Viêm amidan là bệnh phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi trong cộng đồng, thường gây ra những triệu chứng đau rát họng, nuốt đau, nuốt khó, sốt, ho,… Viêm amidan thường có thể tự hết hoặc đáp ứng với điều trị bằng thuốc, nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể gây ra tình trạng nhiễm khuẩn nặng như viêm tấy quanh amidan, áp xe quanh amidan khiến bệnh nhân nuốt rất đau và khó ăn uống, hoặc diễn tiến xa hơn gây nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận. Vậy khi nào viêm amidan cần điều trị? Cách điều trị viêm amidan hiệu quả?

cách trị viêm amidan

Bệnh viêm amidan là gì?

Amidan gồm 2 tổ chức bạch huyết (lympho) nằm ở phía sau của hầu họng, cũng là nơi giao nhau của đường tiêu hóa và đường hô hấp. Đây là cơ quan giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp bằng hai cách: amidan ngăn chặn sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn, nấm và virus; đồng thời amidan tiết ra các kháng thể chống lại nhiễm khuẩn do các tác nhân gây bệnh.

Viêm amidan là tình trạng viêm và nhiễm trùng của 2 cục amidan, thường amidan sẽ sung huyết, sưng lên, có thể có kèm những hốc mủ trắng hoặc loét nông bề mặt của amidan. Biểu hiện thường gặp nhất khi viêm amidan là nuốt đau, rát họng, vướng họng, sốt, khạc đàm,… Khi nuốt cơn đau có thể lan lên tai, sưng đau hạch cổ kèm theo.

Viêm amidan có thể xảy ra nhiều lần trong năm hoặc gây triệu chứng đau họng kéo dài khiến người bệnh suy giảm chất lượng cuộc sống, ngủ ngáy, hôi miệng,… Tùy vào từng mức độ, có nhiều cách trị viêm amidan hiệu quả như thay đổi lối sống, sử dụng thuốc uống, hay phẫu thuật cắt amidan,…

banner khai trương tâm anh quận 8 mb
cách giảm viêm amidan
Viêm amidan là bệnh lý phổ biến ở trẻ em và người lớn, biểu hiện thường gặp nhất là đau họng.

Cách điều trị viêm amidan

Phương pháp điều trị viêm amidan tùy thuộc vào tình trạng viêm amidan cấp tính hay mạn tính.

1. Điều trị viêm amidan cấp tính

Khi bị viêm amidan cấp tính, người bệnh thường gặp triệu chứng rầm rộ như sốt, mệt mỏi, nuốt đau nhiều kèm sưng hạch cổ. Đa số các trường hợp viêm amidan cấp tính do nhiễm siêu vi, bệnh thường sẽ tự khỏi sau khoảng 5-7 ngày. Điều trị viêm amidan cấp chủ yếu là giảm các triệu chứng tại chỗ và uống thuốc kháng sinh trong trường hợp do vi khuẩn. Phẫu thuật cắt amidan hiếm khi được chỉ định khi amidan viêm cấp.

2. Điều trị viêm amidan mạn tính

Viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm amidan kéo dài trên 2 tuần và có nhiều đợt viêm cấp amidan xảy ra trong một năm. Biểu hiện của viêm amidan mạn tính thường không rõ ràng và trùng lặp triệu chứng với nhiều bệnh khác: hôi miệng, vướng họng, rát họng kéo dài, ho kéo dài,… Phương pháp điều trị viêm amidan mạn tính có thể kết hợp nội khoa và phẫu thuật.

Nội khoa:

Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như:

  • Thuốc kháng sinh: Đây là loại thuốc điều trị chính khi viêm amidan do nguyên nhân vi khuẩn hoặc viêm amidan bội nhiễm, giúp khỏi bệnh và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra như viêm cầu thận, viêm cơ tim, sốt thấp khớp. Nhiễm trùng amidan do vi khuẩn gây ra chỉ chiếm khoảng 15-30%. Trường hợp viêm amidan do virus thì không cần điều trị kháng sinh. Các loại kháng sinh phổ biến được sử dụng để điều trị viêm amidan bao gồm penicillin, cephalosporin, macrolid hoặc clindamycin. Người bệnh không tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. (1)
  • Thuốc kháng viêm: Loại thuốc này có thể làm giảm tình trạng viêm, sưng tại amidan giúp người bệnh bớt khó chịu. Thuốc có thể sử dụng đường uống, xịt,… Các thuốc kháng viêm được sử dụng như Corticoid (medrol), NSAIDs (Ibuprofen), kháng viêm dạng men (alpha choay)…

Phẫu thuật cắt amidan:

Trong một số tình huống nhất định, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng có thể đề nghị người bệnh phẫu thuật cắt amidan.

Thông thường, trẻ em bị viêm amidan 7 đợt trong một năm hoặc 5 đợt mỗi năm trong hai năm liên tiếp hoặc 3 đợt mỗi năm trong ba năm liên tiếp sẽ được khuyến nghị cắt amidan.

Nếu bệnh nhân bị viêm amidan nặng gây biến chứng áp xe quanh amidan, có thể cần phẫu thuật để dẫn lưu mủ từ ổ áp xe.

BVĐK Tâm Anh ứng dụng công nghệ Coblator, dao Plasma, nguồn nhiệt thấp cắt amidan giúp cầm máu tại chỗ và nhanh chóng loại bỏ tổ chức amidan quá phát. Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, không gây đau nên không làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Phẫu thuật này chỉ diễn ra khoảng 30 phút nên giúp hạn chế được lượng thuốc mê phải sử dụng. Sau phẫu thuật 3 giờ, trẻ có thể nói chuyện, ăn uống và xuất viện trong vòng 24 giờ nằm viện.

3. Các biện pháp hỗ trợ tại nhà

Bên cạnh sử dụng thuốc hay phẫu thuật, các cách trị viêm amidan tại nhà (bao gồm cả thay đổi lối sống) là một trong những biện pháp đơn giản, hiệu quả được nhiều bác sĩ khuyến cáo.

3.1 Uống nhiều nước ấm

Uống nhiều nước ấm, bao gồm cả súp hay trà nóng, có tác dụng làm dịu các cơn đau họng.

Trà thảo dược chứa các thành phần như mật ong, pectin, hoặc glycerin,… sẽ tạo thành một lớp màng bảo vệ trên màng nhầy trong miệng và cổ họng, làm dịu triệu chứng đau rát họng, hỗ trợ điều trị viêm amidan.

3.2 Súc miệng bằng nước muối

Súc miệng bằng nước muối có thể làm dịu tạm thời các cơn đau rát họng.

Có nhiều sản phẩm súc họng trên thị trường, nhưng đơn giản và phổ biến nhất là nước muối sinh lý. Bác sĩ Hữu khuyến cáo mọi người nên sử dụng loại nước muối sinh lý được bán sẵn ở các nhà thuốc. Không nên dùng các loại nước muối tự chế vì bản thân nước đó có thể đã không sạch, vô tình đưa vi khuẩn vào đường họng, miệng, thậm chí pha không đúng nồng độ có thể gây tổn thương cho niêm mạc họng, miệng. Nhiều trường hợp pha với lượng muối quá nhiều khiến niêm mạc họng bị kích ứng, hoặc lượng muối quá ít, sẽ không có hiệu quả trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm amidan.

Ngoài ra, nước muối sinh lý an toàn, lành tính, phù hợp với sinh lý cơ thể, có tác dụng rửa trôi chứ không diệt khuẩn, có thể sử dụng để súc họng hàng ngày.

Các chế phẩm súc họng có chứa thành phần diệt khuẩn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Việc lạm dụng nước súc họng sẽ làm thay đổi môi trường tự nhiên trong miệng, không mang lại lợi ích và đôi khi gây tổn thương niêm mạc vùng họng miệng của chúng ta.

Mọi người có thể súc miệng, súc họng 1-2 lần mỗi ngày để giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ, phòng ngừa viêm amidan.

Súc họng là súc sâu, khò vào thành sau họng, còn súc miệng là ngay trong khoang miệng (răng, nướu) của chúng ta. Vì vị trí sát khuẩn khác nhau nên tác dụng sát khuẩn súc họng súc miệng cũng khác nhau.

cách chữa trị viêm amidan
Súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày vừa giúp phòng ngừa, vừa hỗ trợ điều trị viêm amidan.

Hướng dẫn súc họng đúng cách:

  • Lấy một lượng nước muối sinh lý vừa đủ, khoảng 5ml.
  • Mỗi lần súc khoảng 2 phút, trong đó 3 lần đưa xuống họng, khoảng 15s.
  • Khi súc họng cần ngửa cổ lên, khò nước đến vùng hạ họng thanh quản và dùng hơi để khò đẩy lên.
  • Sau khi súc họng, để nguyên không súc lại bằng nước.

3.3 Hạn chế nói chuyện

Khi đã bị viêm amidan, người bệnh cần hạn chế nói chuyện để vùng họng được nghỉ ngời. Nếu phải nói nhiều trong giai đoạn này, có thể khiến triệu chứng khàn giọng, rối loạn giọng nặng hơn, thậm chí là tắt tiếng.

3.4 Tăng độ ẩm không khí

Không khí khô có thể khiến họng bị kích ứng nhiều hơn, cảm giác khô họng và đau rát hơn. Người bị viêm amidan có thể sử dụng máy tạo độ ẩm, máy lọc không khí, máy phun sương trong nhà để giảm khó chịu, đặc biệt vào ban đêm khi ngủ. Máy tạo độ ẩm hỗ trợ cải thiện triệu chứng viêm amidan do virus.

Bên cạnh đó, chúng ta nên vệ sinh các loại máy lọc, điều hòa, máy tạo độ ẩm định kỳ hàng ngày, hàng tuần để ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc, vi khuẩn có hại.

Nếu không có máy móc hỗ trợ, người bệnh có thể thay bằng các biện pháp như chườm ấm hoặc xông ấm vùng mũi họng để cải thiện triệu chứng viêm amidan.

3.5 Tránh thức ăn cứng

Ăn đồ ăn, thực phẩm cứng như bánh quy giòn, khoai tây chiên, ngũ cốc khô,… có thể gây khó chịu, kích ứng, làm xước cổ họng và kích thích hơn nữa các dấu hiệu viêm amidan.

3.6 Nghỉ ngơi đầy đủ

Viêm amidan đa phần không quá nặng, người bệnh vẫn có thể đi học, đi làm, nhưng phải chú ý nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, sẽ giúp cơ thể có khả năng chống lại nhiễm trùng, vi khuẩn, virus tốt hơn, mau hồi phục hơn.

Nếu các triệu chứng trở nặng, đau họng kèm nuốt vướng, sốt cao, sốt dai dẳng nhiều ngày, khó thở, người bệnh nên nghỉ ngơi tại nhà và đến các cơ sở y tế thăm khám để được điều trị kịp thời.

3.7 Tránh các chất kích thích

Người bệnh viêm amidan cần tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê và các thực phẩm có tính chua, cay, nóng trong thời gian bị bệnh.

Viêm amidan nên uống gì?

Bên cạnh việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể dùng một số thức uống thảo dược giúp cải thiện triệu chứng khó chịu khi viêm amidan.

1. Nước chanh mật ong

Trong các cách hỗ trợ điều trị viêm amidan tại nhà, uống nước chanh mật ong là cách phổ biến nhất, có tác dụng cải thiện triệu chứng và phòng ngừa các bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm amidan, viêm họng, ho,…

Chanh chứa nhiều vitamin C và mật ong có nhiều khoáng chất, acid amin, được ví như một loại “kháng sinh tự nhiên” giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại, tăng cường đề kháng và đẩy lùi các triệu chứng viêm amidan.

Người bệnh nên sử dụng chanh mật ong ấm để có hiệu quả tốt nhất.

cách làm giảm viêm amidan
Sử dụng chanh, mật ong, gừng, trà thảo mộc,… là những cách hỗ trợ điều trị viêm amidan hiệu quả được nhiều người áp dụng.

2. Thức uống từ gừng và các loại thảo dược

Gừng lâu nay được sử dụng như một loại gia vị, thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Gừng còn có công dụng tuyệt vời trong việc giảm đau họng, trị cảm, long đờm,…

Hoạt chất phổ biến trong gừng là gingerols và shogaols, có khả năng chống viêm, chống nhiễm trùng. Gừng còn có tính ấm, khả năng chống oxy hóa, giúp người bệnh viêm amidan nhanh hồi phục hơn.

Người bệnh có thể sử dụng gừng theo nhiều cách như dùng gừng tươi, kẹo gừng, uống trà gừng, hoặc kết hợp với mật ong, nước chanh gừng, sả gừng,…

Ngoài ra, một số loại lá có tác dụng giảm triệu chứng đau rát họng trong điều trị viêm amidan như: húng tần hay húng chanh, đinh lăng, bạc hà, rau diếp cá,…

Người bệnh viêm amidan cần lưu ý gì?

Viêm amidan là bệnh phổ biến và không nguy hiểm. Viêm amidan thường do virus gây ra và có thể tự khỏi trong vòng 5-7 ngày nếu người bệnh nghỉ ngơi và tuân thủ điều trị kết hợp áp dụng các cách hỗ trợ điều trị viêm amidan tại nhà hợp lý.

Dù đang điều trị bằng thuốc hay không, việc uống nhiều nước ấm, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh nhanh khỏi hơn.

Trường hợp viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần, amidan sưng to gây tắc nghẽn đường thở, ngủ ngáy,… bác sĩ có thể chỉ định cắt amidan. Người bệnh được điều trị ổn định tình trạng viêm cấp tính, sau đó mới tiến hành phẫu thuật.

Cắt amidan là phẫu thuật an toàn cho cả trẻ em, người lớn nếu bệnh nhân lựa chọn các cơ y tế uy tín và được tư vấn đầy đủ trước khi tiến hành phẫu thuật. Sau phẫu thuật, việc tuân thủ lối sống khoa học, tăng cường đề kháng, tiêm phòng đầy đủ, tránh các chất kích thích (rượu, bia,…) vẫn là điều cần thiết.

Khi nào người bệnh viêm amidan cần gặp bác sĩ?

cách điều trị viêm amidan
Bệnh nhi được thăm khám viêm amidan tại Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Nếu như áp dụng các cách trị viêm amidan tại nhà không hiệu quả, người bệnh nên gặp bác sĩ nếu có các dấu hiệu như:(2)

  • Viêm amidan kéo dài trên 2-3 ngày;
  • Nuốt vướng;
  • Khó thở;
  • Sưng hạch bạch huyết, đặc biệt ở khu vực xung quanh họng, miệng, cổ;
  • Sốt, ớn lạnh;
  • Đau tai, đau đầu kèm theo;
  • Viêm amidan gây biến chứng áp xe amidan. Áp xe hình thành khi ổ nhiễm trùng do vi khuẩn lan rộng sang các khu vực xung quanh. Nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng.

Với trẻ nhỏ, các triệu chứng có thể trầm trọng và gây ra nhiều biến chứng kèm theo hơn người lớn, do đó ba mẹ cần theo dõi sát các dấu hiệu như sốt, quấy khóc, bỏ bú, mệt mỏi của trẻ để có hướng xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám, điều trị viêm amidan tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ:

Bác sĩ Hữu lưu ý, hiệu quả của những cách trị viêm amidan tại nhà phụ thuộc vào thể trạng từng người cũng như nguyên nhân gây viêm amidan và tình trạng bệnh. Người bệnh viêm amidan vẫn cần thăm khám bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn hướng điều trị phù hợp, tránh điều trị chậm trễ gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt với trẻ nhỏ.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *