Điếc bẩm sinh là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất ở trẻ em. Tỷ lệ điếc bẩm sinh ở trẻ em tại Mỹ là 1/1.000 trẻ, với các mức độ từ trung bình đến nặng. Nguyên nhân và cách nhận biết sớm trẻ mắc bệnh thế nào? Dưới đây là các thông tin về bệnh điếc bẩm sinh, được thạc sĩ bác sĩ CKI ​​Trương Tấn Phát, Trưởng đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, chia sẻ.

điếc bẩm sinh

Điếc bẩm sinh là gì?

Điếc bẩm sinh (mất thính lực bẩm sinh) là tình trạng mất thính lực từ lúc trẻ vừa ra đời, do suy yếu khả năng chuyển đổi năng lượng cơ học từ rung động âm thanh thành năng lượng điện của các xung thần kinh ở tai. Điếc bẩm sinh có nhiều cấp độ từ nhẹ đến nặng, có thể ảnh hưởng đến chức năng nghe của 1 hoặc cả 2 tai.

Có ba loại điếc bẩm sinh, gồm:

  • Mất thính lực dẫn truyền: do các tổn thương hoặc cấu trúc bất thường ở tai ngoài, tai giữa hoặc cả hai, hay sau tắc nghẽn thoáng qua của tai giữa do ứ dịch (như khi viêm tai giữa).
  • Mất thính lực tiếp nhận: do tổn thương các cơ quan truyền tín hiệu thần kinh từ tai đến não, bao gồm cả ốc tai và dây thần kinh thính giác, đường dẫn truyền thính giác trung tâm.
  • Mất thính lực hỗn hợp: gồm các đặc điểm của mất thính lực dẫn truyền và mất thính lực thần kinh cảm giác.

Nguyên nhân điếc bẩm sinh là gì?

Điếc bẩm sinh có nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do di truyền, do người mẹ mắc một số bệnh trong quá trình mang thai hoặc do quá trình sinh nở không thuận lợi, cụ thể:

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

1. Nguyên nhân gây điếc trước khi sinh

  • Di truyền: phần lớn trẻ điếc bẩm sinh là do di truyền. Theo nghiên cứu, điếc có thể được di truyền từ các thế hệ trước, với khoảng 80% các ca là di truyền do gen lặn, 20% là di truyền do gen trội.
  • Trẻ mắc một số hội chứng di truyền có thể gây điếc bẩm sinh như: Down, Usher, Treacher Collins, Crouzon, Alport, Waardenburg…
  • Nhiễm virus trong thai kỳ: trẻ bị điếc bẩm sinh do người mẹ nhiễm một số loại virus trong thai kỳ, như: virus Rubella, Cytomegalovirus (CMV), Toxoplasmosis, Herpes … Trong đó, nhiễm virus CMV được xem là nguyên nhân không di truyền phổ biến nhất gây mất thính lực thần kinh giác quan.

Ngoài ra, nguyên nhân trẻ bị điếc bẩm sinh cũng có thể do sinh non hoặc nhẹ cân khi sinh; người mẹ uống rượu hoặc không kiểm soát tốt bệnh tiểu đường trong thai kỳ; tiền sản giật…

2. Nguyên nhân gây điếc bẩm sinh khi sinh ra

  • Đầu của trẻ bị tổn thương do quá trình sinh nở khó khăn.
  • Trẻ sơ sinh bị vàng da do gan.
  • Khiếm khuyết, bất thường cấu trúc ở tai trong, tai ngoài hoặc cả hai.
Nguyên nhân điếc bẩm sinh là gì?
Trẻ có thể bị điếc bẩm sinh do di truyền, do người mẹ mắc một số bệnh trong quá trình mang thai hoặc do quá trình sinh nở không thuận lợi.

Các yếu tố nguy cơ gây điếc bẩm sinh

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã đưa ra thông tin về các yếu tố nguy cơ gây điếc bẩm sinh ở trẻ em gồm:

  • Trong gia đình có người thân mất thính lực bẩm sinh.
  • Trẻ sơ sinh được chăm sóc tại phòng Chăm sóc tích cực Sơ sinh (NICU) >5 ngày hoặc đang áp dụng các phương pháp điều trị như: oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, hỗ trợ hô hấp, sử dụng thuốc gây độc cho tai (như gentamicin và tobramycin), thuốc lợi tiểu quai hoặc truyền máu thay thế do tăng bilirubin máu.
  • Người mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng như: bệnh Toxoplasma, Rubella, Cytomegalovirus, Herpes simplex, giang mai trong thai kỳ.
  • Các dị tật ở sọ mặt, ống tai ngoài, xương thái dương
  • Tiền sử mắc hội chứng gây mất thính lực bẩm sinh.
  • Rối loạn thoái hóa thần kinh hoặc bệnh lý thần kinh cảm giác vận động.
  • Viêm màng não.
  • Chấn thương đầu, đặc biệt là chấn thương nền sọ hoặc gãy xương thái dương.
  • Tiền sử hóa trị.

Dấu hiệu bé bị điếc bẩm sinh

Các dấu hiệu bé bị điếc bẩm sinh thường liên quan đến phản xạ của trẻ với âm thanh, chậm nói, tương tác kém với yêu cầu bằng lời nói của ba mẹ hoặc người chăm sóc… Phụ huynh nên chú ý đến các triệu chứng mất thính lực, suy giảm thính lực của trẻ ở từng giai đoạn:

Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:

  • Không giật mình khi có tiếng động lớn.
  • Không để ý đến người khác cho đến khi nhìn thấy họ.
  • Không để ý đến âm thanh mà mọi người đều nghe thấy.
  • Chậm nói.
  • Không phản ứng với giọng nói của người khác khi được ẵm.
  • Dị dạng ở tai.

Với trẻ lớn hơn:

  • Chậm biết nói, phát âm không rõ chữ.
  • Nghe, xem TV ở âm lượng cao.
  • Không thể xác định phương hướng của âm thanh.
  • Nói to.
  • Không hiểu lời nói.
Dấu hiệu bé bị điếc bẩm sinh
Trẻ em điếc bẩm sinh có thể nói to hơn bình thường hoặc chậm nói, nói không rõ, không hiểu lời người khác nói…

Người điếc bẩm sinh có nói được không?

Nhiều người nhận thấy đa số trẻ bị điếc bẩm sinh thường câm, tuy nhiên, điếc bẩm sinh không chắc chắn sẽ đi kèm với câm bẩm sinh. Câm thường do hậu quả của điếc quá sớm, do trẻ không thể tiếp nhận được các tín hiệu âm thanh, từ đó không thể bắt chước và rèn luyện phát âm, gây câm. Nhiều gia đình có con bị điếc bẩm sinh cũng không chủ động trò chuyện, đồng hành cùng con tập nói, dẫn đến trẻ không thể nói được và câm.

Do đó, chăm sóc trẻ bị điếc bẩm sinh là hành trình dài và cần rất nhiều kiên nhẫn. Ba mẹ, người chăm sóc, nhà trường nên dành thời gian tương tác với trẻ, giúp trẻ luyện tập ngôn ngữ dành riêng cho người câm điếc để trẻ học cách phát âm, từ đó có thể cải thiện khả năng nói.

Xem thêm:

Những trẻ nào cần được chỉ định sàng lọc điếc bẩm sinh?

Sàng lọc bệnh điếc bẩm sinh là bước quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu suy giảm sức nghe ở trẻ, từ đó bác sĩ có thể can thiệp, điều trị và chăm sóc kịp thời, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp hiệu quả hơn.

Hầu hết trẻ em đều được sàng lọc thính lực trong vòng vài ngày sau khi sinh. Riêng một số trường hợp cần lựa chọn thời điểm thích hợp, như:

  • Trẻ sinh non: nên sàng lọc ở tuần thứ 34, khi trẻ đã ổn định.
  • Trẻ đang điều trị đặc biệt tại khoa sơ sinh: nên sàng lọc khi trẻ đã ổn định và được xuất viện.
  • Trẻ đang trong lồng ấp, đang sử dụng các thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương hoặc đang được điều trị hồi sức tích cực: nên chờ đến khi trẻ ổn định hơn mới thực hiện sàng lọc.
Những trẻ nào cần được chỉ định sàng lọc điếc bẩm sinh?
Trẻ sơ sinh cần được sàng lọc bệnh điếc bẩm sinh trong vòng vài ngày sau khi sinh, nhờ đó bác sĩ có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh và can thiệp kịp thời.

Chẩn đoán, phát hiện trẻ bị điếc bẩm sinh

Chẩn đoán mất thính lực bẩm sinh ở trẻ sơ sinh cần khám lâm sàng kết hợp nhiều xét nghiệm, như:

  • Đo âm ốc tai (OAE): đưa đầu dò chứa micro và loa vào tai trẻ để đo âm ốc tai (âm thanh phát ra từ tai trong, do các sợi lông ở ốc tai tạo ra khi phản ứng với âm thanh).
  • Đo điện thính giác thân não (ABR): đặt các điện cực lên đầu trẻ để ghi lại phản ứng của sóng não đối với âm thanh nghe được.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm để kiểm tra phản xạ của trẻ, xét nghiệm di truyền để tìm ra các hội chứng bẩm sinh, chụp cộng hưởng từ (MRI) để quan sát cấu trúc tai trong và não…

Với trẻ từ vài tháng tuổi trở lên, bác sĩ sẽ kết hợp phương pháp sàng lọc câm điếc bẩm sinh, bao gồm: quan sát các phản xạ của trẻ với tiếng động lớn, tình trạng chậm nói, nói ngọng, không nói được…

Điếc bẩm sinh có chữa được không?

Điếc bẩm sinh có thể chữa được, dựa vào những tiến bộ trong lĩnh vực y tế và sự kiên trì theo đuổi phương pháp điều trị từ gia đình, nhà trường. Trẻ có thể cải thiện khả năng nghe bằng nhiều phương pháp điều trị như: dùng máy trợ thính, cấy ốc tai điện tử…

Phương pháp điều trị điếc bẩm sinh

Tùy mức độ điếc bẩm sinh, trẻ có thể được điều trị bằng các phương pháp như:

  • Với trường hợp trẻ điếc bẩm sinh, nhất là khi ngưỡng nghe <80dB, trẻ sẽ được chỉ định đeo máy trợ thính, giúp tăng cường âm thanh để trẻ dễ dàng nghe và phản ứng với âm thanh nghe được.
  • Với trẻ điếc bẩm sinh có ngưỡng nghe cao (>90dB), trẻ buộc phải cấy ốc tai điện tử để khôi phục khả năng nghe và tham gia chương trình phục hồi ngôn ngữ để cải thiện kỹ năng giao tiếp.
  • Phương pháp ngôn ngữ ký hiệu kết hợp trị liệu ngôn ngữ dạy nói cho trẻ, phương pháp này đòi hỏi sự kiên trì rất cao của cả gia đình và nhà trường.

Cách phòng ngừa điếc bẩm sinh cho bé

Không thể phòng ngừa điếc bẩm sinh cho trẻ hoàn toàn. Người mẹ khi mang thai chỉ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh cho con bằng các cách như:

  • Sàng lọc di truyền nếu gia đình có người điếc bẩm sinh.
  • Khám thai định kỳ.
  • Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin khuyến cáo cho mẹ và bé.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, không uống rượu, hút thuốc lá, không sử dụng chất kích thích…
  • Sàng lọc thính lực cho trẻ sau sinh càng sớm càng tốt.

Khám, sàng lọc và điều trị tai điếc bẩm sinh tại BVĐK Tâm Anh

Hiện nay, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 áp dụng nhiều phương pháp khám, sàng lọc và điều trị tai điếc bẩm sinh như: đo OAE, đo thính lực đồ, nhĩ lượng đồ, phản xạ cơ bàn đạp… giúp xác định mức mức độ, nguyên nhân điếc bẩm sinh để xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả. Một số phương pháp khám, sàng lọc điếc bẩm sinh cho trẻ được các bác sĩ ở đây sử dụng gồm:

  • Đo nhĩ lượng: ghi lại chuyển động của màng nhĩ khi áp lực ở ống tai ngoài thay đổi, bằng cách đưa đầu dò truyền sóng âm vào tai và bịt kín ống tai lại.
  • Đo âm ốc tai (OAE): đưa đầu dò chứa micro và loa vào tai trẻ để đo âm ốc tai (âm thanh phát ra từ tai trong).
  • Đo điện thính giác thân não (ABR): đặt các điện cực lên đầu trẻ để ghi lại các phản ứng của sóng não đối với âm thanh nghe được.
  • Đo thính lực đơn âm: kiểm tra khả năng nghe ở nhiều tần số bằng cách sử dụng remote bấm khi nghe được âm thanh.
  • Đo thính lực bằng giọng nói: lặp lại các âm thanh ở nhiều âm lượng khác nhau nghe được từ tai nghe.

Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 quy tụ đội ngũ bác sĩ và chuyên gia giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn, kết hợp với hệ thống trang thiết bị hiện đại, kết quả khám thính lực của khách hàng có thể được đảm bảo đạt độ chính xác cao nhất.

Khám, sàng lọc và điều trị tai điếc bẩm sinh tại BVĐK Tâm Anh
Bác sĩ Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 đang nội soi tai cho khách hàng.

Khách hàng có nhu cầu đặt lịch hẹn khám, tư vấn, điều trị các vấn đề về thính lực, bệnh về tai… tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, vui lòng liên hệ theo thông tin:

Phát hiện sớm điếc bẩm sinh ở trẻ nhỏ giúp bác sĩ có các can thiệp sớm, cải thiện sức nghe hiệu quả cho trẻ. Vì vậy, khi cha mẹ nhận thấy con mình có biểu hiện bất thường về thính giác, chậm nói… so với các bạn đồng trang lứa, nên nhanh chóng đưa trẻ đi kiểm tra và sàng lọc điếc bẩm sinh sớm tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM hoặc Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *