Chảy máu tai là dấu hiệu thường gặp của nhiều bệnh lý hoặc tổn thương liên quan đến tai và vùng đầu. Chảy máu tai có nguy hiểm không? Tùy vào nguyên nhân gây tổn thương, tai bị chảy máu đôi khi không đáng lo ngại, song trong nhiều trường hợp lại là cảnh báo của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

chảy máu tai có nguy hiểm không

Chảy máu lỗ tai là bị gì?

Chảy máu lỗ tai là cách gọi chung để chỉ hiện tượng máu chảy ra từ ống tai hoặc ngoài tai. Triệu chứng này phản ánh nhiều tình trạng khác nhau mà cơ thể đang gặp phải, đặc biệt là sức khỏe tai mũi họng và não bộ.

bị chảy máu tai
Chảy máu tai có thể do bị thương, nhiễm trùng hoặc ung thư tai gây ra

Những nguyên nhân thường gặp có thể kể đến như:

Bị thương:

banner khai trương tâm anh quận 8 mb
  • Tổn thương ống tai: Chảy máu tai có thể do vết thương ở da ống tai. Tổn thương thường xảy ra khi đưa dị vật vào tai như tăm bông hoặc dụng cụ lấy ráy tai.
  • Thủng màng nhĩ: Một vết rách ở màng nhĩ có thể dẫn đến chảy máu tai. Chấn thương này có thể xảy ra do áp lực tăng lên phía sau màng nhĩ do chấn thương đầu hoặc nhiễm trùng tai giữa, dị vật, chênh lệch khí áp khi lặn sâu hoặc đi máy bay.
  • Chấn thương đầu: Chảy máu tai có thể xảy ra do chấn thương đầu dù có gây thủng màng nhĩ hoặc không, nhiều trường hợp nứt sọ kèm theo vỡ ống tai.

Nhiễm trùng tai:

  • Viêm tai giữa: Thông thường viêm tai giữa sẽ không gây chảy dịch tiết trừ khi có thủng màng nhĩ. Tuy nhiên, không loại trừ máu chảy ra do nhiễm trùng có thể chảy ra từ phía sau màng nhĩ. Nhiễm trùng tai giữa cũng có thể gây ra mụn nước (mụn mủ) hình thành trên màng nhĩ. Các mụn nước này vỡ ra sẽ gây chảy máu.
  • Nhiễm trùng ống tai: Nhiễm trùng mãn tính do vi khuẩn ở ống tai có thể dẫn đến sự phát triển của các mô bất thường, dễ chảy máu.

Nguyên nhân khác:

  • Polyp: Viêm mãn tính ở tai có thể gây ra polyp, thường có chảy máu.
  • Mạch máu bất thường: Chảy máu tai có thể xảy ra do các mạch máu bề mặt bất thường liên quan đến rối loạn di truyền.
  • Ung thư: Chảy máu tai có thể bắt nguồn từ ung thư da ở tai ngoài hoặc trong ống tai nếu nó phát triển các vết loét chảy máu, có thể quan sát thấy vết sưng trắng hoặc mảng vảy. Song, nguyên nhân do ung thư tai thường khá hiếm gặp.

Ngoài dấu hiệu xuất huyết, một số triệu chứng khác có thể đi kèm khi bị chảy máu tai người bệnh cần lưu ý như: đau tai, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng, ù tai, mất thính lực một bên hoặc hai bên, giảm thính lực hoặc điếc hoàn toàn, ráy tai có kèm máu… Ngoài ra chảy máu tai do các vấn đề từ tai trong (liên quan đến dây thần kinh) có thể gây liệt mặt.

Bị chảy máu tai có nguy hiểm không?

Chảy máu lỗ tai do nhiều yếu tố tiềm ẩn khác nhau, vì thế trong những trường hợp riêng biệt, chảy máu lỗ tai cũng phản ánh tình trạng sức khỏe khác nhau. Một số trường hợp chảy máu lỗ tai không gây ảnh hưởng nghiêm trọng nào cho người bệnh, ngược lại đôi khi dấu hiệu này lại là triệu chứng khẩn cấp cảnh báo sức khỏe đang nguy kịch. Muốn biết chảy máu lỗ tai có nguy hiểm không, điều quan trọng là bạn cần đi khám để bác sĩ xác định được yếu tố gây chảy máu và điều trị kịp thời. (1)

nội soi kiểm tra tai
Người bệnh cần thăm khám, nội soi tìm nguyên nhân xác định chảy máu tai có nguy hiểm không

Trong sinh hoạt, có một số hoạt động vô tình khiến tai bị chảy máu như cắt tóc, va quẹt, gãi mạnh gây xước da… Hầu hết những nguyên nhân này gần như ảnh hưởng không đáng kể. So với chảy máu ngoài tai do tổn thương da, chảy máu từ bên trong ống tai ẩn chứa nhiều yếu tố nguy hiểm hơn và người bệnh cần có sự can thiệp y tế. Dưới đây là một số trường hợp cần lưu ý:

1. Chảy máu kèm theo sưng tai, có dịch tiết, mùi hôi

Đây có thể là triệu chứng các mô tai bị tổn thương nặng do nhiễm trùng. Nhiễm trùng tai thường do vi khuẩn, virus và nấm gây ra. Các dạng nhiễm trùng tai thường gặp như: viêm tai ngoài cấp tính, viêm tai do bơi lội, nấm ống tai ngoài, viêm tai giữa, viêm mê nhĩ, viêm dây thần kinh tiền đình… Nhiễm trùng tai nếu không được điều trị đúng cách sẽ tiến triển xấu gây thủng màng nhĩ, viêm màng não, khiến người bệnh nguy hiểm tính mạng.

2. Chảy máu sau khi lấy ráy tai sâu, dị vật rơi vào tai

Thụt sâu vào ống tai, lấy ráy tai không đúng cách, nhét dị vật vào tai, lặn sâu là những nguyên nhân có thể khiến tai bị chảy máu, thủng màng nhĩ. Màng nhĩ ngoài chức năng cảm nhận dao động âm thanh còn đóng vai trò là lớp màng ngăn cách giữa tai ngoài với tai giữa, thủng màng nhĩ nếu không được can thiệp, khi các tác nhân như bụi bẩn, vi khuẩn, nước xâm nhập sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai giữa. Lâu ngày gây viêm xương chũm, nếu để nhiễm trùng lan rộng lên tổ chức sọ sẽ cực kỳ nguy hiểm.

3. Chảy máu tai sau tai nạn, va đập vùng đầu

Chấn thương ở đầu có thể gây chảy máu lỗ tai, đặc biệt là khi vết thương nghiêm trọng, nứt hộp sọ, tổn thương não. Lực va đập gây chấn thương có thể khiến các mạch máu trong tai bị vỡ, dẫn tới xuất huyết. Các triệu chứng có thể bao gồm: đau tai, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng, buồn nôn, mệt mỏi hoặc buồn ngủ. Nghiêm trọng hơn, nạn nhân có thể mất ý thức, lú lẫn, khó nói. Những triệu chứng trên cho thấy người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức, nếu chậm trễ có thể tử vong.

Vì tính chất phức tạp của cấu trúc tai và có nhiều yếu tố dẫn đến chảy máu, do đó để biết chảy máu lỗ tai có nguy hiểm không, người bệnh cần khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để bác sĩ kiểm tra, phát hiện sớm dấu hiệu bất thường.

Các biến chứng của chảy máu tai

Chảy máu tai thường hiếm gây ra ảnh hưởng nguy hiểm cho sức khỏe, tuy nhiên những nguyên nhân gây nên tình trạng này nếu không được điều trị đúng cách và triệt để có thể để lại nhiều hậu quả khó lường cho người bệnh.

Viêm tai giữa không được điều trị có thể gây ra hiện tượng mưng mủ xương, gây tổn thương xương sọ.

Chấn thương đầu có thể dẫn đến điếc hoàn toàn do biến chứng nứt xương sọ và rò rỉ dịch tai trong. Vỡ xương nền sọ có thể gây rò rỉ dịch não tủy, tình trạng chảy máu sau màng nhĩ (hemotympanum) hoặc chảy máu trong ống tai ngoài nếu màng nhĩ cũng bị rách, ngoài ra còn gây tụ máu sau tai hoặc ở vùng quanh mắt. Nạn nhân đối diện nguy cơ tử vong cao hoặc để lại thương tật vĩnh viễn. (2)

Màng nhĩ bị tổn thương không thể phục hồi, dẫn đến không cảm nhận được dao động âm thanh.

Thủng màng nhĩ có thể khiến nước và các tác nhân gây hại xâm nhập vào tai dễ dàng hơn và dẫn đến viêm tai giữa nặng hơn.

Các vết thương ở vùng ống tai cũng có thể bị nhiễm trùng, trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến viêm tai ngoài.

Dưới đây là một số ảnh hưởng mà người bệnh có thể gặp phải khi không được điều trị đúng cách:

  • Nghe kém, ù tai;
  • Viêm xương chũm (nhiễm trùng xương chũm nằm phía sau tai);
  • Mất thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn;
  • Đau đầu;
  • Chóng mặt;
  • Buồn nôn;
  • Tổn thương ở não, viêm màng não, viêm não.

Khi bị chảy máu tai phải làm sao?

Chảy máu tai là tình huống dễ gặp trong cuộc sống, việc nắm vững các bước sơ cứu ban đầu có thể giúp người bệnh tránh được các tiến triển xấu và các biến chứng về sau. Khi phát hiện bản thân hoặc người khác chảy máu tai, tùy vào tình huống bạn có thể xử lý theo các bước sau:

1. Trường hợp rách da, vết thương hở

Các vết xước nhỏ hoặc mụn ở vùng da tai, vành tai… có thể tự lành, tuy nhiên nếu vết thương sâu, vết rách dài, lộ sụn… thì cần phải được xử lý kịp thời và đúng cách để tránh gây nhiễm trùng và mất máu.

Để xử lý vết thương hở, trước tiên bạn cần rửa tay thật sạch, tiếp đó dùng khăn sạch, băng hoặc gạc vô trùng để cầm máu; sau khi tai ngừng chảy máu, cần làm sạch vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý; băng vết thương bằng vải sạch hoặc gạc vô trùng; nếu vết thương nặng và chảy nhiều máu, cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.

2. Trường hợp dị vật mắc kẹt trong tai

Dị vật kẹt trong tai là tình huống không hiếm gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nếu phát hiện chảy máu tai là do dị vật rơi vào tai, lưu ý quan trọng là không tự ý lấy dị vật ra, điều này có thể vô tính khiến dị vật bị đẩy vào sâu bên trong, làm thủng màng nhĩ và tổn thương các cấu trúc khác của tai. Thay vào đó, hãy đến các cơ sở có chuyên khoa Tai Mũi Họng, có thiết bị chuyên dụng để được bác sĩ lấy dị vật ra và xử lý đúng cách.

biến chứng chảy máu tai
Không tự ý lấy dị vật ra khỏi tai mà hãy đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được hỗ trợ

3. Trường hợp chảy máu từ ống tai

Tai người có cấu tạo rất tinh vi và phức tạp, đồng thời thông đến các cơ quan khác, do đó, tình trạng chảy máu từ ống tai có thể phản ánh những bệnh lý hết sức phức tạp, cần đến cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để được đánh giá chính xác. Nếu chảy máu tai xuất hiện sau tổn thương do va đập, nạn nhân cần được cấp cứu ngay. Chấn thương vùng đầu gây chảy máu tai là vô cùng nghiêm trọng, nếu can thiệp chậm trễ có thể sẽ tử vong.

Giải đáp các câu hỏi thường gặp

1. Bị tai nạn chảy máu tai có nguy hiểm không?

Chảy máu tai sau tai nạn là hết sức nguy hiểm, đặc biệt là những tai nạn gây chấn thương mạnh vùng đầu như: té ngã, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chấn thương trong quá trình chơi thể thao… Người gặp tai nạn dẫn đến chảy máu tai có thể rơi vào tình trạng vỡ ống tai, vỡ xương thái dương, nứt sọ,… vì vậy cần phải cực kỳ lưu ý và thăm khám ngay.

2. Ngã xe chảy máu tai có sao không?

Ngã xe dẫn đến chảy máu tai có nguy hiểm không cũng là thắc mắc của rất nhiều người, nếu sau khi té ngã, tai chỉ chảy máu do bị trầy xước ngoài da thì không đáng ngại. Ngược lại nếu chảy máu trong ống tai, đặc biệt là khi ngã xe và va đập đầu xuống đường, nạn nhân có thể đối diện với nguy cơ bị chấn thương sọ não.

3. Chảy máu tai để lâu có sao không?

Ở một số trường hợp chảy máu tai không nghiêm trọng và có thể tự ngưng trong thời gian ngắn, tuy nhiên đó là các tình huống xây xát nhẹ. Nếu vết rách trên tai sâu cần sơ cứu đúng cách để tránh nhiễm trùng và mất máu. Trường hợp chảy máu trong ống tai cần có sự can thiệp y tế sớm. Nếu máu bên trong tai chảy quá lâu và không được làm sạch cẩn thận, có thể trở nên khô và gây ra các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu hoặc giảm thính lực. Việc cố gắng tự chăm sóc tại nhà trong trường hợp này có thể khiến chảy máu nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm khác.

4. Chảy máu tai có ảnh hưởng đến tính mạng không?

Nếu chảy máu tai chỉ đơn giản do một mụn nhỏ ở tai hoặc một vết xước nông bên ngoài tai thì không gây ảnh hưởng lớn đến tính mạng, và bạn có thể tự điều trị tại nhà theo chỉ dẫn y tế. Tuy nhiên, chảy máu tai sẽ nguy hiểm khi kèm theo các triệu chứng khác và phải được điều trị chuyên khoa, nếu không sẽ dẫn tới những biến chứng khó lường.

Trường hợp khẩn cấp là khi nạn nhân bị chảy máu tai sau một chấn thương (ví dụ đập đầu hoặc bị tai nạn), lúc này nếu không được can thiệp sớm nạn nhân có thể nguy kịch thậm chí tử vong.

Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị chảy máu tai và các bệnh lý tai mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin:

Chảy máu tai là dấu hiệu cho thấy tai đang bị tổn thương từ nhẹ đến rất nghiêm trọng. Trong đa số các trường hợp, trừ những vết thương nhỏ ngoài da, việc kết luận chảy máu tai có nguy hiểm không, bác sĩ cần thăm khám tìm nguyên nhân. Một số nguyên nhân gây chảy máu tai có thể kèm theo những biến chứng nghiêm trọng, để lại những tổn thương lâu dài, vĩnh viễn thậm chí dẫn đến tử vong. Do đó, khi phát hiện ống tai chảy máu, người bệnh không nên chủ quan mà cần nhanh chóng đến bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng để được bác sĩ kiểm tra và xử trí kịp thời.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *