Cắt amidan là phẫu thuật nhằm loại bỏ hai khối amidan ở cổ họng. Đây là biện pháp cuối cùng để điều trị tình trạng viêm amidan mạn tính, viêm amidan quá phát (amidan sưng to) chèn ép đường thở. Những bệnh nhân được chỉ định cắt amidan đa phần đều có chung một thắc mắc cắt amidan có nguy hiểm không, có sao không, ảnh hưởng gì không,… Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân và người nhà.

cắt amidan có nguy hiểm không

Đối tượng nào nên cắt amidan?

Amidan là hai khối lympho ở 2 bên cổ họng, có chức năng tạo đề kháng, giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại như vi khuẩn, virus, nấm mốc, bụi bẩn,…

Trước khi các tác nhân có hại xâm nhập tới các tổ chức sâu như đường hô hấp dưới sẽ phải đi qua đường mũi họng, gặp ngay “cửa ngõ” amidan, nên amidan còn được coi là hàng rào miễn dịch đầu tiên của cơ thể.

Thực tế có 4 loại amidan là amidan khẩu cái, amidan vòm (VA), amidan lưỡi và amidan vòi. Trong đó, amidan khẩu cái là loại phổ biến nhất, có kích thước lớn nhất, hình dạng oval và có thể quan sát bằng mắt thường.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

Ở trẻ nhỏ, trẻ dưới 7 tuổi, tình trạng viêm amidan vòm (viêm VA) sẽ phổ biến hơn. Theo thời gian, amidan vòm sẽ tiêu biến khi trẻ lớn lên. Chỉ một số ít trường hợp là có VA tồn dư ở tuổi trưởng thành. Do đó, khi nhắc tới viêm amidan, cắt amidan, sẽ mặc định là amidan khẩu cái.

Bác sĩ có thể chỉ định cắt amidan nếu:

  • Viêm amidan mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần trong năm.
    • Ít nhất 7 lần trong một năm
    • Ít nhất 5 lần mỗi năm, trong 2 năm liên tục
    • Ít nhất 3 lần mỗi năm, trong 3 năm liên tục
  • Viêm amidan quá phát: Amidan to độ 3, 4 làm hạn chế đường thở, gây ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
  • Viêm amidan gây hôi miệng nặng, gây biến chứng áp xe amidan hoặc nhiễm trùng không cải thiện khi điều bằng thuốc.
  • Các bệnh lý hiếm gặp như nghi ngờ hoặc ung thư ở một hoặc cả hai amidan; chảy máu amidan tái phát…
cắt amidan có sao không
Amidan viêm tái đi tái lại, sưng to gây tắc nghẽn đường thở, cần được phẫu thuật cắt amidan.

Bác sĩ Tường cho biết, cắt amidan có thể được chỉ định cho cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, không nên cắt khi trẻ còn quá nhỏ, vì có thể ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể.

Độ tuổi cắt amidan phù hợp nên từ 4 tuổi trở lên. Lúc này, hệ miễn dịch của trẻ đã phát triển tương đối ổn định và trẻ có đủ sức khỏe để tiến hành phẫu thuật. Nhiều trường hợp bác sĩ có thể chỉ định phối hợp nạo VA (amidan vòm) và cắt amidan cùng lúc để cải thiện đường thở, giảm tắc nghẽn, ngủ ngáy,… cho trẻ.

Nếu bệnh nhi, người bệnh đang có đợt viêm amidan, bác sĩ sẽ điều trị ổn định tình trạng viêm từ 7-14 ngày rồi mới tiến hành phẫu thuật.

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp không nên cắt amidan, ví dụ như người mắc bệnh rối loạn đông cầm máu, đang có đợt nhiễm trùng, các bệnh lý nội khoa chưa điều trị ổn định, hoặc phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang đến kỳ kinh nguyệt,…

Cắt amidan có sao không?

Cắt amidan có nguy hiểm không, có sao không? Người bệnh được gây mê trong quá trình cắt amidan nên không cảm thấy đau đớn. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng phổ biến như:

  • Đau họng từ trung bình đến nặng trong 1-2 tuần sau phẫu thuật;
  • Đau ở tai, cổ hoặc hàm;
  • Buồn nôn, nôn trong vài ngày;
  • Sốt nhẹ vài ngày;
  • Hơi thở hôi kéo dài 1-2 tuần;
  • Sưng lưỡi hoặc sưng vùng cổ họng;
  • Cảm giác mắc nghẹn, nuốt vướng trong cổ họng;
  • Lo lắng, mệt mỏi trong người do vết thương chưa hồi phục.

Người bệnh có thể thông báo các triệu chứng gặp phải với bác sĩ để được kiểm tra và chỉ định điều trị triệu chứng như dùng thuốc giảm đau. (1)

Bị viêm amidan không cắt có sao không?

Việc cắt amidan cần thiết với những đối tượng như viêm amidan mạn tính, tái đi tái lại, không đáp ứng với kháng sinh, viêm amidan quá phát, viêm amidan gây ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ, viêm amidan gây biến chứng áp-xe,… Lúc này, amidan đã mất tác dụng đề kháng, trở thành một ổ chứa vi khuẩn, tiềm tàng nhiều nguy cơ gây bệnh, có hại hơn lợi.

Người bệnh sẽ gặp một số triệu chứng của viêm amidan mạn tính như:

  • Sưng hạch bạch huyết, đặc biệt là các hạch ở vùng cổ, họng, hàm,..
  • Các hạt lympho thành sau họng nổi lên
  • Hôi miệng
  • Nuốt vướng khi ăn hoặc uống nước
  • Giọng nói thay đổi, khàn giọng do cổ họng đau rát nhiều ngày
  • Thở khò khè, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
  • Viêm tai giữa, viêm mũi, chảy mũi kèm theo
  • Áp-xe amidan
  • Trẻ em có thể còi cọc, yếu ớt hơn bạn bè cùng trang lứa.

Tuy nhiên, không phải lúc nào bị viêm amidan cũng cần cắt. Bệnh nhân cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để đánh giá tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh, từ đó cân nhắc có cắt amidan không dựa trên những lợi ích bệnh nhân nhận được.

Cắt amidan có nguy hiểm không?

Có nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên cắt amidan, cắt amidan có nguy hiểm không, ảnh hưởng gì không,… Nguyên do chủ yếu là:

  • Lo ngại về khả năng miễn dịch: Amidan sản xuất tế bào lympho giúp chống lại nhiễm trùng, đóng vai trò như một hàng rào miễn dịch. Một số nghiên cứu đã chứng minh có sự thay đổi nhỏ về nồng độ globulin miễn dịch trong huyết thanh sau phẫu thuật cắt amidan. Tuy nhiên, không có bằng chứng về tác động lâm sàng đáng kể của phẫu thuật cắt amidan đối với hệ thống miễn dịch. Trong trường hợp viêm amidan mạn tính, cắt amidan đem lại lợi ích thực sự hơn.
  • Sự phát triển của kháng sinh: Vi khuẩn Streptococci là một trong những loại vi khuẩn gây viêm amidan phổ biến nhất, trong đó có viêm họng liên cầu khuẩn, khiến mọi người có thể bị viêm amidan nhiều lần, thậm chí nhiều lần trong năm. Trước khi có sự ra đời của kháng sinh hiện đại, cắt amidan là phương pháp điều trị tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh hay những biến chứng do viêm amidan gây ra. Nhưng hiện nay, việc điều trị đã trở nên dễ dàng hơn với những loại kháng sinh mới, do đó, không phải lúc nào cũng cần phẫu thuật.

1. Cắt amidan có ảnh hưởng gì sau này không?

Cắt amidan là một trong những phẫu thuật phổ biến cho người lớn và cả trẻ em, với hơn 530.000 ca được thực hiện cho các đối tượng là trẻ em dưới 15 tuổi mỗi năm, chỉ tính riêng ở Mỹ. (2)

cắt amidan có ảnh hưởng không
Bác sĩ thăm khám, nội soi họng kiểm tra trước khi quyết định phẫu thuật cắt amidan.

Trong một nghiên cứu của Đại học Melbourne nhằm đánh giá những tác động lâu dài của việc cắt amidan lúc nhỏ. Nghiên cứu dựa trên dữ liệu sức khỏe của gần 1,2 triệu trẻ em tại Đan Mạch, có 17.460 trẻ được nạo VA (amidan vòm), 11.830 trẻ được cắt amidan và 31.377 trẻ được cắt đồng thời amidan và VA; tất cả đều là trẻ được cắt amidan trong vòng 9 năm đầu đời.

Kết quả cho thấy, cắt amidan có liên quan đến việc tăng khả năng mắc các bệnh dị ứng, hô hấp, truyền nhiễm cao hơn về sau. Cụ thể, cắt amidan có thể làm tăng 18,61% nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp (bao gồm hen suyễn, cúm, viêm phổi, viêm phế quản,…).

Nghiên cứu vẫn khẳng định những lợi ích của việc cắt amidan đem lại nhưng ủng hộ việc chỉ cắt amidan khi thực sự cần thiết, nhằm hỗ trợ sự phát triển của hệ thống miễn dịch của trẻ, đem lại nhiều lợi ích nhất dựa trên những tác hại tối thiểu.

2. Phẫu thuật cắt amidan có ảnh hưởng giọng nói không?

Bên cạnh câu hỏi cắt amidan có nguy hiểm không, người bệnh vẫn thường thắc mắc các vấn đề liên quan đến giọng nói, lo lắng có nguy cơ bị khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói.

Bác sĩ Tường cho biết, về mặt giải phẫu, amidan và dây thanh âm (cơ quan đảm nhận chức năng phát âm) nằm ở những vị trí khác nhau. Amidan nằm ở vùng họng miệng và dây thanh âm nằm ở thanh quản. Những ý kiến cho rằng cắt amidan khiến người bệnh thay đổi giọng nói vĩnh viễn, khàn giọng,… là không đúng.

Sau cắt người bệnh có thể bị khàn giọng, đau cổ, nhưng đây là các triệu chứng bình thường và sẽ biến mất khi vết thương lành hẳn.

Biến chứng khi phẫu thuật cắt amidan

Cũng như các loại phẫu thuật khác, cắt amidan tuy là một phẫu thuật đơn giản nhưng vẫn có khả năng xảy ra một số biến chứng, như:

  • Phản ứng với thuốc mê: Cắt amidan được tiến hành dưới gây mê toàn thân, do đó, người bệnh cần được đánh giá và thực hiện các xét nghiệm cần thiết trước khi tiến hành phẫu thuật. Nếu bản thân có tiền sử dị ứng với thuốc mê, người bệnh nên chủ động thông báo với bác sĩ để có một kế hoạch điều trị phù hợp. Tại Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, lượng thuốc mê được tính toán chi tiết để bệnh nhân có thể hồi tỉnh sau phẫu thuật 10 phút, hạn chế lượng thuốc mê sử dụng.
  • Ảnh hưởng hô hấp: Đây là biến chứng hiếm gặp, bao gồm các triệu chứng như suy hô hấp, tăng phản xạ co thắt hầu, thanh quản, khí quản, khởi phát cơn hen phế quản,…
  • Chảy máu: Đây có thể là một biến chứng phổ biến nếu người bệnh không lựa chọn các cơ sở uy tín để tiến hành phẫu thuật. Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sử dụng công nghệ Coblator để cắt amidan, dao cắt có khả năng cắt, đốt, cầm máu tại chỗ, hạn chế tối đa nguy cơ chảy máu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần cẩn trọng trong quan hệ tình dục, tránh các hoạt động nặng trong 2 tuần sau phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là vấn đề mà nhiều bệnh nhân mong muốn được giải đáp khi hỏi về việc cắt amidan có nguy hiểm không. Trên thực tế, nếu phát hiện nhiễm trùng và điều trị kịp thời, biến chứng sẽ không đáng lo ngại.

Người bệnh theo dõi vết thương tại nhà trong những tuần đầu cần lưu ý:

  • Nước bọt trong hoặc có vài tia máu đỏ sẫm (máu cũ): Không chảy máu.
  • Nước bọt có máu đỏ tươi nhiều: Còn chảy máu. Người bệnh cần báo ngay cho nhân viên y tế nếu đang nằm viện, hoặc nhanh chóng đến bệnh viện để được xử lý kịp thời.

Cắt amidan sau bao lâu thì khỏi hẳn?

Người bệnh cắt amidan có thể xuất viện trong vòng 24h. Người bệnh có thể đi làm, đi học lại sau vài ngày nếu cảm thấy sẵn sàng, tuy nhiên, để vết thương khỏi hẳn, thời gian trung bình là 2 tuần.

Cắt amidan nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Bác sĩ Tường khuyến cáo, việc tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên y tế về chế độ ăn uống, vệ sinh, theo dõi vết thương sẽ giúp vết thương mau hồi phục và nhẹ nhàng hơn.

  • Một tuần sau phẫu thuật (2-7 ngày): Ăn súp, cháo nguội với thịt bằm, uống sữa nguội hoặc nước suốt mát…
  • Ngày 8-14 sau phẫu thuật: Ăn cơm mềm với thức ăn được cắt nhỏ, nấu chín mềm, ăn miến, bún, phở nguội,…; uống sữa nguội, nước suốt mát.
  • Từ ngày 15 trở đi, người bệnh có thể ăn uống bình thường.

Chế độ ăn uống có nguyên tắc chung là nên dùng các loại thực phẩm mềm, lỏng, nguội. Đặc biệt uống nhiều nước, sẽ giúp tránh mất nước sau phẫu thuật và vết thương hồi phục nhanh hơn.

cắt amidan nên ăn gì
Cháo thịt bằm nhỏ, nguội là một trong những thực phẩm được bác sĩ khuyến cáo sau phẫu thuật cắt amidan.

Kiêng đồ chua, cay, nóng và đồ uống có ga. Người lớn cần tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…

Lưu ý cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Sau khi ăn xong, ngậm nước muối sinh lý đùn nhẹ ra miệng, không súc họng. Đánh răng, vệ sinh mũi họng, vệ sinh thân thể sạch sẽ.

Để đặt lịch khám, điều trị viêm amidan và phẫu thuật cắt amidan tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Bài viết đã giải đáp những thắc mắc có liên quan đến vấn đề cắt amidan có nguy hiểm không, cũng như cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết xoay quanh chủ đề viêm amidan. Người bệnh không nên quá lo lắng, trì hoãn khi được chỉ định cắt amidan. Quan trọng là lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa tai mũi họng để thăm khám và tư vấn kỹ càng trước khi phẫu thuật để đạt hiệu quả, hạn chế nguy cơ biến chứng hậu phẫu.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *