Hội chứng trào ngược họng thanh quản (LPR) là bệnh mà dịch từ dạ dày di chuyển ngược chiều sinh lý qua thực quản, đến và gây tổn thương ở vùng họng thanh quản. Nhiều người lo lắng khi gặp phải tình trạng này. ThS.BS.CKI Nguyễn Minh Tú, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về cách chữa bệnh trào ngược họng thanh quản an toàn, hiệu quả.

cách chữa bệnh trào ngược họng thanh quản

Hội chứng trào ngược họng thanh quản là gì?

Trào ngược họng thanh quản ( LPR) khiến nhiều người khó chịu, là tình trạng acid dịch vị và pepsin ở dạ dày bị trào ngược lên vùng thanh quản, họng, thực quản hay một số cơ quan hô hấp trên. Trong khi các triệu chứng trào ngược khác thường ảnh hưởng đến thực quản dưới, bên trong ngực thì trào ngược họng thanh quản có xu hướng lan lên cao hơn, vào thanh quản và cổ họng.

LPR còn được gọi là trào ngược “ngoài thực quản”, vì trào ngược vượt ra ngoài thực quản của bạn. Điều này gây ra các triệu chứng khác với trào ngược dạ dày thực quản thông thường. Thay vì gây ợ chua, ợ hơi và khó tiêu như các chứng trào ngược khác, LPR có xu hướng gây kích ứng giọng nói, cổ họng và vùng mũi xoang của bạn. Xuất hiện nhiều triệu chứng như: cảm giác nuốt nghẹn, nuốt vướng ở cổ; khó phát âm; khàn tiếng, thường xuyên vướng đàm, đằng hắng giọng và các triệu chứng hô hấp (đau họng, ho kéo dài, vướng họng).

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bạn có thể mắc LPR mà không có các triệu chứng trào ngược nào khác nên đôi khi nó được gọi là “trào ngược thầm lặng” thường xảy ra vào ban đêm nhiều hơn ban ngày, đôi khi kèm trào ngược dạ dày thực quản.

banner khai trương tâm anh quận 8 mb
điều trị trào ngược họng thanh quản
Trào ngược họng thanh quản khiến nhiều người khó chịu.

Ngoài ra, nhiều người thường gọi trào ngược họng thanh quản với tên gọi khác như viêm thanh quản sau, viêm thanh quản trào ngược nhằm nhấn mạnh tình trạng viêm mà hội chứng này gây ra tại vùng thanh quản.

Thông thường, chẩn đoán trào ngược họng thanh quản sẽ được bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng kiểm tra qua quá trình thăm khám lâm sàng và hình ảnh nội soi thanh quản.

Ngoài ra, ThS.BS.CKI Nguyễn Minh Tú, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Trào ngược dạ dày thực quản và trào ngược họng thanh quản là hai bệnh phổ biến của dạ dày có cùng cơ chế trào ngược nhưng khác nhau ở vị trí gây ảnh hưởng. Đôi khi triệu chứng chồng lấp nhau, khó phân biệt rạch ròi do hai bệnh có mối liên hệ mật thiết với nhau”.

Cách chữa bệnh trào ngược họng thanh quản

Mục tiêu điều trị của bệnh trào ngược họng thanh quản là loại bỏ triệu chứng gây khó chịu, làm lành các tổn thương niêm mạc, điều trị biến chứng mà bệnh gây nên bằng việc kiểm soát sự tiết acid trong dạ dày và giảm tiếp xúc acid họng thanh quản. (1)

Điều trị trào ngược họng thanh quản thường bắt đầu bằng việc chẩn đoán, tìm ra nguyên nhân mắc bệnh. Thông thường, nguyên nhân mắc bệnh trào ngược họng thanh quản thường không rõ ràng, các bác sĩ thường khuyên người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống khoa học hơn.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thêm thuốc nhằm làm giảm triệu chứng và ngăn chặn sự tái phát của bệnh. Trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, cần phải cân nhắc kỹ về vấn đề phẫu thuật phục hồi tổn thương vùng họng thanh quản. Dưới đây là những phương pháp điều trị trào ngược họng thanh quản với tính chất tham khảo, giúp bạn có góc nhìn tổng quan về hội chứng này.

1. Thay đổi chế độ ăn uống giúp ích cho trào ngược thanh quản

Trong việc điều trị trào ngược thanh quản, giảm cân, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống khoa học, hợp lý là điều quan trọng.

Hội chứng LPR có liên quan đến chế độ ăn nhiều chất béo, ít protein. Thường xuyên stress, căng thẳng kéo dài, đặc biệt là hút thuốc lá, uống rượu bia với tần suất dày đặc. Vì vậy, thay đổi chế độ ăn và lối sống là rất cần thiết.

  • Duy trì chế độ ăn uống khoa học, cân bằng: Hạn chế thức ăn chiên rán, thức ăn chua cay, chất cồn, nước ngọt có ga, cà phê, socola…
  • Bổ sung rau củ quả, trái cây trong chế độ ăn hàng ngày.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá: Rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích có thể khiến bạn dễ mắc tình trạng trào ngược họng thanh quản hơn so với người bình thường.
  • Không được ăn quá khuya, hạn chế ăn trước khi đi ngủ 2-3 giờ, không nằm ngay sau ăn.
  • Không mặc quần áo quá chật, quá khít: Quần áo quá chật, quá khít gây áp lực lên ổ bụng.
  • Hạn chế đằng hắng giọng: Đằng hắng giọng có thể ảnh hưởng đến thanh quản.
  • Nâng cao gối đầu khi nằm.
  • Ngủ nghiêng về phía bên trái: Điều này giúp đặt cơ vòng thực quản dưới của bạn vào một túi khí phía trên dạ dày, giúp giảm trào ngược trong khi ngủ.
  • Tránh ợ hơi quá mức: Ăn chậm để không “nuốt” phải không khí, tránh ợ hơi quá mức làm trào ngược họng thanh quản.
  • Chia nhỏ bữa: Nếu gặp tình trạng trào ngược thanh quản, thay vì ăn 3 bữa lớn một ngày, bạn có thể chia thành 5-6 bữa nhỏ.

cách chữa trào ngược họng thanh quản

2. Phương pháp điều trị trào ngược họng thanh quản bằng thuốc

Điều trị trào ngược họng thanh quản bằng thuốc được xem là phương pháp điều trị chính cho LRP, bao gồm thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc đối kháng thụ thể histamin H2 (H2RA), thuốc kháng axit, thuốc prokinetic, thuốc bảo vệ niêm mạc, trung hòa acid dạ dày. Chi tiết về các loại thuốc được thể hiện qua bài viết dưới đây.

Loại thuốc Cơ chế Liều lượng
PPI Nhanh chóng đi qua màng tế bào biểu mô dạ dày và hình thành liên kết cộng hóa trị với H + /K + -ATPase, dẫn đến bất hoạt bơm proton. PPI liều chuẩn trong 8-12 tuần.
H2RA Ngăn chặn có chọn lọc thụ thể H2 trên màng tế bào biểu mô dạ dày. Liều dùng thuốc có sự thay đổi.
Alginate Tạo thành một hàng rào mịn, nhớt giống như gel để giảm hoặc ngăn chặn sự tiếp xúc giữa các chất trào ngược trong dạ dày và niêm mạc thực quản hoặc thanh quản 10-20mL sau bữa ăn và/hoặc trước khi đi ngủ
trị trào ngược họng thanh quản bằng thuốc
Điều trị trào ngược họng thanh quản bằng thuốc là phương pháp điều trị chính.

3. Điều trị bằng phẫu thuật

Phẫu thuật không phải là phương pháp để điều trị trào ngược họng thanh quản, trừ khi người bệnh mắc các bệnh rõ ràng ảnh hưởng đến cơ vòng thực quản, ví dụ như thoát vị gián đoạn. (2)

Phẫu thuật tạo van chống trào ngược dạ dày có thể điều trị thoát vị gián đoạn và cải thiện cơ vòng thực quản dưới. Đây được xem là phương pháp giúp điều trị trào ngược axit.

Thắc mắc hay gặp

1. Trào ngược họng thanh quản có chữa được không?

Trào ngược họng thanh quản hoàn toàn có thể chữa được. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để đánh giá mức độ và nguyên nhân mắc bệnh, tránh để bệnh tiến triển nặng, phải điều trị phức tạp hơn. không điều trị trào ngược họng thanh quản kịp thời có thể làm tổn thương thực thể trên vùng họng thanh quản, như u hạt dây thanh gây khàn tiếng kéo dài.

Trong nhiều trường hợp, nếu không có vấn đề nghiêm trọng nào với cơ vòng thực quản của bạn thì việc thay đổi chế độ ăn uống, lối sống có thể tạo ra sự thay đổi tích cực trong việc giảm trào ngược họng thực quản. Thuốc có thể được phối hợp để điều trị, nhưng một số người cần điều trị chuyên sâu, phức tạp hơn những người khác.

2. Trào ngược họng thanh quản có chữa khỏi hoàn toàn không?

Trào ngược họng thanh quản có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Tuy nhiên, triệu chứng của trào ngược họng thanh quản khiến nhiều người dễ bị nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác như viêm họng mạn tính, viêm amidan làm nhiều người chủ quan khi mắc bệnh.

Nếu không được phát hiện, kiểm soát các triệu chứng trào ngược họng thanh quản, có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho thanh quản và hầu họng. Nặng hơn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, bao gồm cả trẻ em và người trưởng thành:

Trẻ em có thể xuất hiện các biến chứng như ho mạn tính, viêm phổi, viêm thanh quản, khàn tiếng, rối loạn hô hấp, rối loạn khoang miệng, chậm phát triển,…

Người lớn không được điều trị kịp thời dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm:

  • Tổn thương mô lót thực quản, thanh quản, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống.
  • Viêm phổi.
  • Viêm phế quản.
  • Viêm loét thực quản.
  • Hen suyễn.
  • Ung thư vòm họng.

Để chữa khỏi hoàn toàn, tránh những biến chứng nguy hiểm do bệnh trào ngược họng thanh quản, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời rất quan trọng.

3. Trào ngược họng thanh quản mất bao lâu để chữa lành?

Trong một số trường hợp, có thể chữa khỏi trào ngược họng thanh quản bằng cách điều chỉnh lối sống. Tuy nhiên, khi phải dùng thuốc thì bệnh này mất khoảng 3-6 tháng để cải thiện triệu chứng tùy thuộc vào mức độ bệnh và chế độ ăn uống, lối sống của mỗi người.

Mặc dù trào ngược họng thanh quản không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Vì vậy, cần có cách chữa bệnh trào ngược họng thanh quản kịp thời. Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM với trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, giúp bạn điều trị hiệu quả chứng trào ngược họng thanh quản.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *