Câm bẩm sinh và điếc bẩm sinh là 2 khái niệm gắn liền với nhau trong suy nghĩ của nhiều người. Vậy câm bẩm sinh có bị điếc không? Điều trị như thế nào? Bài viết sau của ThS.BS.CKI Trương Trí Tường, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp chi tiết thắc mắc này. Cùng Hoatk.com đi tìm hiểu chi tiết.
Câm bẩm sinh có bị điếc không?
Câm bẩm sinh không gây điếc. Câm bẩm sinh và điếc bẩm sinh là hai tình trạng khác nhau, nhưng chúng thường có mối liên hệ chặt chẽ, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Thực tế, câm bẩm sinh thường là hậu quả của điếc bẩm sinh. Trẻ bị điếc bẩm sinh, đặc biệt là những trẻ bị điếc trước khi biết nói (thường trước 2 tuổi), thường gặp khó khăn trong việc học nói vì không thể tiếp nhận các tín hiệu âm thanh. Điều này khiến chúng không thể bắt chước và rèn luyện phát âm, dẫn đến tình trạng câm.
Nói cách khác, điếc là 1 trong những nguyên nhân gây câm bẩm sinh, còn được gọi là điếc câm bẩm sinh. Nếu nguyên nhân gây câm bẩm sinh là di truyền hay đột biến gen, người bệnh vẫn nghe hoàn toàn bình thường.

Vì sao câm bẩm sinh không gây điếc?
Để trả lời câu hỏi câm bẩm sinh có bị điếc không, trước tiên cần làm rõ mối liên hệ giữa hệ thống thính giác và hệ thống sản xuất giọng nói, cụ thể:
Tai là bộ chuyển đổi, biến đổi áp suất âm thanh trong không khí thành tín hiệu điện thần kinh được não dịch thành lời nói, âm nhạc, tiếng ồn… Tai ngoài, tai giữa, tai trong, thân não và não đều có vai trò trong quá trình chuyển đổi này.
Quá trình tạo lời nói diễn ra thông qua dây thanh quản ở cổ, vị trí ngay dưới đường hầu họng, tách thành thực quản và khí quản. Yếu tố chính tạo lời nói là sự rung động của dây thanh quản. Các thành phần chính trong quá trình tạo lời nói bao gồm: phổi, khí quản, thanh quản, khoang hầu, khoang miệng và khoang mũi.
Tóm lại, hệ thống thính giác và hệ thống tạo ra giọng nói là hai hệ thống riêng biệt, nên việc điếc không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tạo ra âm thanh và ngược lại.
Các nguyên nhân gây tổn thương hệ thống thính giác, dẫn đến mất thính lực hay điếc, bao gồm:
- Trẻ em: tiền sử gia đình, dị tật sọ mặt, nhiễm trùng trước sinh của mẹ, ví dụ: cytomegalovirus, giang mai, rubella, herpes…
- Người lớn: nhiễm trùng; rối loạn miễn dịch; chấn thương; rối loạn vô căn và di truyền; tác nhân gây độc cho tai…

Nguyên nhân gây ra tình trạng câm điếc bẩm sinh đồng thời
Các nguyên nhân gây câm điếc bẩm sinh như:
1. Nguyên nhân di truyền
Các đột biến trong một số gen có thể gây ra câm điếc bẩm sinh. Ví dụ, đột biến ở gene GJB2 là 1 trong những nguyên nhân gây câm điếc bẩm sinh (1). Một số hội chứng di truyền có thể ảnh hưởng đến cả khả năng nghe và khả năng nói như:
- Hội chứng Usher: rối loạn di truyền hiếm gặp do đột biến gen, dẫn đến mất thính lực và suy giảm thị lực .
- Hội chứng Pendred: rối loạn di truyền dẫn đến mất thính lực thần kinh cảm giác bẩm sinh ở cả 2 bên, bướu cổ kèm tình trạng bình giáp – tình trạng suy giáp không do bệnh tuyến giáp hoặc suy giáp nhẹ.
- Hội chứng Waardenburg: nhóm các tình trạng di truyền hiếm gặp đặc trưng bởi tình trạng mất thính lực bẩm sinh và thiếu hụt sắc tố, có thể bao gồm mắt xanh sáng (hoặc 1 mắt xanh và 1 mắt nâu), 1 nhúm tóc trắng hoặc các mảng da sáng.
2. Nguyên nhân môi trường
- Nhiễm trùng trong thai kỳ: người mẹ bị nhiễm các loại virus như: rubella, cytomegalovirus hoặc herpes trong thai kỳ có thể gây ra tổn thương cho thai nhi, gây câm điếc bẩm sinh.
- Tiếp xúc với hóa chất hoặc thuốc: tiếp xúc với các hóa chất độc hại hoặc một số loại thuốc (như thalidomide) trong quá trình mang thai có thể gây tổn thương cho hệ thống thính giác và ảnh hưởng đến khả năng nghe, nói của trẻ.
3. Các vấn đề về sức khỏe của mẹ
- Thiếu oxy trong quá trình sinh: nếu trẻ bị thiếu oxy do sinh khó hoặc dây rốn quấn cổ, não có thể bị tổn thương, dẫn đến câm điếc bẩm sinh.
- Sinh non: trẻ sinh non có nguy cơ cao bị các vấn đề về thính giác và thần kinh do hệ thống thính giác chưa phát triển hoàn chỉnh.
4. Xuất hiện rối loạn trong thai kỳ
- Rối loạn phát triển hệ thần kinh: các vấn đề về phát triển não bộ trong thai kỳ, dị tật bẩm sinh của tai trong hoặc các cấu trúc thần kinh liên quan, có thể dẫn đến câm điếc bẩm sinh. Trong đó có tình trạng không có ốc tai (ốc tai giống con ốc xoắn 2 vòng rưỡi, nằm phía trước tiền đình) hoặc các bộ phận liên quan, dẫn đến mất khả năng nghe.
Để xác định nguyên nhân cụ thể của câm điếc bẩm sinh, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm di truyền, thính lực…
Hỗ trợ nghe nói cho người câm điếc bẩm sinh
Nhiều người lo lắng câm bẩm sinh có bị điếc không và có cách phục hồi không. Trẻ bị giảm thính lực do các nguyên nhân như: viêm tai giữa, khiếm thính bẩm sinh hoặc di chứng sau khi bị viêm màng não khó có thể hồi phục thính lực, có thể bị câm điếc suốt đời. Trường hợp này nếu phát hiện sớm, bác sĩ sẽ chỉ định trẻ sử dụng máy nghe, máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử để trẻ có thể nghe và học nói sớm, cụ thể:
1. Máy trợ thính
Máy trợ thính là thiết bị điện tử nhỏ đặt trong hoặc sau tai, giúp khuếch đại âm thanh để người bệnh mất thính lực có thể cải thiện khả năng nghe và hiểu lời nói.
Hiện có nhiều loại máy trợ thính khác nhau, bao gồm máy trợ thính theo toa và không kê đơn (OTC). Bác sĩ có thể giúp tìm loại máy trợ thính phù hợp với lối sống và nhu cầu của người bệnh. Máy trợ thính chứa nhiều bộ phận khác nhau, hoạt động cùng nhau để khuếch đại âm thanh. Các bộ phận cơ bản của máy trợ thính bao gồm:
- 1 chiếc micro.
- 1 bộ khuếch đại.
- 1 loa nhỏ.
Âm thanh đi vào qua micro, micro chuyển đổi sóng âm thành tín hiệu điện trước khi gửi đến bộ khuếch đại. Cuối cùng, bộ khuếch đại gửi âm thanh đến tai thông qua 1 loa nhỏ. Sử dụng máy trợ thính sớm và trị liệu thích hợp giúp trẻ khiếm thính học được cách nghe nói và đi học như trẻ bình thường. (2)

2. Cấy ốc tai điện tử
Nếu máy trợ thính không hiệu quả, trẻ nên được cấy ốc tai điện tử càng sớm càng tốt ngay từ khi bé 1 tuổi. Cấy ghép ốc tai là thiết bị điện tử giúp cải thiện tình trạng mất thính lực. Phương pháp này không phục hồi thính lực nhưng có thể cải thiện khả năng hiểu lời nói và nghe các âm thanh khác. (3)
Các nhiều loại cấy ghép ốc tai khác nhau, tùy thuộc vào vị trí của bộ xử lý âm thanh bên ngoài, cụ thể:
- Phía sau tai.
- Trên da đầu.
Can thiệp càng muộn, khả năng nói được càng khó do vùng thần kinh điều khiển nghe nói bị thoái triển. Phương pháp cấy ốc tai điện tử sau 7 tuổi sẽ kém hiệu quả dần.
Với điện cực ốc tai và máy trợ thính kỹ thuật số, tất cả các trẻ khiếm thính đều có thể tự chủ về khả năng nghe. Tuy nhiên trẻ cần phải học cách lắng nghe bằng cách gắn âm thanh với ý nghĩa riêng.
Nếu như trẻ chưa bao giờ nghe thấy âm thanh, khi bắt đầu sử dụng thiết bị trợ thính hoặc điện cực ốc tai sẽ cần 1 khoảng thời gian cho não bộ cảm nhận, hình thành các khái niệm về môi trường xung quanh và âm thanh phát ra. Giống như khi mới sinh ra, trẻ cần có thời gian và trải nghiệm để học cách nghe, học ngôn ngữ và học nói.
3. Ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp
Áp dụng phương pháp đọc môi và ngôn ngữ ký hiệu cũng được chỉ định. Phần lớn những người khiếm thính có thể học các cách giao tiếp khác, trong đó có phương pháp sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và đọc môi. Các phương pháp này sẽ thay thế hoặc bổ sung cho việc giao tiếp bằng miệng.

Nếu bạn đang tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề câm bẩm sinh có bị điếc không và giải pháp điều trị, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 hiện cung cấp các phương pháp điều trị tiên tiến, giúp phục hồi hiệu quả khả năng nghe và nói cho người bệnh. Cả 2 địa chỉ trên nổi bật với:
- Đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm
- Trang thiết bị hiện đại
- Quy trình khám chữa bệnh chuyên nghiệp
Bài viết đã trả lời cụ thể vấn đề câm bẩm sinh có bị điếc không. Không phải tất cả người bệnh câm bẩm sinh đều bị điếc. Mỗi trường hợp cần được đánh giá cẩn thận để xác định tình trạng nghe, từ đó có phương pháp hỗ trợ và can thiệp phù hợp.