cách điều trị viêm xoang trán

Xoang trán một trong trong những xoang cạnh mũi có cấu trúc phức tạp nhất. Do gần với vòm sọ và hốc mắt, tình trạng viêm xoang trán có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Các phương pháp điều trị viêm xoang trán bao gồm điều trị nội khoa và phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ của bệnh. Cùng Hoatk.com đi tìm hiểu chi tiết.

Hướng dẫn cách điều trị viêm xoang trán hiệu quả

Tùy theo thể viêm xoang, mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị riêng lẻ hoặc kết hợp.

1. Điều trị bằng thuốc

1.1 Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh là một trong những cách điều trị viêm xoang trán thường được áp dụng. Thông thường người bệnh có thể được chỉ định dùng kháng sinh nếu tình trạng bệnh không cải thiện trong vòng 7 ngày hoặc trở nên xấu đi bất cứ lúc nào. Ở những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng hơn hoặc mắc nhiều bệnh đi kèm, việc kê đơn thuốc kháng sinh điều trị viêm xoang trán cần được thực hiện ngay từ đầu.

cách trị viêm xoang trán
Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng trong điều trị viêm xoang trán, tuy nhiên cần tuân theo liều lượng chỉ định của bác sĩ.

Hướng dẫn của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (IDSA) năm 2012 về thuốc kháng sinh trong viêm xoang cấp tính như sau: (1)

  • Amoxicillin-clavulanate là liệu pháp điều trị ban đầu ở người lớn và trẻ em có triệu chứng viêm xoang cấp tính nghiêm trọng hoặc nặng hơn.
  • Không khuyến cáo sử dụng thuốc macrolide do tỷ lệ kháng thuốc cao ở S. pneumoniae (30%).
  • TMP/SMX cũng không được khuyến khích do tỷ lệ kháng thuốc cao ở cả S. pneumoniae và H. influenzae (30-40%).
  • Cephalosporin uống thế hệ thứ hai không được khuyến cáo dùng đơn trị liệu do tỷ lệ kháng thuốc khác nhau ở S. pneumoniae.
  • Ở những bệnh nhân bị dị ứng với penicillin, có thể sử dụng doxycycline hoặc fluoroquinolone đường hô hấp (levofloxacin hoặc moxifloxacin).
  • Ở trẻ em, nên dùng liệu pháp phối hợp cephalosporin thế hệ thứ ba đường uống (cefixime hoặc cefpodoxime) và clindamycin.
  • Không khuyến khích điều trị MRSA thường xuyên.
  • Thời gian điều trị khuyến cáo đối với viêm xoang cấp tính do vi khuẩn không biến chứng là 5-7 ngày ở người lớn và 10-14 ngày ở trẻ em.

Lưu ý rằng việc sử dụng thuốc kháng sinh chữa viêm xoang trán cần được chỉ định bởi bác sĩ, đồng thời không tự ý tăng liều hoặc giảm liệu mà không có sự tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị.

1.2 Thuốc chống viêm, giảm đau

Các loại thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc chống viêm không steroid… có thể được sử dụng trong điều trị viêm xoang trán nhằm làm giảm nhanh các triệu chứng. Các thuốc giảm đau như paracetamol có thể giúp giảm đau mặt và đau đầu do viêm xoang trán gây ra. Các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen (Advil, Motrin), naproxen (Aleve) hoặc aspirin cũng có hiệu quả trong việc làm giảm triệu chứng của viêm xoang trán. Acetaminophen là thuốc giảm đau và hạ sốt không chứa opioid được dùng khi có triệu chứng sốt, nhức đầu và đau nhức cơ thể.

1.3 Thuốc co mạch mũi (dạng xịt)

Thuốc thông mũi, xịt mũi co mạch như oxymetazoline có tác dụng dẫn lưu tốt, có thể được sử dụng để giảm viêm ở mũi, nghẹt mũi và làm sạch chất nhầy, điều trị tắc nghẽn xoang…

Trong tình huống bị các tác nhân virus xâm nhập, các mạch máu trong mũi có thể sưng lên (mở rộng hơn), đây là một phần trong phản ứng miễn dịch của cơ thể. Các tế bào miễn dịch đặc biệt giao tiếp với nhau để kích hoạt tình trạng viêm và loại bỏ tác nhân xâm nhập. Nhưng quá trình viêm này có thể gây ra các triệu chứng khó chịu, như nghẹt mũi.

Oxymetazoline tác động lên các mạch máu nhỏ trong khoang mũi, tạm thời thu hẹp các mạch máu này. Khi tình trạng sưng tấy giảm xuống, sẽ có nhiều không gian hơn để không khí lưu thông qua mũi. Oxymetazoline sẽ không giúp chữa khỏi nhiễm trùng sớm hơn, nhưng có thể tạm thời làm giảm các triệu chứng.

1.4 Thuốc kháng histamin

Trong trường hợp viêm xoang trán là do tác nhân gây dị ứng, việc dùng thuốc kháng histamin trong điều trị viêm xoang trán có thể được tính đến. Thuốc kháng histamin là thuốc được thiết kế để chống lại tác động của histamin, chất hóa học chính được sản sinh trong cơ thể trong các phản ứng dị ứng. Thuốc kháng histamin dạng xịt, viên nén hoặc siro có thể giúp làm giảm các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, ngứa mắt và mũi, giảm nghẹt mũi và tiết dịch nhầy.

1.5 Corticosteroid (dạng xịt hoặc uống)

Corticosteroid có thể được sử dụng để điều trị viêm xoang trán trong các trường hợp nhẹ đến vừa hoặc như một liệu pháp bổ sung cho kháng sinh đường uống trong bệnh nặng. Việc sử dụng corticosteroid dạng xịt cộng với kháng sinh được dành riêng cho những bệnh nhân không đáp ứng với corticosteroid dạng xịt sau 72 giờ và để điều trị ban đầu cho những bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng. (2)

Corticosteroid dạng xịt mũi được xem là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả lâu dài cho cả viêm xoang trán cấp tính và mạn tính. Trong khi đó corticosteroid đường uống là thuốc hỗ trợ mạnh trong điều trị viêm xoang trán mạn tính, đặc biệt là viêm xoang trán mạn tính có polyp mũi.

2. Phẫu thuật xoang trán

chữa viêm xoang trán
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phẫu thuật xoang mũi cho người bệnh.

Phương pháp phẫu thuật trong điều trị viêm xoang trán được cân nhắc khi tình trạng nhiễm trùng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác như sử dụng kháng sinh đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch, steroid toàn thân… Bên cạnh đó, phẫu thuật cũng được chỉ định khi tình trạng viêm xoang trán gây ra các biến chứng nghiêm trọng như biến chứng hốc mắt hoặc nội sọ và viêm xoang trán tái phát ít nhất 3-4 lần mỗi năm. Nếu người bệnh được chẩn đoán viêm xoang trán do nấm xâm lấn việc tiến hành phẫu thuật cũng được thực hiện nhằm loại bỏ mô nhiễm nấm kịp thời cho người bệnh.

3. Các phương pháp hỗ trợ khác

3.1 Xông hơi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý

cách trị bệnh viêm xoang trán
Rửa mũi đúng cách giúp làm sạch chất nhầy và loại bỏ các tác nhân bên ngoài gây viêm xoang trán.

Xông mũi bằng hơi ấm có thể giúp làm giảm tắc nghẽn dịch trong mũi, nhờ đó làm sạch chất nhầy từ mũi và xoang. Người bệnh cần chuẩn bị một bát chứa nước nóng hoặc máy xông hơi, sau để hơi nóng phả vào mặt, mũi trong khoảng 10-15 phút. Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ cũng có thể giúp giữ ẩm cho mũi, cổ họng và chất nhầy.

Khi áp dụng các phương pháp điều trị viêm xoang trán tại nhà, người bệnh cũng cần chú ý vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý. Rửa mũi bằng nước muối có thể cải thiện chức năng niêm mạc mũi thông qua một số tác dụng sinh lý, bao gồm làm sạch trực tiếp chất nhầy để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển. Hơn nữa, nước muối làm loãng chất nhầy để thúc đẩy quá trình làm sạch và loại bỏ các kháng nguyên và màng sinh học của vi khuẩn, từ đó cải thiện tình trạng viêm và chức năng của niêm mạc.

3.2 Chườm nóng

Chườm nóng là một trong những biện pháp hỗ trợ trong quá trình theo dõi, điều trị viêm xoang tại nhà. Người bệnh có thể sử dụng một chiếc khăn sạch, ngâm vào nước nóng và vắt khô sau đó chườm lên vùng mũi xoang đang đau nhức, nhiệt ẩm từ khăn có thể làm giảm áp lực xoang, mở các đường dẫn bị tắc trong mũi và giảm đau.

3.3 Thay đổi thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng

Thói quen sinh hoạt có liên quan đến nguy cơ mắc viêm xoang trán cũng như thúc đẩy quá trình hồi phục hoặc tăng nặng. Các yếu tố môi trường như các chất ô nhiễm, khói thuốc lá có thể đóng vai trò quan trọng trong các bệnh về đường hô hấp trên bao gồm viêm xoang trán. Khói thuốc lá gây ra phản ứng sinh lý ở mũi bao gồm tăng sức cản đường thở ở mũi, kích ứng mũi, nghẹt mũi và chảy nước mũi, ảnh hưởng đến niêm mạc biểu mô xoang mũi và chức năng miễn dịch bẩm sinh… Do đó hạn chế hút thuốc lá và tránh hít khói thuốc lá thụ động là một trong những biện pháp phòng ngừa và hạn chế tình trạng tiến triển nặng của viêm xoang trán.

Mọi người cũng có thể phòng ngừa các vấn đề về xoang bằng cách thực hành vệ sinh tốt để tránh nhiễm trùng. Nên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, rửa tay trước khi chạm vào mặt, mũi. Tránh các chất gây dị ứng để phòng nguy cơ nhiễm trùng và tích tụ chất nhầy.

Uống nhiều nước và ăn thực phẩm lành mạnh để giữ cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và hoạt động tốt.

Lưu ý khi điều trị viêm xoang trán

Trong trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm xoang trán, cần lưu ý đến các yếu tố nguy cơ kháng thuốc kháng sinh bao gồm: tuổi <2 hoặc tuổi >65, đã dùng kháng sinh trong tháng trước, đã nhập viện trong 5 ngày trước đó, mắc nhiều bệnh đi kèm hoặc tình trạng suy giảm miễn dịch.

Ở những bệnh nhân không cải thiện với điều trị kháng sinh trong vòng 3-5 ngày hoặc các triệu chứng thực sự xấu đi sau 48-72 giờ, bác sĩ có thể mở rộng phạm vi kháng sinh. Cần nội soi thu mẫu vi khuẩn và nuôi cấy để tìm ra hướng dẫn phạm vi kháng sinh cụ thể hơn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và mức độ nghi ngờ lâm sàng, cũng nên xem xét chụp CTscan để loại trừ các biến chứng mưng mủ.

Người bị đau dạ dày cần tham khảo ý kiến bác sĩ đối với các loại thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen, naproxen hoặc aspirin, đồng thời chống chỉ định đối với người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thuốc co mạch alpha-adrenergic đường uống có thể gây tăng huyết áp và nhịp tim nhanh nên có thể chống chỉ định ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Thuốc co mạch alpha-adrenergic đường uống cũng có thể chống chỉ định ở những vận động viên thi đấu vì các quy tắc của cuộc thi.

Thuốc co mạch tại chỗ (ví dụ, oxymetazoline hydrochloride) có tác dụng dẫn lưu tốt, nhưng chỉ nên sử dụng tối đa 3-5 ngày, vì có nguy cơ tăng tình trạng sung huyết hồi ứng, giãn mạch và viêm mũi do thuốc khi sử dụng trong thời gian dài. (3)

Ngay cả trong việc sử dụng các bài thuốc Đông y cũng cần lưu ý phải theo hướng dẫn của lý thuyết Y học cổ truyền. Việc tự ý sử dụng hoặc mua phải các sản phẩm trôi nổi, không uy tín có thể khiến người bệnh nguy kịch do các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra.

Thắc mắc thường gặp

1. Viêm xoang trán có tự khỏi không?

Một số trường hợp viêm xoang cấp tính do virus có thể tự khỏi, người bệnh chỉ cần áp dụng một số biện pháp giảm nhẹ tại nhà cho đến khi các triệu chứng qua đi. Những bệnh nhân mắc viêm xoang trán cấp không biến chứng, tình trạng đau nhẹ và nhiệt độ cơ thể <38,3 °C có thể được theo dõi tại nhà mà không cần điều trị bằng kháng sinh. Người bệnh cần chú ý tất cả các triệu chứng bất thường trong giai đoạn này, nếu bệnh tiến triển nặng hơn cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời.

2. Sau điều trị viêm xoang trán có tái phát không?

Ở nhiều người, tình trạng viêm xoang trán vẫn có thể tái phát ngay cả khi đã được điều trị. Có nhiều nguyên nhân khiến viêm xoang trán tái phát bao gồm việc phẫu thuật không loại bỏ mầm bệnh hoàn toàn, môi trường sống vẫn tồn tại tác nhân gây bệnh, tiếp tục thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh. Nguy cơ tái phát viêm xoang trán cấp tính cũng tăng cao ở những bệnh nhân bị viêm mũi mãn tính, polyp và phẫu thuật xoang trước đó.

3. Tác hại của việc tự ý dùng thuốc điều trị viêm xoang trán?

Việc tự ý dùng thuốc điều trị viêm xoang trán mà không thông qua ý kiến bác sĩ có thể khiến người bệnh gặp một số tác dụng không mong muốn, thậm chí gây ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe.

Các loại thuốc kháng histamin thông thường chỉ được bác sĩ chỉ định dùng đối với viêm xoang mũi do dị ứng. Việc sử dụng thuốc kháng histamin để điều trị viêm xoang mũi cấp tính ngược lại có thể giảm khả năng thanh thải do chúng làm đặc chất nhầy.

Sử dụng thuốc co mạch nội mũi trong thời gian dài (>10 ngày) có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc và sưng niêm mạc mũi trở lại (viêm mũi do thuốc). Do đó, người bệnh nên hạn chế sử dụng thuốc thông mũi tại chỗ trong vòng <10 ngày.

Thuốc thông mũi dạng uống có một số tác dụng phụ bao gồm kích động và lo lắng, buồn ngủ và loạn nhịp tim, đặc biệt cần thận trọng ở những người mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh tăng nhãn áp hoặc phì đại tuyến tiền liệt.

Tự ý sử dụng kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Viêm xoang trán là bệnh lý tương đối phổ biến trong các vấn đề sức khỏe tai mũi họng. Đối với các triệu chứng viêm xoang trán nhẹ, người bệnh có thể chỉ cần theo dõi và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, việc điều trị viêm xoang trán không đúng cách có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Do đó, tốt hơn hết người bệnh nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được tiếp cận phương pháp điều trị mới, an toàn.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *