Điếc tai hay còn gọi là mất thính lực xảy ra khi người bệnh bị suy giảm khả năng nghe ở một hoặc hai bên tai. Người mắc tình trạng này thường nghe kém, ù tai hoặc không thể nghe. Tuy nhiên, điếc tai thường xuất hiện đột ngột, thính lực sẽ suy giảm từ từ nên nhiều người không để ý đến. ThS.BS.CKI Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, chia về dấu hiệu bị điếc tai để nhận biết sớm, điều trị kịp thời.
7 dấu hiệu bị điếc tai thường gặp
1. Thường xuyên không nghe rõ và phải hỏi lại
Dấu hiệu bị điếc tai thường gặp là người bệnh thường xuyên không nghe rõ và phải hỏi lại, nhất là tại những nơi ồn ào, đông đúc như trung tâm thương mại hoặc quán cà phê. Khi đó, bạn khó khăn trong cuộc trò chuyện với nhiều người hoặc hiểu sai từ ngữ mà người đang trò chuyện cùng bạn trao đổi. Đôi lúc cần phải nhìn rõ khuôn mặt người nói mới hiểu được họ đang nói gì.
Thông thường, thính lực tốt giúp bạn chọn lọc âm thanh mà tai có thể nghe. Ngược lại, nếu không thể lựa chọn âm thanh, đó là dấu hiệu sớm cho thấy bạn bị suy giảm thính lực.
2. Phải tăng âm lượng
Thực tế, khi sử dụng các thiết bị có phát âm thanh như tivi, điện thoại, máy tính, người bình thường có thể nghe được thoải mái, dễ chịu chỉ với 30-40% âm lượng tối đa. Nhưng khi suy giảm thính lực, nhiều người phải tăng âm lượng lên mức cao, 80-100% khiến nhiều thành viên trong gia đình phàn nàn về tiếng ồn do việc tăng âm lượng trên các thiết bị. (1)
3. Khó nghe một số âm thanh
Ở một số người, dấu hiệu bị điếc tai có thể là khó nghe một số âm thanh có âm vực cao như tiếng chim hót, tiếng hét của trẻ em,… Khi đó, nhiều người khó khăn trong việc phân biệt tiếng nói với tiếng ồn xung quanh.
4. Ù tai hoặc có tiếng vo vo trong tai
Ù tai hoặc nghe có tiếng vo vo trong tai là dấu hiệu bị điếc. Tình trạng này ban đầu chỉ có thể cảm nhận trong không gian thật yên tĩnh. Nhưng khi đã bị tổn thương thần kinh trong tai, bạn có thể nghe thấy thường xuyên và dễ nhận biết hơn.
Tuy nhiên, nếu dấu hiệu này xuất hiện sau khi bạn nghe nhạc quá to, đó chỉ là tạm thời, chỉ cần điều chỉnh lại âm lượng khi dùng tai nghe, tình trạng này sẽ được cải thiện.
Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng khuyên rằng bạn nên dùng tai nghe chụp tai vì giúp giảm tiếng ồn từ môi trường xung quanh, hạn chế dùng tai nghe đút lỗ tai vì có thể ảnh hưởng đến thính lực.
5. Mất thăng bằng
Tình trạng mất thăng bằng, vấp ngã nếu xảy ra thường xuyên, đó có thể là dấu hiệu bị điếc tai. Khi cố gắng nghe được âm thanh xung quanh, não bộ rất dễ bị phân tâm, không thể tập trung vào việc giữ thăng bằng. Vì ống tai trong là cơ quan gửi tín hiệu đến bộ não, có vai trò giúp giữ thăng bằng, tổn thương ống tai trong khiến bạn mất đi sự thăng bằng vốn có.
6. Hay quên
Ít người biết rằng hay quên không chỉ liên quan đến trí não mà còn là dấu hiệu bị điếc. Bởi trí nhớ dựa trên những gì bạn nghe được, nếu khó nghe thấy thì sẽ hay quên.
Một trong những yếu tố nguy cơ của suy giảm nhận thức là điếc tai. Khi bị điếc, não cần thêm năng lượng giúp xử lý âm thanh gây hại cho trí nhớ và tư duy.
7. Nghe thấy tiếng ồn lớn là đau
Nghe tiếng ồn lớn là thấy đau như tiếng còi xe lớn, tiếng tàu, tiếng máy bay có khả năng bạn đã suy giảm thính lực. Khi có dấu hiệu bị điếc, tai bạn có khả năng cản lại những tiếng ồn lớn khiến tai bị đau. Cơn đau thường âm ỉ.

Những dấu hiệu cực sớm nhận biết trẻ bị điếc
Nhận biết trẻ bị điếc qua những dấu hiệu sớm là điều quan trọng để trẻ có thể được điều trị kịp thời. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị điếc, cha mẹ cần quan sát con kỹ càng để sớm nhận ra những dấu hiệu bất thường. Một số dấu hiệu cực sớm nhận biết trẻ bị điếc như: chậm phát triển ngôn ngữ và lời nói, không phản ứng với tiếng ồn lớn, xem điện thoại TV với âm lượng lớn, thay đổi hành vi khác thường, thiếu tập trung, kết quả học tập kém,…
1. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (0-12 tháng)
Giai đoạn từ 3 tháng tuổi trở đi, trẻ có thể nghe được những âm thanh bình thường vì thính giác trong giai đoạn này đã phát triển khá hoàn thiện. Trường hợp trẻ bị điếc, sẽ có những dấu hiệu sau:
- Không có phản ứng với giọng nói của cha mẹ, người thân.
- Không phản ứng giật mình với âm thanh lớn. (2)
- Không bập bẹ hoặc chậm nói “ô, a” sau 2 tháng tuổi.
- Không thức giấc hoặc cựa quậy khi âm thanh quấy nhiễu lúc đang ngủ.
- Không thay đổi biểu cảm trong không gian yên tĩnh khi có âm thanh lớn.
- Không bắt chước được âm thanh nào đó.
- Không hiểu được những biểu đạt đơn giản của cha mẹ, người thân.
2. Trẻ mới biết đi (1-3 tuổi)
Trong giai đoạn trẻ mới biết đi từ 1-3 tuổi, cha mẹ nên quan sát các dấu hiệu bên dưới để xem trẻ có mắc vấn đề về thính lực hay không:
- Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, lời nói.
- Trẻ không hiểu được những hướng dẫn đơn giản từ người xung quanh.
- Trẻ phát âm sai từ hoặc âm thanh.
- Trẻ khó khăn khi theo dõi các cuộc trò chuyện.
3. Trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi)
Bước vào giai đoạn 3-5 tuổi, nếu trẻ có các dấu hiệu sao, cha mẹ không nên chủ quan vì có thể trẻ đang có vấn đề thính giác:
- Thiếu chú ý hoặc nghe có chọn lọc.
- Khó khăn khi tham gia các hoạt động nhóm hoặc kể chuyện khi đi học.
- Mắc các vấn đề về hành vi do những trở ngại khi trẻ giao tiếp.
- Khó khăn khi học vần điệu và bài hát.
- Không nghe rõ những gì người khác nói.
4. Trẻ em trong độ tuổi đi học (6 tuổi trở lên)
Trong độ tuổi đi học, một số trẻ có dấu hiệu bị điếc tai sẽ có những biểu hiện sau:
- Khó khăn trong học tập, đặc biệt là môn Tiếng Việt với các bài tập đọc, tập nói.
- Khó khăn khi làm theo hướng dẫn trong lớp học hoặc trẻ không thể nghe được những yêu cầu từ giáo viên.
- Cô lập hoặc bị cô lập, xa lánh bạn bè.
- Giáo viên ưu tiên cho trẻ ngồi bàn đầu vì không nghe rõ.
Điếc tai có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh khác
Điếc tai có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh khác như:
- U dây thần kinh thính giác: U dây thần kinh thính giác hay u dây thần kinh số 8. Tình trạng này có thể ảnh hưởng một hoặc cả hai bên tai. U dây thần kinh thính giác thường gặp ở người 30-60 tuổi. U dây thần kinh thính giác có thể gây điếc tai, suy giảm thính lực, đau đầu, ù tai, hội chứng tiền đình,…
- Thủng màng nhĩ: Điếc tai có thể là dấu hiệu thủng màng nhĩ, kèm theo cảm giác nhói trong tai, ù tai, buồn nôn, chóng mặt,… Nếu màng nhĩ bị rách nhẹ thì có thể gây suy giảm thính lực, điếc nhẹ. Nhưng nếu tổn thương nặng nề đến tai trong thì mức độ điếc sẽ nặng hơn.
- Viêm tai giữa là nhóm các bệnh ở tai giữa do tổn thương, viêm nhiễm trong tai giữa khi các vi khuẩn sinh sôi, phát triển trong tai hoặc tác động từ bên ngoài. Viêm tai giữa có thể gây điếc trong một số trường hợp.
- Suy giảm chức năng thận: Sở dĩ suy giảm chức năng thận ảnh hưởng đến tai vì chức năng thận có liên quan mật thiết đến thính giác. Khi thận yếu tai sẽ bị ù, nặng hơn sẽ gây điếc tai.
- Tuần hoàn máu kém là tình trạng người bệnh gặp phải khi dây thần kinh thính giác ở tai trong không nhận được dưỡng chất, oxy để hoạt động dẫn đến nghe kém, ù tai, điếc ở một hoặc cả hai bên tai.
- Một số bệnh khác gây điếc tai như:
- Siêu vi trùng trong bệnh sởi, cúm, quai bị,…
- Đái tháo đường, tăng huyết áp, cảm cúm, sốt bị biến chứng.
- Người trong gia đình có tiền sử bệnh điếc.
- Áp lực căng thẳng, stress kéo dài.

Làm sao để biết chắc chắn có bị điếc hay không?
Để kiểm tra xem một người có bị điếc hay không, cần phải kiểm tra chi tiết bằng các bài kiểm tra thính lực:
- Tiến hành đo thính lực, đo nhĩ lượng chuyên sâu tại các chuyên khoa Tai Mũi Họng có đầy đủ máy móc, thiết bị để kiểm tra các chức năng của bộ phận trong tai. Đo thính lực biểu hiện qua thính lực đồ nhằm xác định mức độ điếc của người bệnh. Còn đo nhĩ lượng giúp kiểm tra áp suất, độ dốc, độ thông thuận và thể tích ống tai nhằm đánh giá độ nhạy của chuỗi xương con, tình trạng màng nhĩ và độ thông của vòi nhĩ.
- Thử nghiệm phản ứng kích thích thính giác (BAER) hoặc thử phản ứng não bộ thính giác (ABR) giúp kiểm tra phản ứng não bộ đối với âm thanh.
- Thử nghiệm phát âm thanh (OAE) giúp kiểm tra phản ứng tai trong đối với âm thanh.

Nên làm gì khi có những dấu hiệu bị điếc tai?
Việc chẩn đoán sớm, đặc biệt ở trẻ em là điều vô cùng quan trọng giúp cải thiện chức năng thính giác.
Khi đó, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng điếc tai.
- Thiết bị trợ thính nếu người bệnh tổn thương tai trong.
- Cấy ghép ốc tai điện tử trong trường hợp điếc nặng, ốc tai điện tử giúp thay thế chức năng của các bộ phận bị hư hỏng, không hoạt động.
- Ngoài ra, trường hợp điếc tai còn thể phẫu thuật nếu có sự bất thường của xoang tai hoặc xương nhĩ.
Để đặt lịch khám và tư vấn khi có vấn đề về tai, dấu hiệu bị điếc tai, bạn có thể liên hệ:
Dấu hiệu bị điếc tai từ mơ hồ đến rõ rệt và không nên xem thường, cần chú ý để có kế hoạch khám và điều trị kịp thời. Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 là địa chỉ uy tín để bạn yên tâm khám với các bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn.