Phẫu thuật viêm tai xương chũm là phương pháp được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp viêm ở vùng tai xương chũm. Khi khám, bác sĩ sẽ xem xét xem có cần thiết phải can thiệp phẫu thuật để điều trị hay không. Thạc sĩ, bác sĩ CKII Phạm Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Hoatk.com sẽ chia sẻ về phẫu thuật viêm tai xương chũm qua bài viết dưới đây.
Viêm tai xương chũm có phải mổ không?
Viêm tai xương chũm có phải mổ hay không tùy thuộc vào loại viêm, tình trạng viêm. Bác sĩ sẽ đánh giá chi tiết, chỉ định điều trị bằng phẫu thuật hay kháng sinh.
- Trường hợp không đáp ứng kháng sinh sau khi nhập viện 48 tiếng, bác sĩ chỉ định phẫu thuật viêm tai xương chũm.
- Trường hợp viêm tai xương chũm cấp tính, không có biến chứng, chỉ cần điều trị bằng kháng sinh chứ chưa cần thiết phẫu thuật.
Khi nào cần phẫu thuật viêm tai xương chũm?
Phẫu thuật viêm tai xương chũm được chỉ định khi người bệnh mắc viêm tai xương chũm mạn tính, bác sĩ đánh giá cụ thể, chuyên sâu và yêu cầu phẫu thuật.
Phẫu thuật viêm tai xương chũm là kỹ thuật dẫn lưu ổ mủ nhằm loại bỏ các tổ chức đã hoại tử.

Phương pháp phẫu thuật viêm tai xương chũm phổ biến
Phẫu thuật viêm tai xương chũm bao gồm: Phẫu thuật mở xương chũm đơn thuần, phẫu thuật khoét rỗng đá chũm bán phần, phẫu thuật khoét rỗng đá chũm toàn phần và một số thể lâm sàng đặc biệt.
1. Phẫu thuật viêm tai xương chũm bằng cách mở xương chũm đơn thuần
Phương pháp này thường được bác sĩ chỉ định trong 3 trường hợp: viêm tai xương chũm cấp tính, viêm tai xương chũm bán cấp và viêm tai xương chũm không đáp ứng biện pháp điều trị nội khoa.
Phương pháp này giúp dẫn lưu ổ mủ của xương chũm bằng cách khoan xương mở hang chũm cùng xoang chũm. Bác sĩ sẽ nạo lấy hết dịch mủ và mô viêm.
2. Phẫu thuật khoét rỗng đá chũm bán phần
Phẫu thuật này giúp mở hang chũm, xoang chũm ở khu vực sào bào thượng nhĩ để bác sĩ kiểm tra và điều trị.
Thông thường, bác sĩ chỉ định phẫu thuật khoét rỗng đá chũm bán phần trong trường hợp cholesteatoma lan từ thượng nhĩ vào đến hang chũm.
3. Phẫu thuật khoét rỗng đá chũm toàn phần
Phẫu thuật khoét rỗng đá chũm toàn phần trong các trường hợp viêm tai xương chũm mạn tính có dấu hiệu lan rộng.
Phương pháp này giúp san bằng mô viêm ở hang chũm, xương chũm và sào bào thượng nhĩ nhằm giải quyết các tình trạng viêm tai xương chũm mạn tính có mủ trong tai giữa kèm theo viêm các xương con.
Một số kiểu phẫu thuật khác trong số thể lâm sàng đặc biệt
- Viêm tai xương chũm ở trẻ em: So với người lớn thì hệ thống xương chũm của trẻ chưa phát triển, khi phẫu thuật thì hang chũm, ống thông hang cần mở nông hơn.
- Viêm tai xương chũm xuất ngoại ở cổ: Bác sĩ cần rạch kéo dài thêm đường sau tai đi qua dưới mỏm chũm 10mm, tiến hành bóc tách và xử lý tình trạng bệnh.
- Viêm tai xương chũm thể thái dương và gò má: Bác sĩ sẽ rạch da sau tai lên cao, dài thêm về phía trước trên phần ống tai. Sau đó, tiến hành mở nạo hang chũm, ống thông hang. Xương chũm cần phải mở rộng phía xoang chũm mỏm thái dương. (1)

Quy trình phẫu thuật viêm tai xương chũm
1. Chuẩn bị gì trước khi mổ?
Người bệnh cần khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để kiểm tra trước khi phẫu thuật.
Trước khi mổ viêm tai xương chũm, cần chuẩn bị tâm lý kỹ càng, ngủ sớm và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ phụ trách.
Trước khi mổ, ekip sẽ chuẩn bị đầy đủ các bước cần thiết và đưa người bệnh vào phòng mổ, tiến hành phẫu thuật.
2. Thực hiện mổ viêm tai xương chũm
Tùy trường hợp cụ thể mà bác sĩ chỉ định phương pháp mổ viêm tai xương chũm.
- Bước 1: Hướng dẫn người bệnh nằm ngửa trên bàn mổ, nghiêng đầu qua bên tai bình thường để tai cần phẫu thuật hướng lên trên.
- Bước 2: Bệnh nhân được gây tê toàn thân, sau đó bác sĩ chích tê tại chỗ để người bệnh không cảm thấy đau trong và sau khi phẫu thuật.
- Bước 3: Sau đó tiến hành thực hiện dựa vào từng phương pháp. Sử dụng dụng cụ phẫu thuật nhằm tiếp cận vùng tai đang tổn thương.
- Bước 4: Cuối cùng, bác sĩ sẽ khâu chỉnh hình vùng tai và theo dõi tình trạng người bệnh sau phẫu thuật nhằm tránh nhiễm trùng.
3. Sau khi phẫu thuật viêm tai xương chũm
Sau phẫu thuật viêm tai xương chũm, người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều. Khi có dấu hiệu buồn nôn, cần chú ý đầu nằm nghiêng sang một bên.
Sau khi mổ 24-48 giờ, cần theo dõi sức khỏe người bệnh và kiểm tra các chỉ số sinh tồn trước khi được xuất viện. (2)
4. Cách chăm sóc sau mổ viêm tai xương chũm
Sau khi mổ, cần lưu ý cách chăm sóc sau mổ viêm tai xương chũm để sức khỏe hồi phục nhanh chóng:
- Theo dõi vết mổ xem có chảy máu hay dấu hiệu bất thường hay không.
- Theo dõi các dấu hiệu liên quan đến tiền đình, màng não như rối loạn tri giác, đau đầu, chóng mặt,…
- Vệ sinh tai theo hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng: rửa tai, lau khô, nhỏ thuốc.
- Sau phẫu thuật, cần hồi phục lại cảm giác vận động cho người bệnh bằng cách đi lại, xoa bóp,…
- Trò chuyện tương tác với người bệnh sau phẫu thuật.
- Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nên ăn thức ăn lỏng, không quá nóng trong 1 tuần đầu tiên sau phẫu thuật.
- Không nên ăn đồ ăn cay nóng, rượu bia và chất kích thích. Nên ăn đồ ăn dễ nhai, dễ nuốt, dễ tiêu hóa.
Thắc mắc thường gặp
1. Phẫu thuật viêm tai xương chũm có đau không?
Trong khi phẫu thuật viêm tai xương chũm, người bệnh không cảm thấy đau do được gây mê trong quá trình thực hiện. Sau khi kết thúc phẫu thuật, thuốc mê lúc này sẽ hết tác dụng, người bệnh cảm thấy đau trong vài ngày, hết đau sau 3-5 ngày. Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau và cơn đau sẽ giảm dần và biến mất.
2. Phẫu thuật viêm tai xương chũm có gây biến chứng không?
Cũng giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, phẫu thuật viêm tai xương chũm cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn, chia sẻ về các nguy cơ rủi ro trong và sau phẫu thuật viêm tai xương chũm.
Sau phẫu thuật, khả năng thính giác có thể sẽ ảnh hưởng nếu người bệnh thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn không cao hoặc tình trạng bệnh quá nặng. Đôi khi sẽ có hiện tượng chảy dịch kéo dài, chóng mặt và ù tai một thời gian sau phẫu thuật.
Nhiều trường hợp người bệnh có thể bị yếu liệt mặt, do tổn thương thần kinh tùy vào mức độ tổn thương mà thần kinh phục hồi từ từ.
Nếu gặp trường hợp đau nhiều xung quanh vùng tai sau phẫu thuật, hoặc tăng tiết dịch, chóng mặt, người bệnh cần báo cho bác sĩ phẫu thuật để đến bệnh viện xử lý kịp thời.
3. Thời gian hồi phục sau phẫu thuật xương chũm là bao lâu?
Thông thường, thời gian hồi phục sau phẫu thuật viêm tai xương chũm là khoảng 3-4 tuần sau khi mổ. Các vết mổ được bác sĩ băng kín để tránh va chạm, tổn thương, tránh dính nước và gây nhiễm trùng. Người bệnh cần được chăm sóc vết thương, thay băng sau mổ nhằm tránh nhiễm trùng vết mổ, đồng thời đảm bảo lành vết mổ.
4. Tỷ lệ thành công của phẫu thuật xương chũm là bao nhiêu?
Tỷ lệ thành công của phẫu thuật xương chũm khá cao nếu người bệnh lựa chọn thực hiện tại bệnh viện, ekip mổ có trình độ chuyên môn cao, tay nghề bác sĩ thực hiện tốt, giàu kinh nghiệm.
5. Chi phí phẫu thuật viêm tai xương chũm bao nhiêu?
Chi phí phẫu thuật viêm tai xương chũm được nhiều người đặc biệt quan tâm. Chi phí này khác ở từng trường hợp, người bệnh nên tới khám trực tiếp để được bác sĩ tư vấn rõ ràng về chỉ định, chi phí và phương pháp phẫu thuật.
Chi phí phẫu thuật viêm tai xương chũm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Phương pháp phẫu thuật.
- Mức độ phức tạp của ca mổ và tình trạng cụ thể của người bệnh.
- Cơ sở và bác sĩ thực hiện.

6. Nên thực hiện phẫu thuật viêm tai xương chũm ở đâu tốt?
Hiện nay, nhiều bệnh viện thực hiện phẫu thuật viêm tai xương chũm. Tuy nhiên, người bệnh cần lựa chọn các cơ sở, bệnh viện uy tín với đội ngũ bác sĩ chuyên gia giàu kinh nghiệm và công nghệ, kỹ thuật hiện đại để có kết quả tốt nhất. Hạn chế nguy cơ biến chứng phẫu thuật viêm tai xương chũm.
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là đơn vị khám, điều trị các bệnh về tai mũi họng chuyên nghiệp, hiệu quả và tận tâm.
Bài viết đã cung cấp thông tin để bạn hiểu hơn về phương pháp phẫu thuật viêm tai xương chũm. Bạn có thể đến khám, tư vấn và điều trị các bệnh Tai Mũi Họng tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.