Ù tai phải là dấu hiệu thường gặp của chứng ù tai một bên. Tình trạng này về lâu dài sẽ gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến thính lực và khả năng tập trung. Do đó người bệnh cần nhận biết nguyên nhân cũng như các triệu chứng sớm để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

ù tai phải

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Ù tai phải là gì?

Ù tai phải là hiện tượng có âm thanh mơ hồ xuất hiện bên trong tai phải dù không có nguồn âm thanh nào truyền đến từ bên ngoài và chỉ bản thân người mắc mới có thể nghe thấy, đồng thời khi đó chức năng tai trái vẫn hoạt động bình thường. Hiện tượng này được gọi là ù tai một bên, xảy ra khi một trong hai bên tai tồn tại tiếng ồn từ bên trong hệ thống thính giác, các cơ quan lân cận hoặc mạch máu.

Nguyên nhân gây ù tai phải

Các bệnh về tai khác nhau có thể dẫn đến ù tai và các loại mất thính lực khác nhau, ngoài ra các bệnh lý toàn thân, tuổi tác cũng là những nguyên nhân khiến lỗ tai bị ù một bên phải hoặc cả hai bên.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

1. Viêm tai giữa

Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus tấn công. Viêm tai giữa có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) gây sốt và đau tai, có chất lỏng (tràn dịch) và chất nhầy tích tụ trong tai giữa, tình trạng kéo dài dai dẳng (thường trên 12 tuần) được gọi là viêm tai giữa mạn tính. Bệnh này thường phổ biến ở trẻ em do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh.

lỗ tai bị ù một bên phải
Viêm tai giữa do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập là một trong các nguyên nhân gây ù tai.

Nếu viêm tai giữa xảy ra ở tai phải, có thể khiến cho tai bị ù, giảm thính lực. Viêm tai giữa không được điều trị sớm có nguy cơ dẫn đến biến chứng thủng màng nhĩ, viêm não hoặc màng não, ảnh hưởng tính mạng.

2. Tắc vòi tai

Tắc vòi tai là một dạng rối loạn chức năng ống Eustachian, xảy ra khi các ống nối tai giữa với cổ họng trên bị tắc nghẽn. Dị ứng và nhiễm trùng (như cảm lạnh thông thường và cúm) là nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc vòi tai, gây viêm và tích tụ chất nhầy, dẫn đến tắc nghẽn. Trào ngược axit mạn tính cũng có thể gây ra tắc vòi tai, do axit dạ dày có thể trào ngược lên cổ họng gây viêm. Tắc vòi tai thường gây ra các triệu chứng như: giảm thính lực, ù tai phải hoặc ù tai trái, đau tai, …

3. Ráy tai

Ráy tai đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của tai, giúp làm sạch cũng như bảo vệ tai khỏi bụi bẩn và nhiễm trùng.

Mặc dù nhìn chung là có lợi nhưng ráy tai vẫn có thể gây ra vấn đề nếu tích tụ quá nhiều. Sự tích tụ ráy tai có thể dẫn đến đau tai, ngứa, ù tai, giảm thính lực hoặc các vấn đề khác.

4. Bệnh xốp xơ tai

Bệnh xốp xơ tai xảy ra do quá trình tái tạo xương bất thường ở tai giữa. Tái tạo xương là một quá trình suốt đời trong đó mô xương tự đổi mới bằng cách thay thế mô cũ bằng mô mới. Trong bệnh xốp xơ tai, sự tái cấu trúc bất thường sẽ làm gián đoạn khả năng truyền âm thanh từ tai giữa đến tai trong. Những triệu chứng thường gặp của xốp xơ tai bao gồm mất thính lực, ù tai phải hoặc tai trái, mất thăng bằng, chóng mặt.

5. Xơ vữa động mạch

Ốc tai rất nhạy cảm với những thay đổi của lưu lượng máu. Xơ vữa động mạch có thể gây ra những thay đổi trong vi tuần hoàn ốc tai và làm nhiễu loạn hoặc giảm lưu lượng máu ở tai trong. Ù tai có thể là triệu chứng đầu tiên của chứng xơ vữa động mạch. (1)

6. Tổn thương dây thần kinh thính giác

Dây thần kinh thính giác có chức năng mang thông tin âm thanh từ các tế bào lông cảm giác đến não. Sự thoái hóa chức năng hoặc hoạt động của hệ thần kinh thính giác là một trong những nguyên nhân gây ù tai. Điều này đến từ nhiều lý do, chẳng hạn như tiếng ồn lớn, lão hóa và nhiễm độc tai.

Tất cả những tác nhân này kích thích các tế bào thính giác, tạo ra các loại oxy hoạt tính tiêu diệt các tế bào lông thần kinh cảm giác. Từ đó gây ra sự chuyển động không chủ ý của màng mái (tectorial membrane), dẫn đến tiếng ồn ù đặc trưng của chứng ù tai, trong đó có ù một bên tai phải hoặc tai trái. (2)

7. Rối loạn tiền đình

Rối loạn chức năng tiền đình là sự rối loạn trong hệ thống cân bằng của cơ thể do tổn thương hệ thống tiền đình của tai trong hoặc trung tâm xử lý của hệ thần kinh trung ương. Các triệu chứng thường gặp của rối loạn tiền đình là chóng mặt dữ dội, buồn nôn, lùng bùng tai phải và tai trái, giảm thính lực, nặng đầu, choáng váng, đi lại khó khăn…

bùng lỗ tai phải
Ù tai phải và tai trái đi kèm với chóng mặt, choáng váng có thể là triệu chứng của rối loạn tiền đình.

8. Nguyên nhân khác (cao tuổi, stress, vệ sinh tai kém…)

Tuổi tác, tâm lý và sinh hoạt cũng có thể là nguyên nhân làm cho lỗ tai bị ù một bên phải hoặc cả hai bên. Ở người già trên 65 tuổi, sự lão hóa của cơ quan thính giác là nguyên nhân chính gây ù tai. Người thường xuyên ở trong trạng thái stress cũng thường được ghi nhận có tỷ lệ ù tai cao hơn, một số bệnh nhân cho biết chứng ù tai của họ trở nên trầm trọng hơn sau những tình huống căng thẳng. Ngoài ra, việc không vệ sinh tai thường xuyên, vệ sinh tai không đúng cách cũng có thể dẫn đến ù tai.

Triệu chứng ù tai phải

Các triệu chứng của ù tai thông thường xuất hiện ở cả hai tai, song trong một số trường hợp, người bệnh có thể chỉ cảm thấy bị ù tai phải, trong khi chức năng thính giác tai trái vẫn hoạt động bình thường. Dấu hiệu ù tai phải thường là nghe thấy âm thanh như tiếng chuông, tiếng rít, tiếng huýt sáo, tiếng vo ve, tiếng ù, tiếng ríu rít hoặc tiếng lách cách trong tai, đôi khi đi kèm tình trạng mất thính lực. Nếu ù tai phải do vấn đề mạch máu, âm thanh ù tai thường có dạng như mạch đập và bác sĩ thăm khám có thể nghe được.

Cách chẩn đoán ù tai bên phải

Hỏi bệnh sử và khám thực thể là những bước đầu tiên bác sĩ thường thực hiện để xác định nguyên nhân gây ù tai phải. Bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu kiểm tra thính lực, để xem ù tai xuất phát một bên hay hai bên, do hệ thống thính giác hay mạch đập. Các phương pháp khác, bao gồm cả kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cũng được chỉ định trong các trường hợp cụ thể.

  • Hỏi bệnh sử: Bác sĩ sẽ áp dụng chẩn đoán phân biệt bằng cách khai thác bệnh sử lâm sàng của bệnh nhân. Các yếu tố được quan tâm gồm tiền sử chấn thương âm thanh, tiếp xúc với tiếng ồn nghề nghiệp hoặc sử dụng thuốc gây độc tai. Chứng ù tai xuất hiện ở một bên hay hai bên, cường độ thấp (ù ù hoặc vo ve) hoặc cường độ cao (như tiếng chuông hoặc tiếng rít) và có nhịp đập hay không có nhịp đập. Bác sĩ lâm sàng có thể xác định xem mức độ ảnh hưởng của chứng ù tai lên sinh hoạt như thế nào. Các triệu chứng liên quan, chẳng hạn như mất thính lực và chóng mặt, cùng các triệu chứng thần kinh khu trú cũng được quan tâm.
  • Khám thực thể: Khám thực thể có thể được chỉ định dựa trên chẩn đoán phân biệt, thường là kiểm tra dây thần kinh sọ và nội soi tai, tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng, thủng màng nhĩ hoặc khối u tai giữa.
  • Đánh giá thính lực: Bệnh nhân bị ù tai phải sẽ được đánh giá thính lực nhằm giúp xác định chức năng thính giác và sự hiện diện của tình trạng mất thính lực. Bác sĩ cũng có thể định lượng mức độ ù tai mà bệnh nhân cảm nhận được thông qua các thông số: cao độ, âm lượng, khả năng che lấp. (3)
  • Chẩn đoán hình ảnh: Bệnh nhân có thể được hướng dẫn thực hiện một số kiểm tra bổ sung chẩn đoán khi nghi ngờ có tổn thương ở các cơ quan lân cận hoặc mạch máu. Một số kỹ thuật hình ảnh cỏ thể được áp dụng bao gồm chụp MRI và CT.

Điều trị chứng ù tai phải

Thay đổi thói quen sinh hoạt kết hợp với sử dụng thuốc điều trị là một trong những phương pháp được áp dụng để kiểm soát chứng ù tai phải. Những người bệnh ù tai phải có thể được kê một số loại thuốc điều trị nguyên nhân, bệnh lý gây ù tai.

Ngoài thuốc, các liệu pháp âm thanh, liệu pháp nhận thức hành vi và phục hồi chức năng cũng được khuyến nghị áp dụng cho người bị ù tai phải và ù tai nói chung. Người bệnh có thể được hỗ trợ thính lực với máy trợ thính, luyện tập cách đối phó với chứng ù tai thông qua các phương pháp huấn luyện não bộ.

Ngoài ra phương pháp phẫu thuật cũng có thể được chỉ định cho người bệnh ù tai phải để giải quyết các nguyên nhân bệnh lý đã được xác định như u dây thần kinh, khối u ở não, giải áp túi nội dịch ở bệnh Meniere…

điều trị bị ù tai phải
Trong một số trường hợp, để điều trị chứng ù tai, người bệnh có thể được can thiệp bằng phẫu thuật.

Cách phòng ngừa ù một bên tai phải

Việc phòng ngừa ban đầu đối với chứng ù tai phải là hết sức quan trọng, nhằm ngăn ngừa những tổn thương cho hệ thống thính giác.

Âm lượng lớn qua tai nghe từ các thiết bị âm thanh di động, bao gồm cả điện thoại thông minh, có thể gây tổn hại đáng kể đến cấu trúc tai, do đó những người thường đeo tai nghe liên tục hoặc đeo trong lúc ngủ cần sớm thay đổi thói quen này.

Chế độ ăn uống cũng cần được chú ý bởi lẽ tình trạng tăng đường huyết và tăng cholesterol máu có liên quan đến việc tăng nguy cơ mất thính lực do tuổi tác. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống giảm lượng carbohydrate và cholesterol có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của chứng mất thính giác thần kinh (SNHL).

không hút thuốc khi bị ù tai
Hạn chế thuốc lá cùng các chất kích thích để phòng ngừa ù tai phải nói riêng và tình trạng ù tai nói chung.

Hạn chế hút thuốc lá: Nicotin và các thành phần độc hại khác có trong thuốc lá làm giảm lượng oxy trong máu, gây co mạch, giảm lưu lượng máu đến tai, đồng thời can thiệp vào chất dẫn truyền thần kinh trong dây thần kinh chịu trách nhiệm giúp não nhận biết âm thanh gây ù tai, giảm thính lực.

Người làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn cần được cung cấp công cụ bảo hộ lao động bảo vệ tai và nên chủ động khám kiểm tra thính giác định kỳ.

khám ù tai bên phải
Để phát hiện sớm các bệnh lý gây nên triệu chứng ù tai, người bệnh cần thăm khám khi có các dấu hiệu bất thường.

Thắc mắc về chứng bệnh ù tai phải

1. Tình trạng ù tai phải có nguy hiểm không?

Ù tai phải đơn thuần như lùng bùng tai sau khi đeo tai nghe hoặc tham gia một buổi hoà nhạc… không gây nguy hiểm. Tuy nhiên trong một số trường hợp, ù tai phải có thể là dấu hiệu cảnh báo của một hoặc một vài bệnh lý nghiêm trọng như sự tồn tại của u thần kinh thính giác hay u não, viêm màng não.

2. Ù tai phải có phải triệu chứng bệnh lý không?

Ù tai phải có thể là triệu chứng của nhiều dạng bệnh lý, rối loạn tai mũi họng và các hội chứng khác nhau như: Viêm tai ngoài, viêm tai giữa, xốp xơ tai, bệnh Meniere, hội chứng khớp thái dương hàm, u thần kinh thính giác, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, u não, u màng não… Để xác định ù tai phải là triệu chứng của bệnh lý nào, người bệnh cần thăm khám để bác sĩ xem xét thêm dấu hiệu liên quan, đưa ra chẩn đoán và điều trị phù hợp.

3. Bị ù tai phải có tự khỏi không?

Tùy vào trường hợp chứng ù tai phải có thể giảm dần và tự biến mất sau đó mà không cần can thiệp. Nếu nguyên nhân ù tai do bệnh lý người bệnh cần điều trị dứt điểm nguyên nhân để khắc phục chứng ù tai. Với một số người, chứng ù tai là mạn tính và có thể tồn tại dai dẳng.

4. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Mặc dù chứng ù tai thường lành tính nhưng có một số triệu chứng cụ thể cảnh báo mọi người nên đi khám:

  • Ù tai dạng mạch đập (tiếng ù tai nghe như nhịp tim đập)
  • Chỉ bị ù ở một bên tai, chẳng hạn ù tai phải
  • Chứng ù tai kéo dài, thường là trên một tuần
  • Ù tai đi kèm với cảm giác xây xẩm, chóng mặt, buồn nôn
  • Ù tai liên quan đến sự thay đổi đột ngột hoặc biến động về tình trạng thính lực.
  • Ù tai, mất thính lực ngay sau khi nghe một chấn động âm thanh lớn hoặc chấn thương va đập vùng đầu.

Để đặt lịch khám, tư vấn và điều trị ù tai cũng như các bệnh lý tai mũi họng tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách có thể liên hệ theo thông tin:

Dù đa số trường hợp là lành tính, song ù tai phải vẫn có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống về thể chất và tâm lý của bệnh nhân. Tình trạng này có thể cảnh báo sớm cho các vấn đề sức khỏe tai mũi họng hoặc toàn thân mà người bệnh. Việc phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời ù tai sẽ giúp người bệnh bảo tồn được chức năng thính giác, ngăn chặn những biến chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *