Chảy máu tai là vấn đề thường gặp của bệnh lý chuyên khoa tai mũi họng. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể sẽ có những cách xử lý khi bị chảy máu tai khác nhau được áp dụng.

cách xử lý khi bị chảy máu tai

Tại sao lại bị chảy máu tai?

ThS.BS.CKI Phạm Thái Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nguyên nhân gây chảy máu tai thường gặp nhất là do vết thương rách da ống tai, ngoài ra còn có thể do rách màng nhĩ, nhiễm trùng tai, dị vật trong tai, khối u…

1. Vết thương rách vành tai

Vết thương loại này thường đến từ tai nạn, ẩu đả… có thể đi kèm tổn thương sụn vành tai. Chảy máu tai do vết thương vành tai thường lượng ít cho đến trung bình và có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ về sau.

2. Vết thương rách da ống tai

Nguyên nhân gây tổn thương này phổ biến nhất là do ngoáy tai bằng vật cứng để cố lấy ráy tai hoặc dị vật tai khiến da bị tổn thương và chảy máu.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb

3. Rách màng nhĩ

Nguyên nhân gây rách màng nhĩ cũng có thể đến từ việc ngoáy tai, nhưng phổ biến hơn là từ các chấn thương áp lực như bị tát tay, lặn biển… trong hầu hết các trường hợp, màng nhĩ có thể tự lành nếu chăm sóc đúng cách.

4. Dị vật trong tai

Những dị vật không phải sinh vật sống như hòn sỏi, viên đá… sẽ không gây tổn thương trừ khi bạn cố gắng lấy chúng ra không đúng cách như đã đề cập ở trên. Trường hợp dị vật là sinh vật sống, chúng có thể bò, cắn làm tổn thương da gây cảm giác rất khó chịu và cảm giác sợ hãi muốn nhanh chóng loại bỏ chúng. Nếu không xử lý đúng cũng có thể dẫn đến những tổn thương ở ống tai, màng nhĩ và nhiễm trùng về sau.

nguyên nhân chảy máu tai
Trẻ nhỏ cho dị vật vào tai có thể làm tổn thương dẫn đến chảy máu tai

5. Nhiễm trùng tai

Chảy máu tai do nhiễm trùng tai thường ít và lẫn với mủ, bạn có thể bị đau, sưng vùng tai, nếu nhiễm trùng nặng có thể kèm với sốt. Nhìn chung, chảy máu tai trong trường hợp này thường bị che lấp bởi các dấu hiệu nhiễm trùng có xu hướng rầm rộ hơn.

6. Chấn thương đầu

Chấn thương đầu đặt biệt là vùng thái dương có chảy máu hoặc dịch từ tai có thể là một dấu hiệu nghiêm trọng. Người bệnh có thể bị chấn thương vỡ sàn sọ và cần được cấp cứu. Trước khi xem đây chỉ là chảy máu do chấn thương của ống tai đơn thuần, người bệnh cần được loại trừ nguyên nhân vỡ sàn sọ.

7. Khối u trong tai

Các khối u ở ống tai, xương thái dương, hòm nhĩ thường ít gặp và triệu chứng chảy máu tai cũng không thường thấy trên loại u này. Tuy nhiên, u cuộn cảnh hòm nhĩ là loại u có nguồn gốc từ mạch máu, khi u to hoặc vỡ có thể gây chảy máu tai lượng nhiều.

Hướng dẫn cách xử lý khi bị chảy máu tai bài bản, tránh nhiễm trùng

Khi xảy ra tình huống chảy máu tai, người bệnh cần xử trí đúng cách và nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.

Sơ cứu ban đầu: Nguyên tắc chung khi có chảy máu là cầm máu. Đối với trường hợp bạn bị chảy máu tai, việc đầu tiên cần làm là cầm máu bằng những dụng cụ y tế đơn giản nhất ví dụ như dùng gòn, gạc sạch ép vào vị trí chảy máu hoặc đặt vào ống tai nếu chảy máu trong ống tai hoặc ít nhất dùng ngón tay ấn chặt vào nắp bình tai tạo áp lực giảm thiểu chảy máu. Sau đó, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục chữa trị. Không nên tự ý đặt lá, thuốc không rõ nguồn gốc vào tai để tránh gây ra các biến chứng và gây khó khăn cho việc điều trị về sau.

Điều trị chảy máu tai tại cơ sở y tế: Nguyên tắc điều trị bao gồm cầm máu và điều trị nguyên nhân.

Cầm máu: Bác sĩ sẽ tiến hành cầm máu tai của bạn tùy thuộc theo mức độ chảy máu. Trường hợp đã cầm máu trước khi đến viện có thể không cần can thiệp thêm, hoặc có thể phải đặt gạc, merocel, meche tai cho đến đốt cầm máu và khâu lại vết thương…(1)

Điều trị nguyên nhân: Tùy thuộc nguyên nhân gây chảy máu tai mà hướng điều trị từ đây sẽ có khác biệt.

  • Đối với vết thương vành tai, ống tai: việc điều trị có thể chỉ cần cầm máu tại chỗ đơn thuần hoặc phải khâu lại vết thương để tránh sẹo xấu hoặc phải tái tạo vành tai nếu mất nhiều mô.
  • Đối với rách màng nhĩ: trong hầu hết các trường hợp, máu sẽ tự cầm và vết thương màng nhĩ cũng tự lành. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ màng nhĩ thủng và không lành, lúc này bạn có thể xem xét phải tiến hành vá lại màng nhĩ.
  • Dị vật tai: trong trường hợp này, dị vật tai sẽ được xem xét lấy ngay khi tình trạng chảy máu ổn định. Tùy thuộc vào độ khó và mức độ hợp tác của người bệnh, việc lấy dị vật có thể tiến hành dưới nội soi hoặc có thể gây mê để lấy dị vật, đặc biệt nếu đó là trẻ em.
  • Đối với nguyên nhân nhiễm trùng: Bên cạnh cầm máu, bạn có thể cần phải sử dụng thêm thuốc kháng sinh và các thuốc giảm triệu chứng để điều trị nhiễm trùng. Khi nguyên nhân gốc rễ được điều trị, chảy máu cũng sẽ hết.
  • Trường hợp chấn thương đầu có chảy máu tai: Bác sĩ ưu tiên giải quyết vấn đề sọ não hoặc nguyên nhân đang đe dọa tính mạng người bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tất cả các trường hợp có máu ra từ bên trong tai cần được khám và điều trị thích hợp bởi bác sĩ thay vì tự tìm cách xử lý khi bị chảy máu tai. (2)

Trường hợp tai bị cắt, rách sâu hoặc có dị vật bên trong, người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị càng sớm càng tốt. Nếu dị vật mắc kẹt sâu và phức tạp, người bệnh cần được đưa đến các cơ sở chuyên khoa Tai Mũi Họng. Tại đây bác sĩ sẽ có phương án tối ưu và thiết bị chuyên dụng để loại bỏ dị vật, tránh những tổn thương nguy hiểm hơn.

cách khắc phục chảy máu tai
Cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để xác định nguyên nhân chảy máu tai và xử trí phù hợp

Đối với người có bệnh lý nhiễm trùng tai, cần đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị theo đúng phác đồ cho đến khi khỏi hoàn toàn, đồng thời tái khám định kỳ để phòng ngừa tái phát.

Nếu gặp người bị chảy máu tai do chấn thương đầu hoặc chấn thương thể thao, cần liên hệ cấp cứu ngay lập tức. Nạn nhân có thể bị chấn thương nghiêm trọng, chậm trễ hoặc tác động không đúng cách có thể dẫn tới tử vong.

Cách chăm sóc tai sau khi bị chảy máu?

Vết thương sau khi được xử trí tại cơ sở y tế vẫn cần thời gian để phục hồi. Để đề phòng vết thương có thể nhiễm trùng trong quá trình lành thương, người bệnh cần uống thuốc theo toa, nhỏ rửa vết thương vành tai, ống tai theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau khoảng 5-7 ngày, tái khám lại để đánh giá tình trạng lành thương, tình trạng nhiễm trùng hoặc cắt chỉ đối với vết thương có khâu.

Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị chảy máu tai và các bệnh lý tai mũi họng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin:

Biết cách xử lý khi bị chảy máu tai sẽ giúp phòng ngừa được phần nào biến chứng nguy hiểm, đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình điều trị. Song song với việc tìm hiểu các cách khắc phục chảy máu tai ban đầu, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ và tái khám đúng hẹn để đảm bảo tối ưu quá trình hồi phục.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *