Khả năng nghe và nói là cơ sở để giao tiếp, diễn đạt cảm xúc, kết nối xã hội, học tập, rèn luyện nâng cao nhận thức… Khiếm khuyết các khả năng này khiến người bệnh khó hòa nhập với thế giới, tự ti, thu mình lại. Triệu chứng câm điếc thế nào, làm sao chẩn đoán và điều trị sớm bệnh? Dưới đây là các thông tin được thạc sĩ bác sĩ CKI Trương Trí Tường, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chia sẻ. Cùng Hoatk.com đi tìm hiểu chi tiết.
Câm điếc là gì?
Câm điếc là từ dùng để chỉ những người suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng nghe và không thể nói. Đây có thể là bệnh bẩm sinh hoặc mắc phải trong quá trình trưởng thành, do nhiều yếu tố khác nhau gây ra.
- Câm điếc do di truyền: bất thường gen trên nhiễm sắc thể thường, di truyền do gen trội hay gen lặn đều có thể dẫn đến điếc.
- Câm điếc do mắc phải: người mẹ khi mang thai đã dùng thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid (Streptomycin, Dihydrostreptomycin, Neomycin, Kanamycin…) gây độc với ốc tai (ống màng cuộn xoắn nằm ở tai trong có liên quan với việc tiếp nhận âm thanh) hoặc do tai biến khi sinh…
Dấu hiệu nhận biết bệnh câm điếc
Những dấu hiệu của bệnh câm điếc ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành thường dễ nhận biết, nhưng với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ sẽ khó khăn và dễ nhầm lẫn với tình trạng chậm phát triển. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết bệnh câm điếc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Không có phản ứng giật mình: nếu trẻ không bị giật mình khi nghe âm thanh lớn đột ngột, có thể là dấu hiệu của điếc.
- Không bi bô tập nói: trẻ từ 6 tháng tuổi bắt đầu bi bô tập nói theo người lớn. Nếu bé chậm hoặc không bắt chước các âm thanh xung quanh, ba mẹ nên đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa Tai Mũi Họng.
- Chậm nói: bé chậm nói hoặc không nói trong nhiều năm có thể là do vấn đề thính giác.
- Thường xuyên bực bội: do trẻ khó thể hiện mong muốn của bản thân, từ đó không được người lớn đáp ứng và dẫn đến quấy khóc, khó chịu.
- Không quan tâm đến đồ chơi phát ra âm thanh: hầu hết trẻ em đều rất hứng thú với đồ chơi có màu sắc rực rỡ hoặc phát ra âm thanh. Nếu trẻ không có sự quan tâm với các món đồ này, có thể bé đã mắc bệnh điếc.
Khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trên đây ở trẻ, ba mẹ nên nhanh chóng đưa con đến khám tại chuyên khoa Tai Mũi Họng. Phát hiện sớm tình trạng điếc ở trẻ có thể phòng ngừa bệnh câm, đồng thời giảm những ảnh hưởng xấu của bệnh đối với cuộc sống của trẻ. (1)

Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh câm điếc
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh câm điếc, từ các rối loạn bẩm sinh cho đến tai biến nguy hiểm trong quá trình sinh nở…, gồm:
- Các rối loạn di truyền từ ba hoặc mẹ: nếu ba hoặc mẹ mang gen trội hoặc gen lặn câm điếc, con sinh ra có thể bị câm điếc do các đột biến liên quan tới 4 gen bao gồm: 12S rRNA, GJB2, GJB3, SLC26A4, 12S rRNA.
- Trẻ bị tổn thương khi sinh ở một số các bộ phận liên quan tới phát âm và nghe như: tai, họng, lưỡi, dây thanh quản…; tổn thương thần kinh ở vùng liên quan đến ngôn ngữ (vùng Broca).
- Trẻ sinh non, trẻ bị ngạt khi sinh, trẻ sơ sinh nhẹ cân.
- Trẻ sơ sinh bị vàng da.
- Trẻ mắc bệnh viêm tai giữa, viêm màng não,…
- Yếu tố tâm lý.
- Người mẹ bị biến chứng sản khoa như tiền sản giật.
- Người mẹ khi mang thai sử dụng một số loại thuốc như: Dihydrostreptomycin, Neomycin, Kanamycin, Streptomycin… gây ngộ độc thai nhi.
- Người mẹ hút thuốc lá trong giai đoạn mang thai.
Điếc bẩm sinh hoặc tình trạng giảm sức nghe nặng từ sớm thường dẫn đến câm, còn gọi là tình trạng điếc câm (deaf-mutism), do trẻ không thể tiếp nhận và bắt chước được âm thanh, do đó không thể học nói. (2)
Biện pháp chẩn đoán bệnh câm điếc
Ba mẹ có thể dựa vào quá trình phát triển của con để kiểm tra các dấu hiệu bất thường về khả năng nghe và nói của trẻ:
- Trẻ 5 tháng tuổi có thể nhận biết giọng nói của người thân, quay đầu hướng về phía phát ra tiếng động.
- Trẻ 6 tháng tuổi có thể bập bẹ tập nói.
- Trẻ 7 – 9 tháng biết vỗ tay, khi cầm nắm đồ vật có thể đập vào nhau để tạo ra tiếng động. Trẻ rất thích các đồ chơi phát ra tiếng động như chuông, trống… và có thể phát âm 2 tiếng đơn giản (ba ba, bà bà…).
- Trẻ 10 – 12 tháng có thể hiểu được lời nói đơn giản, nói được câu ngắn, bắt chước lời người lớn nói (không rõ ràng).
- Trẻ 18 tháng tuổi nói được câu ngắn, có thể diễn đạt mong muốn (ví dụ muốn đi vệ sinh).
- Trẻ 24 tháng nói được một số câu dài và nói nhiều, có thể hát được bài hát ngắn.
Ba mẹ có thể kiểm tra bằng cách gọi tên trẻ hoặc gây tiếng động bất ngờ, xem trẻ có phản xạ quay đầu hướng về phía phát ra âm thanh hay không. Nếu nghi ngờ trẻ bị điếc, cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám thính giác. Trẻ câm điếc nếu được phát hiện và can thiệp sớm có thể khắc phục ở mức độ nhất định.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán điếc bẩm sinh dựa vào kết quả khám lâm sàng, nội soi tai mũi họng, thăm dò chức năng nghe như: đo nhĩ lượng, phản xạ cơ bàn đạp, đo âm ốc tai OAE, đo điện thính giác thân não ABR, đo đáp ứng trạng thái bền vững thính giác ASSR và chẩn đoán hình ảnh tùy theo độ tuổi. Với trẻ sơ sinh, đo âm ốc tai OAE là phương pháp kiểm tra đơn giản, nhanh, an toàn và có độ chính xác cao. Để chẩn đoán câm, bác sĩ chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng của trẻ.

Bệnh câm điếc có chữa được không?
Với người điếc bẩm sinh hoặc điếc do viêm tai giữa, viêm màng não…, rất khó để khôi phục thính lực như bình thường. Vì thế, khi trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng này, ba mẹ cần theo dõi trẻ liên tục để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường về thính giác.
Khi trẻ càng lớn thì hiệu quả điều trị càng giảm, do trong não có vùng thần kinh điều khiển chức năng nghe – nói. Trong 2 – 3 năm đầu đời, nếu vùng này không được kích thích sẽ ngừng phát triển, dẫn đến suy giảm cả hai chức năng này. Vượt quá thời gian trên, dù trẻ được can thiệp kích thích âm thanh thì chỉ cải thiện tình trạng điếc, còn khả năng nói vẫn rất hạn chế.
Phương pháp điều trị bệnh câm điếc
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh câm điếc, dựa theo tình trạng cụ thể của người bệnh, nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh…, cụ thể:
- Máy trợ thính: có tác dụng khuếch đại âm thanh, được chỉ định cho trẻ em hoặc người trưởng thành có vấn đề thính giác nhưng chưa mất hoàn toàn khả năng nghe.
- Cấy ghép ốc tai điện tử: giúp thay thế phần ốc tai bị tổn thương. Ốc tai điện tử sẽ tương tác trực tiếp với dây thần kinh thính giác, thường được chỉ định cho trẻ mất thính lực nặng.
- Liệu pháp ngôn ngữ: là phương pháp giáo dục ngôn ngữ giúp người khiếm thính phát triển khả năng nói, hạn chế tình trạng điếc dẫn tới câm.
- Các phương án giao tiếp thay thế: ví dụ như ngôn ngữ ký hiệu, là phương án thay thế giúp trẻ em điếc bẩm sinh có thể truyền đạt suy nghĩ, diễn tả cảm xúc hiệu quả.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh câm điếc
Để phòng ngừa bệnh câm điếc, cần lưu ý những điều sau:
- Sàng lọc phôi nếu gia đình có người câm điếc bẩm sinh.
- Người mẹ cần khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin khuyến cáo cho mẹ và bé.
- Người mẹ cần có lối sống lành mạnh và tránh các chất có hại khi mang thai. Khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào cần có chỉ định của bác sĩ.
- Thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em, luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
- Kiểm tra, vệ sinh tai thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị triệt để các nhiễm khuẩn tai.
- Sàng lọc thính lực cho trẻ càng sớm càng tốt.
Khám và điều trị bệnh câm điếc tại BVĐK Tâm Anh
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là cơ sở y tế được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn khi có nhu cầu khám, tầm soát, điều trị các bệnh về tai, mũi và họng.
Trung tâm được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, đồng bộ, nhập khẩu chính hãng từ các nước châu Âu và Mỹ, có thể thực hiện nhiều phương thức khám thính lực với độ chính xác cao như: đo thính lực đồ, nhĩ lượng đồ, phản xạ cơ bàn đạp… giúp xác định mức độ, nguyên nhân gây suy giảm thính lực, các bệnh về tai, mũi, họng ở trẻ em và người lớn, từ đó áp dụng phác đồ điều trị cá nhân hóa, hiệu quả cao để người bệnh nhanh chóng phục hồi.

Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu chuyên môn, phát hiện và điều trị chứng câm điếc cho trẻ em và người lớn. Đặc biệt với trẻ em, cần có sự can thiệp sớm từ bác sĩ để giúp trẻ sớm hòa nhập được với cuộc sống.
Câm điếc là bệnh để lại nhiều ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Do đó, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, nghi ngờ khả năng nghe và nói của trẻ, ba mẹ cần lập tức đưa trẻ đến khám tại Trung tâm Tai Mũi Họng để được tầm soát và can thiệp từ sớm.