Tai – một cơ quan tưởng chừng đơn giản nhưng rất quan trọng. Khi tai có dấu hiệu bất thường, chúng đang cảnh báo hệ thống thính giác đang gặp vấn đề. Thạc sĩ bác sĩ CKI Trương Trí Tường, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ 11 bệnh về tai thường gặp, kèm dấu hiệu, nguyên nhân, phòng ngừa.

bệnh về tai

Cấu trúc của tai

Tai còn được gọi là cơ quan tiền đình ốc tai, có chức năng giúp cảm thụ âm thanh và điều chỉnh thăng bằng cho cơ thể. Đây là cơ quan thính giác quan trọng nhưng rất dễ tổn thương khiến khả năng nghe suy giảm, ảnh hưởng đến chức năng tai. Trước hết, hãy cùng khám phá ba phần chính của tai:

  • Tai ngoài: Bao gồm loa tai và ống tai ngoài, có chức năng tiếp nhận và dẫn truyền âm thanh.
  • Tai giữa: Bao gồm các bộ phận màng nhĩ và hòm nhĩ, chuỗi xương con, hang chũm, vòi nhĩ, có vai trò tiếp nhận và khuếch đại âm thanh.
  • Tai trong: Phần nằm trong xương thái dương gồm mê nhĩ màng và mê nhĩ xương. Chức năng chính của tai trong là chuyển âm thanh thành các xung động thần kinh và giúp điều chỉnh thăng bằng cơ thể. (1)
cấu trúc của tai
Cấu trúc tai bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong

Bệnh về tai là gì?

Bệnh về tai là những tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến tai, bao gồm tai ngoài, tai giữa, và tai trong. Các bệnh về tai rất đa dạng và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Các bệnh này có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như đau tai, mất thính lực, ù tai, chóng mặt, và nhiễm trùng.

Nguyên nhân bị bệnh về tai

Giống như những cơ quan khác trong cơ thể, tai có thể bị tổn thương bởi nhiều yếu tố. Nguyên nhân bị bệnh về tai chủ yếu do vi khuẩn, virus xâm nhập, bị chấn thương, vệ sinh kém,…

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân gây bệnh về tai như:

  • Suy giảm hệ miễn dịch
  • Viêm mũi xoang
  • Dị ứng
  • Viêm da tiết bã
  • Bệnh vảy nến
  • Bệnh chàm
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ thính lực
  • Phẫu thuật tai
  • Vệ sinh tai kém

Dấu hiệu bị bệnh về tai

Dấu hiệu bị bệnh về tai rất đa dạng, trong đó, một số triệu chứng bệnh về tai bao gồm:

  • Đau nhức tai
  • Tai sưng và tấy đỏ
  • Tai có mùi hôi khó chịu
  • Chảy mủ tai
  • Ngứa tai liên tục
  • Ù tai
  • Giảm thính lực

Bên cạnh đó, dấu hiệu bệnh về tai còn có các triệu chứng như: chóng mặt, cơ thể mất thăng bằng, đau đầu.

dấu hiệu bệnh về tai
Khi có dấu hiệu mắc bệnh về tai, cần đi khám ngay

Các bệnh lý về tai thường gặp hiện nay

1. Bệnh viêm tai giữa

Là tình trạng viêm nhiễm ở tai giữa do sự tấn công của vi khuẩn, virus. Trong các bệnh về tai, đây là bệnh mà trẻ con rất dễ mắc do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu và cấu trúc vòi nhĩ phát triển chưahoàn thiện.

Viêm tai giữa tiến triển qua nhiều giai đoạn, một khi xảy ra tình trạng ứ mủ thì khả năng màng nhĩ người bệnh bị thủng rất cao.

Tai giữa tổn thương sẽ xuất hiện các triệu chứng như giảm thính lực, đau tai, sốt, buồn nôn,…

Khi có các dấu hiệu viêm tai giữa, người bệnh cần được điều trị nội khoa kịp thời bởi nếu chủ quan không kiểm soát, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính, ảnh hưởng đến chức năng tai.

2. Bệnh viêm ống tai ngoài

Viêm ống tai ngoài là bệnh ống tai ngoài bị sưng viêm, nhiễm trùng.

Thông thường, ống tai ngoài sẽ tổn thương nhẹ hơn so với tình trạng viêm tai giữa. Dấu hiệu nhận biết như ngứa rát, khó chịu, chảy dịch, ù tai,…

Viêm ống tai ngoài nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như giảm thính giác, nhiễm trùng lan vào tai giữa, viêm mô tế bào,…

3. Bệnh viêm tai xương chũm

Xương chũm là một phần của tai giữa, nhiễm trùng, viêm tai xương chũm có thể do viêm tai giữa gây ra. Khi viêm tai xương chũm cấp, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như giảm thính lực, ù tai, chảy mủ tai, sốt, sưng đau sau tai,… Nếu không được điều trị đúng cách, viêm tai xương chũm có thể tiến triển thành biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, liệt mặt, viêm mê nhĩ, viêm xoang tĩnh mạch bên, áp xe ngoài màng cứng,…

4. Bệnh viêm sụn vành tai

Viêm sụn vành tai xảy ra khi sụn ở vành tai bị viêm, nhiễm trùng, có thể xảy ra khi chấn thương mạnh gây tụ máu ở vành tai. Tình trạng tụ máu tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng ở vành tai với các biểu hiện như viêm sụn vành tai, đau vành tai,… (2)

5. Bệnh chàm tai

Chàm tai là tình trạng da vành tai, ống tai ngoài bị tổn thương. Bệnh này chia thành ba giai đoạn: cấp tính, bán cấp và mạn tính.

Đối tượng dễ mắc chàm tai là trẻ nhỏ. Bệnh khởi phát với các triệu chứng như xuất hiện các mảng da sần gây ngứa ngáy, khó chịu, sau đó nổi lên các mụn nước với tình trạng ửng đỏ. Các mụn nước có xu hướng vỡ ra khiến da rỉ dịch, khô dần và tạo thành vảy cứng trên da.

Bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát, không quá nguy hiểm nếu được điều trị hợp lý, đúng phương pháp.

6. Bệnh rối loạn mạch máu tai

Trường hợp rối loạn mạch máu tai do mạch máu bị tắc nghẽn nên lưu lượng máu đến tai bị giảm sút gây ù tai, giảm thính lực. Bệnh này do các động mạch bị xơ cứng, tắc nghẽn dòng máu tuần hoàn trong tai, làm thay đổi áp suất và lưu lượng máu.

Người bị rối loạn mạch máu ở tai sẽ có các biểu hiện như nghe kém, ù tai,… dẫn đến nguy cơ mất thính lực.

7. Bệnh thủng màng nhĩ

Thủng màng nhĩ là một trong những bệnh về tai. Khi người bệnh bị viêm tai giữa lâu ngày hoặc chấn thương sẽ gây thủng màng nhĩ với các biểu hiện như nghe kém, đau tai, ù tai,…

8. Bệnh rò luân nhĩ

Tình trạng trước vành tai có một lỗ nhỏ kèm đường rò bẩm sinh đi sâu dưới da và bám vào màng sụn gọi là rò luân nhĩ. Người bị rò luân nhĩ có thể biểu hiện ngứa, xuất hiện bã đậu trắng và dịch hôi ở miệng lỗ rò. Trường hợp người bệnh bị rò luân nhĩ nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như áp xe, nhiễm khuẩn,…

Điều trị bệnh về tai

1. Điều trị chuyên khoa

Bệnh về tai sẽ được điều trị chuyên khoa gồm các phương pháp dùng thuốc, xạ trị hoặc phẫu thuật kết hợp với việc chăm sóc tại nhà.

Một số bệnh về tai được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc để điều trị như viêm tai giữa, viêm ống tai ngoài, viêm xương chũm, chàm tai,… Các loại thuốc bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Điều trị các trường hợp bệnh về tai do nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc khoảng 7-10 ngày. Thuốc kháng sinh thường được kèm theo thuốc điều trị triệu chứng như đau, sốt, mệt mỏi,… do nhiễm trùng gây ra.
  • Thuốc điều trị triệu chứng: Khi người bệnh có các triệu chứng đau, sốt sẽ được bác sĩ chỉ định uống những loại thuốc phù hợp. Nhưng chúng chỉ tác động đến triệu chứng chứ không can thiệp trực tiếp vào nguyên nhân gây bệnh.
  • Thuốc bôi ngoài da: Mắc các bệnh về da như chàm tai, người bệnh cần bôi trực tiếp các loại thuốc để cải thiện tình trạng đang gặp phải.

Quan trọng nhất, các biện pháp điều trị y tế chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh cần khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được chẩn đoán và chỉ định phương pháp phù hợp.

2. Điều trị tại nhà

Ngoài việc điều trị y tế, điều trị tại nhà cũng rất quan trọng:

  • Vệ sinh tai thường xuyên: Nên sử dụng khăn ẩm làm sạch vành tai và các vùng da xung quanh.
  • Khi mắc bệnh về tai, hạn chế dùng tai nghe và nghe điện thoại thường xuyên trong thời gian điều trị.
  • Kết hợp chườm nóng và chườm lạnh làm giảm cảm giác đau rát, khó chịu do nhiễm trùng tai gây ra.
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như bông tai, phấn hoa, lông chó mèo,… để không làm nghiêm trọng hơn các triệu chứng bệnh về tai.

Để bệnh dứt điểm hoàn toàn, cần kết hợp điều trị y tế và điều trị tại nhà một cách hiệu quả và hợp lý.

Cách phòng ngừa bệnh về tai

Để phòng ngừa bệnh về tai, bạn cần chú ý các vấn đề sau:

  • Tiêm phòng các loại vacxin cúm, vacxin phế cầu khuẩn để bảo vệ cơ thể, chống lại các nguyên nhân gây nhiễm trùng tai, viêm tai giữa,…
  • Luôn giữ vệ sinh tai, không được cho vật nhọn vào tai.
  • Hạn chế hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc.
  • Vệ sinh tai khô sau khi tắm.
  • Tuyệt đối không dùng chung dụng cụ vệ sinh tai.
  • Lấy ráy tai đúng cách để tránh làm tổn thương tai.
  • Người đang sử dụng máy trợ thính, cấy điện cực ốc tai nên tái khám định kỳ để kiểm tra thiết bị.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Với 11 bệnh về tai ở trên, có những bệnh tương đối lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cũng có bệnh để lại biến chứng nguy hiểm đến thính lực và các cơ quan lân cận.

Người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở tai để được chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả. Hiện nay, hầu hết các bệnh về tai đều được điều trị bằng thuốc và chăm sóc tại nhà, một số trường hợp cần thiết sẽ phẫu thuật.

phòng tránh bệnh về tai
Tránh để bệnh về tai tiến triển nặng gây biến chứng nguy hiểm

Khám bệnh về tai ở đâu tốt?

Hiện nay, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM được nhiều người bệnh lựa chọn thăm khám, điều trị các bệnh lý về tai. Trung tâm Tai Mũi Họng sở hữu đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại, giúp chữa trị hiệu quả các bệnh về tai đang mắc phải.

Bài viết đã cung cấp thông tin các bệnh về tai giúp bạn có góc nhìn tổng quát và có các kế hoạch thăm khám kịp thời khi có các biểu hiện của bệnh. Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM luôn đồng hành cùng khách hàng trên hành trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *