trò chuyện bị bóp nghẹt.
- Không có khả năng nghe tốt khi có nhiều tiếng ồn xung quanh.
- Khó nghe những âm thanh có âm vực cao.
- Chóng mặt.
- Ù tai, nghe thấy tiếng chuông hoặc tiếng vo ve trong tai. (1)
Bị điếc đột ngột có nguy hiểm không?
Bị điếc đột ngột nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Đây là tình trạng y tế khẩn cấp, nếu không được điều trị trong vòng 24-72 giờ đầu, khả năng hồi phục hoàn toàn giảm đi đáng kể, đặc biệt với mất thính lực thần kinh cảm giác, có thể dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn ở tai bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, điếc đột ngột có thể là dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm tiềm ẩn như: nhiễm trùng, khối u, thiếu máu cục bộ (biểu hiện của đột quỵ nhẹ hoặc các vấn đề về tuần hoàn nghiêm trọng khác).
Đánh giá, chẩn đoán điếc đột ngột
Quy trình đánh giá, chẩn đoán điếc đột ngột bao gồm các bước sau:
1. Tiền sử bệnh
Trước tiên cần xác định điếc đột ngột hay điếc mạn tính. Tiếp theo là 1 bên hay 2 bên và có đi kèm các tình trạng cấp tính không (chấn thương đầu, thay đổi áp suất đột ngột, bệnh truyền nhiễm). Các triệu chứng đi kèm bao gồm: các triệu chứng ở tai (ù tai, chảy dịch tai…), triệu chứng tiền đình (mất phương hướng trong bóng tối, chóng mặt…) và các triệu chứng thần kinh khác (nhức đầu, suy nhược…).
Bác sĩ cũng tìm các triệu chứng của các bệnh như: hội chứng thần kinh khu trú, bệnh đa xơ cứng, kích ứng mắt và đỏ (hội chứng Cogan).
Cuối cùng, bác sĩ hỏi về tiền sử nhiễm HIV, giang mai và các yếu tố nguy cơ (quan hệ với nhiều người, quan hệ tình dục không được bảo vệ; tiền sử gia đình có người thân nghe kém bẩm sinh; loại thuốc đang dùng ở hiện tại hoặc quá khứ, do có một số thuốc độc với tai trong; suy thận).

2. Khám lâm sàng
Bước tiếp theo là khám tập trung vào tai, thính lực và khám thần kinh, cụ thể:
- Màng nhĩ được kiểm tra để loại trừ khả năng thủng, chảy mủ hoặc các tổn thương khác. Trong quá trình khám thần kinh, bác sĩ kiểm tra các dây thần kinh sọ (đặc biệt ở dây thần kinh số 5, 7 và 8), chức năng tiền đình và não do các bất thường ở những khu vực này thường xuất hiện với các khối u não và góc cầu tiểu não (vùng nằm ở đáy sọ, nơi tiểu não và cầu não tiếp xúc với nhau).
- Kiểm tra thính lực bằng nghiệm pháp Rinne và Weber để phân biệt nghe kém dẫn truyền hay tiếp nhận. Ngoài ra, mắt được kiểm tra về chứng đỏ mắt và chứng sợ ánh sáng (hội chứng Cogan). Da được kiểm tra phát ban (dấu hiệu nhiễm virus, giang mai).
Các dấu hiệu cảnh báo điếc đột ngột khác:
- Bất thường của dây thần kinh sọ (ngoài nghe kém).
- Sự bất đối xứng đáng kể khi nghe giữa 2 tai.
- Các triệu chứng thần kinh khác, yếu cơ, mất ngôn ngữ, hội chứng Horner, bất thường cảm giác…
Chấn thương, thuốc gây độc tai trong và một số nguyên nhân nhiễm trùng thường biểu hiện rõ trên lâm sàng. Người bệnh có thể nghe thấy tiếng nổ trong tai do ảnh hưởng của lỗ rò ngoại dịch và cảm thấy chóng mặt, ù tai.
Các bất thường về thần kinh cần đặc biệt quan tâm. Các dây thần kinh sọ số 5, số 7 hoặc cả 2 đều bị ảnh hưởng bởi các khối u có liên quan đến dây thần kinh sọ thứ 8, dẫn đến mất cảm giác mặt, nhai yếu, suy nhược thần kinh và thay đổi vị giác.
Nghe kém 1 bên kèm theo đầy tai, ù tai và chóng mặt cũng gợi ý hội chứng Meniere (1 rối loạn của tai trong). Triệu chứng toàn thân cho thấy viêm (sốt, nổi ban, đau khớp, tổn thương niêm mạc), có thể do nhiễm trùng hoặc rối loạn tự miễn.
3. Xét nghiệm
- Thính lực đồ: đưa ra các chỉ số thính lực, được hiển thị dưới dạng một biểu đồ với trục ngang biểu thị tần số (Hz) cùng trục dọc biểu thị cường độ (dB).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến để phác họa hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể. Hầu hết các bác sĩ lâm sàng chỉ định chụp MRI có tiêm đối quang từ để chẩn đoán nguyên nhân gây điếc đột ngột, đặc biệt với những tổn thương 1 bên. Người bệnh bị chấn thương cấp tính cũng nên chụp MRI.
- Chụp CT: lỗ rò ngoại dịch thường được nghi ngờ khi người bệnh gặp tác động mạnh (chấn thương nặng, chấn thương âm thanh) và thử nghiệm có thể được thực hiện bằng cách sử dụng áp lực khí nén dương để gây ra động mắt. CT xương thái dương thường được thực hiện chẩn đoán các đặc điểm xương tai trong và xác định các bất thường bẩm sinh, vỡ xương thái dương do chấn thương, hoặc quá trình ăn mòn xương (ví dụ như cholesteatoma).

Người bệnh có các nguy cơ hoặc triệu chứng cần làm các xét nghiệm thích hợp dựa trên đánh giá lâm sàng (xét nghiệm huyết thanh học với nguy cơ nhiễm HIV hoặc giang mai; công thức máu toàn phần và đông máu với các rối loạn huyết học; tốc độ máu lắng (ESR) và kháng thể kháng nhân với viêm mạch).
Các xét nghiệm nên xem xét trong quá trình chẩn đoán điếc đột ngột:
- Công thức máu toàn phần.
- Tốc độ lắng hồng cầu (ESR).
- Urê và chất điện giải.
- Đường huyết lúc đói.
- Cholesterol/triglyceride lúc đói.
- Nồng độ virus (HIV, CMV, HSV, quai bị, rubella).
- FTA-abs cho bệnh giang mai (hoặc VDRL).
- Nồng độ Lyme (hiếm gặp và xem xét ở những người bệnh trở về từ các vùng dịch).
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp/tự miễn tuyến giáp.
- Kháng thể tế bào chất kháng bạch cầu trung tính (ANCA).
- Kháng thể kháng nhân (ANA), kết luận hoặc loại trừ bệnh tự miễn.
- Yếu tố dạng thấp (RF), kiểm tra sự hiện diện của kháng thể RF có trong máu.
- Peptide citrullinated chống vòng (anti-CPP), tự kháng thể được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch, trực tiếp chống lại peptide citrullinated vòng.
- Kháng thể kháng phospholipid, rối loạn tự miễn đặc trưng bởi huyết khối tĩnh mạch và huyết khối động mạch hoặc các biến chứng khi mang thai.
Bị giảm thính lực đột ngột có chữa được không?
Bị giảm thính lực đột ngột có thể chữa được nhưng khả năng hồi phục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thời gian phát hiện và điều trị; nguyên nhân gây điếc đột ngột và loại mất thính lực cụ thể:
- Khả năng chữa trị cao hơn khi điều trị sớm: nếu được phát hiện và điều trị trong vòng 24-72 giờ đầu tiên, cơ hội hồi phục hoàn toàn hoặc một phần thính lực cao hơn, đặc biệt trong trường hợp mất thính lực do viêm nhiễm hoặc viêm tai giữa.
- Mất thính lực thần kinh cảm giác: khó hồi phục nhất, nếu điều trị không kịp thời, thính lực có thể mất vĩnh viễn. Phương pháp điều trị thường là corticosteroid giảm viêm ở tai trong, hiệu quả phụ thuộc vào mức độ tổn thương.

Tìm hiểu thêm:
Phương pháp điều trị điếc đột ngột
Điều trị điếc đột ngột tập trung vào nguyên nhân, cụ thể:
- Nút rò ngoại dịch được chẩn đoán và phẫu thuật điều trị.
- Các trường hợp virus và vô căn, thính giác trở lại bình thường ở khoảng 50% người bệnh và phục hồi 1 phần ở một số trường hợp. Ở người bệnh hồi phục thính giác, quá trình cải thiện thường xảy ra trong vòng 10-14 ngày.
- Các trường hợp ngộ độc thuốc có nhiều mức độ hồi phục khác nhau, tùy loại thuốc và liều lượng. Với một số loại thuốc (aspirin, thuốc lợi tiểu), tình trạng mất thính giác cải thiện trong vòng 24 giờ. Với các thuốc khác (kháng sinh, thuốc hóa học) thường gây mất thính giác vĩnh viễn nếu ngộ độc quá nặng.
- Với điếc đột ngột vô căn, nhiều bác sĩ lâm sàng thực nghiệm dùng glucocorticoid (prednisone 1mg/kg uống 1 lần/ngày trong 7-14 ngày và sau đó là 5 ngày giảm liều). Glucocorticoids được nạp vào cơ thể qua đường uống và/hoặc tiêm vào hòm nhĩ. Tiêm trực tiếp vào hòm nhĩ tránh các tác dụng phụ toàn thân của glucocorticoid đường uống và có hiệu quả tương đương, ngoại trừ điếc nặng (>90 dB).
- Sử dụng cả steroid uống và tiêm xuyên màng nhĩ cho kết quả tốt hơn so với khi sử dụng riêng lẻ. Ngoài ra, việc điều trị bằng oxy cao áp có thể giúp ích cho người bệnh điếc đột ngột.
Cách phòng ngừa và cải thiện điếc đột ngột tại nhà
Để phòng ngừa và cải thiện điếc đột ngột, mỗi người cần chú ý đến rủi ro và các biện pháp chăm sóc sức khỏe tổng quát, cụ thể:
1. Phòng ngừa
- Bảo vệ tai khỏi tiếng ồn lớn: Tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn, đặc biệt trong thời gian dài. Sử dụng thiết bị bảo vệ tai như nút tai hoặc tai nghe chống ồn khi làm việc trong môi trường có tiếng ồn cao (công trường xây dựng, nhà máy…). Giảm âm lượng khi nghe nhạc qua tai nghe, đặc biệt trong thời gian dài.
- Điều trị kịp thời các bệnh về tai: Điều trị kịp thời và hiệu quả các vấn đề về tai như: viêm tai giữa, nhiễm trùng tai, tắc nghẽn ống tai do ráy tai…
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về tuần hoàn máu, huyết áp cao, hoặc các bệnh có thể ảnh hưởng đến thính giác.
- Tránh sử dụng các chất độc hại: Thuốc lá, rượu bia và các chất gây nghiện vì có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và thính giác.
- Tránh chấn thương đầu và tai: Đội mũ bảo hiểm khi tham gia các hoạt động có nguy cơ gây chấn thương đầu như đi xe máy hoặc xe đạp. Cẩn thận khi tham gia các hoạt động thể thao có nguy cơ va chạm hoặc tổn thương tai.
2. Cải thiện điếc đột ngột
Bên cạnh việc điều trị, một số phương pháp giúp cải thiện tình trạng điếc đột ngột:
2.1. Sử dụng thiết bị hỗ trợ thính giác
- Máy trợ thính: nếu thính lực không hồi phục hoàn toàn, máy trợ thính có thể giúp cải thiện khả năng nghe.
- Cấy ốc tai điện tử (cochlear implant): lựa chọn phù hợp với người bị mất thính lực nghiêm trọng mà máy trợ thính không còn hiệu quả.
2.2. Phục hồi chức năng thính giác
- Tập luyện thính giác: tham gia các chương trình phục hồi chức năng thính giác để cải thiện khả năng giao tiếp và xử lý âm thanh.
- Hỗ trợ tâm lý: điều chỉnh cảm xúc và tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý nếu mất thính lực ảnh hưởng đến tinh thần và chất lượng cuộc sống.
2.3. Chăm sóc sức khỏe tổng quát
- Duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên, giảm stress… để hỗ trợ sức khỏe tai và thính giác.
- Kiểm soát các bệnh mãn tính như tiểu đường và huyết áp cao, vì có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và sức khỏe tai trong.
Khám và điều trị tai điếc đột ngột tại BVĐK Tâm Anh
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM – địa chỉ uy tín trong chẩn đoán và điều trị chứng điếc đột ngột, với đội ngũ bác sĩ chuyên sâu về các lĩnh vực thanh học, thính học và tiền đình. Đây là những chức năng quan trọng như giọng nói, thính giác và giữ thăng bằng cần được phục hồi cho người bệnh.
Hệ thống trang thiết bị tối tân tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM:
- Phòng đo thính lực riêng tư, kín đáo: sử dụng hệ thống máy đo chức năng thính lực Resonance (Ý) mang đến kết quả chính xác và nhanh chóng.
- Kính vi phẫu Zeiss (Đức) và nội soi Karl Storz (Đức): được sử dụng trong phẫu thuật nội soi tai, vi phẫu thanh quản và nội soi mũi xoang.
- Hệ thống khoan Skeeter: hỗ trợ hiệu quả trong các ca phẫu thuật phức tạp như nội soi vi phẫu tai và mũi xoang.
- Máy cắt đốt Coblator – Smith Nephew (Mỹ): sử dụng trong phẫu thuật cắt Amidan, nạo VA, chỉnh hình màn hầu và đốt cuốn mũi với độ chính xác cao và ít gây tổn thương.
- Máy khoan bào mô Medtronic (Mỹ): được ứng dụng trong các phẫu thuật phức tạp như tai xương chũm, cấy điện ốc tai, khoan cắt trong phẫu thuật mũi xoang, và xử lý u thanh quản.
Phòng ngừa điếc đột ngột đòi hỏi sự quan tâm đến các yếu tố nguy cơ và bảo vệ tai khỏi những tác động có hại. Nếu tình trạng này xuất hiện, việc điều trị nhanh chóng và kịp thời là yếu tố quan trọng nhất để cải thiện khả năng hồi phục. Đồng thời, việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ thính giác và duy trì sức khỏe tổng quát cũng đóng vai trò quan trọng trong cải thiện chất lượng sống cho người bị mất thính lực đột ngột.