Y học và công nghệ hiện đại đã mang đến nhiều phương pháp điều trị điếc tai (mất thính lực), mang đến hy vọng và cơ hội phục hồi cho người bệnh. Bài viết này, thạc sĩ, bác sĩ CKI Trương Tấn Phát, Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về 11 cách chữa điếc tai được áp dụng trong y học hiện đại.

cách chữa điếc tai

Điếc có chữa được không?

Điếc tai chữa được, nhưng không phải 100% đều chữa được. Việc điếc tai có chữa được không còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng của các tổn thương gây mất thính lực. Có nhiều nguyên nhân gây mất thính lực không thể điều trị. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ kết luận liệu điếc tai ở người bệnh này có chữa được hay không.

Đơn cử như tình trạng mất thính lực liên quan đến tuổi tác hoặc do tiếp xúc với tiếng ồn quá mức, được xếp vào loại mất thính lực thần kinh giác quan. Đây là loại mất thính lực phổ biến nhất, do sự phá hủy các tế bào lông nhỏ ở tai trong giúp thu nhận rung động của âm thanh, hoặc sự suy giảm của các dây thần kinh truyền âm thanh từ tai trong đến não.

Trường hợp mất thính lực thần kinh giác quan hiện tại chưa có phương án điều trị phục hồi thính lực. Hay nói cách khác, trường hợp điếc tai này không chữa được. Nếu điếc nhẹ, người bệnh có thể sử dụng máy trợ thính giúp não nghe được những âm thanh có thể đã mất do tổn thương tai trong.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

Hầu hết các trường hợp mất thính giác dẫn truyền là do tắc nghẽn hoặc chấn thương ở tai ngoài hoặc tai giữa (gồm tắc nghẽn do khối u, ráy tai, tụ dịch, viêm tai ngoài, tai giữa, nấm tai hoặc rách màng nhĩ,…) đều là tạm thời và có thể chữa khỏi. Tùy trường hợp cụ thể và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có cách chữa điếc tai phù hợp.

Trong những trường hợp mất thính lực dẫn truyền không thể chữa khỏi hoặc người bệnh bị mất thính giác thần kinh và có vấn đề về dẫn truyền, chỉ có thể sử dụng máy trợ thính hoặc cấy ghép ốc tai điện tử để cải thiện tình trạng suy giảm thính lực chứ không thể điều trị dứt điểm.

Điếc có chữa được không?
Không phải 100% các trường hợp nào điếc tai đều chữa được

Tìm hiểu thêm:

3 cách chữa điếc tai không phẫu thuật

1. Loại bỏ ráy tai

Loại bỏ ráy tai giúp giải phóng ống tai, cho phép sóng âm thanh di chuyển tự do qua ống tai đến màng nhĩ, làm tăng hoặc cải thiện chất lượng cũng như độ rõ của thính giác. Trong hầu hết các trường hợp, loại bỏ ráy tai là phương pháp hỗ trợ cải thiện thính lực, không đóng vai trò là phương pháp điều trị chính. Rất hiếm khi xuất hiện tình trạng ráy tai bịt chặt tai khiến người bệnh bị mất thính lực.

2. Thuốc điều trị nhiễm trùng tai

Nhiễm trùng tai thường do vi khuẩn gây ra, khiến người bệnh bị điếc tai tạm thời. Trong trường hợp đó, bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm acetaminophen hoặc ibuprofen, kháng viêm để khắc phục triệu chứng mà nhiễm trùng tai gây ra. Song song với đó là sử dụng kháng sinh đường uống, nhỏ tai hoặc tiêm tĩnh mạch để loại bỏ vi khuẩn. Đối với nấm tai có thể sử dụng các loại nhỏ tai kháng nấm. Sau khi điều trị thành công nhiễm trùng tai, thính lực của người bệnh sẽ hồi phục. (1)

3. Dùng máy trợ thính có thể tháo rời

Dùng máy trợ thính có thể tháo rời là cách chữa điếc tai dùng trong các trường mất thính lực dẫn truyền không thể chữa khỏi. Cách này đóng vai trò như phương pháp hỗ trợ điều trị, giúp cải thiện tình trạng suy giảm thính lực, không thể điều trị khôi phục thính lực.

Trong một vài trường hợp, suy giảm hoặc mất thính lực do tuổi tác, bác sĩ có thể khuyên dùng máy trợ thính có thể tháo rời, giúp người bệnh có thể cải thiện triệu chứng điếc tai.

Máy trợ thính giúp chuyển đổi âm thanh thành tín hiệu điện, sau đó làm cho chúng to hơn bằng cách tăng cường độ. Máy trợ thính hoạt động giống như 1 chiếc micro cắm vào bộ khuếch đại. Người bệnh có thể lập trình thiết bị này cho các môi trường khác nhau, tùy thuộc vào mục đích sử dụng.

3 cách chữa điếc tai không phẫu thuật
Dùng máy trợ thính có thể tháo rời là cách chữa điếc tai dùng trong các trường mất thính lực dẫn truyền không thể chữa khỏi

6 cách trị điếc tai bằng phương pháp phẫu thuật

1. Phẫu thuật tạo hình màng nhĩ

Phẫu thuật tạo hình màng nhĩ (Tympanoplasty) là loại vi phẫu, sử dụng kính hiển vi hoặc nội soi để phục hồi các lỗ thủng hoặc tổn thương không thể tự lành trên màng nhĩ. Màng nhĩ giúp người nghe được bằng cách rung lên khi phản ứng với âm thanh. Một lỗ nhỏ có thể không ảnh hưởng nhiều đến thính giác, nhưng 1 lỗ lớn hơn hoặc 1 lỗ ở 1 khu vực cụ thể của màng nhĩ có thể gây ra các vấn đề về thính giác.

Tạo hình màng nhĩ đôi khi được thực hiện cùng với các thủ thuật khác để khắc phục các vấn đề liên quan ở tai giữa. Có thể cần thực hiện phẫu thuật tạo hình màng nhĩ để sửa chữa màng nhĩ bị thủng không thể tự lành cho các trường hợp bị thủng màng nhĩ khi xuất hiện các triệu chứng bao gồm mất thính giác dai dẳng hoặc chảy dịch từ tai.

2. Phẫu thuật thay thế xương bàn đạp

Phẫu thuật thay thế xương bàn đạp – Stapedectomy (Stapes Bone Replacement)cách trị điếc tai do xốp xơ tai. Tình trạng xốp xơ tai ảnh hưởng đến thính giác bằng cách cố định xương bàn đạp – xương nhỏ hình chữ U ở tai giữa, gây hạn chế vận động của xương và ảnh hưởng đến dẫn truyền âm thanh. Xương bàn đạp giúp người nghe được bằng cách gửi sóng âm thanh từ tai giữa đến tai trong.

Trong phẫu thuật thay thế xương bàn đạp, bác sĩ sẽ thay thế xương bàn đạp bị hư bằng 1 thiết bị nhân tạo. Người bệnh có thể bị đau nhẹ hoặc khó chịu sau khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm các loại thuốc giảm đau để giảm bớt các triệu chứng sau phẫu thuật.

cách chữa tai điếc, Phẫu thuật thay thế xương bàn đạp
Cấu trúc giải phẫu phức tạp của xương bàn đạp tạo ra thách thức trong điều trị điếc tai có nguyên nhân do tổn thương xương bàn đạp

3. Phẫu thuật máy trợ thính gắn vào xương

Phẫu thuật máy trợ thính gắn vào xương (Bone-anchored hearing aids)cách trị điếc tai bằng việc cấy ghép trực tiếp 1 thiết bị gần giống với máy trợ thính vào xương trong tai. Thiết bị này đóng vai trò thay thế các tế bào thần kinh thính giác bị hư hỏng, bị phá hủy do các bệnh về tai gây ra,. giúp tạo ra các xung thần kinh truyền lên não, khắc phục tình trạng điếc tai. Người bệnh điếc sâu, điếc lâu năm có thể sử dụng phương pháp điều trị này để cải thiện hoặc hồi phục 1 phần thính lực.

4. Cấy ghép ốc tai điện tử

Cấy ghép ốc tai điện tử (Cochlear implants) là 1 thiết bị điện tử giúp cải thiện thính giác. Đây là cách chữa điếc tai cho những người bị mất thính lực nghiêm trọng do tổn thương tai trong và các trường hợp không thể nghe rõ bằng máy trợ thính.

Ốc tai điện tử sẽ gửi âm thanh qua phần tai bị tổn thương thẳng đến dây thần kinh thính giác (dây thần kinh ốc tai). Đối với hầu hết những người bị mất thính lực liên quan đến tai trong, dây thần kinh ốc tai vẫn hoạt động, nhưng các đầu dây thần kinh, gọi là tế bào lông, ở phần tai trong (ốc tai) đã bị tổn thương.

Ốc tai điện tử sử dụng bộ xử lý âm thanh đặt sau tai và thu âm thanh từ bên ngoài tai vào. Sau đó, tín hiệu âm thanh được gửi đến 1 máy thu được đặt dưới da phía sau tai. Máy thu gửi tín hiệu âm thanh xuống 1 sợi dây mỏng kèm theo. Dây giữ các điện cực âm thanh nhỏ được đặt trong tai trong hình con ốc sên (ốc tai) hoạt động.

Các tín hiệu kích hoạt dây thần kinh ốc tai. Dây thần kinh gửi tín hiệu đến não. Bộ não nghe những tín hiệu đó dưới dạng âm thanh. Những âm thanh này giống như khả năng nghe tự nhiên của người bệnh. Tuy nhiên, cần phải có thời gian để não bộ học cách nghe các tín hiệu từ ốc tai điện tử dưới dạng lời nói. Trong vòng 3 – 6 tháng đầu sử dụng, hầu hết những người được cấy ốc tai điện tử đều đạt được tiến bộ lớn trong việc hiểu được lời nói từ thiết bị.

chữa bệnh điếc tai, Cấy ghép ốc tai điện tử
Ốc tai điện tử sau khi được cấy ghép vào tai

5. Cấy ghép tai giữa

Cấy ghép tai giữa (Middle Ear Implants) thích hợp cho những người bị mất thính lực hỗn hợp, dẫn truyền ở mức độ nhẹ đến trung bình hoặc mất thính lực thần kinh giác quan. Đây là phương pháp điều trị thay thế, được sử dụng cho các trường hợp bị mất thính lực không đáp ứng điều trị với máy trợ thính thông thường hoặc thiết bị trợ thính dẫn truyền xương.

Các thiết bị điện tử được phẫu thuật cấy ghép vào giữa tai. Chúng hoạt động như máy trợ thính, gửi tín hiệu đến tai giữa làm rung động xương tai giữa 1 cách cơ học. Từ đó, làm tăng các rung động âm thanh đi vào ốc tai, chuyển thành tín hiệu điện gửi đến não. Cấy ghép tai giữa là 1 công nghệ khá mới được áp dụng trong điều trị điếc tai hiện nay.

Có nhiều loại cấy ghép tai giữa khác nhau nhưng chúng đều hoạt động theo cách tương tự. Bộ thiết bị cấy ghép được phẫu thuật đưa vào tai giữa và đầu dò được gắn vào 1 trong các xương tai giữa hoặc vào cửa sổ tròn giữa tai giữa và ốc tai (tai trong).

Bộ thiết bị cấy ghép tai giữa có micrô thu âm thanh và bộ xử lý âm thanh, sau đó chuyển đổi tín hiệu âm thanh thành tín hiệu điện. Các tín hiệu điện được thiết bị cấy ghép xử lý và khuếch đại với tần số âm thanh phù hợp với mức độ điếc của người đeo. Các tín hiệu điện được chuyển thành rung động cơ học và truyền trực tiếp đến tai giữa, giúp tăng cường truyền sóng âm thanh đến tai trong (ốc tai). Trong ốc tai, sóng âm thanh được các tế bào lông phát hiện và cảm nhận như âm thanh.

Cấy ghép tai giữa chữa điếc tai
Cấy ghép tai giữa giúp cải thiện tính lực của người bệnhv

6. Cấy ghép thính giác thân não (ABI)

Cấy ghép thính giác thân não (Auditory Brainstem Implant – ABI) là cách trị điếc tai cho các trường hợp:

  • Người bệnh bị mất thính giác thần kinh giác quan.
  • Người không phù hợp để cấy ghép ốc tai điện tử hoặc cấy ghép tai giữa do dây thần kinh thính giác không hoạt động bình thường.
  • Người mắc bệnh u xơ thần kinh loại 2 (NF2) có khối u không phải ung thư trên dây thần kinh thính giác.
  • ABI đôi khi cũng được sử dụng cho những trường hợp bất thường về cấu trúc ở tai trong.

ABI có 2 phần riêng biệt, bao gồm: bộ xử lý lời nói có thể nhìn thấy từ bên ngoài và bộ phận cấy ghép bên trong thân não của người bệnh. Bộ xử lý nhận âm thanh, thay đổi sóng âm thành tín hiệu điện, sau đó gửi tín hiệu đến bộ thu dưới da và đến bộ phận cấy ghép trong thân não. Bộ não sẽ biến những tín hiệu này thành âm thanh. ABI có thể hữu ích đối với người bệnh bị mất thính lực nặng hoặc hoàn toàn.

Phục hồi và hỗ trợ giao tiếp cho người bệnh điếc

Phục hồi và hỗ trợ giao tiếp cho người bệnh cũng là cách chữa điếc tai. Người bệnh có thể cải thiện khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, khẩu hình,… Đây gần như là phương pháp duy nhất cho các trường hợp bị mất thính lực không thể chữa trị.

1. Ngôn ngữ trị liệu

Phương pháp điều trị này giúp người bị mất thính lực vĩnh viễn, trẻ em phát triển kỹ năng nghe. Khi người bệnh có thể xử lý những gì nghe được họ có thể học cách nói rõ ràng. Bên cạnh tác dụng cải thiện khả năng giao tiếp, trị liệu ngôn ngữ là 1 trong những cách chẩn đoán điếc tai sớm ở trẻ, là khâu chuẩn bị quan trọng cho việc điều trị bằng các phương pháp cấy ghép điều trị điếc tai cho trẻ.

2. Đọc môi và ngôn ngữ ký hiệu

Đọc môi hay khẩu hình và ngôn ngữ ký hiệu cũng là cách chữa điếc tai cho những trường hợp không đáp ứng với các phương pháp điều trị phẫu thuật, điếc tai vĩnh viễn do các nguyên nhân không thể khắc phục. Đọc môi và ngôn ngữ ký hiệu giúp người bệnh điếc giao tiếp hiệu quả hơn. Thông qua khẩu hình, biểu cảm khuôn mặt và các cử chỉ, người bệnh có thể hiểu được người khác muốn nói gì và phản hồi lại thông tin từ họ. Đôi khi, phương pháp này chỉ có hiệu quả giao tiếp 1 chiều, gây khó khăn vì không phải ai cũng hiểu ngôn ngữ ký hiệu.

cách chữa bệnh điếc tai
Học ngôn ngữ ký hiệu có thể giúp người bị điếc tai giao tiếp tốt hơn

Làm thế nào để phòng ngừa điếc?

Cách tốt nhất để phòng ngừa điếc tai chính là hạn chế tiếng ồn và bảo vệ tai khỏi những tác động tiêu cực mà tiếng ồn mang lại. Nếu phải tiếp xúc hoặc ở trong môi trường ồn ào, trong thời gian dài, hãy để tai yên tĩnh, nghỉ ngơi sau đó. Trong các tình huống không thể tránh khỏi tiếng ồn, có thể cân nhắc sử dụng các thiết bị bảo vệ tai, để giảm thiểu tác động tiêu cực của tiếng ồn đến thính giác.

Để phòng ngừa điếc tai, cần tránh xa những âm thanh có tần số (cường độ cao). Với sự tấn công mạnh mẽ của âm thanh cường độ cao, tai dễ bị tổn thương, nếu các tổn thương này không được chữa lành có thể gây suy giảm hoặc mất thính lực.

Khám và điều trị tai lãng tai BVĐK Tâm Anh

Khám và điều trị lãng tai, điếc tai, suy giảm thính lực tại Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM và Đơn vị Tai Mũi Họng, Trung tâm khám chữa bệnh Tâm Anh Quận 7, nơi quy tụ nhiều bác sĩ giỏi, là những chuyên gia hàng đầu, giàu kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị các vấn đề về thính lực, trong đó có điếc tai.

Nhiều năm qua, Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã tiếp nhận và điều trị thành công cho nhiều trường hợp suy giảm và mất thính lực do bệnh, tai nạn, tuổi tác,… Áp dụng các phương pháp điều trị hiện đại, chẩn đoán đúng bệnh và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp.

Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi vừa chia sẻ về 11 cách chữa điếc tai đã giúp người bệnh hiểu thêm về phương pháp điều trị mất thính lực mới nhất hiện nay, có thêm hy vọng phục hồi thính lực trong tương lai.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *