Phì đại cuốn mũi (turbinate hypertrophy) là nguyên nhân thường gặp dẫn đến nghẹt mũi kéo dài. Nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến viêm xoang, rối loạn giấc ngủ (trong đó có ngưng thở khi ngủ), ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy có phương pháp hay kỹ thuật nào điều trị triệt để tình trạng này hay không? Cùng Hoatk.com và THS.BS.CKI Trương Minh Thịnh, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám phá các phương pháp điều trị phì đại cuốn mũi an toàn và hiệu quả dưới đây.
Ai có nguy cơ bị phì đại cuốn mũi?
Nhóm người có nguy cơ cao bị phì đại cuốn mũi bao gồm:
- Những người làm việc trong môi trường ô nhiễm hoặc tiếp xúc thường xuyên với hóa chất có nguy cơ cao vì niêm mạc mũi dễ kích ứng và viêm nhiễm kéo dài.
- Những người có tiền sử viêm nhiễm đường hô hấp trên, gai/vẹo vách ngăn, viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị thích hợp có thể dẫn đến tình trạng cuốn mũi sưng nề mạn tính.

Các phương pháp điều trị phì đại cuốn mũi
Phì đại cuốn mũi là tình trạng cuốn mũi sưng to, gây hẹp hoặc tắc nghẽn đường thở và khó chịu khi hô hấp. Những phương pháp điều trị phì đại cuốn mũi hiệu quả bao gồm: điều trị nội khoa, ngoại khoa, sóng cao tần, laser…
1. Điều trị nội khoa phì đại cuốn mũi
Điều trị nội khoa bằng thuốc xịt mũi steroid giúp giảm nghẹt mũi và sưng viêm niêm mạc mũi hiệu quả. Với thành phần chính từ corticosteroid, có tác dụng giảm viêm và giảm tiết chất nhầy trong khoang mũi. Thuốc này có thể gây tác dụng phụ tại chỗ như khô mũi, chảy máu mũi. (1)
2. Điều trị ngoại khoa phì đại cuốn mũi
Phẫu thuật là lựa chọn tiếp theo khi tình trạng phì đại cuốn mũi không hiệu quả với điều trị bằng thuốc. Các phương pháp phẫu thuật điều trị phì đại cuốn mũi bao gồm cắt một phần niêm mạc cuốn dưới và xương cuốn mũi hoặc cắt đốt dưới niêm mạc để giảm kích thước của cuốn mũi dưới. Phẫu thuật giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi và giảm các triệu chứng như chảy dịch mũi sau hoặc ngủ ngáy.
Phẫu thuật có thể được thực hiện bằng các phương pháp như đốt điện, đốt sóng cao tần hoặc cắt bỏ mô, với tỷ lệ thành công cao.
Điều trị phì đại cuốn mũi vẫn có thể phát sinh những rủi ro như:
- Cắt bỏ cuốn giữa: đi kèm với những rủi ro như sẹo dính, đóng vảy và chảy máu.
- Cắt một phần niêm mạc cuốn dưới và xương cuốn mũi: kỹ thuật này ít xâm lấn hơn (ít ảnh hưởng đến mô xung quanh), nhưng vẫn có khả năng xảy ra biến chứng như chảy máu.
- Cắt dưới niêm mạc: đây là phương pháp điều trị phì đại cuốn mũi mới hơn, nhưng cũng có thể dẫn đến các biến chứng như chảy máu, sẹo dính, và tổn thương niêm mạc. Do đó, trước khi quyết định điều trị, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để hiểu rõ các lợi ích và rủi ro của phẫu thuật. (2)

3. Cách điều trị phì đại cuốn mũi bằng sóng cao tần và laser
Nếu tình trạng nghẹt mũi kéo dài mà không cải thiện, bác sĩ sẽ chỉ định đốt cuốn mũi. Các phương pháp đốt cuốn mũi bao gồm:
- Đốt cuốn mũi bằng sóng cao tần coblator công nghệ plasma: đây là phương pháp điều trị bệnh phì đại cuốn mũi không xâm lấn, sử dụng sóng cao tần plasma để phá hủy các mô viêm quá phát ở cuốn mũi. Plasma hoạt động bằng cách tạo ra luồng ion hóa ở nhiệt độ 40-70°C, giúp loại bỏ chính xác mô thừa mà không làm tổn thương các mô lành xung quanh.
- Điều trị tăng sinh cuốn mũi bằng cách đốt coblator: là phương pháp hiệu quả và an toàn để điều trị nghẹt mũi. Coblator làm co mô dưới niêm mạc mà không ảnh hưởng đến niêm mạc và cấu trúc tuyến, giúp giảm nghẹt mũi và ít gây tác dụng phụ.
- Điều trị phì đại cuốn mũi bằng cách đốt laser: phương pháp này sử dụng tia laser để đốt cuốn mũi. Tuy nhiên, do kém hiệu quả hơn so với plasma và coblator, đốt cuốn mũi bằng laser hiện ít được ưu tiên.
Thời gian hồi phục sau khi đốt cuốn mũi có thể khác nhau tùy vào từng phương pháp điều trị, nhưng nhìn chung, phương pháp đốt cuốn mũi sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng nghẹt mũi khi các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả.

4. Cách điều trị phì đại cuốn mũi tại nhà
Để hỗ trợ điều trị phì đại cuốn mũi tại nhà, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp như:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: không có chế độ ăn uống đặc biệt nào dành riêng cho người mắc phì đại cuốn mũi. Tuy nhiên, người bệnh nên tránh các loại thực phẩm có thể gây dị ứng, giúp giảm nguy cơ kích thích mũi xoang và làm bệnh nghiêm trọng hơn. Bổ sung các loại trái cây như cam, chanh, dâu tây, rau xanh để hỗ trợ hệ miễn dịch. Uống đủ nước để làm loãng chất nhầy trong mũi, giúp đường thở thông thoáng hơn.
- Vệ sinh thường xuyên mũi thường xuyên: rửa mũi bằng nước muối sinh lý để loại bỏ chất nhầy, vi khuẩn và các chất kích ứng trong mũi. Xông mũi với nước ấm hoặc tinh dầu khuynh diệp để làm loãng chất nhầy và giúp dễ thở hơn. Dùng máy tạo độ ẩm trong phòng để duy trì độ ẩm, tránh làm khô niêm mạc mũi.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc, bụi bẩn và các chất kích thích, vì chúng có thể làm tình trạng phù nề cuốn mũi nghiêm trọng hơn.

Cách chăm sóc phì đại cuốn mũi sau điều trị
Chăm sóc sau khi điều trị phì đại cuốn mũi rất quan trọng để đạt hiệu quả cao và ngăn ngừa tái phát. Bạn cần tuân thủ những hướng dẫn sau:
- Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với môi trường khói bụi và lạnh.
- Phải luôn giữ ấm cơ thể khi ra ngoài, đeo khẩu trang ở những nơi đông người.
- Có thể sử dụng máy phun sương hoặc máy tạo độ ẩm để đảm bảo độ ẩm trong không khí ổn định.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và nấm mốc.
- Tránh xa các chất kích thích, ngừng hút thuốc và hạn chế uống rượu bia để nâng cao hiệu quả sau điều trị phì đại cuốn mũi.
- Đảm bảo tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là vắc-xin cúm hàng năm để ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do virus gây ra.
- Dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám đúng lịch hẹn để bác sĩ theo dõi quá trình điều trị.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường lạnh, khói thuốc, uống rượu bia… để đảm bảo tình trạng sau điều trị có hiệu quả
Thắc mắc thường gặp về phì đại cuốn mũi
Những thắc mắc thường gặp mà nhiều người quan tâm khi đối diện với tình trạng phì đại cuốn mũi, giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về quá trình điều trị bệnh và lựa chọn phương pháp phù hợp.
1. Phì đại cuốn mũi có chữa được không?
Có. Phì đại cuốn mũi có thể chữa bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng bệnh và phản ứng của cơ thể. Nếu tình trạng nhẹ, có thể điều trị nội khoa bằng thuốc. Trường hợp điều trị nội khoa không có hiệu quả, nên can thiệp phẫu thuật như đốt cuốn mũi bằng sóng cao tần, laser hoặc phẫu thuật cắt bỏ mô cuốn mũi để cải thiện tình trạng nghẹt mũi.
2. Mất bao lâu để chữa khỏi phì đại cuốn mũi?
Thời gian điều trị phì đại cuốn mũi phụ thuộc vào tình trạng bệnh và phương pháp điều trị. Quá trình lành vết thương sau điều trị phì đại cuốn mũi bằng phương pháp phẫu thuật có thể cần 6 tuần. Trong thời gian này, người bệnh sẽ dần cảm nhận được sự cải thiện về hô hấp và các triệu chứng khác.
Phì đại cuốn mũi là tình trạng phổ biến và có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Với sự phát triển của y học, đã có nhiều kỹ thuật điều trị phì đại cuốn mũi. Lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp người bệnh nhanh chóng lấy lại cảm giác thoải mái khi thở và nâng cao chất lượng cuộc sống. Để phòng ngừa bệnh, bạn nên có lối sống lành mạnh, tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ.